PDA

View Full Version : DĐ - Đôi nét suy tư về Linh Mục



Dan Lee
08-30-2009, 12:35 AM
Đôi nét suy tư về Linh Mục


“Người Linh Mục không thuộc về riêng mình. Người Linh Mục thuộc về Mẹ của của Chúa Giêsu, một lần và mãi mãi Tư Tế và Vật Hiến Tế (Priest-Victim)”. Tôi xin mượn câu cuối cùng kết thúc tác phẫm “Priest is not his own” của Đức cố Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen xuất bản năm 1963, để trình bày đôi nét suy tư của người giáo dân hôm nay về Linh Mục vì đây là năm Linh Mục, người giáo dân có nhiệm vụ cổ súy cho ơn gọi tối cao này: người trung gian dâng lời cầu xin và hiến lễ của nhân loại lên Thiên Chúa cũng như đem ân sủng và ơn phúc của Thiên Chúa xuống cho nhân loại.

Trước hết tôi xin trích dẫn vài định nghĩa về nét đẹp tuyệt vời của vị Linh Mục Công Giáo:

Thánh Inahixiô Martyr nói rằng Linh mục là phẩm cách cao quý nhất trong tất cả các tạo vật. Linh mục là vinh quang và là cột lửa của Giáo hội, là cánh cửa và là người giữ cửa Thiên đàng.

Thánh Eprem cho rằng hồng ân của giới tu sĩ vượt quá mọi sự hiểu biết.

Giáo hoàng Innocent III vị trí của Linh mục ở khoảng giữa Thiên Chúa và con người; họ nhỏ bé hơn Thiên Chúa nhưng cao trọng hơn con người.

Thánh Tôma Aquinô cho rằng phẩm cách của Linh mục vượt lên trên tất cả, dù là Thiên thần.

Thánh Augustinô nói rằng tha tội cho một người tội lỗi là công việc lớn lao hơn cả việc tạo dựng Thiên đàng và trái đất. Để tha thứ một tội, đòi hỏi phải có tất cả quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa. Hãy nhìn xem quyền năng của Linh mục.

Thánh Franxicô Assisi thường nói: nếu tôi gặp một Thiên Thần và một Linh mục cùng lúc. Trước tiên tôi sẽ quỳ gối trước vị Linh mục sau đó mới đến Thiên thần. (Có lẽ vì quá quí trọng chức Linh mục nên thánh nhân không dám lãnh nhận thiên chức này).

Thánh Ambrose cũng đã khước từ một thời gian dài, sau đó mới chịu chức Linh mục.

Thánh Alphongsô nói rằng Linh mục là người được Thiên Chúa tuyển chọn để quản lý tất cả những điều Chúa quan tâm và có ích trên mặt đất.

Peter of Blois (ở thế kỷ 16) viết “Một Linh mục có tính ưu việt của Abel, tính gia trưởng của Abraham, tính lãnh đạo của Nôe, phẩm trật của Menkisêđê, phẫm cách của Aaron, quyền lực của Môsê, sự hoàn hảo của Samuel, quyền hạn của Phêrô, được Chúa Kitô xức dầu”.

Rahner Karl, nhà thần học lớn của Giáo hội Công Giáo ở thế kỷ 20 viết trong cuốn “The Priesthood) (Đời Linh mục): ” Đời người Linh mục là đời sống của Chúa Thánh Thần, cho Chúa Thánh Thần, trong Chúa Thánh Thần nơi Giáo hội; cùng một lúc – chúng ta phân biệt được bí tích và ân sủng của bí tích – chúng ta cũng có thể phân biệt một cách đúng đắn giữa Giáo hội và Chúa Thánh Thần, cả hai không thể tách rời nhau, bởi vì đã liên kết một cách triệt để xuyên qua cuộc nhập thể vĩnh viển của Lời, dù rằng cả hai không giống hệt nhau. Trong Giáo hội này chúng ta còn có tình yêu, Linh mục và Maria, Mẹ của Thiên Chúa.”

Đức Tổng Giám mục Fulton J. Sheen, vị ngôn sứ của thời đại viết: ”Mỗi Linh mục khi chết đều mong muốn xác mình được đặt trong tay Đức Maria giống như Chúa khi xưa. Khi người ta đặt xác con mình là Chúa Giêsu trong tay, Đức Mẹ đã nói: ” Đây là Mình ta”, cũng tương tự như vậy, khi một Linh mục qua đời Đức Mẹ sẽ nói: ” Đây là Mình ta, Vật Hy Tế của ta, Bánh lễ của ta. Khi ta cưu mang Chúa Giêsu vị Linh mục trong cung lòng ta, rồi Ngài thành Vật Hy Tế. ta đã giúp Ngài, Sacerdos-Hostia (Linh Mục-Vật Hy Tế), con cũng được như vậy”. Đây là điều hết sức kỳ diệu, vì nhờ thế mà Đức Mẹ Maria hiện diện trong đời sống của từng Linh mục Công giáo. Không có Linh mục nào thuộc của riêng mình. Người Linh mục thuộc về Mẹ của Chúa Giêsu, một lần và mãi mãi là Linh mục-Vật Hy Tế.”

