PDA

View Full Version : DĐ - Dòng Nước Trường Sinh (2)



Dan Lee
09-04-2009, 10:25 PM
Dòng Nước Trường Sinh (2)

( Tiếp theo)

Buỗi chiều, chúng tôi thăm viếng Cappernaum, nơi có hội đường rộng lớn ngày xưa, Chúa Giêsu đến rao giảng và chữa lành nhiều người bệnh, danh tiếng của Ngài cũng được loan truyền từ thành phố nầy lan ra khắp vùng Galilê trong thời kỳ bắt đầu rao giảng Tin Mừng. Hội đường danh tiếng ngày xưa, giờ còn lại trơ vơ nền đá và hàng cột vĩ đại, lưu dấu một đền đài vang danh với những lần chữa bệnh và trừ khữ thần ô uế của Ngài.( x Mc 21-28). Cha hướng dẫn nhắc đến chi tiết trừ quỉ của Chúa ngay trong hội đường là nơi tụ tập những người xem là thánh thiện, nói lên tình trạng suy đồi ẩn khuất trong tôn giáo, ít ai ngờ. Chỉ có Thiên Chúa mới đủ quyền năng trừ khử nó, thần ô uế, thứ quỉ ma tinh ranh ẩn núp dưới hình thức tôn giáo để hại người. Lời nói như một mặc khải cho tôi về tình trạng đáng buồn đã xẫy ra trong Giáo Hội, làm vẫn đục uy danh của Hội Thánh mà ma quỉ dùng để đánh phá niềm tin của con người thời nay. Tôi chợt nghĩ về thời kỳ đen tối mà các Thánh Thư nhắc nhở, để nhớ lại Lời Chúa cảnh báo về tỉnh thức và cầu nguyện trong thời chiến đấu quyết liệt với kẻ thù đầy mưu mô, đối nghịch cùng Thiên Chúa.

Chúng tôi đến thăm ngôi nhà thánh Phêrô, di tích chìm sâu dưới đất, được khai quật và gìn giữ như một bảo tàng. Chiều lại, chúng tôi trở về Nazareth, vùng quê nghèo ngày nào Chúa đã sống suốt thời thanh thiếu niên với Mẹ Ngài và Thánh Giuse. Thành phố Nazareth bây giờ cũng không lớn lắm, nhà cửa nhỏ nhắn xây san sát khắp nơi, trên núi, dưới đồi, không theo một qui trình nào, giống giống thành phố núi Đà Lạt của tôi ngày trước. Những căn nhà hiện đại giữa lòng phố cũ kỷ, nối kết bằng những con dốc nhỏ, quanh co, cho tôi nhìn thấy hình ảnh thôn làng của bác thợ mộc Giuse trong xóm nhỏ.

Từ Nazareth, chúng tôi đi thăm đền Truyền Tin, xưởng mộc thánh Giuse, nhà Đức Mẹ và vùng Cana, nơi Chúa làm phép lạ đầu tiên theo lời xin của Đức Mẹ, hóa nước thành rượu ngon giúp cho đôi tân hôn non kém đã để thiếu rượu trong tiệc cưới. Nghi thức một đời thệ hôn được các đôi vợ chồng trong đoàn cữ hành tại đây. Những lời đoan hứa Hôn Phối được các anh chị nhắc lại long trọng và cảm động ngay trên miền Cana, chắc chắn sẽ là một dấu ấn tốt đẹp cho đời sống hôn nhân của các anh chị bây giờ và về sau.

Tại Nazareth, chúng tôi gặp một nữ tu Việt Nam, soeur đã sống với đất nước Do Thái khoảng 30 năm, cùng sinh hoạt hằng ngày với những người khác ngôn ngữ, khác màu da, mà ai ai cũng thương mến soeur. Ở đây, đi đâu hỏi soeur Têrêxa, hầu như ai cũng biết. Ngày chia tay, soeur tặng cho mỗi người chúng tôi một bịt hạt cải làm quà. Được nhìn tận mắt cây cải cao lớn gần bằng một cây ăn trái nhỏ, được cầm trong tay những hạt cải bé li ti như những hạt cát mịn, tôi mới hiểu sự so sánh của Chúa về Đức Tin, lạ lùng. Con cám ơn ma soeur thật nhiều, đã cho con những hạt cải nhỏ bé, nhưng đã làm mọc lên trong con bóng mát Đức Tin rộng đủ, nên sức mạnh làm hành trang cho những ngày kế tiếp trong đời sống của con. Con cũng cám ơn các cha trong ban tổ chức, cha linh hướng và cha hướng dẫn, đã cho chúng con cơ hội gặp gỡ và thăm viếng tận mắt những nơi ghi dấu cho hành trình Đức Tin của chúng con. Mỗi ngày sau cơm tối, dù thấm mệt, chúng tôi họp lại chia sẻ cho nhau những cảm nghiệm, như những món quà tinh thần đã góp nhặt trong những ngày hành hương quí giá. Cám ơn tình đồng hành của các anh chị em.

