PDA

View Full Version : T - Tóm Lược Lịch Sử Giáo Phận Vinh



Dan Lee
08-01-2009, 12:53 PM
Tóm Lược Lịch Sử Giáo Phận Vinh

Trong những ngày dầu sội lửa bỏng này của Cộng đồng Giáo Phận Vinh nói chung và của bà con giáo dân Công Giáo Tam Tòa nói riêng, khi một số công an tỉnh Quảng Bình đã dùng bạo lực để đàn áp, đánh đập bà con giáo dân Tam Tòa một cách bất công và tàn bạo. Hành động thiếu văn hóa như thế của số công an thuộc tỉnh Quảng Bình này đã xúc phạm một cách trắng trợn các quyền con người của nguời dân Tam Tòa và hiển nhiên khinh thường «mười điều tâm niệm của bác Hồ nhắn nhủ anh em công an nhân dân», khi ông yêu cầu công an phải tôn trọng nhân dân, lấy nhân dân làm gốc, v.v… Bởi vậy, họ đã bị bà con giáo dân Tam Tòa cũng khắp toàn Giáo phận Vinh đồng tâm và can đảm chống đối một cách quyết liệt như chưa từng bao giờ xảy ra ở bất cứ nơi nào trên khắp đất nước. Để hiểu được tinh thần bất khuất truyền thống của người Công Giáo Vinh trước mọi bất công của bạo quyền, chúng tôi gửi đến quý vị những dòng tóm lược sau đây về lịch sử Giáo Phận Vinh.

1. Giai đoạn phôi thai: 1533-1651

Ngày Lễ Thánh Giuse, 19.03.1627, khi Giáo sĩ Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes) đặt chân lên Cửa Bạng, thuộc tỉnh Thanh Hóa, ngài đã cho dựng một tượng Thánh Giá vĩ đại tại cửa biển và bắt đầu công cuộc truyền giáo. Trong vòng 8 tháng trời giảng đạo, thuyền của cha Ðắc Lộ đã ghé vào những cửa biển ở Xứ Nghệ: Cửa Lò, Cửa Sót và Cửa Rùm. Ở Cửa Rùm ngài đã thành lập được một trung tâm Công Giáo rất sầm uất.

Hơn một năm sau, khi cha Ðắc Lộ phải rời Việt Nam để trở lại Âu Châu trong sự luyến tiếc của toàn thể giáo dân, con số giáo dân đã lên tới 30.000 người. Ngoài ra, cái công lớn nhất của cha Ðắc Lộ là ngài đã khám phá ra chữ Quốc Ngữ, và đã đóng góp vào kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam quyển « Phép Giảng Tám Ngày », ấn hành năm 1651 bằng chữ quốc ngữ nguyên sơ, để dạy giáo lý cho tân tòng. Quyển sách này được coi là một bảo vật văn hóa quí giá, một di sản ngôn ngữ của người Việt Nam. Ngoài ra cha còn viết hai tác phẩm khác bằng tiếng Pháp, có liên quan đến lịch sử truyền giáo tại Việt Nam. Ðó là quyển: « Divers voyages et Missions » (Các Cuộc Hành Trình Truyền Giáo), xuất bản tại Paris năm 1653 và quyển « Histoire du Royaume de Tonkin » (Lịch Sử Nước Bắc Việt), xuất bản bằng tiếng Ý năm 1650, bằng tiếng Pháp năm 1651 và bằng tiếng La-tinh năm 1652.

2. Giai đoạn ổn định: 1659-1792

Nhận thấy công cuộc truyền giáo ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, năm 1659 Tòa Thánh chính thức ban sắc lệnh thành lập 2 Giáo Phận mới: Giáo Phận Ðàng Ngoài, từ tỉnh Quảng Bình trở ra, được giao cho Ðức Cha Francois Fallu coi sóc, và Giáo Phận Ðàng Trong, từ Huế trở vào trong Nam, được giao cho Ðức Cha Lambert de la Motte coi sóc.

Sau đó, khi số giáo dân tăng rất nhanh, Giáo Phận Ðàng Ngoài lại chia ra thành 2 Giáo Phận mới nữa: Giáo Phận Ðông Ðàng Ngoài, gồm Hải Phòng và các tỉnh phía bắc, và Giáo Phận Tây Ðàng Ngoài, từ Hà Nội cho tới Quảng Bình. Phần cực nam từ Thánh Hóa cho đến Sông Gianh được gọi chung là « Xứ Nghệ ». Vì Xứ Nghệ cách Hà Nội quá xa, khoảng 500km, mà đường sá lưu thông lại khó khăn, nhất là đại đa số dân chúng còn quá nghèo nàn chất phác và có một giọng nói hoàn toàn khác hẳn ở phía Bắc, nên các vị thừa sai đã dành cho Xứ Nghệ một cơ chế hầu như độc lập. Vì thế, nếu ngoài phía cực bắc có Ðức Giám Mục, thì trong phía cực nam có Ðức Giám Mục phó. Và nếu « ở phía ngoài » có Chủng viện Vĩnh Trị, chung cho cả Ðông và Tây, thì « trong này » lại có Chủng viện Trang Nứa (sau được dời vào Hướng Phương). Còn Tòa Giám Mục được đặt tại Trang Ðen (Nam Ðàn), sau dời vào Thọ Kỳ (Thọ Ninh) vào thời Ðức Cha Hậu I, tức ÐC De La Motte. Trên thực tê hầu như hai Giáo Phận độc lập vậy.

3. Giai đoạn phân chia Giáo Phận: 1792-1846

Khi Ðức Cha Hậu II, tức ÐC Gauthier, dời Tòa Giám Mục từ Thọ Ninh ra đặt ở Xã Ðoài vào năm 1842, thì cũng vào thời gian đó Tòa Thánh quyết định tách Xứ Nghệ ra khỏi Hà Nội (Tây Ðàng Ngoài). Ngày 27.03.1846, Tòa Thánh bổ nhiệm Ðức Cha Hậu II, Phó Giám Mục của Ðức Cha Liêu Retord ở Hà Nội, vào làm Giám Mục tiên khởi Giáo Phận mới Vinh.

