PDA

View Full Version : C - Câm Điếc Thể Lý và Câm Điếc Tâm Linh



Dan Lee
09-05-2009, 11:30 PM
CÂM ĐIẾC THỂ LÝ và CÂM ĐIẾC TINH THẦN

============================= Mc 7:31-37



Thuở thiếu thời, khi còn là một cậu bé giúp lễ tại một xứ đạo vùng ngoại ô Saigon, tôi may mắn được tháp tùng vị Cha Sở kính mến, theo Ngài về thăm gia đình Bà Cố ở Lái Thiêu, Bình Dương. Ngài dẫn tôi ra vườn cây ăn trái quanh thổ cư: đầy “hoa thơm cỏ lạ”, nào mít xoài, sầu riêng, nào chôm chôm mãng cầu…Đặc biệt, sau đó tôi theo Ngài đến thăm Trường Câm Điếc Lái Thiêu gần khu vực nhà thờ giáo xứ: nơi có các Soeurs Saint Paul đang chăm sóc khoảng 200 trẻ em bị câm, điếc.

Vào quan sát sinh hoạt trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, điều ngạc nhiên trước mắt đập vào mắt tôi là các em câm điếc nói chuyện với nhau bằng ký hiệu riêng, dùng những ngón tay chỉ trỏ để biểu hiện tư tưởng mà các em muốn diễn đạt. Nghe các Soeurs thuật lại các trẻ này bị khuyết tật phát sinh từ những hoàn cảnh sống khác nhau trông rất tội nghiệp. Đặc biệt, có một em bị câm điếc tự bẩm sinh: lưỡi dính vào nướu nên ngọng ngịu khó nói, tai em bị điếc do dây trung khu thần kinh thính giác nối liền với não gặp sự cố trầm trọng, các Soeurs bèn liên lạc cơ quan từ thiện bên Pháp giúp chữa trị em miễn phí. Tạ ơn Chúa, sau một thời gian chẩn đoán và thuốc men hữu hiệu, em bé ấy đã nghe và nói được rõ ràng.

Câm và Điếc là hai thực trạng gây đau khổ, phiền toái cho cuộc sống con người. Người Việt Nam mới nhập cư vào Mỹ, ai ai cũng gặp hai trở ngại: có nghe mà không hiểu lời người bản xứ nói, có nói ra thì người bản xứ không biết mình nói gì. Hàng rào ngôn ngữ cách biệt tưởng gần hoá ra xa, sự nối kết thân thương tưởng giản đơn bổng trở nên phức tạp. Không nói được và không hiểu đúng: thật khó xử cho sinh hoạt đời thường.

Chúa Giêsu hôm nay đã thấu hiểu và cảm thông cho những chướng ngại ấy nơi bệnh nhân câm điếc miền thập tỉnh. Nghe biết quyền năng và uy danh Chúa, người thân bèn giới thiệu và đưa anh đến gặp Ngài. Chúa ra tay chữa lành bệnh câm điếc trong anh. Anh nghe và nói được, không ngớt cất lời ca tụng tình thương Chúa khắp muôn nơi.

A. Sự cần thiết của tai nghe, miệng nói.


1.Nghe và Nói là hai kỹ năng quan trọng của cuộc sống làm người.
Sống mà nghe không rõ, nghe không hiểu: dễ bị lầm lẫn, vô tình nên trò cười cho người khác.
Giao tiếp với nhau mỗi ngày, mà không nói ra được cho người ta biết mình cần gì, muốn gì rõ là cơ cực biết bao. Thế nên, nghe hiểu và nói đúng: thật là hồng ân to lớn Chúa ban cho mỗi người.

2. Nghệ thuật chỉ huy đòi hỏi người lãnh đạo phải sống cương nghị: ăn nói mạnh dạn, có sức thuyết phục; điều hành công việc khéo léo bằng cách lắng nghe thuộc cấp và hướng dẫn họ vào đường hướng chung tốt đẹp. Một danh nhân Việt Nam thời xưa đã khẳng định: “Làm trai nước Nam phải ăn to nói lớn, đi đánh Đông dẹp Bắc; chớ không bao giờ chịu làm thân nô lệ, luồn cúi người ta”.

Lắm kẻ tự biết mình không có sở trường về ăn nói, đã không dám nhận trọng trách nặng nề.

+ Môsê được Giavê Thiên Chúa chọn làm người chăn dắt, lãnh đạo dân Israel ra khỏi Ai Cập.
Ông sợ hãi và thân thưa với Chúa: “Con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng
cứng lưỡi”(Xh 4:10). Chúa đã hứa Ngài sẽ ở bên ông thường xuyên, giúp ông chu toàn sứ
mạng dẫn dắt dân Israel lên đường vế Đất Hứa.

+ Isaia tuy được Chúa chọn làm tiên tri, rao giảng sứ điệp Ngài song ông cảm thấy mình bất
xứng. Ông đã phải thổn thức kêu lên: “Khốn thân con, con chết mất! Vì con là người có môi
miệng ô uế, con lại ở giữa một dân môi miệng ô uế” (Is 6:5). Chúa đã sai thiên thần gắp
than hồng chạm vào môi ông giúp thanh tẩy Isaia và sai ông đi.