Buỗi chiều ngày thứ năm, chúng tôi lên núi Tabor, thăm viếng đền thánh Chúa Hiển Dung. Tôi không biết ngày xưa Chúa và ba môn đệ thân tín lên núi có mệt nhọc lắm không vì núi khá cao, hơn 800m, chúng tôi phải di chuyễn bằng taxi trên sườn núi quanh co như lên đèo Ngoạn Mục. Đền thờ nguy nga được xây cất trên đỉnh núi bằng phẳng, hàng mấy thế kỷ trước, được bảo trì tốt nên các dấu tích, tranh ảnh còn được gìn giữ khá chu đáo. Có một đoàn hành hương gồm các bạn trẻ người Âu Châu đang cắm trại ở đây. Tiếng cười, tiếng hát, tiếng đàn guitar bập bùng vui như hội, làm phấn khởi lòng người. Ai nói tuỗi trẻ mất niềm tin, cứ nhìn đám bạn trẻ nầy vai đeo balô, chân đi bata, leo núi bằng đường bộ và sinh hoạt trong lều trại giữa thời tiết nóng cháy như vậy đủ thấy niềm tin chuyễn núi dời non nơi họ.

Cha hướng dẫn đưa đoàn thăm viếng khắp nơi trong đền thánh. Đây là nhà nguyện kính ông Môi-sê, kia là nhà nguyện kính tiên tri Êlia, những nhân vật Cựu Ước đã hiện ra đàm đạo với Chúa lúc Ngài hiển dung. Cha nói với chúng tôi về hiển dung, một biến đổi ngoại hình từ sức mạnh tinh thần bên trong mà các môn đệ đã nhìn thấy nơi Chúa Giêsu. Và hiển dung của chúng ta, những tín hữu hôm nay, là những biến đổi trong lúc khổ đau, bệnh hoạn, hay cả tội lỗi, cũng không thể nhận chìm chúng ta xuống, nhưng chúng ta vẫn vươn lên được trong Ơn Chúa. Ôi, lại những lời nói đánh động mạnh mẽ vào tâm hồn của chính tôi. Cám ơn những linh mục của Chúa, những người tiếp tục công trình xây dựng Sự Sống đời đời của nhân loại ngay trên trần gian, trong đường lối đầy yêu thương của Đấng Cứu Thế.

Ngày thứ sáu, chúng tôi thăm viếng dòng sông Jordan, nơi Chúa chịu phép rửa của thánh Gioan. Dòng sông đẹp, uốn khúc qua những bờ rợp bóng cây xanh, cho dòng nước thêm nét quyến rũ, nên thơ, nhất là trong ánh trời chiều. Rất đông người tới đây, ai cũng bước xuống dòng nước hiền hòa của dòng sông lịch sử, mong thanh tẩy tâm hồn. Nhiều anh em Tin Lành cữ hành nghi thức dìm xuống nước, làm chứng cho lòng tin mãnh liệt. Đoàn chúng tôi cũng bước xuống nước để nhận phép rửa từ tay các linh mục, tỏ lòng sám hối. Không thể dững dưng trên dòng nước tái sinh, nhóm nhỏ chị em chúng tôi ngồi lại cầu nguyện bên dòng sông in bóng mây trời, cho lòng nhẹ vương lời chúc tụng Chúa Toàn Năng trên dòng nước tưới mát tâm hồn.

Chúng tôi tiếp tục đi, qua nhà thờ kính thánh Gioan Tiền Hô, nhà thờ Kinh Lạy Cha, và nhiều nhiều nữa những nơi lưu dấu Đức Tin. Có nơi có bảng lưu niệm bằng tiếng Việt, xen lẫn trong những bảng ngoại ngữ khác bằng đủ thứ ngôn ngữ trên thế giới, có nơi không, nhưng bất cứ nơi nào đến cũng để lại trong tim tôi một dấu ấn nào đó của Đức Tin sống động, chạm tới được, lắng nghe được bằng giác quan của chính tôi.

