PDA

View Full Version : P - Phép lạ cho mọi thời đại



Dan Lee
08-01-2009, 11:36 PM
Phép lạ cho mọi thời đại



Lịch sử trong Cựu Ước đã chứng minh những việc làm của Thiên Chúa: bốn mươi năm trong sa mạc, Thiên Chúa đã nuôi cả một dân tộc hàng 600.000 người. Một sa mạc hay là một hoang địa, không bánh, không nước, Thiên Chúa đã khiến tảng đá vọt thành nước và manna từ trời rơi xuống giữa hoang địa khô cằn để dân chúng ăn, không phải một ngày, hai ngày, ba ngày mà là bốn mươi năm trong sa mạc. Khi họ thèm ăn thịt, Thiên Chúa khiến gió Đông thổi chim cút từ bên kia biển ào tới và sa xuống đầy các trại, cho đến nỗi họ ăn không thể nào mà nhai thêm được nữa.

Tất cả những gì Thiên Chúa đã làm đều cho chúng ta thấy một sự rộng rãi và một sự dư giả như chính lòng Thiên Chúa bao la vô biên. Ngay hiện tại chúng ta từng chứng kiến, mỗi người một chút hơi thở đó là sự sống, tắt hơi nghĩa là chết. Vậy mà Thiên Chúa cho tất cả chúng ta, cho mọi thời đại trên trái đất này một bầu khí quyển bao la để chúng ta có thể hít thở tự do trong không khí, đem lại sức sống; hay là trái đất chúng ta chỉ cần ½ tỉ năng lượng của mặt trời, đủ để cho chúng ta có sức sống, thêm một phần nữa chúng ta chết cháy, thiếu một phần chúng ta chết cóng. Vậy mà Thiên Chúa cho chúng ta cả 2 tỉ phần năng lượng chứ không phải là ½ tỉ năng lượng như chúng ta cần. Cái gì của Thiên Chúa cũng mênh mông, cũng dư thừa. Nước chúng ta phải sinh hoạt hàng ngày cho hơn 6 tỉ con người ăn uống nước để sống, số lượng ấy thấm vào đâu so với Đại Tây Dương, Thái Bình Dương. Biển đã vậy lại còn Bắc Cực, Nam Cực đóng băng như là nguồn nước dự trữ quanh năm. Làm sao chúng ta có thể hưởng dùng hết được những gì mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một cách rộng rãi và dư dật như vậy.

Tin Mừng hôm nay kể lại tư cách của Chúa Giêsu khi làm phép lạ, hóa bánh ra nhiều nhắc cho chúng ta một ý nghĩa quan trọng về Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập sau này. Đó là một hình bánh mỏng mảnh, bé nhỏ nhưng lại làm cho cả thế giới những người tin trở nên một trong Đức Kitô. Và càng đông đảo, càng muôn thế hệ được rước Mình và Máu Chúa thì thân mình mầu nhiệm của Chúa lại càng lớn lên và ân sủng lại càng rộng rãi gia tăng. Đó cũng là cách thức của Thiên Chúa trao ban cho con người, không phải là những hiện tượng tự nhiên mà là ân sủng siêu nhiên tràn trào qua Bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu đã làm với tư cách của Thiên Chúa, cho nên Người cầm bánh bẻ ra tạ ơn, đó là cử chỉ, là cung cách của Thiên Chúa, tạ ơn và bẻ ra trao cho các tông đồ. Công việc của các Tông đồ và Hội Thánh là lãnh nhận và trao ban: “Các con đã được cho không, thì các con cũng phải cho không như vậy”(Mt 10,8).

Giáo Hội ngày nay đang tiếp nối Giáo Hội ngày xưa lãnh nhận năm chiếc bánh và hai con cá từ tay Thiên Chúa, và vì động tới bàn tay của Thiên Chúa nên bánh hóa nhiều đến nỗi năm ngàn người đàn ông, chứ nếu tính cả đàn bà và con trẻ thì trên một chục ngàn là chắc. Vậy mà, những tông đồ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa cứ phân phát, phân phát, từng nhóm, từng nhóm “mọi người đều ăn no nê mà số thu lại là mười hai thúng đầy”. Con số mười hai là con số diễn tả về mười hai chi họ Israel, chỉ toàn dân tộc Israel, đó là một con số lớn, chỉ về toàn thể, bởi vậy mười hai thúng bánh chỉ về một số dư không thể tính được. Tất nhiên, cách làm của Thiên Chúa luôn luôn dư dật và phong nhiêu nhưng vì Đức Giêsu là con người, vì vậy Người cần một yếu tố tích cực và thực tế của trần thế. Đó là một số lượng ít ỏi của năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng đó là số lượng thật, đó là sự hiện hữu của thể chất. Để rồi từ đó, Đức Giêsu với tư cách là Thiên Chúa đã khiến cho thể chất đó trở nên phong nhiêu, dư giả. Như vậy, những gì qua tay của Thiên Chúa, những gì qua tay của Giáo Hội đều đến với chúng ta trong sự phong phú và ân sủng tràn đầy như thế đó. Vì vậy, mỗi ngày chúng ta đến với Chúa để lãnh nhận hồng ân bao la Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta đến với Giáo Hội như đó là kho tàng quản lý ân sủng của Thiên Chúa phân phát cho chúng ta. Do đó, người nào không biết đến với Chúa để lãnh nhận, người nào không biết qua Giáo Hội để đón nhận kho tàng mà Hội Thánh có trách nhiệm giữ gìn và có trách nhiệm phân phát, người đó sẽ chết gục dọc đường chẳng đến nơi chăng như chính Đức Giêsu đã lo lắng cho dân chúng trong hoang địa hôm nay. Mặc dầu vậy, chúng ta nhận thấy trong đám quần chúng có hai hạng khác nhau:

- Hạng người đầu là những người lắng nghe lời Chúa, miệt mài đi theo Chúa đến nỗi ba ngày trong hoang địa họ không thiết ăn, không thiết uống và chính Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để giúp họ sự sống đời này và đạt tới sự sống đời đời, đó là những người nghèo khó, những người khiêm tốn, những người bé mọn.

