PDA

View Full Version : C - Chúa Nhật XVIII thường niên ( Than Van & Trách Móc )



Dan Lee
07-31-2009, 11:19 PM
Chúa Nhật XVIII thường niên

THAN VAN & TRÁCH MÓC


“Phải chi chúng tôi chết bởi tay ĐỨC CHÚA trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” (Xh 16:3). Bạn có nghĩ là dân Do Thái đã buông ra những lời trách móc ông Mô-sê và ông A-ha-ron quá là nặng nề không? Mà không phải chỉ có một lần đâu nhá, nhưng mà rất nhiều lần dân Ít-ra-en đã trách móc, xỉa sói và tỏ thái độ vô ơn bạc nghĩa đối với ông Mô-sê, vị đại ân nhân của họ. Tôi xin đơn cử ra đây một vài đoạn Kinh Thánh nói về sự bạc bẽo của dân Do Thái đối với ông Mô-sê, là vị đại ân nhân của họ:

"Bên Ai-cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc [dzậy]? … Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai-cập! Thà làm nô lệ Ai-cập còn hơn chết trong sa mạc [kia mà]!" (Xh 14:11-12).
“[Thà] chúng tôi chết … trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê … [còn hơn là] vào sa mạc này, để … phải chết đói cả lũ ở đây!” (Xh 16:2-3)
“Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho (chúng) tôi, con cái (chúng) tôi, và súc vật của (chúng) tôi bị chết khát hay không? " (Xh 17:3).
“Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập … Chúng tôi đã chán ngấy [man-na] thứ đồ ăn vô vị này [rồi]” (Ds 21:5).
“Phải chi chúng tôi chết ở bên đất Ai-cập, hoặc phải chi chúng tôi chết trong sa mạc này cho xong! Sao ĐỨC CHÚA lại đem chúng tôi vào đất này để chúng tôi ngã gục dưới lưỡi gươm, để vợ con chúng tôi bị giặc bắt? Chúng tôi trở về Ai-cập có tốt hơn không?” (Ds 14:2-4).

Bạn có thấy dân Do Thái quá là vô ơn, bạc nghĩa hay không? Ông Mô-sê đã hy sinh, đã phải trải qua biết bao nhiêu là đau khổ, bao nhiêu là sợ hãi và lo lắng đến bạc cả đầu cũng chỉ vì họ và vì con cháu của họ, vậy mà họ lại trách móc, than phiền và xỉa sói ông, làm như ông chính là THỦ PHẠM gây ra những đau khổ và bất hạnh cho họ và gia đình họ vậy. Bạn thấy họ có quá đáng không? Bất công nữa chứ chẳng phải chỉ là quá đáng đâu!

Dân Do Thái khi xưa thì tệ bạc, đã đối xử bất công và đã nói những lời quá đáng đối với ông Mô-sê như vậy, còn những người thời nay trong đó có tôi và bạn thì sao? Có bao giờ bạn và tôi buông ra những lời trách móc, xỏ xiên, than phiền, và chê trách ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, các linh mục, và các tu sĩ không vậy? Có đấy nhá!

Qua Mỹ đã mười ba năm, những khi xuôi chèo mát mái, những lúc cuộc đời bình an, may mắn thì chẳng nghe nói gì cả, nhưng khi gia đình bị đổ vỡ, khi lâm bệnh, Duy quay qua trách móc bố mẹ: “Tại bố mẹ bắt con đi Mỹ cho nên ngày hôm nay con mới cực khổ như thế này, phải cày tối mặt tối mũi, phải mang nợ nần, phải thức khuya dậy sớm… Phải như hồi đó bố mẹ đừng bắt con đi, con ở lại Việt Nam, thì con đâu có gặp phải con vợ hoang đàng và láo lếu như vậy, ngày hôm nay con cũng đâu phải lo lắng đến sinh bệnh ra như thế này, đâu phải cực khổ như con trâu con bò như vầy…”
Năm 2000, Đức Cha vừa ký bài sai gửi cha Bền Đỗ về trông coi giáo xứ Đạo Đức xong thì giáo dân cũng như ban hành giáo viết thư than phiền với Đức Cha rằng: “Tại sao Đức Cha không cho chúng con một linh mục trẻ một chút, ông cha này già rồi, lẩm cẩm, nói trước quên sau, làm lễ thì chậm chạp, lại hay giảng dài …? Hơn năm sau, Đức Giám Mục nhức đầu quá chịu không nổi, đành phải đưa cha Bền Đỗ qua xứ khác, và gửi cha Young, một linh mục trẻ, năng động và hoạt bát đến thay thế. Mấy tháng đầu thì giáo dân phấn khởi hồ hởi lắm, ca khen hết lời, bốc lên tận giời, nhưng chỉ sáu tháng sau, họ lại viết thư gửi lên toà Giám Mục kể lể, than vãn: “Thưa Đức Cha, lúc trước cha Bền Đỗ tuy hơi già và lẩm cẩm một tí, nhưng mà ngài lúc nào cũng gắn bó với giáo xứ, không ngày nào mà không có thánh lễ, ngày nào cũng ngồi tòa … còn cha Young này thì chán lắm, cứ ăn rồi đi đánh banh, lễ lạc thì ngày có ngày không, nay cáo bịnh, mai báo ốm, ngày thường thì không giảng, ngày Chúa Nhật thì chỉ giảng qua loa, chỉ năm phút là xong, nửa tiếng tây nửa tiếng ta, chẳng có đầu cũng chẳng thấy đuôi, trẻ nghe không hiểu, già nghe không thông, thà cha ấy đừng giảng thì hơn!
Khi chưa chịu chức linh mục, thầy Philip than phiền: “Sao cái số của tôi lận đận và đen hơn là mõm … cẩu như vậy hả Trời? Học xong cả mấy năm nay rồi, tu cũng đã mấy chục niên, vậy mà cha bề trên vẫn chưa cho chịu chức nữa?” Rồi sau khi chịu chức linh mục, được sai đi trông coi giáo xứ thì cha Philíp lại … móc: “Tại sao cha lại đưa con về cái giáo xứ chẳng có chiên mà toàn là … dê và toàn là sói như thế này? Từ ngày về coi xứ này cho đến giờ, con chẳng có ngày nào ăn ngon ngủ yên cả, nay thì người này chê, mai thì người khác nói bóng nói gió, mốt thì lại bị kẻ khác nói xỏ nói xiên, móc họng xỉa sói … Biết vậy hồi đó về nhà cuốc đất, trồng rau, nuôi lợn… thì đâu phải nhức đầu nhức óc như thế này!”

