PDA

View Full Version : T - Thánh lễ và hội thánh



Dan Lee
08-25-2009, 12:02 AM
THÁNH LỄ VÀ HỘI THÁNH


NHÂN DỊP NĂM LINH MỤC, XIN GHI LẠI BÀI GIẢNG TĨNH TÂM CHO CÁC LINH MỤC CỦA ĐỨC CHA BARTÔLÔMÊÔ NGUYỄN SƠN LÂM

Khi còn sinh thời, Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm đã phục vụ giáo phận Đà lạt từ năm 1975 đến năm 1994, và từ tháng 6 năm 1994 đến tháng 6 năm 2003 ngài coi sóc giáo phận Thanh hoá. Đây là thời gian đầy khó khăn về mọi mặt, nhưng Đức cha đã khôn ngoan hướng dẫn mọi thành phần dân Chúa vượt qua những trở ngại đó, để làm cho Nước Chúa được hiển trị. Một trong những công việc thu hút nhiều tâm huyết của ngài là đào tạo các linh mục.

Nhân dịp NĂM LINH MỤC, xin được ghi lại các bài giảng tĩnh tâm cho linh mục đoàn giáo phận Đà lạt vào năm 1980, với chủ đề TĨNH TÂM VỚI THÁNH THỂ. Xuyên qua 6 bài giảng với những điểm nhấn khác nhau, mỗi người sẽ kín múc được những lợi ích thiêng liêng cho chính mình, đặc biệt là các linh mục. Kính xin quý vị hãy dành thời giờ để suy gẫm và cầu nguyện cách đặc biệt cho các linh mục trong NĂM LINH MỤC này.

Lm. Raphael Đỗ Minh Tuấn


TĨNH TÂM VỚI THÁNH THỂ

1. Thánh thể với Linh mục

2. Linh mục và Thánh lễ

3. Thánh lễ và Hội thánh

4. Hội thánh và xã hội

5. Xã hội và con người

6. Con người và linh mục

Bài 3 : THÁNH LỄ VÀ HỘI THÁNH

Theo gương Chúa Giêsu trong bàn tiệc ly thiết lập chức tư tế Linh mục, không còn sống cho mình nữa nhưng tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa và loài người, Linh mục cũng luôn cố gắng sống tất cả cho đoàn chiên. Đặc biệt người luôn cử hành thánh lễ cho Hội thánh ; vì không thể nào Người không sống giây phút quan trọng nhất trong ngày cho người khác.

Những anh em coi xứ không mấy khi dâng lễ mà không có người tham dự. Nhưng những anh em Linh mục ở TGM, ở Chủng viện và tu viện rất nhiều khi có thể chẳng có ai xem lễ mình dâng. Trước hết chúng ta nên cố gắng dâng lễ khi có người tham dự. Và điều này hầu như bao giờ cũng có thể được ngay ở TGM, Chủng viện và Tu viện. Tôi nghĩ rất ít khi nên dâng lễ một mình. Và ngay cả trong trường hợp này cũng nên nhớ Linh mục không thuần tuý chỉ là chủ tế mà còn là người dự nữa và cũng phải nghe lời Chúa và hiệp dâng thánh lễ không khác gì một giáo dân. Tại sao vậy ? Chúng ta có thể mượn lời Đức Gioan Phaolô II trong số 4 nhắc lại một tư tưởng của công đồng : nếu quả thật Hội thánh làm ra Thánh thể thì cũng rất thật là Thánh thể làm ra Hội thánh. Giữa Thánh Thể và Hội thánh có mặt tương quan mật thiết tác động tuỳ nhau một cách tất yếu.