Trong một bản tường trình gửi về Tòa Thánh, ÐC Liêu Retord, Giám Mục Chính của Giáo Phận Tây Ðàng Ngoài, ca tụng tinh thần giáo dân Xứ Nghệ như sau: « Ở tại Hà Tĩnh và Nghệ An có tới 45.364 bổn đạo. Trong hai tỉnh này, họ là những bổn đạo sốt sắng nhất trong Giáo Phận ». Ðó chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy Ðức Giáo Hoàng Grê-gô-ri-ô ra Sắc Chỉ « Ex debitu pastoralis », ngày 27.03.1846, thành lập Giáo Phận Vinh.Theo Sắc Chỉ trên, biên giới của Tân Giáo Phận Vinh được thiết lập như sau: Phía bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía nam kéo dài đến tả ngạn sông Gianh, giáp huyện Bố Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình, phía đông là biển Nam Hải và phía tây là nước Ai Lao. Toàn thể Giáo Phận Vinh bao gồm 3 tỉnh Nghệ An + Hà Tĩnh (22.380 km vuông) và một phần tỉnh Quảng Bình (2.300 km vuông). Tổng cộng diện tích khá rộng lớn là 24.480 km vuông.

Nhưng hiện nay số giáo dân ở các Giáo phận VN nói chung và ở Giáo phận Vinh nói riêng mỗi ngày mỗi tăng nhanh, nên Hàng Giáo Phẩm VN đã quyết định thành lập Giáo phận Hà Tĩnh, gồm hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, tách ra khỏi Giáo phận Vinh. Do đó, ngày 15.5.2006, Giáo phận Huế và Vinh đã thỏa thuận cho sát nhập phần lãnh thổ tỉnh Quảng Bình mà xưa nay vẫn trực thuộc Giáo phận Huế, trong đó có xứ Tam Tòa, vào lãnh thổ Giáo phận Vinh.

Vì ở thị xã Vinh, tuy tiện trục giao thông, nhưng lại quá ồn ào náo động và nhất là đa số dân cư vào lúc bấy giờ ở thị xã Vinh còn là lương dân, thành thử Toà Giám Mục được dời về Xã Ðoài, cách thị xã Vinh khoảng 13 km. Bởi vậy, mới có trường hợp duy nhất ở Việt Nam là Tòa Giám Mục và Giáo Phận mang hai tên khác nhau: Giáo Phận Vinh, nhưng Tòa Giám Mục Xã Ðoài.

Ở Xã Ðoài tuy được ưu điểm là một miền quê yên tĩnh, nhưng lại thuộc miền đất phèn, không thích hợp cho việc trồng trọt hoa màu, nên rất nghèo nàn và không ai muốn đến lập nghiệp ở đó cả. Vì thế các cô thôn nữ đã thường ca thán với nhau:

« Cậu ra ba bữa cậu về,
« Ðồng chua nước mặn chớ hề ở lâu ! »

Hiện nay, giáo xứ địa đầu phía bắc là Giáo xứ Hoàng Mai, trong một vùng lam sơn chướng khí. Còn phía cực nam kề biển là Giáo xứ Tân Thành; mé quốc lộ số 1 là Giáo xứ Mỹ Hòa, và mặt núi rừng là Giáo xứ Chày. Giáo xứ này nằm đối diện chênh vênh với Chùa Hang, tức Ðộng Phong Nha, một thắng cảnh danh tiếng thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

4. Giai đoạn thử thách: vào các năm trước và sau 1846

Theo lịch sử Giáo Hội, vào năm 1655, ở Miền Bắc (Giáo Phận Ðàng Ngoài) đã có 414 thánh đường, trong số đó nguyên ở các tỉnh Nghệ-Tĩnh-Bình đã chiếm 160 ngôi rồi. Lúc chia Giáo Phận (1846) từ Giáo Phận Tây Ðàng Ngoài (Hà Nội), phần đất dành cho Giáo Phận Vinh gồm có 3 vị thừa sai, 35 Linh mục bản quốc, 75 thầy giảng, 69 đại chủng sinh, 290 tiểu chủng sinh, 270 nữ tu, 19 Giáo xứ với 345 Họ lẽ, và số giáo dân là 66.350 người. Giáo Phận có được một số vốn liếng dồi dào như vậy là nhờ được xây dựng trên máu của các tiền nhân tử đạo anh dũng của hai thế kỷ về trước.

Thật vậy, sau khi ÐC Hậu nhận chức được 6 tháng thì vua Thiệu Trị mất và vua Tự Ðức lên kế vị. Thời cuộc chính trị trở nên rối ren, khiến triều đình Huế ra chính sách bách hại tàn bạo Ðạo Công Giáo suốt 36 năm trời, với 13 sắc chỉ cấm đạo, coi Ðạo Công Giáo là « Tả Ðạo », là dịch tệ, là lừa dối dân đen, v.v… Ðúng hai năm sau khi thiết lập, chủ chăn và đoàn chiên Giáo Phận Vinh phải sống lén lút và tản mát khắp nơi. Người ta có thể nói được rằng trong thời kỳ bắt đạo suốt mấy thế kỷ trước ở Việ Nam, Giáo Hội Công Giáo thuộc Giáo Phận Vinh là bị bắt bớ và chịu gian khổ nhiều nhất. Giáo Phận có khoảng 20 vị Linh Mục tử đạo trong thời cấm cách này, chưa được phong thánh. Năm 1868, Giáo Phận đã lập hồ sơ phong thánh cho các vị Tử Ðạo Vinh. Trong số 117 vị Tử Ðạo được Giáo Hội hoàn vũ tôn lên bậc Hiển Thánh vào ngày 19.06.1988, đã có 6 Thánh Tử Ðạo thuộc Giáo Phận Vinh, bị giết dưới thời Minh Mạng (5 vị) và thời Thiệu Trị (1). Danh sách các ngài như sau:

