PDA

View Full Version : T - Thuở ấy tôi như con chim lạc đàn



Dan Lee
08-17-2009, 10:24 PM
“Thuở ấy tôi như con chim lạc đàn”
Xoải cánh cô đơn, bay trong chiều vàng
(Trần Trịnh – Lệ đá)

Ga 21: 15-19

Nghe nghệ sĩ, ví mình như “chim con lạc đàn”, bần đạo lại nhớ đến thời vàng tu thân, dạo ấy. Nhớ, hồi thập niên ’60, có đàn trẻ nhỏ ở Đa Thành - Đà lạt, cứ ví von các thày trẻ, như chim con lạc bày, là như thế. Như thế đó, là khi thấy nhóm thày trẻ súng sính trong bộ áo thâm chùng ra ngoài viện, để “thăm dân cho biết sự tình”, thì đám trẻ nhỏ lại cứ lẽo đẽo theo sau, kêu inh ỏi:“Ra mà xem! Mấy thầy một bầy quạ đen. Áo đen áo đen trong tù, giống bày chim cú. Chim cú sống trong gông tù, giống bày cú đen.”

Hôm nay, nghe người nghệ sĩ hát câu: “xoải cánh cô đơn bay trong chiều vàng”, bần đạo thấy đời linh mục thật tội nghiệp, hết bị gọi là “quạ đen/chim cú”, rồi lại bảo: sống đời “bão tố”/“cô đơn”, thấy mà thương. Quả là thương, rõ một đời tu trì đạo hạnh. Hết gặp “trời đày bão tố”, lại “xoải cánh cô đơn“ chốn đoạ đày, thật rõ chán.

Của đáng tội, nếu gạn hỏi: sao các cha/thày dạo ấy lại đã không mặc áo chùng nào sắc mầu nhè nhẹ rất ngọc ngà toàn là trắng. Như loài bồ câu, tượng trưng cho hoà bình, có hơn không? Bởi, mầu trắng chim câu hay chim két, là mầu hoà bình rất trong. Và rất trắng. Trắng như chim, nghe ở bài hát xa xả suốt ngày trên loa kèn cột đèn dạo ấy, năm một chín bẩy lăm:


“Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng,

nếu là hoa, tôi sẽ là một đoá hướng dương…”

Không. Trăm lần không. Ngàn lần không. Dù có chủ trương hoà bình đến cỡ nào đi nữa, thì “chùng thâm” bọn tôi thời ấy vẫn nhất quyết không khoác lên người mầu trắng trinh trong của chim câu/chim két”. Dù mầu này rất hiếm, ở loài chim. Không khoác mầu trắng xoá, những ưu tư. Nhưng nhóm thày trẻ bọn tôi vẫn ê a, ba câu hát:


“Và, ước mơ sao trời đừng bão tố,

để yêu thương càng nhiều gắn bó,

tháng ngày men say nguồn thơ.” (Trần Trịnh – Lệ đá)

Hát thế, là bởi vẫn cứ ước và mơ “trời đừng bão tố”, thế nên cuộc đời của đám người trẻ chuẩn-bị-làm-linh-mục bọn tôi, vẫn cứ “yêu thương gắn bó”, với mọi người. Cả những người, dám gọi mình là chim cú/chim quạ, rất đen ngòm. Gắn bó, có yêu thương, để rồi tháng ngày mê say “nguồn thơ”, vẫn là phương châm đời sống dành cho những người được Đấng Chúa Tể của Lời Thơ vẫn thường mời gọi sống đời có mục và có tử, như linh mục.

Nói đi thì lại nói lại: tu trì một chốn, mà lại bảo là: cô đơn/hiu quạnh, kể cũng tội. Tội cho người. Tội cho mình. Nhưng, sau nhiều năm chung đụng chốn đời thường, có gọi nhau là cú là quạ, cũng đâu có sao. Chỉ có sao, khi bà con quên mất chức năng người mục tử, là chỉ muốn tử mà không mục. Trinh trong. Chân chất. Tốt đẹp. Tốt và đẹp, nên có vị anh tài nổi cồn dòng Đa Minh áo trắng ngà, là đức thày Timothy Radcliffe, đà nhận định:

“Có nhiều lý do để thấy rằng: ngày nay, sở dĩ một số linh mục hơi bị xuống tinh thần, vì nhiều lý do. Có lý do sáng tỏ như ban ngày, là: vì bối cảnh của thế giới bao quanh, mang cốt cách rất trần tục. Có thể vì, có thiếu hụt trầm trọng, trong ơn gọi. Cũng có thể, do lẫn lộn về chức năng người mục tử. Chính vì thế, dễ mất đi lòng tôn kính gắn liền với ơn gọi. Cũng có thể, do tai tiếng dục tình nổi trôi nhiều chốn. Hoặc vì, số lượng giới trẻ ngày nay biến mất nơi nhà đạo, ít thấy hiện diện ở giáo xứ/nhà thờ như khi trước. Và cứ thế, nhiều nguyên do khác cứ thế được liệt kê.. ” (Gm Peter Ingham, The Year For Priests, The Catholic Weekly 26/7/2009, tr. 36)

Ở ngoài Đạo, như bao nghệ sĩ viết nhạc khác, nhiều người sẽ hát thêm, ca từ của Trần Trịnh:


“Tình yêu đã vỗ cánh rồi,

là hoa rót mật cho đời

chắt chiu kỷ niệm, dĩ vãng.

Em nhớ gì, không em ơi!” (Trần Trịnh – Lệ Đá)

Thế đấy. Trọng tâm của vấn đề đặt ra hôm nay, có thể là: “tình yêu đã vỗ cánh rồi”. Tình yêu vỗ cánh bay đi, cũng là tình người mục tử, vốn kính Chúa. Yêu người. Ở huyện. Phải chăng, đó là dấu hiệu nhà Đạo mình nay nhắc nhở về tâm tính của thánh nhân nọ, tuy kém cỏi về nhiều thứ, nhưng lại nổi danh về nhiều mặt. Nhất là mặt yêu Chúa, yêu người đồng loại tuy chất phác, chốn làng quê. Nhưng, là chất xúc tác thúc đẩy các đấng bậc “thế đó” dám sống đời mục tử đích thực. Đâu có sợ.

Còn nhớ, vị chủ chăn giáo phận “đàng ngoài” Wollongong, là đức ngài giám mục Peter Ingham đã tha thiết mô tả tính chất lành thánh của đấng bậc linh mục chân chất ấy, như sau:

“Chàng trai Jean Vianney khởi đầu cuộc sống, không hứa hẹn cho lắm. Làm thân con trai một nông dân sống ở trang trại, học hành không gì nhiều, thời niên thiếu. Trông coi việc chăn dê chăn cừu, là chính. Cũng đăng cai đi lính khá nhiều năm, sau đó là thời gian sống đời chủng sinh chầm chậm, không đạt nhiều kỳ vọng của bề trên, nhưng người trẻ Jean Marie Vianney vẫn hành trình xuyên suốt chốn đào tạo, để rồi trở thành linh mục nổi danh về lòng đạo hạnh. Lành thánh.” (Gm Peter Ingham, The Year For Priests, The Catholic Weekly 26/7/2009, tr. 36)

Lòng đạo hạnh/thánh thiện, mà vị chủ chăn giáo phận Wollongong-Sydney vừa nói, có phải là tình thương mến Thầy Chí Ái, như thánh Phêrô đã diễn tả ở Tin Mừng thánh Gioan:“Thưa Thầy, Thầy biết rõ tôi mến Thầy!” (Ga 21: 15) hay không? Là, người chăn dắt đàn chiên con ở giáo xứ, mục tử nhân hiền có trả lời được câu mà Thầy Chí Ái vẫn hỏi đấy chứ?