+ Giêrêmia được Chúa thánh hoá ngay từ trong bụng mẹ. Ngài đã chọn ông làm ngôn sứ cho
chư dân. Nhưng Giêrêmia cảm thấy mình bất tài vô dụng, đã than van cùng Chúa: “Ôi lạy
Chúa là Chúa Thượng con, con đây còn quá non trẻ, con không biết ăn nói” (Gr 1:6). Chúa
liền đặt tay chạm vào miệng Giêrêmia giúp ông can đảm sống trọn vai trò tiên tri của Chúa.

B. Chúa muốn hoàn thiện mọi cơ năng bất toại trong con người.

1. Người ngoại giáo câm điếc hôm nay đã nhiều năm sống trong nỗi khổ cực triền miên.


+ Miệng câm: lưỡi anh như bị sợi dây vô hình trói buộc, nói không ra hơi.
+ Tai điếc: màng nhĩ anh như bị một cánh cửa khoá chặt, không thể nghe được gì.
Không hiểu và nghe được những gì người khác nói chẳng khác nào người chung quanh
không ai hiểu những điều mình muốn nói.


2. Chúa đã xuất hiện đúng lúc, giúp hoàn thiện mọi cơ năng còn khiếm khuyết trong con
người bị câm điếc.


+ Ngài thực hiện lời Isaia đã tiên báo xưa kia: “Đừng sợ! Này Thiên Chúa đến cứu thoát
ngươi. Mắt người mù sẽ sáng lên và tai người điếc sẽ mở ra. Lưỡi người câm sẽ nói ra
và chân người què sẽ nhảy nhót như nai”(Is 35:4-6).
+ Lòng thương xót của Chúa xua tan mọi đau đớn trong cuộc sống phàm trần:

* xưa kia: thân xác anh được tạo dựng có tai để nghe nhưng không được nghe;
toàn thân anh được tạo dựng có lưỡi để nói, song không được nói;
con người anh được tạo dựng có miệng để ca hát nhưng không được hát.
* nay Chúa đến: chữa lành tình trạng câm điếc trong anh, tháo gỡ xiềng xích bệnh tật
trói buộc anh lâu nay.

Quả thật: Chúa là Thiên Chúa của tình thương, Ngài làm mọi sự tốt đẹp cho kẻ tin mến Người.

C. Con người vẫn còn bị câm điếc về tâm linh.

Đôi khi nhìn lại con người mình, ta cảm nhận bản thân ta còn khá nhiều may mắn: có đủ đôi tai để nghe, không thiếu miệng lưỡi để nói và ca tụng. Song le trong thực tế: lắm lúc mình có tai mà vẫn điếc, có miệng lưỡi nhưng vẫn câm. Tại sao? Vì ta bị câm điếc về tinh thần, về tâm linh, về đời sống siêu nhiên.

1. Ta thường bị Câm Nín khi:


+ Vào nhà Chúa, không cầu nguyện hướng tâm lên Chúa, lại thích nói chuyện riêng tư.
Dự Thánh Lễ, không hát ca xướng đáp Lời Chúa nhưng luôn miệng gièm pha phê bình
người này, khó chịu chỉ trích việc nọ..
Làm cha mẹ: không khuyến khích con cái dự lễ hàng tuần, không ghi danh cho con học
Giáo Lý, không động viên con cái tham gia sinh hoạt đoàn thể, không giúp con sống đời
luân lý đạo đức tốt đẹp. Mình lơ là trách nhiệm giáo dục con, không nói lời khôn ngoan,
hiểu biết việc Đạo mà hướng dẫn con cái.
+ Làm chủ chăn: linh mục đam mê những giải trí riêng tư, không bám sát khơi động mọi
sinh hoạt sống đạo giúp đàn chiên thăng tiến đức tin.


2. Ta cũng dễ bị Điếc Đặc khi:


+ Tai mình làm ngơ, lơ là trước những lời kêu gọi đóng góp giúp người hoạn nạn, từ chối
mọi công tác thiện nguyện của Cộng Đoàn.
+ Ta không thực tâm lắng nghe lời Chúa dạy, qua: Kinh Thánh, Giáo Huấn Giáo Hội, Giáo Lý của Chúa, tiếng nói Chủ Chăn, khuôn vàng thước ngọc bậc thánh hiền…
+ Là con cái: mình bỏ qua lời góp ý của Cha Mẹ, coi thường luật Giáo Hội dạy về đời
sống hôn nhân, không hề quan tâm đến lễ lạy với Chúa, giao tế với người người..
Ta luôn có thời giờ để nghe nhạc thính phòng, xem Chat trên internet, nghe lời nhắn
voicemail, message trong Cell phone…nhưng buồn thay, ta lại không có giờ để hồi tâm
nghe Chúa nói, để trực diện đàm thoại cùng Người.

D. Lời Nguyện kết.

Lạy Chúa!
Xin mở rộng mắt con để con quan chiêm những kỳ công của Chúa trong vũ trụ.
Xin mở rộng tai con để con nghe rõ những lời thì thầm của Ngài trong đêm vắng.
Xin mở rộng lưỡi con để con biết nói những lời Chân Lý Chúa cho muôn người. Amen.


Dominic Dieu Tran, SDD.