1. Thánh Phêrô Lê Tùy, Linh mục, tử đạo ngày 11.10.1833
2. Thánh Phêrô Borie Cao, Giám mục,,, 24.11.1838
3. Thánh Phêrô Vũ Ðăng Khoa, Linh mục,,, 24.11.1838
4. Thánh Vincente Nguyễn Thời Ðiểm, Linh mục,, 24.11.1838
5. Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự, Thầy giảng,, 10.07.1840
6. Thánh Phêrô Hoàng Khanh, Linh mục,, 12.07.1842

Trong thời gian bắt đạo quá tàn khốc như thế, ÐC Hậu và các cha thừa sai đành phải sang lánh nạn ở Hồng Kông một thời gian (1859-1862). Vào năm 1861 (Tự Ðức năm thứ 14) có cha Phêrô Nguyễn Bá Triêm được phúc tử đạo tại Quán Thầu Ðầu và hài cốt ngài hiện an nghĩ trong nhà thờ xứ Thanh Dạ. Trong nhà thờ Thuận Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu còn có hài cốt cha Phêrô Nguyễn Trúc, tử đạo. Cha Giacôbê Nguyễn Danh Thông cũng được phúc tử đạo, nhưng không biết hài cốt ngài hiện ở đâu.

Ngoài các vị tử đạo đã được ghi tên tuổi trong sổ vàng của Giáo Hội hoàn vũ và của Giáo phận như trên, còn có những vị tử đạo anh hùng trong thời hiện đại. Ở đây, người ta phải kể đến các vị tử đạo anh hùng của Liên Ðoàn Thanh Niên Công Giáo Việt Nam do Ðức Cha Lê Hữu Từ (Gp. Phát Diệm) thành lập vào năm 1946. Tuy phong trào chủ trương hoàn toàn đứng ngoài mọi hoạt động về chính trị và đảng phái, vì mục đích và tôn chỉ của Liên Ðoàn là phụng sự Thiên Chúa và tổ quốc trong tinh thần ôn hòa, nhưng sau khi hoạt động được hai năm thì Liên Ðoàn đã bị nhà cầm quyền lúc bấy giờ đàn áp một cách dã man. Toàn ban chấp hành của Liên Ðoàn bị bắt và bị giết: Ông Phạm Tuyên, chủ tịch Liên Ðoàn, bị tử hình; ông Mạnh Trọng Niệm và em là Mạnh Trọng Tuệ bị tử hình; Ông Trương Văn Hứa bị tử hình; Còn các ông Bùi Quỳnh, Phạm Huy Châu, Lm Tuyên úy Trương Văn Liệu, Khánh Sơn, Trần Văn Trị, Sáu Tuyên và một số thành viên khác bị khổ sai chung thân; Lm Võ Viết Hiền bị chết rũ tù. Riêng cô Liên Phương chịu trách nhiệm về Nữ Giới, bị tra tấn tàn bạo đến chết. Ðặc biệt nhất là trong ngày xử tử anh hùng Phạm Tuyên, bà vợ của ông thay vì than khóc buồn sầu và đau khổ, bà đã đi mua sẵn mấy chục thước vải trắng tinh đưa về cắt ra làm mấy chục tấm theo số tuổi của chồng, và trong ngày xử, sau khi linh hồn ông bay về Thiên đàng hưởng mặt Chúa, thì bà đã dùng những tấm khăn trắng đó thấm từng giọt máu tử đạo của chồng đổ ra trên mặt đất và vui mừng đưa về nhà thờ kính.

5. Danh sách các Ðức Giám Mục cai quản Giáo Phận Vinh

a) Các Giám Mục thừa sai:

1. ÐC Hậu (Gauthier), cai quản từ 1842-1877
2. ÐC Phó Nghiêm (Masson),, 1848-1853
3. ÐC Hòa (Croc),, 1868-1885
4. ÐC Trị (Pineau),, 1886-1910
5. ÐC Thọ (Belleville),, 1911-1912
6. ÐC Bắc (Eloy),, 1912-1947

Từ ngày 14.06.1951 Giáo phận Vinh được giao lại cho các Ðức Giám Mục bản quốc gốc Vinh coi sóc.

b) Các Giám Mục VN gốc Vinh:

1. ÐC GB. Trần Hữu Ðức, cai quản từ 1951-1971
2. ÐC Phó Phaolô Nguyễn Ðình Nhiên,,, 1963-1969
3. ÐC Phêrô Nguyễn Năng,,, 1971-1978
4. ÐC Phêrô Trần Xuân Hạp,,, 1979- 2000
5. ÐC Phaolô Cao Ðình Thuyên,,, 2000-

6. Nghệ-Tĩnh-Bình: Vùng đất anh hùng hào kiệt

Hễ nói đến vùng đất Nghệ-Tĩnh-Bình là không thể không nhắc đến tên tuổi của những người con ưu tú của dãy đất Miền Trung này, không thể không nhắc đến tên tuổi của những vị anh hùng dân tộc mang trong mình dòng máu Nghệ-Tĩnh-Bình được.

Nếu chúng ta đứng từ Bến Thủy thuộc Nghệ An nhìn sang đất Hà Tĩnh ở phía nam, chúng ta sẽ thấy một cảnh non nước tuyệt đẹp: Cảnh ”Sông Lam, Núi Hồng”, trải rộng mênh mông và xanh biếc một màu. Bên kia, vượt hàng cây xanh là quả núi Hồng Lĩnh bao phủ kín chân trời. Nhìn toàn cảnh mà du khách cứ muốn tìm đâu là Tiên Ðiền, đâu là Uy Viễn?

