PDA

View Full Version : L - Lương Tâm Kitô Giáo - Bào Vệ Sự Sống



Dan Lee
09-06-2009, 06:50 PM
Theo thông lệ hàng năm, trong kế hoạch học tập năm 2009 của HĐGD Đa Minh Gp. Saigon có tổ chức khoá học CHÂN LÝ XI (vào tháng 9/2009). Chương trình học cũng lấy chủ điểm từ Thư Mục vụ 2008 của HĐGMVN : "Giáo dục gia đình". Tôi được phân công soạn tài liệu và đứng lớp 2 đề tài : 1- BỮA CƠM GIA ĐÌNH ; 2- LƯƠNG TÂM KTG – BẢO VỆ SỰ SỐNG.

BÀI 2 : LƯƠNG TÂM KITÔ GIÁO – BẢO VỆ SỰ SỐNG

DẪN NHẬP :
Ở đoạn cuối kinh CẬY, có câu “Vì Chúa là Đấng phép tắc và lòng lành vô cùng đã phán hứa sự ấy chẳng có lẽ nào sai được. Amen”. Chữ “lòng lành” chính là từ thuần Việt dịch từ chữ “lương tâm” (từ Hán Việt – “lương” : tốt lành ; “tâm” : cõi lòng). Thư Mục vụ 2008 của HĐGMVN viết : “lương tâm ngay chính và đời sống nội tâm sâu xa là yếu tố căn bản cho sự bền vững và phát triển của xã hội. Những hoạt động xã hội, văn hóa, chính trị đều phải xây dựng trên nền tảng lương tâm ngay chính mới mang lại hiệu quả tích cực. Gia đình là môi trường quan trọng và không thể thay thế cho việc huấn luyện này. Người cha người mẹ chính là những nhà huấn luyện lương tâm cho thế hệ tương lai" (số 16). Cũng vậy, trong Huấn từ tại buổi triều yết ngày 27/6/2009 của HĐGMVN, ĐTC Biển Đức XVI dạy : “Điều thật đáng mong ước là mỗi gia đình Công Giáo, khi dạy con cái sống hợp với lương tâm ngay chính, trong sự trung thành và sự thật, trở thành một tổ ấm các giá trị và các đức tính nhân bản, một trường dạy tin yêu đối với Thiên Chúa. Về phần mình, các giáo dân Công Giáo cần chứng tỏ - qua cuộc sống dựa trên bác ái, lương thiện, yêu chuộng công ích, - rằng một tín hữu Công Giáo tốt cũng là một công dân tốt. Để được vậy, Anh Em hãy chú ý giúp các giáo dân được huấn luyện tốt, thăng tiến nơi họ đời sống đức tin và trình độ văn hóa, để họ có thể phục vụ hữu hiệu Giáo Hội và xã hội” (“Chuyến viếng thăm Ad Limina của HĐGMVN“, tr.11)
Vậy, thử xét xem “lương tâm” là gì và thế nào là “lương tâm Kitô giáo” ?
I. LƯƠNG TÂM KITÔ GIÁO :
I.1. Lương tâm là gì ? : Lương tâm là cõi lòng (tấm lòng) tốt lành, chính trực sẵn có của con người. Đó là tiếng nói phát xuất tự đáy lòng như một lề luật mà không phải do bản thân tự đặt ra, nhưng vẫn luôn nhắc nhở mình phải tuân theo (“Tiếng nói ấy vang lên rất đúng lúc, kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác” – Gaudium et Spes – Hc Mục Vụ của Giáo Hội, 16). Đối với Kitô giáo, lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là nơi Thiên Chúa hiện diện trong lòng người. Ở đó, “con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ” (Hc Mục Vụ của Giáo Hội, số 16).
I.2. Lương tâm Kitô giáo : Sách “Giáo lý Hội Thánh Công Giáo” (số 1776) viết : "Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo. Tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người... Quả thật, con người có một lề luật được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người... lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ" (Hc Mục Vụ của Giáo Hội, số 16).