Năm Thánh Linh Mục, là năm kỷ niệm lần thứ 150 ngày vị mục tử nhân hiền ở giáo xứ tên Ars, nước Pháp đã chứng minh câu ứng đáp tự hào, của vị thánh. Và chủ chăn trên, còn nhấn mạnh:

“Mừng kỷ niệm Năm thánh linh mục năm nay, Giáo hội kêu gọi bản thân tôi, cũng như các mục tử, hãy xem xét lại mức độ yêu thương, ta dành cho Chúa". Tự xét, để xem anh em cũng như tôi, ta đã đáp ứng tình thương yêu Chúa dành cho mình, đến thế nào. Tự xét, để xem mình có triển khai tình thương yêu, qua lối sống mỗi ngày, hay không. Như Chúa nói: “Cứ xem quả, ta sẽ nhận biết cây.” (Gm Peter Ingham, bđd)

Xem quả biết cây ở đây, như vị chủ chăn nhấn mạnh, là coi xem cây “mục tử” Đạo mình có cho “hoa quả” là tình thương mến, đối với Chúa. Với đàn chiên mình chăn dắt không. Về thương và mến, vị chủ chăn đã cân nhắc cụm từ “thương” - “mến” theo nghĩa chữ Hy Lạp, viết trong Tin Mừng.

Thương và mến, ở bản 70 tiếng Hy Lạp, tương đương với từ “philia” và “agapè”. Philia, là sự thân thương gần gũi. Và, agapè là trọn vẹn cho đi, mà không giữ lại gì cho riêng mình. Khi Chúa hỏi thánh Phêrô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không?", bản dịch HyLạp dùng từ “agapè”. Và, câu trả lời của thánh Phêrô, Tin Mừng 70 dùng từ “philia”, nghĩa là gần gũi. Thân thương. Thân thiện.

Khi Chúa hỏi đến lần thứ hai, thánh Phêrô vẫn trả lời hai ba lần bằng cụm từ “philia” (tức: thân thương/thân thiện). Và sau đó, thánh nhân đã “trọn vẹn cho đi chính mình”, theo nghĩa chữ “agapè”. Cuối cùng, thánh nhân xác chứng “tình mình bây giờ’ với Chúa, qua nỗi chết thập giá, như Thầy.

Nhưng, câu hỏi đặt ra, là: hôm nay, các vị chủ chăn/mục tử, là những vị có phẩm trật/chức vụ trong Hội thánh, có bị hoặc được Hội thánh đòi phải xả thân “cho đi” đến độ như thánh Phêrô, không? Nói cách khác, các vị có buộc phải hành xử như Thầy Chí Ái đòi hỏi không?

Để trả lời, theo thiển ý, cũng nên đọc tiếp câu nói của Chúa trong đoạn hỏi/đáp giữa Thầy trò ở Tin Mừng hôm ấy, để xem Chúa muốn đồ đệ/mục tử của Ngài, làm những gì:


“Ngài bảo: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy."

Ngài lại hỏi đến lần thứ ba:

"Này anh Si-môn, con ông Gio-an,

anh có yêu mến Thầy không?"

Phê-rô buồn vì Ngài hỏi đến ba lần:

"Anh có yêu mến Thầy không? "

Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự;

Thầy biết con yêu mến Thầy."

Đức Giê-su phán bảo:

"Hãy chăm sóc chiên của Thầy.”

(Ga 21: 18-19)

Đồ đệ Chúa, khi nói “Con yêu mến Thầy” thì cụm từ này dù mang ý nghĩa “thương mến”, hay chỉ là tình thân thương “cho đi”, cho đi trọn vẹn con người mình, đều là: “hãy chăn dắt”/”chăm sóc” chiên con của Thầy. Rõ ràng, ý nghĩa của sự thân thương. Yêu mến. Rất thân tình. Để, cho đi trọn vẹn cuộc đời, đều nằm trong cụm từ ngắn gọn nghĩa: chăn dắt. Chăm sóc.

“Chiên con của Thầy”, thật ra không là ai khác ngoài kẻ bơ vơ. Lưu lạc. Chốn chợ đời. Đầy nhiễu nhương. Ở nơi đó, thường thấy bầy lang sói chực rình, mà hãm hại. Sói thời xưa, là ác thần/sự dữ cứ quanh quẩn bên chiên hiền. Sói ngày nay, đâu phải đám vô thần/ngoài Đạo, chẳng đếm xỉa đến ai. Kỳ thực, lang sói hiện tại, là hờn ghen. Tranh chấp. Ngay bên trong.

Tranh và chấp, là bởi: cả chiên con lẫn người chăn dắt, đâu để ý đến chuyện đùm bọc. Chăm sóc. Nhưng, chỉ cốt chăm lo chuyện quyền hành. Quyền được hành. Quyền để hành. Chứ có là quyền được chăm sóc/giúp đỡ mọi người. Về nhiều mặt, đâu.