Bốn ngày cuối cùng của chuyến hành hương, chúng tôi trở về Jerusalem, thành đô muôn thưở. Trên đường về Jerusalem, chúng tôi ghé thăm núi Carmel, nhà thờ Sao Biển và thành phố cổ Caesarea với đại hí trường nổi tiếng còn lưu dấu hôm nay. Đường về Jerusalem, chúng tôi nhìn thấy dấu tích của thành phố cổ, thánh đô cách đây 2000 năm trước ẩn hiện trong thành phố hiện đạI với những kiến trúc như bất cứ thành phố văn minh nào trên thế giới. Hình như chỉ có nơi nầy, những dấu tích cũ và mới chen lẫn, hòa quyện vào nhau như giòng sống nhiệm mầu. Có lẽ không có nơi nào trên thế giới mà hai thành phố cổ xưa và hiện đại xuất hiện cùng lúc. Chúng tôi đến Bức Tường Than Khóc. Chúng tôi có thể đi bộ trên những lối đá mòn nhẵn cổ xưa, qua những con phố cũ buôn bán nhộn nhịp như thưở nào, hay di chuyễn trên những xa lộ thẳng tắp hiện đại nối liền nơi nầy đến nơi khác.

Chúng tôi đi viếng Bethlehem nơi Chúa sinh ra trong đất Palestine, dâng Thánh Lễ tại một trong những hang mục đồng ngày trước. Không biết ngày chúng tôi đến Bethlehem có cuộc họp các yếu nhân nào, mà đường phố đầy lính gác. Những người lính mặc quân phục rằn ri, tay bồng súng lắp đầy đạn trong tư thế sẳn sàng tác chiến, đóng chốt khắp nơi, làm tôi nhớ lại hình ảnh những ngày Tết Mậu Thân ở quê hương tôi. Đoàn chúng tôi phải đi bộ từ xa để đến đền thánh Bethlehem, bị đuỗi chận từ đường nầy qua đường khác, làm vất vả những người có vấn đề sức khỏe trong đoàn. Tiếng quát: “Canadians, stay here!”, chận chúng tôi lại, cha hướng dẫn lại phải trình báo và giải thích. Một anh trong đoàn lên tiếng phản đối vì đã quen với tự do nơi chúng tôi đang ở. Anh chị em trong đoàn lật đật ngăn can: “ Thôi, đừng cự họ nữa, ráng nghe lời họ cho qua cái ải nầy đi !”. Đây là đất nước chiến tranh, họ đang thiết quân luật chớ đâu phải đất Canada tự do đâu, nói chỉ thêm phiền. Tôi nghĩ về hai chữ Tự Do. Người ta cho rằng Tự Do là không bị ở tù do phạm pháp, cũng có người cho Tự Do là muốn làm gì thì làm theo sở thích và lòng ước muốn. Riêng tôi, Tự Do có nghĩa là thoát khỏi những ràng buộc vật chất hay tinh thần, không bị chùn bước trước những trở ngại trên đường tiến về Sự Sống thật là Chân Lý vĩnh cửu nơi Thiên Chúa, Đấng là Sự Sống vô biên, Sự Sống thật đời nầy và đời đời, với tôi đấy cũng là Hạnh Phúc. Nên Tự Do, đối với tôi, là con đường tiến về Hạnh Phúc bất diệt là chính Thiên Chúa Sự Sống. Trong định nghĩa nầy, Chúa Giêsu thật sự là Đấng giải thoát tôi, là Cứu Chúa của tôi. Những người lính trong thành phố Bethlehem ngày hôm đó cho tôi nhìn thấy rõ nét hơn về quyền hành của con người và quyền năng của Thiên Chúa. Những người, thật ra, chẳng có quyền hành gì cả, nên họ phải tạo quyền hành bằng luật lệ và bằng vũ khí của bạo lực. Trong khi một Thiên Chúa đầy quyền năng, Đấng có quyền trên sự sống và sự chết, lại âm thầm đến với nhân loại trong thân phận một bé thơ yếu đuối, nhưng mang quyền lực vô song của Tình Thương. Hai hình ảnh đối nghịch, tương phản, dễ để tôi so sánh, tìm ra Sự Thật, Chân Lý ở đâu.

