PDA

View Full Version : B- Biến cố Tam Tòa dưới ánh sáng Đức Tin



Dan Lee
07-29-2009, 10:53 PM
Biến cố Tam Tòa dưới ánh sáng Đức Tin


Chuyện kể rằng:

Ngày xưa, trong một chuyến hải hành, có một người đàn ông duy nhất may mắn sống sót sau khi con tàu bị đắm. Nhờ vớ được một tấm ván, ông trôi dạt vào một hoang đảo xa xăm và niềm hy vọng được trở về với gia đình trở nên mong manh, vì hoang đảo ấy hoàn toàn cô lập với thế giới.

Theo bản năng sinh tồn, người đàn ông ấy hàng ngày phải vào rừng kiếm lá và trái cây để sinh nhai. Dần dà, ông cũng dựng lên được một túp lều bằng lá cây rừng để che nắng mưa và tạo ra lửa để cải thiện thức ăn.

Một hôm, ông vào rừng kiếm thúc ăn như thường lệ. Khi trở ra, ông chứng kiến thêm một cảnh tượng thất vọng: Chiếc lều tránh nắng và trú mưa của ông ta đã bị ngọn lửa thiêu rụi.

Rất thất vọng, ông than trách cùng Chúa: “Chúa ôi, sao ngài chẳng thương con. Con đã phải sống trên hoang đảo nầy, xa vợ con và thế giới loài người. Con chỉ còn có một túp lều trú thân, sao Ngài lại nỡ cho lửa thiêu rụi nó đi...”

Vài giờ sau đó, có một con tàu từ xa tiến vào hoang đảo, rước ông trở về với gia đình. Khi lên tàu, ông hỏi vị thuyền trưởng:

- Tại sao quý ông biết tôi hiện diện trên hoang đảo nầy mà vào cứu vớt?

Vị thuyền trưởng đáp:

- Nhờ thấy khói từ túp lều bị cháy, chúng tôi tin chắc rằng có người gặp nạn đang sống trên hoang đảo nầy, nên chúng tôi cho tàu vào đây.

Bấy giờ, người đàn ông mới hiểu rằng chính nhờ sự rủi ro là túp lều bị cháy mà ông đã được cứu.

Giáo dân Tam Tòa nói riêng, giáo dân Quảng Bình và toàn cả giáo phận Vinh nói chung, từ xưa đã phải gánh chịu rất nhiều nỗi oan khiên để giữ vững đức tin của mình.

Trên mảnh đất cát trắng Quảng Bình, ngoài những khắt khe của thời tiết, giáo dân Tam Tòa còn phải gánh chịu những đau thương để nuôi dưỡng và vun trồng đức tin của mình. Từ tên gọi sơ khai của giáo xứ Họ Lũy và Sáo Bùn, họ đã phải chịu bách hại khi chúa Nguyễn Phúc Chu bắt đầu cấm đạo vào những năm cuối thế kỷ 17, nhưng tinh thần của họ vẫn kiên cường trung tín cùng Đạo Chúa.

Giáo dân Tam Tòa đã trung kiên làm chứng nhân cho đức tin và đã cống hiến cho Giáo Hội Việt Nam những tấm gương tử đạo sáng ngời của tiền nhân như ông trùm hạt Quảng Bình là Matthêô Nguyễn Văn Phượng thuộc giáo xứ Sáo Bùn, đã bị bắt cùng linh mục Đoàn Trinh Hoan ngày 03-01-1861, khi ngài đến làm công tác mục vụ tại nơi đây, bị giam tại nhà lao Đồng Hới và bị buộc phải bỏ đạo, nhưng hai vị đã cương quyết chối từ. Ngày 26-05-1861, cụ Matthêô Nguyễn Văn Phượng và linh mục Gioan Đoàn Trinh Hoan đã bị chém đầu nơi pháp trường ở ngoài thành Đồng Hới.

Đức tin của giáo dân Tam Tòa còn được bồi dưỡng, vun tưới bằng giòng máu tử đạo của các vị khác trong toàn vùng đất bên này và bên kia sông Gianh như chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện (1820-1838), thuộc làng Trung Quán, giám mục Pierre Borie (cố Cao, 1808-1838), linh mục Vinxentê Nguyễn Thế Điểm (1765-1838), linh mục Phêrô Vũ Đăng Khoa (1790-1838), trùm hạt Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (1768-1840), thầy giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự (1809-1840).