a) Các liệt sĩ và các nhà cách mạng

Vâng, bên trái Cửa Hội, cách khoảng 5km, là làng Uy Viễn, quê của vị quan nổi danh Nguyễn Công Trứ (1778-1858), Doanh Ðiền Sứ của Triều Ðình, đã có công khai phá miền Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Phát Diệm) thành một miền đất trù phú như chúng ta thấy ngày nay. Còn bên trái, cách 6km, là làng Tiên Ðiền, quê của nhà văn hào dân tộc Nguyễn Du với tác phẩm bất hủ “Ðoạn Trường Tân Thanh” mà dân gian thường gọi là Chuyện Kiều. Một nhà thi sĩ nổi tiếng khác là nữ sĩ Hồ Xuân Hương, quê bà ở Quỳnh Ðôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bà là tác giả của những cuốn “Xuân Hương Thi Tập” và “Ðồ Sơn Bạt Vịnh”, v.v… Cách thị xã Vinh 13km là đất Làng Sen, thuộc huyện Nam Ðàn. Qua một đầm sen, du khách theo một lối ngõ hoa dâm bụt, sẽ đến một căn nhà lá bạc màu. Trong nhà, một chiếc võng vắt ngay gian giữa, còn chiếc phản gỗ được kê ở gian bên, chiếc rương gỗ, giá sách tre, v.v… đó là tất cả gia sản của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Nguyễn Sinh Cung. Cậu bé chào đời năm 1890 và lớn lên thành nhà giáo Nguyễn Tất Thành.Năm 1930, ông thành lập “Việt Nam Thanh Niên Ðồng Minh Hội” hay gọi tắt là “Việt Minh”, sau đổi thành Ðảng Cộng Sản Ðông Dương, dưới bí danh là Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh. Cuộc cách mạng do ông khởi xướng đã đạt được thắng lợi cuối cùng là dành lại độc lập thống nhất cho đất nước.N hưng nhắc đến tên Nam Ðàn người ta không thể quên được tên một vĩ nhân khác, đó là chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940). Cùng với Phan Chu Trinh, Trần Quí Cáp, Tăng Bạt Hổ, v.v… ông đã cho phổ biến “Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư” và đã làm chấn động cả nước. Ông cổ võ “Duy Tân Tự Cường” và phát động “Phong Trào Ðông Du”. Nhưng trước khi bỏ đất Nghệ An, chúng ta không quên tên tuổi của một nữ tướng thời danh Bùi Thị Xuân (?-1802). Tuy được sinh ra tại Bình Ðịnh, nhưng gốc ở Triệu Phong (Nghệ An). Là một người phụ nữ có sức mạnh và lòng can đảm phi thường. Bà đã từng huấn luyện voi và điều khiển đội chiến tượng gồm 100 thớt voi ra Bắc Hà đánh bại quân Thanh. Bà là nữ tướng có công đánh đuổi Tôn Sĩ Nghị và giải phóng được thành Thăng Long.

Tiếp đến, khi rời Nghệ An du khách sẽ đặt chân đến làng Ðông Thái, huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ðó chính là quê hương của nhà đại cách mạng Phan Ðình Phùng (1847-1895). Ông nổi danh với cuộc nổi dậy chống Pháp ở Hương Khê thuộc tỉnh Hà Tĩnh, và kéo dài 11 năm. Ðịa bàn hoạt động của quân kháng chiến do ông lãnh đạo bao trùm các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Trong các tướng giỏi của ông có anh hùng Cao Thắng. Một danh sĩ khác, sinh tại làng Bùi Chu, huyện Hưng Yên, tỉnh Nghệ An, cũng chứa chan một bầu nhiệt huyết yêu nước thương nòi, đó là Nguyễn Trường Tộ (1827-1871). Ông đã muốn dùng sự hiểu biết và du học của mình để dâng lên vua Tự Ðức mấy chục bản điều trần canh tân đất nước trong các lãnh vực: Chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, giáo dục, giao thông, vận tải, khai mỏ, khẩn hoang, v.v… Nhưng tiếc thay, các bản điều trần khẩn cấp của ông đã bị bọn nịnh thần xé bỏ, khiến cho những kiến nghị của ông chỉ là tiếng kêu trong sa mạc vô vọng. Nguyễn Trường Tộ vốn thuộc một gia đình theo đạo Công Giáo từ nhiều đời và là học trò của Ðức Giám Mục Gauthier. Nhưng ngoài Nguyễn Trường Tộ, là một giáo dân đã hết lòng vì đất nước, lịch sử Giáo Phận Vinh còn ghi nhớ một vị Linh mục Công Giáo, một người con của Giáo Phận, đã làm quan lớn dưới triều vua Tự Ðức. Ðó là cha Phaolô Nguyễn Hoằng (1839-1909). Cha Hoằng sinh tại xứ Phương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Cùng với ông Petrus Ký, cha được tham gia phái bộ Phan Thanh Giản qua Pháp để điều đình vào các năm 1863-64. Ông Nguyễn Trường Tô, sống cùng thời, đến thăm và khen Linh mục Hoằng: ”Người giỏi tiếng Tây, ngay từ khi ngài còn là giáo sĩ phó tế”.

Rời đất Nghệ An đi qua Hà Tĩnh và du khách sẽ đặt chân lên đất tỉnh Quảng Bình, vùng đất của các bậc vĩ nhân. Trước hết, về phương diện văn thơ: Một trong những thi sĩ công giáo nỗi danh nhất là nhà thơ Hàn Mặc Tử, tên thật là Phan-xi-cô Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22.09.1912 tại Ðồng Hới. Ông là tác giả của những tập thơ nỗi danh và rất được giới yêu thơ quí chuộng như “Ðau Thương”, “Xuân Như Ý”, “Duyên Gấm Ngọc Trai”, v.v… và là thần tượng một thời của giới sinh viên, học sinh trong cả nước. Năm 1940, một cơn bạo bệnh đã cướp đi người con tài hoa của vùng đất xứ Quảng. Tiếp đến, về phương diện xã hội chính trị: chí sĩ Ngô Ðình Diệm, Tổng Thống tiên khởi của Miền Nam Việt Nam, là người phải được xưng danh đầu tiên. Sau khi đã trục xuất tên thực dân Pháp cuối cùng ra khỏi lãnh thổ đất nước bằng con đường ngoại giao khéo léo, ổn định cuộc sống cho hơn một triệu người di cư từ Miền Bắc vào trong một hoàn cảnh cực kỳ phức tạp và khó khăn lúc bấy giờ, v.v… ông đã được đồng bào nhất mực tín nhiệm bầu vào chức vụ Tổng Thống. Tuy ông lớn lên ở Huế, nhưng quê gốc và dòng máu yêu nước hào hùng của ông là của người Quảng Bình. Năm 1963, trong một cuộc đảo chánh do một số tướng lãnh phản bội âm mưu, dưới sự lèo lái của người Mỹ, ông và hai người em trai ruột bị sát hại. Còn những nhà cách mạng lừng danh thê giới, từng sát cánh với chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc giải phóng đất nước và đang là nhân chứng lịch sử của một nước Việt Nam độc lập, là đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh hùng Ðiện Biên Phủ, v.v… Tất cả đều là những người con ưu tú của vùng đất Quảng Bình.