Bạn thân mến, trách móc, xỉa sói, than phiền … là một trong những tính hư nết xấu, nếu không muốn nói là một căn bệnh nguy hiểm mà tôi và bạn cần phải ra sức đề phòng và tránh xa nhiều bao nhiêu có thể. Bệnh trách móc, than phiền và xỉa sói này nguy hiểm và độc hại lắm bởi vì, khi tôi và bạn trách móc, than phiền và ta thán … thì lúc đó chúng mình sẽ lâm vào tình trạng u uất, tức giận, hận thù và tuyệt vọng. Tệ hơn nữa, chúng mình sẽ không có khả năng nhìn thấy những sự hy sinh, tình yêu và sự quan tâm mà ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, linh mục và tu sĩ đã và đang dành cho mình. Thật vậy!

· Vì mắc bệnh xỉa sói, cho nên dân Do Thái đã mù quáng, không nhận ra những sự hy sinh, đau khổ, vất vả mà ông Mô-sê đã phải chịu đựng, và cũng không nhận thấy tình yêu mà ông Mô-sê đã dành cho họ và cho con cháu của họ.
Vì mắc phải căn bệnh than phiền nên giáo dân của giáo xứ Đạo Đức đã không nhìn ra những điểm son, và những ưu điểm của cha Bền Đỗ có mà chỉ thấy những khiếm khuyết và những điểm tiêu cực nơi ngài mà thôi.
Vì mắc phải bệnh trách móc cho nên đôi mắt của thầy Philip đã mất đi khả năng nhìn thấy sự quan tâm, trách nhiệm và tình yêu thương mà cha bề trên đã dành cho thầy. Rồi khi trở thành linh mục, cha Philip cũng chẳng nhận ra số của chiên nhiều hơn số của sói, và những người giáo dân tốt lành trong giáo xứ của ngài…

Qua bài đọc trích sách Xuất Hành của Chúa Nhật hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, để dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù đau khổ, dù cơ cực và dù bất hạnh mấy đi chăng nữa, bạn và tôi sẽ không bao giờ hành xử với những vị ân nhân, với các đấng bề trên của mình như dân Ít-ra-en đã đối xử với ông Mô-sê. Bởi vì khi trách móc, khi chì chiết, xỉa sói và khi than phiền ông bà, cha mẹ, hàng giáo sĩ, hàng giáo phẩm … là khi đó chúng mình đang trở thành những con người vô ơn bạc nghĩa, và tệ bạc lắm đấy!

Bạn và tôi hãy cố gắng hết sức, thay vì càm ràm, phiền trách, kêu ca, hay trách móc … ông bà, cha mẹ, đức cha, bề trên hay các linh mục, thì chúng mình hãy thinh lặng, hãy thầm thĩ cầu nguyện xin Chúa giúp sức và soi sáng để mình có khả năng nhận ra tình yêu thương, cùng những điểm tích cực nơi tha nhân. Nhờ vậy chúng mình sẽ dễ dàng cảm thông, dễ dàng chấp nhận và sẽ không nỡ nòng nào trách móc, than phiền và xỉa sói các ngài nữa.

Trách móc, xỉa sói và than phiền là những thứ độc dược và truyền nhiễm, chúng mình phải tránh cho thật xa, chớ có đến gần nó, nguy hiểm lắm!


Lm. Ansgar Phạm Tĩnh, SDD