Câu “ Hội thánh làm ra Thánh thể” không có gì khó hiểu vì ai cũng đã biết Chúa Giêsu đã trao quyền tế lễ cho các Linh mục của Người ở trong Hội thánh. Chỉ có các Linh mục của Hội thánh mới làm ra Thánh thể được. Hơn nữa có thể nói được rằng nơi Thánh thể, Chúa Giêsu đã phó thác hoàn toàn thịt máu Người cho Linh mục, đến nỗi Linh mục muốn Người hiện diện hay khuất diện lúc nào cũng được. Tuy nhiên ước gì các Linh mục đừng sử dụng quyền đã được trao phó cho mình một cách máy móc – không những các người phải dâng lễ trong tinh thần hiệp thông của Hội thánh, mà còn phải làm sao cho có sự đóng góp của Hội thánh vào lễ dâng, cho dù phần đóng góp ấy thường khi chỉ được biểu tượng bằng một giọt nước là pha vào chén rượu. Chúng ta đã nói đến phần đóng góp của riêng Linh mục khi người phải tế lễ với tâm tình hiến dâng tất cả cuộc đời cho phần rỗi của loài người. Ở đây chúng ta còn phải nói thêm về sự đóng ghóp của giáo dân dự lễ. Họ cũng phải hiệp dâng Thánh lễ để quả thật cả Hội thánh làm ra Thánh thể. Chúng ta sẽ thấy rõ sự cần thiết này khi bàn đến vấn đề Thánh thể làm ra Hội thánh.

Quả thật, Hội thánh làm ra Thánh thể để làm gì ? Và Chúa Giêsu có ý gì khi trao ban mầu nhiệm Mình Máu Người cho Hội thánh? Câu trả lời cuối cùng chắc chắn phải là vì Hội thánh và cho Hội thánh. Dĩ nhiên Thiên Chúa được tôn vinh xứng đáng hơn cả trong mầu nhiệm Thánh thể, nhưng chính sự tôn vinh ấy cũng đầy ý nghĩa cứu độ : Không những do của lễ cứu độ làm tôn vinh Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa được tôn vinh khi ban ơn cứu độ. Suy nghĩ cách nào chúng ta vẫn thấy nếu Ngôi Hai Thiên Chúa đã vì loài người chúng ta mà giáng thế, thì chẳng có gì trong cuộc đời của Người lại không vì loài người chúng ta. Và đặc biệt hành vi cứu thế của Người ở đây là việc hiến tế trong mầu nhiệm Thánh Thể. Lòng thương vô biên và quyền năng của Người cho phép chúng ta có thể hiện tại hoá lễ tế của Người để làm gì, nếu chẳng phải là để hiện tại đây, vào giờ phút dâng lễ này đây ở chính chỗ này, con người chúng ta được thông ban ơn cứu độ của Người. Thế nên, có thánh lễ vì chúng ta; và do đó, chỉ nên dâng lễ khi có người tham dự… và có khi người tham dự độc nhất là chính Linh mục chủ tế. Đừng viện có cả Hội thánh vô hình dự lễ của Linh mục dâng nơi u tịch. Chỉ có Hội thánh vô hình ấy khi có ai đó dự lễ làm dấu chỉ cho Hội thánh. Chính con người cần được cứu chuộc nơi Linh mục là kẻ dự lễ đó. Tuy nhiên cũng cần nói thêm ngay rằng cả khi có giáo dân dự lễ, Linh mục chủ tế vẫn không được quên mình có nghĩa vụ hiệp dâng thánh lễ. Về nghĩa vụ này xét theo nhiều khía cạnh đòi hỏi nơi Linh mục nhiều hơn nơi giáo dân. Chẳng ai coi đó là điều lạ lùng. Chỉ một chút xíu suy tư thần học đủ làm cho người ta thấy thánh lễ trước tiên được làm cho Linh mục, cũng như bàn tiệc ly ngày trước đã được dành trước hết cho các tông đồ và đồng thời cho cả Hội thánh nơi con người các tông đồ.