Như người đàn ông trong câu chuyện kể ở trên vẫn bình sinh sau biến cố chìm tàu, giáo dân Quảng Bình vẫn sống mạnh trong đức tin qua những cơn bách hại “Bình Tây Sát Tả” vào năm 1886. Các làng Công Giáo như Mỹ Hương, Đại Phong, Trung Quán, Xuân Hồi và nhất là xứ đạo Sáo Bùn bị tấn công, nhiều nhà thờ bị đốt phá, giáo dân bất kể già trẻ lớn bé đều bị đánh đập hoặc đâm chết. Tại giáo xứ Sáo Bùn, 52 giáo dân bị giết và nhà thờ bị thiêu đốt. Số giáo dân còn lại cùng một số từ các xứ đạo Mỹ Hương, Mỹ Phước, Đại Phong chạy về tị nạn tại Đồng Hới, để sau đó hình thành giáo xứ Tam Tòa ngày nay.

Sau mỗi cơn biến động tang thương của lịch sử, dưới sự dìu dắt của các giáo sĩ, giáo dân Tam Tòa cần mẫn xây dựng lại cuộc sống ngày càng trở nên sung túc. Đồng thời, đức tin của giáo dân Tam Tòa cũng được tiếp tục phát triển dưới sự dìu dắt của các vị chủ chăn.

Năm 1935, khi linh mục René Morineau (cố Trung) làm cha sở Tam Tòa, với sự giúp sức của giáo dân trong giáo xứ, một ngôi thánh đường bằng gạch khang trang đã được dựng lên vào năm 1940, bên dòng sông Nhật Lệ, với tháp chưông cao vút vang, sớm chiều lên những hồi chuông.

Giáo xứ Tam Tòa ngày càng phát triển, đã trở thành giáo hạt Tam Tòa, thuộc địa phận Huế, với trường Trung Học Chân Phước Phượng, Dòng Thánh Tâm Huế, tu viện Dòng Mến Thánh Giá, Viện Dục Anh, v.v...

Rồi khi Việt Minh cầm quyền, chính giáo xứ Tam Tòa là nơi náu thân của các linh mục, tu sĩ, và thanh niên Công Giáo, ở Hà Tĩnh và Nghệ An chạy trốn bạo lực Cộng Sản, nhất là vào năm 1947, khi Việt Minh mở chiến dịch khủng bố họ. Giáo xứ Tam Tòa là nơi tạm trú an toàn cho các anh chị em giáo hữu vùng Nghệ Tỉnh và Quảng Bình trong những năm hoạn nạn từ 1947 đến 1954. Tam Tòa đã là nơi dung thân cho những ai muốn tìm đường sống và trung kiên với đức tin Công Giáo.

Thế rồi, khi hiệp định Genève được ký ngày 20-07-1954, vì muốn sống trung kiên với đức tin, phần đông đã phải rời bỏ giáo xứ thân yêu để vào Nam. Họ đã thành lập một giáo xứ Tam Tòa tại Đà Nẵng. Một số khác sống rải rác ở Huế, Ninh Thuận, Bình Tuy... Sau biến cố 30-04-1975, một số giáo dân Tam Tòa đã theo đoàn người di tản rời quê hương và hiện đang định cư trên các quốc gia tự do như Hoa Kỳ, Pháp, Hòa Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, và Anh Quốc.

Một số còn lại, tuy rất ít, đã ở lại Tam Tòa, sống trung kiên với đức tin, mặc dù bom đạn chiến tranh, mặc dù bách hại. Ngôi nhà thờ năm xưa đã bị bom đạn tàn phá chỉ còn lại cảnh đổ nát, nhưng giáo dân Tam Tòa vẫn quây quần bên mảnh đất của tiền nhân để tiếp tục công việc thờ phượng Chúa.

Với âm mưu chiếm đoạt tài sản của Giáo Hội, chính quyền tỉnh Quảng Bình đã viện cớ dùng nhà thờ Tam Tòa để làm cái gọi là “chứng tích tội ác chiến tranh của Đế Quốc Mỹ”.

Ngày 20-07-2009 vừa qua, họ đã dùng một lức lượng đông đảo công an để trấn áp, đánh đập và bắt bớ giáo dân Tam Tòa khi giáo dân đang ra sức xây dựng một ngôi nhà thờ tạm trên chính ngôi thánh đường của mình.