Bài giảng trong Thánh Lễ tại hang mục đồng, cha hướng dẫn đưa chúng tôi về lại hình ảnh các anh hài bị vua Herode ra lệnh giết do lòng tham lam quyền hành thế gian. Ngày nay, các thai nhi cũng bị giết do lệnh truyền của một ai đó, một quyền hành nào đó trong xã hội loài người. Quyền hành thế gian chỉ giết chết con người bằng bạo lực của nhiều hình thức. Quyền năng Thiên Chúa cứu sống con người bằng Tình Thương công chính, vô biên. Hai thái cực tương phản, cách xa nhau như trời và đất giữa Thiên Chúa và con người; như hai chiều hướng đối nghịch giữa Đấng Cứu Thế và tên thủ lãnh thế gian. Bài hát Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sanh ra đời được chúng tôi hát lên để nhớ lại một đêm đông nhiệm mầu, đêm đông Tình Yêu, trong tiếng khóc sướt mướt của một ai đó làm tâm hồn tôi chùng xuống, băn khoăn.

Có buỗi chiều, ngồi trên những phiến đá sau dinh Cai-pha, chúng tôi hát với nhau những bài thánh ca thống hối, khi các linh mục trong đoàn giúp chúng tôi xưng tội. Chúng tôi làm hòa với Chúa ngay tại nơi mà xưa kia thánh Phêrô vì yếu đuối đã chối Thầy. Những lời hát đơn sơ, cất lên giữa đất trời mênh mang như từ 2000 năm trước, cho những giọt nước mắt tuôn rơi trong chiều nhạt nắng. Bên kia là thành Jerusalem sừng sững ghi dấu tích ngàn năm của yếu đuối lỗi lầm tìm ơn tha thứ. Tiếng gió lao xao như quyện về những lời ăn năn và những giọt nước mắt ngày nào, đưa chúng tôi vào niềm cậy trông vững bền trong Tình Chúa trung kiên.

Cao điểm của chuyến hành hương là viếng đường Thập Giá, đỉnh Golgotha và Mộ Chúa. Sau Thánh Lễ sáng ngày thứ tám tại một nhà nguyện trong khu vực Mộ Chúa, chúng tôi xếp hàng để vào kính viếng Ngôi Mộ ấy. Với tôi, hình ảnh ngôi Mộ trống không phải là dấu hiệu tang thương, nhưng là dấu chỉ Phục Sinh, nhưng sao lòng vẫn cứ bồi hồi khi quì bên Mộ Chúa. Tôi xếp hàng đến hai lần để được vào trong Ngôi Mộ thêm lần nữa. Khi bước ra, tôi nhìn thấy một chị bạn trong đoàn đang quì trước mộ, phủ phục sát đất để nguyện cầu. Tôi thật sự xúc động khi nhìn thấy hình ảnh ấy. Tôi đã nhận xét lầm về người bạn nầy, cho rằng chị là người hời hợt chỉ biết đùa cợt với những lời phát biểu linh tinh, chọc cười người khác. Giờ nhìn chị phủ phục trầm lắng cầu nguyện giữa đám đông, một cữ chỉ cầu nguyện tôi rất thích, nhưng chỉ dám làm trong nhóm nhỏ, hay nơi riêng tư. Tôi đã không bằng chị, chị đã chọn phần hơn.

Cha dẫn chúng tôi xuống hầm đá giam giữ Chúa trong đêm Ngài bị nộp. Những thềm đá âm u, chơ vơ dẫn xuống căn hầm ẩm thấp dưới dinh Philatô là nơi đã nhốt Chúa của tôi nữa đêm về sáng, sau khi bị dẫn độ từ dinh Cai-pha về đây chờ xét xử. Cha chỉ cho chúng tôi chiếc cột đá to trước hầm tối: Nơi nầy Chúa bị cột lại để họ đánh đòn, nơi nầy Chúa bị sỉ nhục. Tôi nghe đau cái đau nhục nhã tinh thần, khi nhớ đến những đau đớn thân xác Chúa đã chịu. Ôi con người ác độc, luôn lấy những đau đớn của người khác làm vui.