Tất nhiên chúng ta đã có thể rút ra một kết luận thực hành : Linh mục phải biết dự lễ và phải làm gương cho giáo dân về vấn đề này. Người phải lặng lẽ lắng nghe lời Chúa, để cho lời Chúa giảng cho mình, biết đóng góp vào của lễ, sốt sắng cầu nguyện, kết hiệp với Thánh Thể và ra về với quyết định thánh thiện như chúng ta thường dạy bổn đạo. Và ngày nào cũng phải đổi mới những việc này để không dâng lễ mà tâm bất tại và không xa lạ với lễ dâng.

Nhưng chúng ta còn phải đi xa hơn để tìm hiểu Chúa Giêsu muốn làm gì cho Hội thánh khi ban Mình Máu Người cho Hội thánh? Bây giờ chúng ta mới thấy rõ nếu Hội thánh lam ra Thánh thể thì chính Thánh thể cũng làm ra Hội thánh. Quả vậy, người ta thường nói đến nhiều hành vi Thiên Chúa đã làm để khai sinh Hội thánh. Thư chung năm 1980 của các giám mục Việt Nam bắt chước công đồng lần theo lịch sử cứu độ để tìm ra nguồn gốc Hội thánh. Nhưng cuối cùng tất cả mọi người đều phải đồng ý rằng : sau bao lần và bằng nhiều cách Thiên Chúa đã nói với loài người qua các tiên tri, nay đến thời sung mãn Thiên Chúa đã dùng Con một Người là Chúa Giêsu kitô và chính Người đã thiết lập Dân mới tức là Hội thánh khi lấy chén máu Người làm chén giao ước mới và vĩnh cửu. Hội thánh khai sinh vào giờ phút ấy, giờ phút Đức Giêsu kitô dâng mình làm của lễ Hoà giải giữa trời với đất, giữa Thiên Chúa và loài người. Hội thánh khai sinh nơi bàn tiệc ly khi Đức Giêsu kitô ban Mình Máu Người cho 12 môn đệ, là 12 chi họ dân cũ được đổi mới và là 12 nền tảng của toà nhà Hội thánh cứ tiếp tục xây lên cao mãi.

Đồng thời chỉ nguyên việc này thôi, lại cho thấy Dân mới khác hẳn dân cũ và Hội thánh mới được khai sinh khác hẳn các xã hội loài người và mọi dân tộc trên thế giới. Ở đây các yếu tố làm nên dân mới không phải là một giang sơn, một dòng giống, một kiếm pháp, một lịch sử, một văn hoá…Yếu tố duy nhất chỉ là cầm lấy bánh mà ăn và cầm lấy chén mà uống sau khi các bánh rượu đã trở nên Mình và Máu Chúa đi một sự sống chảy từ đầu sang các chi thể và lập tức những người trước đây xa lạ trở nên các thành phần trong một thân thể và trở nên các công dân Nước Trời. Như vậy sự gắn bó giữa những người trong Dân Mới này còn mật thiết sâu xa hơn bất cứ nơi một dân tộc nào, khiến dù họ nói tiếng khác nhau, văn hoá khác nhau, dòng dõi khác nhau, giang sơn khác nhau…Họ vẫn là một dân, một dân rất keo sơn với nhau như nơi một thân thể.

Các nhà thần học có thể phân tích yếu tố sơ khởi và căn bản này, tức là việc người ta chịu lấy Mình Máu Thánh Chúa, để thấy rằng khi nhận lấy của lễ đền tội của Chúa cứu thế, khi tham dự vào mầu nhiệm tử nạn phục sinh của Người, người ta được ơn tha thứ tội lỗi và được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa. Con người và nơi người là ta được chôn vùi, thanh tẩy trong máu hi tế của Chúa Kitô và thánh thần đã được ban xuống cho người ta để họ có thể lập tức kêu lên “Abba. Lạy cha” . Tiếng kêu vắn vỏi nhưng đồng ý nghĩa. Nó nói lên một sự đổi đời đúng hơn, một cuộc tái sinh, vì từ con cái của lôi đình giận dữ, họ đã trở nên con cái yêu quý trong con một yêu dấu.