Thánh Alphongsô trong cuốn “Phẩm cách và bổn phận của người Linh mục “ (Dignity and Duties of the Priest) viết: ”Vì tôn trọng phẩ m cách của tu sĩ, Thánh Mary của Oignies (thế kỷ 13) thường hôn đất nơi có dấu chân Linh mục bước qua”. Thánh John Chrysostom đã đồng hóa rằng: “Ai tôn vinh Linh mục là tôn vinh Chúa Giêsu; ai nguyền rủa, nhục mạ Linh mục là nguyền rủa, nhục mạ Chúa Giêsu.”

Còn rất nhiếu ví dụ nói về phẩm cách của Linh mục, nhưng trong phạm vi bàì này tôi xin nói đến suy nghĩ của mình về Linh mục: là cộng sự viên tích cực nhất của Thiên Chúa để làm đổi thay đời sống và bộ mặt thế giới; sự cần thiết tối thiểu ắt có của người Linh mục -nhất là trong thế giới hôm nay-, mọi người chờ đợi, cầu mong: đó là sự thánh thiện. Nói đến thánh thiện chúng ta mường tượng ngay đến Đức Trinh Nữ Maria. Đức Cha Fulton Sheen giải thích rằng khi tạo dựng nhân loại, Chúa có hai bản vẽ (Blueprint) cho mỗi cá nhân, một bản vẽ người đó đang là và một bản vẽ người đó sẽ trở thành mà Chúa mong muốn. Riêng Đức Mẹ Maria Chúa chỉ có một bản vẽ duy nhất. Một bản vẽ hoàn chỉnh, tuyệt hảo do đó Chúa muốn chúng ta học tập nơi Mẹ.

Nói đến Đức Mẹ chúng ta nghĩ ngay đến “Fiat”, xin vâng. Theo tôi, cho dù có nhiều ý kiến khác nhau cho rằng Đức Mẹ được đặc ân “Vô Nhiễm” từ lúc thụ thai trong lòng mẹ, hay từ khi sứ thần Garbrien tuyên bố “Bà đầy ơn phúc”, như một loại thuốc tẩy cực mạnh xóa hết mọi tội nguợc đến tận cùng sâu thẳm là tội tổ tông, rõ ràng Đức Mẹ nói “xin vâng” vì Vô nhiễm nguyên tội. Dĩ nhiên Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ triệt để, không thể bị cám dỗ như Nguyên tổ, để đạp đầu con rắn. Cố Hồng Y John Henry Newman gọi Đức Mẹ là “Con gái của Adam và Evà không phạm tội”.

Theo tôi vì Vô Nhiễm nguyên tội nên Đức Mẹ nói “Xin Vâng” với ý định của Thiên Chúa, bởi vậy muốn trở thành “Vô nhiễm”, “Xin vâng” là phương pháp hay nhất để trở thành. Khi Vô Nhiễm nguyên tội chúng ta sẽ được sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, được hạnh phúc diện kiến thường xuyên (vinh phúc trực quan). Bởi vậy mục đích của luyện ngục có gì khác hơn là thanh luyện để chúng ta trở thành Vô nhiễm ! Được an hưởng sự sống vĩnh hằng nơi thiên quốc.

Đức Cố Giào Hoàng Gioan Phaolô II giải thích trong “Thần Học Thân Xác “ rằng: ”Chúng ta có bảy Bí tích, và Bí tích hôn phối đứng sau cùng. Nếu xét theo khía cạnh thứ tự ưu tiên, Bí tích hôn phối phài là Bí tích đầu tiên”. Hết sức chính xác vì nếu không có hôn nhân vợ chồng thì làm gì có em bé để rửa tội, có người đi tu để “Truyền chức Thánh”… Theo tôi, thông thường tu sĩ với ba lời khấn, hoặc dòng Biển Đức với năm lời khấn. Thiết tưởng theo thứ tự ưu tiên phài là lời khấn Vâng phục. Vì có nhân đức vâng phục là có tất cả, lời khấn này ôm trọn các lời khấn khác. Nếu giữ được lời khân khiết tịnh hay khó nghèo hay định sở phải chăng do vâng phục lời thề hứa mà ra !