b) Các vị Linh Mục Công Giáo ái quốc

Tuy là Linh mục của Giáo Hội, nhưng các ngài cũng là những con dân Nghệ-Tĩnh-Bình, luôn sôi sục trong mình dòng máu cách mạng bất khuất. Trước hết phải kể đến Linh mục Mai Lão Bạng, trong Giáo Phận Vinh gọi ngài là “Ông Già Châu”. Sinh ra và lớn lên ở Vinh. Ông rất căm phẩn trước cảnh thực dân Pháp dày xéo quê hương, nên rất tích cực hoạt động cho “Phong Trào Ðông Du” của Phan Bội Châu. Chí sĩ Kỳ ngoại Hầu Cường Ðể rất mến phục ông. Cụ Phan Sào Nam cũng rất quí mến ông và đã tặng ông mấy chữ “Lão Bạng Minh Châu” Vào năm 1918 Linh mục Mai Lão Bạng bị sa lưới mật thám của Pháp ở Thái Lan. Ông để lại tập thơ cách mạng bất hủ: “Lão Bạng Phổ Khuyến Thơ”. Nội dung là những lời kêu gọi đồng bào cả nước lương hay giáo hãy đoàn kết cứu nước và đừng để thực dân Pháp lợi dụng gây chia rẽ. Tiếp đến, đặc biệt nhất là ba Linh mục khác nắm giữ các địa vị then chốt trong Giáo Phận Vinh: Lm Nguyễn Văn Tường (Quản lý của Giáo Phận), Lm Nguyễn Thần Ðồng (cha sở Nhà Thờ Chính Tòa), và Lm Ðậu Quang Lĩnh (bí thư Tòa Giám Mục). Cả ba vị đều bị thực dân Pháp kết án 9 năm tù khổ sai biệt xứ và bị đày ra Côn Ðảo ngày 21.10.1909, vì văn hóa Ðông Du. Và cũng vì thái độ “bao che” cho ba vị Linh mục ưu tú trên mà Ðức Giám Mục Pineau Trị bị triệu hồi về Pháp và bị ép buộc phải ký tên vào đơn xin từ chức.

Linh mục Nguyễn Văn Tường (1853-1915), sinh năm 1853 tại Văn Tường, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Cha Delignon, Tổng Ðại Diện GP Saigon, năm 1909 được ÐC Mossard, Giám mục Saigon, cử ra thăm ba vị ở Côn Ðảo và khi trở về đã báo cáo về cha Tường: ”Người già nhất là cụ Tường, 56 tuổi, hơi hói đầu, đeo kiếng và mang một chòm râu hoa râm dưới cằm, trông giống như một ông quan, nhưng khuôn mặt trông rất hiền hậu”. Nhờ tài khéo quản lý trong xứ và là người đáng tin cậy, nên ÐC Pineau Trị gọi về Xã Ðoài và giao cho trọng trách quản lý toàn bộ tài chánh của Nhà Chung mà từ trước tới nay vẫn nằm trong tay các thừa sai người Pháp. Sự bổ nhiệm đã gây nên sự bất bình giữa các Linh mục thừa sai, nhất là nơi cha Tổng Ðại Diện Giáo Phận là Linh mục người Pháp tên Abgrall Ðoài. Chính cha Ðoài đã viết thư về Pháp cho Ðức Hồng Y Gotti và Tổng quyền Hội Thừa Sai Paris để tố cáo ÐC Pineau là kém khả năng quản trị Giáo Phận, về cả mặt tài chánh lẫn nhân sự. Trong một thư khác, cha Ðoài lại gọi các Linh mục Việt Nam là “bọn người đốn mạt”. Khi biết được chuyện đó, ÐC Pineau liền cách chức cha Abgrall Ðoài. Còn cha Tường từ trần tại Côn Ðảo vào năm 1915, trước khi mãn hạn tù khổ sai.

Linh mục Nguyễn Thần Ðồng (1867-1944), sinh tại xứ Nhân Hòa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Chịu chức năm 1902 và được bổ nhiệm làm Cha sở Nhà Thờ Chính Tòa Xã Ðoài. Ngài rất có lòng bác ái, thương người và tinh thần xã hội. Về cha Ðồng, cha Delignon đã mô tả: “người thứ hai là linh mục Ðồng, 43 tuổi, người bé nhỏ và mặc dầu ít cởi mở, nhưng vẫn sẵn sàng trò chuyện và tỏ ra là người có óc phán đoán tốt”. Từ nhà tù Côn Ðảo cha Ðồng đã làm một bài thơ gửi cho một người bạn tri kỷ:

Cái buồn ai biết cái làm sao ?
Vướng vít lòng ta đến nỗi nào!
Ðứng lững, ngồi lơ, nằm dở giấc
Sớm trông, chiều nhớ, tối chiêm bao!
Xa xa trên núi chòm vân phủ
Lộng lộng trước khơi ngọn thủy trào.
Mấy kẻ tri ân ai biết chăng?
Một mình càng nghĩ, nghĩ càng đau!