Trải qua biết bao thăng trầm, tưởng như đức tin của giáo dân Tam Tòa đã chết đi trong bách hại, đàn áp và bắt bớ. Nhưng lịch sử đã chứng minh đức tin của giáo dân Tam Tòa vẫn kiên cường trước bạo lực và bách hại.

Như túp lều của người đàn ông trong của câu chuyện kể trên bị lửa thiêu rụi, ngôi thánh đường trơ trụi, đổ nát của giáo dân Tam Tòa là tài sản duy nhất và là chứng tích của đức tin trung kiên cũng đang bị bạo quyền âm mưu chiếm đoạt. Với cái nhìn trần thế, có lẽ giáo dân Tam Tòa đã phải thất vọng như tâm trạng của người đàn ông kia, khi túp lều của ông bị thiêu rụi.


http://vietcatholic.net/pics/90727DuctinTamToa1.jpg

Nhưng không! Giáo dân Tam Tòa vẫn kiên trung, như cha ông họ từng đã kiên trung qua các cơn bách hại.

Dưới ánh sáng của đức tin Công Giáo, chúng ta hãy đón nhận sự kiện nầy như một hồng ân. Chúng ta mạnh mẽ tin rằng Thiên Chúa đã dùng sự kiện nầy để biến đổi mọi việc theo chương trình của Ngài.


http://vietcatholic.net/pics/90727DuctinTamToa2.jpg

Trước mắt, chúng ta đã thấy những hồng ân qua sự kiện nầy. Đó là:

- Chưa bao giờ có một sự hiệp thông sâu xa của mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài nước đối với anh chị em giáo dân Tam Tòa.

- Chưa bao giờ có một sự đồng lòng và quan tâm đối với anh chị em giáo dân Tam Tòa từ Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh, đến toàn thể các linh mục và giáo dân trong giáo phận.

- Chưa bao giờ có những thánh lễ cầu nguyện cho anh chị em bị bách hại được tổ chức đồng loạt, đông đảo và long trọng trên toàn giáo phận Vinh trong ngày Chúa Nhật 26 tháng 7 vừa qua.

- Chưa bao giờ người Công Giáo Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản can đảm và hiên ngang bảo vệ đức tin và tài sản của Giáo Hội bằng các văn thư, biểu ngữ và các cuộc tuần hành công khai như toàn thể 18 giáo hạt của Giáo Phận Vinh đã làm trong ngày 26-07-2009 vừa qua.

Chúng ta hy vọng rằng biến cố nầy sẽ đánh thức tất cả mọi người Công Giáo Việt Nam, từ hàng giáo phẩm, đến các linh mục và tu sĩ, cũng như giáo dân trong việc bảo vệ đức tin Công Giáo, bảo vệ tài sản của Giáo Hội, chống lại bất công, áp bức và bảo vệ công lý và hoà bình, là sứ mạng của người Công Giáo.

Chúng ta cũng hy vọng rằng, qua biến cố nầy, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ chấm dứt đàn áp và đối xử bất công đối với mọi tôn giáo, tôn trọng tự do tín ngưỡng, trả lại công lý cho mọi công dân và trả lại một nước Việt Nam thật sự độc lập, tự do, văn minh, dân chủ và giàu mạnh.

Như đám khói của túp lều cháy kể ở trên, chúng ta tin tưởng rằng biến cố Tam Tòa cũng là một hồng ân, một tín hiệu cần và đủ để làm xuất hiện một con tàu đến cứu vớt cho mọi tôn giáo và mọi người dân trên quê hương Việt Nam trong tình hình bị áp bức hôm nay.

Trên hết mọi sự, với đức tin Công Giáo, chúng ta mạnh mẽ tin tưởng rằng hạnh phúc Nước Trời sẽ thuộc về giáo dân Tam Tòa nói riêng và tất cả mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Phận Vinh, từ Đức Giám Mục, đến các linh mục, tu sĩ, và giáo dân, vì Thiên Chúa đã phán:

“Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên Nước Trời thật lớn lao” (M. 5,9-12).

Xin hết lòng ngưỡng mộ các giáo dân Tam Tòa và hết thảy thành phần dân Chúa trong Giáo Phận Vinh.

Xin tiếp tục cầu nguyện, hiệp thông và hỗ trợ cho những ai đang dấn thân vì Nước Trời, vì hòa bình và công lý tại giáo xứ Tam Tòa và trên khắp quê hương Việt Nam.


Trương Minh & Hoàng Phúc