Chính vì thế, khi nghe tiếng lương tâm, con người có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình, và nhờ phán quyết của lương tâm, con người ý thức được những quy luật của Thiên Chúa. Lương tâm bao gồm 3 yếu tố :
I.2.1. Nhận biết các nguyên tắc luân lý : Những nguyên tắc luân lý là những quy định của luật luân lý hướng dẫn con người sống và hành động theo điều tốt lành và tránh xa những điều xấu xa, gian ác. Thiên Chúa ban tặng luân lý cho con người, thì luân lý là cái gốc, cái cơ bản phát sinh những đức tính. Vì vậy, luật luân lý là nguồn gốc của các luật lệ và được thể hiện dưới nhiều dạng thức (“Luật luân lý được thể hiện dưới nhiều dạng thức, và tất cả đều liên kết với nhau : luật vĩnh cửu là nguồn gốc thiên linh của mọi lề luật ; luật tự nhiên ; luật mạc khải gồm luật cũ và luật mới hay luật Tin Mừng ; sau cùng là dân luật và giáo luật” –GLHTCG III, số1952).
I.2.2.Áp dụng vào những hoàn cảnh cụ thể : Khi đã nhận biết các nguyên tắc luân lý, con người sẽ đem áp dụng việc cân nhắc thực tiễn các lý do và lợi ích trong những hoàn cảnh cụ thể của đời sống.
I.2.3. Phán quyết các hành vi : Sau khi nhận biết các nguyên tắc luân lý và đem áp dụng những nhận biết ấy vào đời sống cụ thể, cuối cùng lương tâm sẽ đưa ra phán quyết về các hành vi cụ thể sắp làm hay đã làm. Nhờ phán quyết khôn ngoan của lương tâm, con người nhìn nhận, trong thực tiễn và cụ thể, chân lý điều thiện đã được lý trí nêu lên. Người khôn ngoan là người chọn theo phán quyết này.
I.3.Huấn luyện lương tâm : Lương tâm chỉ có một dạng thức duy nhất, đó là tiếng nói chân thực phát xuất tự đáy lòng, ngay khi gọi tiếng nói ấy là lương tâm (cõi lòng ngay thẳng, trong sạch, tốt lành), cũng đủ rõ tự bản chất lương tâm là hoàn toàn tốt. Tuy nhiên, có thể vì những hạn chế do kém hiểu biết, do tập quán, hoặc do những hấp lực vật chất mạnh hơn, lấn lướt hoặc đè nén, thậm chí do áp lực của những mưu đồ chính trị, khiến cho lương tâm có những phán đoán sai lệch, lầm lỗi. Vì thế nên khi bị “tiền bạc, danh vọng, vật chất che mờ lý trí”, dẫn đến những hành động nông nổi, thiếu kiềm chế ; sau đó là một sự hối tiếc vì phạm sai lầm, người ta luôn cảm thấy “lương tâm cắn rứt”. Cũng chính vì thế nên Đông phương gọi lương tâm con người là “Thiên lương” (cõi lòng tốt lành Trời ban). Không có lương tâm xấu hay lương tâm sai lầm, mà chỉ có những phán đoán sai lầm phát xuất từ lương tâm đưa đến hành vi xấu.
Vì thế, lương tâm cần phải được huấn luyện, rèn giũa ngay từ thủa ấu thơ (“dạy con từ thủa còn thơ” – Tục ngữ VN), vì đây là giai đoạn quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách con người. Để có được một lương tâm với những phán đoán trung thực, cần học theo Đức Kitô, Đấng là Thầy Chí Thánh, lấy Lời dạy của Người làm khuôn vàng thước ngọc (“tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” – Mt, 7, 12). Và không được quên luôn tự răn đe bản thân : “không được lấy mục đích tốt biện minh cho phương tiện xấu” (GLHTCG, số 1789). Phải dứt khoát nói ‘không’ với lý luận “cứu cánh biện minh cho phương tiện”.