Sau khi mãn tù ở Côn đảo (1918), cũng như cha Ðậu Quang Lĩnh, cha Ðồng được ÐC Mossard nhận về làm việc trong Giáo phận Saigon, vì cả hai bị án biệt xứ, cấm không được cư trú tại Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Ngày 26.12.1944, cha Nguyễn Thần Ðồng từ trần tại quê nhà, sau 9 năm khổ sai và 32 năm biệt xứ chỉ vì lòng ái quốc và mối thịnh tình với Phong trào Văn hóa “Ðông Du”.

Linh mục Ðậu Quang Lĩnh (1968-1930). Cha là người trẻ nhất trong ba vị. Sinh năm 1868 tại Yên Phú, huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Linh mục Delignon đã nhận định về cha Lĩnh: ”Cụ là một người cao lớn, chững chạc và xem ra rất thông minh”. Bởi vậy, tuy trẻ nhất, nhưng ngài là trưởng nhóm của ba vị Linh mục cách mạng. Từ khi còn là chủng sinh, cha Lĩnh đã nổi tiếng là thông minh, rất giỏi Pháp văn, La văn và Hán ngữ, lại có khiếu về âm nhạc. Năm 1908 chịu chức Linh mục. ÐC Pineau Trị gọi về Nhà Chung cử làm Thư ký Tòa Giám mục. Vì thế ngài luôn tháp tùng ÐC Trị trong tất cả các cuộc kinh lý của Ðức Cha và đã nhìn thấy được những cảnh các Linh mục thừa sai đối xử thiếu nhân bản với các Linh mục Việt Nam, trong đó có cả ngài nữa. Nếu các Linh mục Tây mà còn đối xử như vậy với các Linh mục Việt Nam như thế, huống hồ là bọn thực dân Pháp còn đối xử tàn tệ thế nào nữa với người dân thường. Ðó chính là những điều luôn làm cha Lĩnh bức xúc và hết sức ủng hộ phong trào văn hóa Ðông Du. Từ trong tù Côn Ðảo ngài vẫn tiếp tục “làm văn hóa”, trong đó có bài thơ ngài đã gửi về cho một người bạn:

Ngồi tính lần lần đốt ngón tay
Cách nhau trót đã bảy năm chầy
Tóc râu nay đã lem nhem bạc
Hình vóc trông ra móm mém gầy
Ngồi nghĩ nhớ nhà, nằm nhớ nước
Sớm ra trông bể tối trông mây
Ðông qua xuân tới xây vần mãi
Hội ngộ nay mai sẽ có ngày.

Sau khi mãn tù, cha Lĩnh được ÐC Mossard cử làm Phó xứ Cái Mơn, sau lên làm Chánh xứ. Nhờ có tài đức lỗi lạc, cha đã được chọn làm Quản hạt, đồng thời làm Bề trên một Tu viện trên 200 Nữ tu. Cha Lĩnh qua đời năm 1930. Mộ phần của ngài còn nằm trong nhà thờ Tu viện MTG ở Cái Mơn, Vĩnh Long.

Linh mục Lê Sương Huệ. Ngoài “Bộ Ba Linh Mục Côn Ðảo” như đã nói trên, người viết lịch sử Giáo Phận Vinh sau này sẽ không thể bỏ qua được vị Linh mục thứ bốn là Linh mục Lê Sương Huệ. Theo gương các vị tiền bối, từng xả thân cho đại cuộc, góp sức đẩy mạnh công cuộc giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ thực dân phong kiến, chống một lượt vừa ngoại xâm Pháp vừa Nhật trong suốt vùng đất Thanh-Nghệ-Tĩnh-Bình. Cha Huệ sinh năm 1888, tại làng Cây Khế, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Con một gia đình trung nông, và được hấp thụ một nền giáo dục thuần túy Công Giáo. Trưởng thành trên giải đất Nghệ-Tĩnh-Bình, nơi đã thấm máu của bao vị anh hùng cứu nước. Ngài được nuôi dưỡng thêm truyền thống bất khuất, cương quyết của giống nòi. Hoạt động của ngài bắt đầu từ năm 1942, lúc Âu Châu đang bị khủng hoảng dữ dội, Pháp hầu như bị ép buộc lép vế ở Ðông Dương. Ngài bắt đầu liên lạc với các nhà Ái quốc như chí sĩ Ngô Ðình Khôi, nhà cách mạng Ngô Ðình Diệm, để thống nhất ý chí hành động. Ngài bị mật thám Pháp bắt năm 1944 tại nhà xứ của ngài ở Lập Thạch và bị đày vào Trà Khê (Phú Yên). Vào tháng 3.1945, nhân cuộc đảo chính Nhật, cha Huệ được tha. Năm 1948, trên đường đi từ Saigon đến Vĩnh Long, ngài bị phục kích và bị sát hại.

Cả bốn vị Linh mục cách mạng nổi danh của Giáo phận đã nằm xuống. Nhưng sự hy sinh to lớn của các ngài đã không vô ích. Tố quốc của các ngài đã hoàn toàn được giải phóng. Nước Việt Nam nay là của người Việt Nam. Ðồng thời những dòng máu tông đồ nhiệt thành của các ngài cũng đã tô điểm cho Giáo Hội quê nhà thêm đông kẻ thờ phượng Chúa. Ðàng khác, máu của các ngài cũng như của hàng ngàn Kitô hữu đã đổ ra, nhuộm đỏ quê hương hình chữ S, chỉ vì lòng yêu nước thương nòi, chỉ muốn tranh đấu dành độc lập cho tổ quốc thân yêu khỏi tay ngoại bang xâm lược, là cả những lời minh chứng hùng hồn cho những lời kết án hồ đồ, cho người Công Giáo là theo Tây, là nối giáo cho giặc, v.v… Tóm lại, tất cả những đứa con ưu tú của quê hương Nghệ-Tĩnh-Bình, đồng thời là những vị anh hùng của toàn thể dân tộc Việt Nam, xưa kia cũng như ngày, đã khẳng định rằng dải đất Miền Trung này không phải cằn cỗi nghèo nàn, nhưng là dải đất đầy mầu mỡ hùng cường, dải “đất lành chim đậu”, dải đất của các anh hùng hào kiệt khét tiếng cả giang sơn Việt Nam.