Có chút tâm hồn thi nhân/nghệ sĩ, cả chiên con/đấng bậc, hẳn sẽ gạn hỏi lớp đá rêu xanh ở đời, rằng:


“Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời

Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời

Hỏi những đêm sâu đèn vàng héo hắt

Ái ân,bây giờ là nước mắt

Cuối hồn, một thoáng nhớ mong manh.” (Trần Trịnh – bđd)



Ái ân. Cuối hồn. Những thương và mến, sao lại là nước mắt? Nước mắt của mục tử? Nước mắt cho mục tử, sao?

Không. Đức ngài Peter Ingham đã quả quyết trong lời trần tình hôm khai mạc Năm Thánh Cho Linh Mục, ở giáo phận “đàng ngoài” Wollongong, đã minh định:

“Năm thánh Linh mục, là năm ta cùng hướng về phía trước. Hướng về trước, vì linh mục có vai trò/trọng trách sống còn trong Hội thánh. Sống còn, không vì ta thực hiện nhiệm tích Chúa giao, cách lành thánh. Đầy tính mục vụ. Nhưng, vì tất cả chúng ta là những người sống giữa chiên đàn của Chúa, có trọng trách “ở cùng” và “ở với”, nhờ thanh tẩy. (x. Giáo luật #208).

Tựa như bài hịch trước toàn quân và toàn dân ở giáo phận “đang ngoài”, chốn Wollongong, vị chủ chăn giáo phận đã nhấn mạnh đến giới tự “cho”, tức dành cho linh mục. Chứ không phải, giới tự “của” hoặc “về”. Của linh mục. Về linh mục. Bởi, Hội thánh dành để nguyên một năm để cho nguyện cầu và suy xét. Xét về những điều như sau:

Năm thánh Linh mục, là năm ta chú trọng nhiều đến nguyện cầu. Là năm, để ta đổi mới chức năng thiên triệu Chúa phú ban. Đổi mới cuộc sống linh đạo, ta tiếp tục. Bằng vào Tiệc thánh, ta cử hành. Mọi ngày. Mọi tuần. Với cộng đoàn.

Năm thánh Linh mục, là năm dành để cho ta biết mà triển khai, gia tăng hiệp thông nguyện cầu. Gia tăng tình thân thiện/thân thương giữa ta với cộng đoàn, uỷ thác cho ta. Bởi lẽ, công tác mà người mục tử chúng ta đang thực hiện, có tương quan mật thiết với Chúa. Với cộng đoàn dân con của Chúa, ta có trọng trách trách chăm lo. Cộng đoàn ta cưu mang, hiện đang ở trong tình huống bối rối, rất ưu tư. Thế nên, ta cần đi bước trước mà chạy đến với họ, như thánh Luca diễn tả trong câu truyện người con lãng tử (Lc 15: 20). Và, để ta có quyết tâm ôm trọn vào lòng tâm can đầy thương mến của Chúa Chiên, như thánh Gioan ghi lại ở chương 10, trong thánh sử.

Dù gì đi nữa, như nhiều người nhận định, linh mục hay giám mục, đều không là đấng bậc tự phát, mà là được mời gọi và sai đi. Là, ơn gọi cao quý. Là, thiên chức đích thực của vị mục tử, luôn chăm lo săn sóc đàn chiên, sau nhiều ngày được giáo dục, đào tạo và trui luyện trong kỷ luật. Rất liên tục.

Xây dựng năm thánh “dành cho” linh mục hoặc “về” linh mục, Hội thánh vẫn muốn con dân của mình nhớ về thiên chức lành và thánh, trong tư cách của người hầu hạ, phục vụ. Phục vụ và hầu hạ, như Đức Chúa vẫn căn dặn hết mọi người con, không chỉ riêng đấng bậc được gọi là “Đầy tớ của các tôi tớ” Chúa. Bởi lẽ, chức năng “chăn dắt” và “chăm sóc” được thánh Gioan ghi chú lệnh truyền của Chúa.