Tôi theo đoàn bước lên những bậc cầu thang bằng đá đã mòn nhẵn, dẫn lên Núi Sọ. Khi xếp hàng chờ đợi để được vào dưới chân Thánh Giá, tôi đứng trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy tượng Đức Mẹ sống động như ở đây, mắt Mẹ hoen lệ u buồn, đau đớn pha chút hoảng hốt thương tâm. Một lưỡi gươm thật dài đâm thấu trái tim, cho nổi đớn đau của Mẹ như tràn qua tim tôi. Tâm hồn tôi mềm nhũn trong lời nguyện âm thầm. Mẹ ơi, dưới chân Thập Giá, Mẹ là Mẹ của con. Xin đón nhận con vào trái tim đau khổ của Mẹ, để con được chia sẻ phần nào những đớn đau trong tim Mẹ. Dưới chân Thập Giá, khi cúi xuống hôn kính dấu tích nơi Thánh Giá cắm vào lòng đất, tôi bật khóc nức nở không dằn được. Nước mắt tuôn chãy và tiếng nấc bật lên, nghẹn ngào trong tiếng thì thầm: “ Thầy ơi ! Xin thương xót con !” Vì không được quì lâu nơi nầy, tôi lùi ra, bước vào một xó bên trong mà khóc. Niềm đau đớn âm thầm như xé tim tôi ngàn nỗi, tôi không cầu nguyện được gì cả, không một lời, chỉ có nước mắt tuôn rơi. Ôi mầu nhiệm Thánh Giá ngàn đời vẫn sống giữa thế gian.

Đường Thánh Giá được chúng tôi bước theo cha hướng dẫn đi qua phố chợ nhốn nháo, ồn ào của con người. Chúng tôi quì xuống, đứng lên trong những lời nguyện tha thiết, mặc cho chung quanh tôi là những người đang buôn bán, mặc cả đời thường. Hình ảnh sống động của đường Thập Giá trong đời thường, lần đầu tiên tôi cảm nhận, bước đi trên đường khổ nạn của Đấng Cứu Thế, với Đấng Cứu Thế. Chúa của tôi không phải là vị Chúa xa vời, nhưng Chúa của tôi vẫn sống với tôi, cùng bước đi với tôi trong ngàn nỗi gian truân, khốn khó trong đời sống nầy, trên những lối đi của con người.

Buỗi chiều cuối cùng ở Jerusalem, cơ duyên nào dẫn tôi theo nhóm cầu nguyện được cha hướng dẫn đưa lên đền thờ Mộ Chúa lần nữa. Tôi được đến viếng Núi Sọ lần thứ ba trong buỗi chiều không định trước. Đáng ngạc nhiên, Núi Sọ chiều hôm ấy vắng hoe, không ai xếp hàng dưới chân Thánh Giá, nhóm chúng tôi 11 người lần lượt vào hôn kính Thánh Giá mà không phải chờ đợi. Tôi bước ra, quì trước Thánh Giá Chúa hàng giờ để chiêm ngắm và cầu nguyện. Tôi lắng nghe, Lời Ngài như nói với tôi từ Thánh Giá: “ Này con, vinh quang của Thầy là Thập Giá, và chiến thắng của Thầy xem chừng là một thất bại dưới mắt thế gian. Muốn theo Thầy, con chọn vinh quang của thế gian hay chiến thắng của Thập Giá ? ”

Lạy Chúa Giêsu, con biết không phải tình cờ mà con được đến dưới chân Thánh Giá Chúa lần thứ ba trong chuyến hành hương nầy, nếu không do Chúa mời gọi và ban ơn ấy cho. Con cám ơn Chúa vẫn dành cho con Tình Thương cao cả, mở mắt cho con nhìn thấy những vấn đề của đời sống không còn theo góc độ của thế gian, nhưng được nhìn theo ánh mắt từ Thập Giá. Lạy Chúa là Thiên Chúa của Sự Sống, đã để cho con người ngu muội lên án tử đóng đinh, để chỉ cho họ và cho con, con đường về cõi Sống bằng Thánh Giá của Chúa. Ôi quá cao vời mầu nhiệm Cứu Độ của Thập Giá, con hết lòng tôn kính, hết lòng thờ lạy, hết lòng mến yêu!

Chuyến hành hương nầy tôi không có nhiều hình ảnh ghi bằng digital camera, nhưng những hình ảnh sống động của những ngày hành hương quí giá đã in sâu vào tâm khảm, để lại trong tim tôi những dấu ấn không phai.

Ghi lại như lời cám ơn của con kính gỡi cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết, hướng dẫn đoàn.

Các cha tổ chức và linh hướng cho đoàn hành hương Thánh Địa 2009.

Thân mến gỡi về các bạn trong và ngoài Câu Lạc Bộ Kinh Thánh đã cùng đồng hành

Trong Thần Khí Đức Kitô,

Mai Hoa