7. Biến cố di cư năm 1954

Sau khi cuộc chiến Pháp-Việt kéo dài 8 năm trời đã được chấm dứt với Bản Hiệp Ðịnh giữa đôi bên được ký kết tại thành phố Genève của Thụy Sĩ vào ngày 20.07.1954, tạm lấy Vĩ Tuyến 17 trên sông Bến Hải (Thạch Hản) làm biên giới phân chia giữa Bắc và Nam Việt Nam, cho tới ngày tổng tuyển cử sẽ được tổ chức sau đó, mọi người dân ở cả hai Miền được tự do lựa chọn khu vực sinh sống của mình. Thêm vào đó, lúc bấy giờ một cơn đói đang hoành hành khắp Miền Bắc đã khiến cho khoảng 1.300.000 người dân Miền Bắc mà đa số là người Công Giáo đã di cư vào Miền Nam lập nghiệp. Trong số đó có 57. 868 người Công Giáo thuộc Giáo Phận Vinh. Số giáo dân Nghệ-Tĩnh-Bình di cư vào Nam đã phân tán mỏng ra như sau: Giáo Phận Huế: 1.320 người; Giáo Phận Ðà Nẵng: 4.966 người; Giáo Phận Qui Nhơn: 1032 ngưới; Giáo Phận Nha Trang (và Phan Thiết): 21.792 người; Giáo Phận Kontum: 7.023 người; Giáo Phận Ðà Lạt: 5.390 người; Giáo Phận Cần Thơ: 817 người; Giáo Phận Long Xuyên: 2753 người; Giáo Phận Saigon: 11.868 người. Còn số giáo dân hiện nay của Giáo Phận Vinh ở Miền Bắc là 406.023 người rải rác trên hai tỉnh Nghệ An, Hà tĩnh và một phần tỉnh Quảng Bình. So với số giáo dân di cư của các Giáo Phận khác thì các giáo dân gốc Nghệ-Tĩnh-Bình có thể được coi là đông vào bậc nhất nhì, nhưng vì người Dân Vinh di cư vào Nam muộn hơn người Bắc và vì các Linh mục Vinh lúc bấy giờ không được tháo vát, nên Dân Vinh đã bị đưa đi định cư rải rác ở các tỉnh lẽ và trên các vùng Cao nguyên hẻo lánh, chứ không được định cư vùng ngoại ô kế cận Saigon, cả đến một căn nhà nho nhỏ ở Saigon để làm Trụ sở giao dịch cũng không có. Mãi về sau, nhờ sự lo lắng của các Linh mục Trương Cao Khẩn và Nguyễn Viết Khai, Dân Vinh mới có căn phố số 32 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm làm nơi gặp gỡ nhau.

Giáo xứ Tân Bình

Cùng theo dòng thác di cư đó, ngày 10.02.1955, cha Nguyễn Văn Dũng và cha Nguyễn Quang Dung (hiện mộ cha già Dung đang nằm trong khuôn viên nhà thờ Tân Bình) đem một số giáo dân thuộc các xứ Hướng Phương, Hòa Ninh, Gia Hưng, Minh Cầm đi vào miền Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa lập thành hai trại định cư Tân Bình và Bãi Giếng, nay là Bắc Vĩnh. Ngày nay cả hai Giáo xứ Tân Bình cũng như Bắc Vĩnh đã trở thành một trong những Giáo xứ sầm uất và sinh động nhất của Giáo Phận Nha Trang (xin xem tiếp bài “Tân Bình Quê Hương Tôi” trong cuôn Kỷ Yếu này).

Tu Viện Mến Thanh Giá Tân Bình

Có thể nói được rằng trong các Giáo xứ di cư gốc Nghệ-Tĩnh-Bình ở Miền Nam, không có một Giáo xứ nào được hân hạnh như Giáo xứ Tân Bình, là có một Tu Viện các Sơ MTG ngay giữa lòng Giáo xứ. Vì thế không thể nói đến Giáo xứ Tân bình mà lại không nhắc đến Tu viện của các Sơ Dòng MTG Tân Bình.