- Hạng người thứ hai, là hạng người có đầu óc thực dụng, họ chứng kiến phép lạ không phải do dấu chỉ tình thương, ân sủng tràn đầy của Chúa mà là họ muốn theo dõi một quyền năng hơn người để rồi toan tính bầu Chúa Giêsu làm vua. Với một ông vua có sức mạnh làm phép lạ như vậy thì kẻ thù nào có thể xâm chiếm được và họ không bao giờ sợ đói vì ông vua có thể nuôi sống tất cả ngàn dân.

Với hạng người sau, Đức Giêsu bỏ trốn lên núi một mình; với hạng người đầu thì không xin mà Chúa cũng cho, không lo mà Chúa cũng liệu. Chính vì vậy, trải qua dòng thời gian, những người nào biết đi theo con đường của Chúa, trong lắng nghe, trong khiêm tốn, trong yêu thương, trong phục vụ cũng đều sinh lãi gấp trăm, gấp ngàn ngay ở đời này. Đây là câu chuyện trong tác phẩm “ Những vùng đang phát triển” tác giả Jay Kesler kể lại như sau:

“Đêm nọ ông từ máy bay đang bước xuống một phi trường ở Ấn Độ. Ông thấy nhiều người nằm ngủ dọc theo đường bay, hỏi ra ông mới biết họ là những người vô gia cư. Đi được một lúc, ông nghe sau lưng có tiếng động. Quay lại, ông thấy một chú bé cụt chân đang đi tới với hai cái nạng. Nó chìa tay ra trước mặt. Ông liền cho nó số tiền lẻ còn trong túi rồi đi đến khách sạn. Đi khoảng mười bước, ông lại nghe có rất nhiều tiếng động kỳ lạ khác. Ông quay nhìn lại thì thấy một đám trẻ ăn mày khác đang đánh thằng bé lúc nãy bằng những chiếc nạng của chúng. Chúng bắt thằng bé phải giao số tiền vừa mới xin được cho chúng… Và suốt đêm đó ông không sao ngủ được vì thảm cảnh đó.

Nhưng rồi một ngày nọ có một phụ nữ trung niên đến với đám trẻ nghèo khổ hung dữ đó. Bà dồn hết tiền bạc của bà thuê một căn nhà cũ để dạy dỗ chúng. Và hiện nay bà đã có 80 trường trang bị đầy đủ, 300 nhà phát chẩn lưu động hiện đại, 70 bệnh viện cho người cùi, 30 viện chăm sóc kẻ hấp hối, 30 viện chăm sóc trẻ bị bỏ rơi và 40.000 tình nguyện viên giúp đỡ bà lo cho người nghèo đói bệnh tật trên khắp thế giới. Người nữ đó không ai khác hơn là mẹ Têrêsa Calcutta”(theo Minh họa Lời Chúa).

Mẹ Têrêsa Calcutta là người đi theo sát dấu chân của Đức Giêsu, bàn tay của mẹ đang cố gắng làm theo bàn tay của Chúa Giêsu năm xưa: bẻ bánh và tạ ơn Thiên Chúa Cha chúc phúc và trao cho các tông đồ và vì thế, tất cả những gì qua tay của mẹ đều trở thành tình thương, đều trở thành một sự ban phát lòng thương xót của Chúa, do đó mới sinh lãi gấp trăm, gấp ngàn như chúng ta vừa theo dõi.

Lạy Chúa,
Xin cho mỗi người chúng con là bước đường đi
theo sát dấu chân của Đức Giêsu,
lắng nghe lời Chúa,
thực hành lời Chúa,
và sống trong tinh thần: phục vụ yêu thương.
Chúng con sẽ được lãnh nhận ân huệ một cách dồi dào và dự dật.
Đến lượt chính chúng con,
sẽ trở thành như bàn tay các tông đồ xưa,
chuyển ân sủng từ Chúa đến ban phát cho những người xung quanh.
Trong thời đại của chúng con hiện nay:
đang co cụm và khép kín,
ích kỷ và ốc đảo.
Xin Chúa mở rộng bàn tay chúng con,
nhưng nhất là mở rộng tấm lòng của chúng con
để phục vụ và yêu thương,
để lãnh nhận và ban phát,
cho những người anh em đang cần đến sự hộ giúp của chúng con,
những người nghèo,
những Đức Kitô bị bỏ rơi
để chúng con tiếp tục đón nhận tình yêu thương của Chúa
một cách sung mãn,
một cách phong nhiêu,
dư giả, tràn đầy và mang đến cho chúng con sức sống đời đời. Amen.

Lm Phêrô Hồng Phúc