Chăn chiên, khác với chăn trâu, chăn bò, hoặc lừa, ngựa. Chăn trâu/bò, chú bé ngồi chăn dù nhỏ thó, vẫn có quyền. Có cả uy. Uy quyền, là quyền uy thúc giục trâu/bò theo ý mình, bằng roi mây. Gậy nhỏ. Chăn chiên thì khác. Khác ở chỗ, nhiều lúc chiên con dở chứng chạy lăng xăng, không tuân lệnh, nhưng mục tử/kẻ chăn có khi nào dùng giây roi/cây gậy mà đánh đầu, để bắt phải tuân theo ý của chủ. Trái lại, nhiều lúc kẻ chăn còn thương tình, ôm chiên vào lòng như con đẻ, mà nuông chiều. Khi gặp lại.

Trở lại bài hát “nếu là chim” trích ở đầu, nếu được phép sửa một chút, có lẽ nên sửa chữ “chim” thành chữ “chiên”, để ta có nhiều lý do và thì giờ mà chăm sóc. Hơn là, chỉ hát với ước nguyện. Dù là nguyện ước gì đi nữa, cũng nên hát thêm câu cuối của tác giả quên đề tên, như sau:

“Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm

Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương.”

Một lần nữa, nếu hiểu “quê hương là chùm khế ngọt”, hoặc là đàn chim hay đàn chiên ta chăm sóc, hãy cứ hát thêm:

“Là chim, tôi sẽ cất cao đôi cánh liền

Từ nam ra ngoài bắc báo tin rất hiền

Là hoa, tôi nở tình yêu ban sớm,

Cùng muôn trái tim ngất ngây hoà bình.”

Là chim, là chiên hay mục tử, thiết nghĩ cũng đều là thọ tạo của Thiên Chúa, Đấng luôn chăn dắt ta vào đồng cỏ xanh tươi. Ở nơi đó, có quê hương rất hiền. Ở nơi đó, có những tin vui hiền lành. Thông thoáng. Ta gọi là Tin Mừng. Mừng vui nhân hiền, đều là mục đích của chim vui, của chiên hiền hay mục tử. Bởi, dù có là gì đi nữa, tất cả mọi tạo vật cũng sẽ bay và quay về trong vòng tay ôm hiền dịu của Chủ Chăn, là Chúa Chiên Hiền. Rất thân thương. Độ lượng. Có khi nào như người cha, người bố ở truyện kể vui vui, nhè nhẹ để thư giãn:

“Alô ! Con chim nhỏ của anh đấy à?

-Không ! chim bố đây.

-Ấy chết ! Cháu xin lỗi bác! Bác có khỏe không ạ?

-Khỏe để đánh nhau với ai ?

-Dạ ... cho cháu hỏi Trang có nhà không ạ ?

-Nó không có nhà thì là dân vô gia cư à?

-Dạ, dạ ... ý cháu là Trang có ở nhà không ạ?

-Nếu không thì sao?

-Thế ... Trang đi đâu ạ?

-Ðến cơ quan rồi.

-Bác cho cháu số điện thoại của Trang được không ạ?

-Nó có nhiều số lắm !

-Bác cho cháu xin một số thôi ạ !

-8...

-8 rồ i... mấy nữa ạ?

-Thì cậu bảo chỉ cần một số thôi mà .....

-Dạ bác cho cháu xin nốt mấy số còn lại luôn ạ

-5 7 3 6 8 2, còn sắp xếp sao thì tùy cậu.”

Nói cho cùng, bạn của con ông/con bác có gọi nhau là chim, hay chiên hay hoa, hay người, hoặc gì gì đi nữa, cũng cứ nên tỏ bày tình thân thương mà chăm sóc, và đùm bọc. Ai nỡ lòng nào, ơ hờ chỉ cho có một con số để trao đổi tình thân thương. Dù ngoài nhà. Dù trong Đạo. Dù ở đâu đó, chốn Nước Trời cộng đoàn thân thương hay ngục tù, nhiều ghen ghét.

Bởi đã là con cùng một Cha trên trời, ta vẫn là chiên con, con chim, con người. Rất hiền lành. Chân chất. Rất thân thương.


Trần Ngọc Mười Hai



vẫn cứ mong
sống đời hiền lành
chân chất
người con Chúa.