Thánh Thể và Thánh lễ làm ra Hội Thánh theo nghĩa đó. Chúng ta hiểu như vậy thì đã có thể nghĩ ra bao kết luận thực hành. Đặc biệt đọc lại thư chung các Giám mục về việc xây dựng Hội Thánh ở Việt Nam chúng ta mới thấy những gì là cốt yếu trong mục vụ giáo xứ.

Cha xứ nào không muốn xây dựng giáo xứ mình phụ trách cho hết sức tốt đẹp. Nhưng chúng ta đã nhắm mô hình nào khi hoạt động ? Có đúng cái nhìn khai sinh Hội Thánh của Chúa khi Người trao ban Mình Máu Người để làm ra Hội Thánh không ? Chắc chắn yếu tố hình thành nên Dân Chúa là sự gắn bó với Chúa Giêsu rồi. Các giám muc cũng đã nói như vậy : muốn xây dựng Hội thánh ở VN trước tiên là phải làm cho người ta gắn bó với Chúa Giêsu. Nhưng bằng cách nào ? Bằng các phương tiện tiền Phúc âm nào ư ? Như vậy cùng lắm mới chỉ là chuẩn bị, muốn dồn vào chứ chưa thật sự đi và cái cốt yếu. Dĩ nhiên trực tiếp hơn là phải nhờ phụng vụ bí tích rồi, và đặc biệt là phụng vụ Thánh thể. Nhưng một quan niệm máy móc về việc cử hành các bí tích sẽ làm cho giáo dân quan niệm tôn giáo như ma thuật. Phải liện cho người ta biết gia nhập vào mầu nhiệm cứu độ. Và việc này đòi hỏi nhiều chuẩn bị. Trước hết nó buộc Linh mục phải ý thức và quí trọng mầu nhiệm. Người phải suy niệm và sống. Người phải biết hiệp lễ mật thiết để làm gương và có kinh nghiệm truyền đạt. Người phải quan niệm thánh lễ là mầu nhiệm chứ không phải nghi thức và cách người dâng lễ phải diễn tả quan niệm này. Ai bảo giáo dân sơ sài và giữ đạo khơi khơi vậy? Nếu có, thì cũng chính chúng ta đã hình thành ra đoàn chiên ấy. Và bây giờ nếu chúng ta muốn hình thành lại theo đường hướng thư chung các giám mục vạch ra, chúng ta phải thay đổi biết bao quan niệm và tập quán. Chúng ta lấy thánh lễ là hình ảnh và khuôn mẫu : chúng ta phải quan niệm cho đúng thánh lễ là nơi để hết mọi người ra sức kết hợp với Chúa nên một thân thể và một thân thể để cứu thế, chúng ta hãy áp dụng vào thánh lễ những điều viết trong huấn thị và bức thư chung của các giám mục và đặc biệt số 8 nói về xây dựng Hội thánh ở VN. Bức thư nhấn mạnh đến sự gắn bó với Chúa Giêsu, với ĐGH (để tiếp xúc được với Chúa Giêsu), với nhau, và cởi mở trong cộng đồng xã hội ở quanh mình. Suy nghĩ kỹ những điều này chúng ta thấy một thái độ vụ lễ nghi cũng không đủ, cộng thêm những hình thức rởm trò cũng chẳng đúng ; lấy lẽ cốt sống đạo giữa đời mà ít cầu nguyện còn sai lầm hơn. Trong phần III bức thư của người, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói đến hai bàn tiệc Chúa dọn cho Hội thánh của Người trong thánh lễ : bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh thể. Xét theo một phương diện Lời Chúa đưa đến Thánh thể; nhưng theo phương diện khác, chính Thánh thể giúp giữ Lời Chúa. Ở đây chúng ta muốn nói rằng Linh mục hãy nhờ thánh lễ mà xây dựng đoàn chiên, vì Thánh thể làm ra Hội thánh và chính Chúa Giêsu đã khai sinh Hội thánh ở bàn tiệc thánh thể. Tuy nhiên trước khi lập Thánh thể, Chúa Giêsu đã nhiều phen vất vả dùng lời nói để hướng người ta đi vào mầu nhiệm. Không có việc chuẩn bị vất vả không thể nào giúp người ta kết hợp với Đức Kitô trong Thánh thể. Và công việc chuẩn bị quan trọng hơn hết và trực tiếp hơn cả chính là việc trình bày Lời Chúa, làm sao để người ta biết đón nhận mầu nhiệm cứu thế, để lãnh nhận Thánh thể rồi người ta biết quên mình để xả thân cứu đời.