I.4.Gia đình và việc dạy con cái sống theo lương tâm và sự thật : Thư Mục vụ 2008 của HĐGMVN (số 16) viết : “Để cho việc huấn luyện lương tâm có hiệu quả, cần phải có sự cộng tác của mọi thành phần Giáo Hội và xã hội, vì xã hội được coi như sự nối dài của gia đình trong sứ mạng giáo dục. Thật là mâu thuẫn nếu trong nhà cha mẹ dạy con thật thà mà ra khỏi gia đình cha mẹ lại gian lận dối trá đối với những người xung quanh. Gương sáng của cha mẹ và những bậc cha anh đóng vai trò quan trọng để giáo dục lương tâm cho những thế hệ nối tiếp. Dân tộc và Giáo Hội Việt Nam trong tương lai sẽ ra sao nếu thế hệ hôm nay bàng quan nhắm mắt trước sự man trá lừa lọc ? Đó là câu hỏi khiến cho các bậc phụ huynh, các giới hữu trách giáo dục phải đặt ra một cách nghiêm túc để kịp thời tìm biện pháp cứu vãn tình thế”.
Bước đầu của công việc giáo dục phải chăng là sự bắt chước ? Trẻ em tập nói, tập đi đứng, tập cư xử giao tiếp, bước đầu đều là sự bắt chước theo người lớn. Chính vì thế, để huấn luyện lương tâm cho con trẻ, thì những bậc cha me, những anh chị trưởng thành cần phải áp dụng chặt chẽ phương pháp giáo dục ”Lý thuyết đi đôi với thực hành”. Dạy cho con trẻ làm sao thì người lớn phải áp dụng trước y như vậy, ngay từ cái nôi gia đình ra đến xã hội, Giáo Hội. Cần giáo dục cho con trẻ :
– Phân biệt được cái nào là thiện, cái nào là ác ; điều nào đúng, điều nào sai,
– Biết tránh điều xấu, điều ác và sẵn sàng làm điều tốt, điều phải,
– Tạo thành thói quen làm việc tốt, việc đạo đức, bác ái (vì thói quen là bản năng thứ hai của con người, nên khi những việc làm tốt đã trở thành thói quen, thì con người luôn luôn hướng thiện).

II. BẢO VỆ SỰ SỐNG :
II.1. Phẩm giá siêu việt của con người : Nói đến “lương tâm” con người là nói đến “phẩm giá”, bởi “Phẩm giá con người đòi hỏi sự ngay thẳng của lương tâm luân lý, có nghĩa là lương tâm phải phù hợp với lẽ phải và tốt lành dựa theo lý trí và Lề Luật của Thiên Chúa” (HĐGMVN – Bản Toát yếu Giáo lý HTCG, số 373). Và cũng bởi vì phẩm giá và lương tâm con người chính là nền tảng xác định vị trí con người trong vũ trụ. Vị trí đó là “nhân vi vạn vật chi linh” (con người cao quý hơn vạn vật), là nhân vị. Vì tình yêu, Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ, muôn loài (trong đó có loài người). Khi tạo dựng loài người, TC đã phán bảo “hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1, 28), và “Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người do chính Ngài tạo nên, con người ấy phải được tự do và đuợc hướng dẫn theo chính phán đoán của mình” (“Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo”, số 11). ĐTC Gioan Phaolô II đã viết: “Sự sống của con người là thánh thiêng, nó mang tính bất khả xâm phạm được khắc ghi trong lòng người, trong lương tâm con người” (Tđ “Tin Mừng sự sống”, số 40). Như vậy, ngay từ bản chất, con người đã có phẩm giá siêu việt, vượt trên muôn loài thụ tạo, vì đó là công trình tạo dựng kỳ diệu của Thiên Chúa.

II.2. Gia đình và sứ mạng tôn trọng, bảo vệ sự sống : Vì sự sống là ân ban của Thiên Chúa, là vốn quý giá nhất của đời người, nên ‘Sự sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ một cách tuyệt đối từ giây phút thụ thai’” (Sách GLHTCG, số 2270). Kitô Giáo không chấp nhận việc xúc phạm đến công trình tạo dựng kỳ diệu này của Thiên Chúa, dưới bất cứ hình thức nào (tự huỷ hoại, tự sát, nạo phá thai, ngừa thai bằng cách huỷ diệt trứng, tinh trùng, chết một cách êm dịu…). Khi đã biết coi trọng mạng sống mình, sẽ ý thức được sự tôn trọng tính mạng tha nhân, biết tự trọng phẩm giá con người của mình sẽ tôn trọng phẩm giá của anh em. Từ đó, người Kitô hữu sẽ tham gia công tác Tông đồ bác ái (đem lại hạnh phúc tinh thần + thể xác cho mọi người) một cách nhiệt thành và trung tín, coi việc làm này như là chính máu thịt của mình, chớ không chỉ là nhiệm vụ được trao.
Chính vì thế, con người cần phải có ý thức và trách nhiệm tôn trọng phẩm giá siêu việt ấy. Nói khác hơn, con người phải có ý thức và trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ sự sống của bản thân cũng như của tha nhân (“Con người dù đẹp hay xấu, dù thông minh hay tối dạ, đều là người đã được Thiên Chúa dựng nên và được Ngài yêu thương. Sự sống của người ấy nằm trong tay Thiên Chúa và Con Thiên Chúa đã chết trên thập giá cho người ấy. Do đó, những can thiệp của khoa học nhằm lựa chọn giới tính, những hành vi giết người như phá thai, làm chết êm dịu... đều đi ngược với phẩm giá con người và chống lại Thiên Chúa, vì chúng biến con người thành một thứ hàng hóa hay một sản phẩm thay vì là một sinh linh cao quý mang hình ảnh của Đấng Tối Cao. Những lớp giáo lý hôn nhân cần phải giúp học viên hiểu rõ giáo huấn này. Các bậc làm cha mẹ cũng cần phải hiểu biết để dạy con cái mình tôn trọng sự sống” – Thư MV 2008 của HĐGMVN, số 18)