Theo thiển ý của tôi, ma quỷ có thề làm được tất cả, nó thể gỉả dạng đạo đức, khiêm tốn, từ bi, bác ái v.v… nhưng có một điều nó không bao giờ làm được đó là “Vâng lời”. Do đó khi không vâng lời tức nghiêng về phía ma quỷ. Kinh nghiệm cho thấy nhiều Linh mục do không vâng lời đã gây biết bao nhiêu phiền toái, tai hại, để lại nhiều hệ quả xấu, làm bộ mặt của Giáo hội bị méo mó trước mắt nhân loại. Ngay trong Cựu Ước Mosê không được vào đất Hứa chỉ vì không vâng lời Giavê Thiên Chúa. Lần đầu tiên tại Raphadim, năm thứ hai khi rời khỏi Aicập, dân chúng thiếu nước uống, kêu than, Chúa ra lệnh cho Mosê vỗ vào tảng đá, rồi nước chảy ra (Xuất Hành 17:6). Lần thứ hai, ba mươi sáu năm sau, tại Cades, lại thiếu nước, Chúa bảo Mosê: ”Hãy cầm lấy cây gậy, và cùng với Aaron, anh ngươi triệu tãp cộng đồng lại. Trước mặt chúng, các ngươi sẽ nói với tảng đá và chúng sẽ cho nước.” (Ds 20:7). Nhưng Mosê đã làm khác đi: ” Ông Mosê giơ tay đập vào tảng đá hai lần; nước trào ra lai láng cho cộng đồng và súc vật uống.” (Ds 20:11). Cùng một sự kiện giống nhau, Chúa chỉ thị hai lần khác nhau, lần thứ hai Ngài không bảo vỗ vào tảng đá nhưng bảo “nói” với tảng đá. Thế là Mosê sai phạm nên phải chết ngoài vùng đất Hứa !

Thiên Chúa là Đấng Thánh, sự thánh thiện đến thế gian này trong Đức Kitô. Ngài ban nó cho các Linh mục của Ngài với sự cộng tác của họ; trong mức độ chấp nhận, góp phần làm cho dân Thiên Chúa nên thánh. Đời sống luân lý và tâm linh của Linh mục liên quan hổ tương hai chiều đối với Thân Thể Mầu nhiệm của Chúa Kitô. Sự thánh thiện của vị Linh mục giúp cho cộng đồng tín hữu thánh thiện. Cộng đoàn dân Chúa lành thánh sẽ giúp cho Linh mục thánh thiện.

Giáo hội hôm nay không cần những Linh mục thông thái, tài giỏi nhưng cần những Linh mục thánh thiện, không cần những thần học gia hay triết gia lỗi lạc nhưng cần ở người Linh mục “như cái thang trong giấc mơ của Gia Cóp”. Ở đó các Thiên thần lên xuống liên miên, đến nỗi không còn nhận ra chiếc thang nữa mà chỉ thấy các động thái của Thiên thần. Không cần những nhà giảng thuyết lừng danh nhưng cần- như Thánh Thomas Aquinô và Gioan Vianê- cùng nhận định: “Thánh nhân là người có trái tim bằng chất lỏng”.

Theo chỗ tôi biết có hai khuyết điểm người tín hữu chúng ta hay vấp phải đó là:

1/ Chỉ nghĩ rằng Linh mục cầu nguyện cho mình nhưng quên rằng mình cũng phải cầu nguyện triền miên cho các ngài, tích cực giúp các Linh mục tránh khỏi những cám dỗ thường xuyên, đều là con người cả. Chưa kể bất cứ ai cũng đều có thể rơi vào tình trạng chán nản, hay “đêm tối của đức tin”.

2/Trân quý đế n độ tạo vinh quang cách quá đáng làm các Linh mục “hư đi”, vô tình đưa các ngài đến chỗ tự mãn, quên mình là “vật hiến tế “, phạm lỗi trước mặt Chúa.

Tóm lại, trong năm Linh mục nói riêng và mãi mãi, người tín hữu chúng ta có những món quà cụ thể dành cho các Linh mục đó là tích cực cầu nguyện và cộng tác nâng đỡ, giúp đỡ bằng cách này cách khác để các ngài chu toàn thiên chức, bổn phận của mình. Quí trọng và nâng đỡ các Linh mục tức cộng tác thiết thực vào chương trình cứu độ; cầu nguyện, khuyến khích, cổ võ ơn thiên triệu là việc làm “thể hiện lòng nhân hậu của Chúa”. Chúng ta thử tưởng tượng một ngày trên thế gian này không có Linh Mục ! Không ai có thể đem vinh quang đến cho Thiên Chúa nhiều bằng một Linh mục tốt lành thánh thiện. Nếu Chúa Kitô mãi mãi phải dính liền vào thập giá, người Linh mục mãi mãi không thế tách rời khỏi thân phận của mình là Tư Tế và cũng là Vật Hiến tế. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả các Linh Mục và gia quyến. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng Vô Nhiễm gìn giữ các Linh mục cũng như tuyển chọn cho Giáo Hội nhiều Linh Mục tốt lành, biết vâng phục, xứng đáng đóng vai Con Mẹ trong “Bí Tich Thánh Thể”, cùng dẩn dắt dân Thiên Chúa trên đưòng tiến về, và gặp Đấng “Vô Nhiễm”.

Phaolô Ngô Suốt