Rất nhiều khi chúng ta không quan tâm đến công việc cứu thể này. Chúng ta coi như đã làm xong bổn phận khi tuyên bố lễ cung chúc anh chị em ra về bình an. Và các nỗ lực mục vụ của chúng ta chỉ tập trung ở nhà thờ ; chúng ta muốn cho nơi ấy sinh động và chúng ta khó chị khi thấy có ai cản trở chương trình sinh hoạt tôn giáo của chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu không dạy chúng ta xây dựng Hội thánh như vậy, Người sai các tông đồ đi đến tận cùng trái đất, gặp mọi tạo vật để biến nó nên tạo vật mới kết hiệp với Thiên Chúa trong Đức Giêsu. Người có bảo môn đệ cụm lại một chỗ để cầu nguyện, thì cũng chỉ là tạm thời để có sức mạnh hơn mà ra đi xây dựng một Hội thánh cởi mở, không biên giới, ở giữa lòng đời. Và lệnh truyền đã bắt đầu từ mầu nhiệm cứu thế, khi Người trao ban chén máu, tức là lễ hi sinh của Người, cho môn đệ với những lời đây là chén máu Ta, máu tân ước, sẽ đổ ra cho nhiều người được rỗi. Nếu thật sự chúng ta cầm lấy chén ấy mà uống với tinh thần của Người và hiệp thông với Người thì chúng ta phải thay máu mình đi để đổi lấy máu cứu thế của Chúa Giêsu Kitô Đấng luôn muốn đổi mới chức Linh mục nơi chúng ra trong mọi thánh lễ hằng ngày. Đó là máu luôn muốn đổ ra cho nhiều người được rỗi.

Chưa cần nói đến việc xây dựng Hội thánh nơi xã hội và với lương dân, chúng ta hãy nói đến việc xây dựng Hội thánh ngoài biên giới giáo xứ mà chúng ta phụ trách. Tôi cám ơn nhiều anh em có tinh thần Hội thánh cao, luôn để ý đóng góp và làm cho người khác biết đóng góp vào công việc chung của giáo phận và giáo hội. Đặc biệt có nhiều anh em thông cảm với hoàn cảnh của giáo phận và giáo hội hiện nay đã an ủi và giúp đỡ tôi rất nhiều. Hôm nay, suy nghĩ về mầu nhiệm xây dựng Hội thánh theo gương Chúa Giêsu trong Thánh thể và Thánh lễ, tôi muốn xin anh em nhìn vào giáo phận của chúng ta. Các giáo xứ của chúng ta có thật là Hội thánh của Chúa Giêsu và có đang làm tròn sứ mạng của Người giao cho Hội thánh không ? Dựa vào thư các giám mục, chúng ta quan sát giáo xứ chúng ta về 4 điểm : 1/gắn bó với Chúa Giêsu, 2/gắn bó với ĐGH, 3/gắn bó với nhau và 4/cởi mở sang xã hội. Rồi chúng ta thử suy nghĩ về vai trò của Linh mục là hình thành ra các giáo xứ, lấy mục vụ của mình đóng ấn vào đoàn chiên. Các cha có tuổi đã tạo ra những hình ảnh giáo xứ, ngày nay còn hợp cho giai đoạn lịch sử này không ? Và các cha trẻ đã có một mô thức nhất định nào chưa để áp lên trên nắm bột giáo xứ ? tôi xin các cha có tuổi cố gắng nhưng tôi càng xin các cha ít tuổi ý thức hơn về ơn gọi của mình. Chúa đang chờ anh em lãnh lấy trách nhiệm xây dựng giáo phận. Nếu anh em trẻ không ý thức và cố gắng về mọi mặt, kể cả mặt đời, tình hình giáo phận không khỏi bi đát đâu! ấy là chưa kể chúng ta còn có nghĩa vụ đối với Hội thánh toàn cầu và riêng ở VN. Có thể nào chúng ta không nghĩ đến chuyện đóng góp cho các giáo phận ít Linh mục ? Và cho được như vậy, từ mặt đời đến mặt đạo chúng ta cần nỗ lực đến thế nào?!