Năm 1955, khi cha Nguyễn Văn Dũng và một số giáo dân của ngài từ Quảng Bình vào tới Ðà Nẵng, ngài đã đi vào Nha Trang trước để nhờ cha Lê Công Khương hướng dẫn tìm một nơi định cư thật thuận lợi cho giáo dân của ngài. Cha Khương đã giới thiệu vùng đất tại xã Suối Vĩnh, quận Suối Dầu, nằm bên Quốc lộ số 1, gần núi và biển. Thấy quang cảnh quá hữu tình, cha Dũng đã vui vẽ lên hứng nói một câu rất chí lý: “Nhất cận thủy, nhì cận sơn”. Sau đó ngài trở lại đưa 2000 giáo dân, trong đó có 33 chị em Dòng Mến Thánh Giá Hướng Phương, vào Nha Trang. Nhưng khi các Sơ MTG vào tới Nha Trang thì được ÐC Marcel Piquet, Giám Mục Giáo Phận Nha Trang cho ở tạm trong nhà các Sơ Saint Paul tại khu nhà số 1-3, đường Lê Thánh Tôn. Sau đó bà Bề trên Maria Nguyễn Thị Lan xin cho chị em được dời đi nơi khác thì ÐC Piquet cho chị em ở tạm tại nhà các Sơ Dòng Ðức Mẹ Khiết Tâm Bình Cang. Ở Bình Cang đưọc 7 tháng thì Mẹ Bề trên Lan lại xin ÐC Piquet cho phép chị em về Tân Bình định cư và Ðức Cha đồng ý. Thế là từ ngày 20.12.1955 chị em Mến Thánh Giá Hướng Phương Giáo Phận Vinh định cư tại Tân Bình dưới sự dìu dắt của Ðức Cha Marcel Piquet và cha xứ Tân Bình Nguyễn Văn Dũng. Ngày nay Dòng MTG Tân Bình đổi tên thành Dòng MTG Nha Trang. Từ những thử thách khó khăn tưởng như không thể vượt qua được ở buổi đầu, Nhà Dòng đã phát triển một cách mạnh mẽ trong mọi lãnh vực. Về nhân sự: từ con số 33 chị em còn quá khiêm tốn lúc mới vào định cư, nay đã tăng lên vượt mực. Tính đến năm 2006, số nhân danh của Nhà Dòng gồm có: 181 Sơ khấn trọn, 103 Sơ khấn tạm, 50 Sơ tập sinh, 30 Sơ thỉnh sinh và 300 em đệ tử. Về cơ sở vật chất: Các chị em đã cùng nhau chắt chiu tần tảo xây dựng được một cơ ngơi thật nguy nga đồ sộ. Những căn nhà mái tranh vách đất xiêu vẹo hay được lợp tôn chật chội và nóng bức năm nào, nay đã được thay thế bằng những ngôi nhà lầu bê tông cốt sắt trông rất hoành tráng, hoàn toàn bảo đảm an ninh cho đời sống tu trì và kinh nguyện hằng ngày của chị em. Ngoài ra chị em MTG Nha Trang còn xây dựng được khắp nơi những trung tâm vừa để huấn luyện chị em vừa để làm bàn đạp truyền giáo. Vâng, đặc biệt nhất là vấn đề huấn luyện và đào tạo chị em: Ðó là mối quan tâm và nỗi bức xúc vô cùng quan trọng của Nhà Dòng, cốt sao có thể thích ứng được với những tiến bộ và đổi mới của não trạng con người ngày nay. Vì thế, ngoài việc cho các chị em trẻ có khả năng không chỉ theo học đủ các ngành khoa học trong nước, mà Nhà Dòng còn gửi các chị em ưu tú đi du học ở ngoại quốc. Ðó là những canh tân rất hợp thời và rất đáng khích lệ của chị em Dòng MTG Nha trang hiện nay. Và đó cũng là dấu chỉ tích cực cho tương lai của Nhà Dòng MTG Nha Trang Tân Bình. Nhà Dòng là niềm hãnh diện của cả Giáo xứ!

Kết luận

Qua những dòng tóm lược Lịch Sử Giáo Phận Vinh trên đây, người ta phải khách quan công nhận rằng tất cả những người Công Giáo gốc Vinh, đều có chung một niềm tự hào về tinh thần quật cường bất khuất của dòng máu Nghệ-Tĩnh-Bình anh hùng, trong tất cả mọi lãnh vực: kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, tôn giáo. Đúng thế, trước kia vào các thập niên 40, 50 ở Trang Nứa, Quỳnh Lưu, Yên Mỹ, Chúc A, v.v… người Công Giáo Vinh đã từng rào làng chống lại bạo quyền đàn áp tôn giáo, thì ngày nay ở Tam Tòa tinh thần bất khuất đó còn mạnh mẽ hơn bội phần, vì được anh chị em đồng đạo trong khắp toàn Giáo phận, toàn nước và toàn thế giới ủng hộ làm hậu thuẩn. Thật vậy, dù sống trên vùng đất quê mẹ Nghệ-Tĩnh-Bình hay sơ tán trên khắp đất nước Việt Nam hoặc ở một chân trời góc biển nào trên thế giới, người Công Giáo Vinh luôn luôn giữ được bản sắc và những phẩm tính cao quí của mình. Ðó là chân thành, trung kiên, chịu khó, cần mẫn, cương quyết và luôn lấy chữ tín làm đầu, chứ không bao giờ lật lọng hay dua nịnh. “Trung thần bất sự nhị quân”- một người tôi trung không bao giờ phục vụ một lần hai chủ, luôn luôn là khí phách của người dân Nghệ-Tĩnh-Bình. Kính thờ Thiên Chúa và phục vụ Tổ Quốc luôn được người Dân Vinh đặt lên trên hết. Bởi vậy, đồng bào cả nước – lương cũng như giáo –, cũng như cả thế giới luôn hướng nhìn về vùng đất miền trung Nghệ-Tĩnh-Bình với tất cả sự kính phục và cảm mến. Nghệ-Tĩnh-Bình muôn năm!

Tài liệu tham khảo:

“Giáo Phận Vinh, Nghệ Tĩnh Bình”, Lm Cao Văn Luận, Khai nguồn lịch sử, Saigon 1975.
“Lược sử Giáo Phận Vinh”, Hồ Ðức Hân,do nhóm thân hữu Nghệ Tĩnh Bình phát hành, Hoa kỳ 1989.
“Kỷ Yếu Năm Thánh GP Vinh”, Tòa Giám Mục Xã Ðoài, 1992.
“Lịch sử biên niên Việt Nam”, Thư viện Học Viện Viễn Ðông Bác Cổ Pháp, EPEO, Paris.
“Di sản Hán Nôm Việt Nam, thư mục đề yếu”, NXB-KHXH, Hà Nội, 1993, gồm 3 Tập.
“Việt Nam Giáo Sử”, Lm Phan Phát Nguồn, quyển I, trang 356.
“Les Annales des MEP”.
“Thám hiểm Phong Nha”, Báo Lao Ðộng, số ra ngày 16.08.1994.
“Triết Lý Chấp Sinh Nguyễn Công Trứ”, Lm Vũ Ðình Trác, (Luận án tiến sĩ, xuất bản ở Orange, CA. 1988).
“Nguyễn Trường Tộ, Con Người và Di Thảo”, Lm Trương Bá Cần, Tp. Hồ Chí Minh, 1988.
“Lịch sử Giáo Phận Vinh”, Lm Cao Vĩnh Phan, Hoa kỳ, 1996.
“Những bí mật đàng sau các cuộc Thánh Chiến tại Việt nam”, Lữ Giang, HK 1994, trang 197.
Nội san “Luyện Thép” của giáo dân Vinh di cư, số 4, năm 1956.
Bài nghiên cứu của N.L. Hénard trong Tạp chí BEFEO (Bulletin de l’École Francaise d’Extrême Orient, số 75.

Lm JB. Nguyễn Hữu Thy