III. LIÊN HỆ THỰC TIỄN :
Nhìn chung trong xã hội Việt Nam hôm nay và cách riêng, nơi các gia đình Kitô hữu, các bậc cha mẹ thường nại cớ bận lo sinh kế cho gia đình, nên đều phó mặc công việc giáo dục cho nhà trường, khoán trắng công việc dạy giáo lý cho các lớp giáo lý. Sứ vụ cao cả nhưng rất nặng nề của người Kitô hữu trong trách vụ của đời sống hôn nhân, đòi buộc chúng ta cần nhìn lại vấn đề "Gia đình là cái gốc của xã hội, của Giáo Hội, là cái nôi của Tình Yêu, là mái trường đầu tiên giáo dục con người". Từ đó, nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc giáo dục con trẻ về lương tâm và sự thật, về tôn trọng và bảo vệ sự sống, về đức tin và các nhân đức, đồng thời cộng tác chặt chẽ với các lớp giáo lý trong Giáo xứ, cũng như các trường học của xã hội, hầu giúp tăng trưởng và hoàn bị các nhân tố công dân tốt cho nước trần thế và Nước Trời.

KẾT LUẬN :
Trong bài giảng qua hệ thống vô tuyến truyền hình cho đám đông tụ tập tại Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe tại Mexico City vào ngày 19/01/2009 (sau Thánh Lễ bế mạc Đại Hội Gia Đình Thế Giới lần thứ 6), ĐTC Biển Đức XVI khẳng định : "Đặc tính của sự thân mật và tình yêu của một cộng đồng gia đình rất cần thiết. Chính trong mái ấm gia đình, con người mới được học hỏi để thực sự biết sống, biết tôn trọng đời sống và sức khỏe, tự do và hòa bình, công chính và chân lý, công việc, sự hòa điệu và tôn kính." (Trang bài vở - <Thanhlinh.net>). Ý thức rõ vấn đề, các bậc phụ huynh trong các gia đình Kitô hữu phải coi trọng việc giáo dục và thực hành sống theo lương tâm ngay thẳng và sự thật, đồng thời biết tôn trọng và bảo vệ sự sống của bản thân cũng như của tha nhân.

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1- Lương tâm là gì ? Thế nào là lương tâm Kitô giáo ?
2- Với cương vị và trách nhiệm của những bậc phụ huynh đối với vấn đề "sống theo lương tâm và sự thật" như Thư MV 2008 của HĐGMVN yêu cầu, theo anh (chị) thì nên thực hiện như thế nào ?
3- Phải chăng những bất công, gian lận, lừa đảo xảy ra trong xã hội xuất phát từ chính nền giáo dục quốc gia, mà trong đó gia đình cũng chịu một trách nhiệm không nhỏ ? Như vậy, có cần phải đặt ra vấn đề giáo dục và rèn luyện lương tâm ? Theo anh (chị) thì nên rèn luyện như thế nào và bằng cách nào ?
4- Tại sao phải tôn trọng và bảo vệ sự sống ? Phân tích và chứng minh.
5- Anh (chị) hãy cho biết quan điểm của Kitô giáo về vấn đề tôn trọng và bảo vệ sự sống. Theo anh (chị) thì giáo dục vấn đề này như thế nào cho có hiệu quả ?

JM. Lam Thy ĐVD, OP.