Ngay trong phạm vi địa phận, tôi nghĩ chúng ta cũng phải cùng nhau chia sẻ xây dựng Hội thánh hơn nữa. Dòng triều cần phải giúp nhau, không thể tổ chức một mục vụ chung cho 2, 3 xứ gần nhau sao? để mỗi người đều có thể giúp hết mọi người. và đã nói đến việc chia xẻ nghĩa vụ, cũng phải thẳng thắn nói đến việc chia xẻ quyền lợi và bổng lộc. Tôi nghĩ muốn sống chức Linh mục duy nhất chúng ta còn phải có nhiều sáng kiến táo bạo nhưng rất bác ái, theo gương các giáo hội đã trưởng thành. Chúng ta không nên bỏ lỡ một cơ hội nào để phát huy tinh thần Linh mục xây dựng Hội thánh về mặt này. Các xứ ở gần nhau thử sống tinh thần này xem để biểu thị nhiều hơn đặc tính duy nhất của Hội thánh và của chức Linh mục. Các Linh mục hãy thử sống chung với nhau và tổ chức nhà xứ như nhà Đức Chúa Trời. Ít ra hết mọi xứ đều phải quan tâm đến giáo phận và các công việc chung của giáo phận như TGM, chủng viện, việc truyền giáo, các kẻ nghèo… Tôi cám ơn nhiều giáo xứ, nhiều anh em nhiệt thành trong vấn đề này. rất nhiều giáo xứ và nhiều anh em còn có khả năng hơn nữa.

Tự nhiên anh em nghĩ đến việc đóng góp vật chất… Cũng đúng, nhưng không đủ. Còn nhiều mặt đóng góp tinh thần rất quan trọng : đào tạo tuơng lai chủng sinh, lôi kéo anh em Linh mục vào đời sống chung, đề phòng và cứu vớt anh em sa ngã, tạo bầu khí tín nhiệm vui tươi, giữ gìn danh dự cho địa phận và Giám…(đừng nói xấu).

Chúng ta phải suy nghĩ đến tất cả những việc như thế vì hằng ngày chúng ta thừa lệnh Chúa cầm lấy bánh rượu để tế lễ. chính Người đã khai sinh và xây dựng Hội thánh bằng hành vi này. Người bảo chúng ra phải làm như vậy để nhớ đến người, tức là để Người có thể hiện thân nơi thân thể của Người là Hội thánh. Hội thánh trong tay Linh mục là thân thể mầu nhiệm, là tổ chức nối kết bằng thánh thần tình yêu và sẵn sàng xả thân cho phần rỗi của loài người. Linh mục làm ra Thánh thể và làm ra Hội thánh. Linh mục xây dựng hiệp nhất và tác tạo hoà bình. Những gì làm cho Linh mục trở nên con người chia rẽ, Linh mục hãy bỏ đi và Linh mục hãy luôn có thái độ kết hợp để làm phát triển Hội thánh, giáo phận chờ nơi anh em tinh thần và thái độ đóng góp, trước khi nói đến việc Linh mục phải xây dựng xã hội nữa.

+ ĐỨC CHA BARTÔLÔMÊÔ NGUYỄN SƠN LÂM