PDA

View Full Version : DĐ - Đức tin phải vượt trên mọi định kiến



Dan Lee
07-15-2009, 12:09 AM
Đức tin phải vượt trên mọi định kiến


Có một câu chuyện kể về Khổng Tử đi với các học trò của mình. Người học trò xuất sắc nhất là Nhan Hồi được Khổng Tử rất tin yêu. Một lần khi các đệ tử còn chưa về, Nhan Hồi ở nhà làm cơm cho các anh em trở về ăn cơm, còn Khổng Tử thì ngồi trên nhà đọc sách. Bất ngờ, có một lúc Khổng Tử vô tình nhìn xuống dưới nhà thì bắt gặp thấy Nhan Hồi mở nồi cơm hớt phần trên và ăn ngon lành. Không Tử nghĩ rằng, một học trò xuất sắc của mình mà lại ăn vụng cơm một cách rất là tiểu nhân như vậy. Khổng Tử đăm đăm một nét buồn. Rồi đến khi tất cả các anh em trở về, thày trò quây quần quanh mâm cơm vốn đã đạm bạc lại còn ít ỏi nữa. Vì khẩu phần thức ăn cũng như phần cơm đã được tính rất chu đáo vì không có nhiều cho tất cả mọi người. Lúc bấy giờ, Nhan Hồi đứng lên xin kiếu không ăn cơm. Hỏi lý do “vì sao?” thì Nhan Hồi thuật lại: “Hôm nay, khi tôi làm bếp nấu cơm, vào đúng lúc mở kiểm tra xem cơm đã chín chưa thì có một luồng gió xoáy thổi vào bếp khiến tro bốc lên trên nồi cơm. Nghĩ rằng anh em vất vả, về đến nhà ăn bữa cơm, cơm lại có tro cho nên tôi hớt phần trên và ăn hết phần cơm trộn tro đó và nghĩ rằng tôi cũng đã ăn hết đủ phần cơm của tôi, phần còn lại là của anh em, cho nên xin anh em cứ tự nhiên.” Khổng Tử từ khuôn mặt đăm đăm buồn rầu đến sững sờ tự nhủ trong lòng rằng: “Trời! Một sự việc ta nhìn thấy nhãn tiền mà ta còn không hiểu thì làm sao ta hiểu những công việc lớn khác ta không nhìn thấy”.

Câu chuyện của Khổng Tử để dẫn nhập chúng ta vào Tin Mừng hôm nay dễ hiểu hơn. Rằng những người Do Thái vùng Galilea đã nhìn vào Chúa Giêsu, họ chỉ nhận ra con của bác thợ mộc: “Giuse, Maria ở giữa chúng ta. Và chính Đức Giêsu cũng chỉ là một bác thợ mộc, do đâu mà ông ấy giảng dạy hay như thế này?”(Mc 6, 3). Và họ lại vấp phạm vì Ngài. Đúng là họ đã nhìn mà không hiểu, lắng tai mà không nghe thấy những tiếng nói của mạc khải, của tình yêu Thiên Chúa đến với con người. Và Đức Giêsu cũng đau đớn nhận xét rằng: “Không ai được danh giá nơi quê hương, anh em, họ hàng, bạn bè mình”(Mc 6, 4). Lý do là bởi vì cái nhìn định kiến của con người đã định hình. Khi người ta đã định hình một người khác tức là người ta đã kết luận trước khi gặp gỡ và kiểm tra một cách khách quan. Cái định kiến ấy làm cho người ta nhìn lệch lạc về một con người. Cũng thế định kiến của anh em họ hàng, tông tích mà người ta biết nơi quê hương khiến cho những gì mà Đức Giêsu giảng dạy trong tư cách của Thiên Chúa vẫn bị những hình thức bên ngoài và những định kiến ấy bó chặt khiến cho người ta không thoát xa hơn được, nhất là khiến cho Đức Giêsu không làm được phép lạ nào ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân và Ngài lấy làm ngạc nhiên về sự cứng lòng tin của họ.

Đây quả là một cơ hội khiến cho những người làng quê Nazareth đã mất đi cái ơn phúc là được Thiên Chúa ở cùng mình. Bởi vì ngay cả cái nhìn Chúa Giêsu quê ở Nazareth cũng đã sai lầm vì nguyên quán của Giuse thuộc hoàng tộc David, Giuse đã từng phải về Jerusalem để khai kiểm tra dân số. Việc nhìn nhận Đức Giêsu quê Nazareth là một sự ngộ nhận ngay trong lý lịch nói gì đến thân phận cao siêu của Đức Kitô. Đến ngay cả tông đồ Philipphe giới thiêu cho Batôlômêô lúc đó có tên là Nathanael mà Nathanael còn nói là: “Ở Nazareth có cái gì hay đâu?” (Ga 1,46). Người ta không thể tưởng tượng Đức Giêsu Kitô – Đấng Cứu Thế lại xuất thân từ làng Nazareth, và người làng Nazareth tưởng Đức Giêsu quê ở Nazareth lại càng không nhận ra vai trò cũng như quyền năng ẩn sau cả một cuộc đời trần thế của Đức Giêsu. Tại sao như vậy? Chúng ta nhắc đến định kiến như lũy tre làng bó chặt, khiến cho người ta không thoát ra được. Và cái tình cảnh đó làm cho thế giới ngày hôm nay cũng bị đóng khung trong ốc đảo của mình. Mối đau xót nhất là người ta nhận xét rằng: “Theo sách Sáng Thế thì Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh mình” còn người thời đại ngày nay dựng nên Thiên Chúa giống hình ảnh của mình”. Vì họ dựng nên Thiên Chúa giống hình ảnh mình, cho nên Thiên Chúa có tên là “Duy kinh tế”, “Duy vật chất”, “Duy hưởng thụ”, là “Khoa học thực nghiệm”... Một Thiên Chúa như vậy thì làm sao còn tính thiêng liêng, quyền năng vô cùng; còn những mầu nhiệm mà con người không thể hiểu thấu được. Vì vậy, con người tự mình đi vào trong ngõ cụt.

Đức Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn: “Người giầu có kia, đêm nằm vắt tay lên trán: 'Không biết ta phải làm thế nào? Vì lúa mùa của ta ngày càng chất cao mãi'. 'À! Ta sẽ làm thế này, ta sẽ phá kho cũ đi và xây kho mới rộng rãi hơn'. Rồi ta chất lúa của ta đầy kho và ta nói với linh hồn ta rằng: 'Mình cứ nghỉ ngơi, ăn uống say sưa hưởng thụ đi, bởi vì từ nay mình đã có đủ của cải dự sẵn'”(Lc 12,18). Đó là cách suy luận luẩn quẩn của con người trong những ý định rất trần thế của mình. Và để chúng ta thấy cái tác hại của vòng luẩn quẩn này, Đức Giêsu tiếp tục trong dụ ngôn đó, chỉ với một câu hỏi bỗng thốt lên rằng: “Thằng dại, nếu đêm nay người ta cất linh hồn mày thì sao?”(Lc 12,20). Đúng là người ta chỉ tính toán luẩn quẩn vòng vo với kinh tế, với vật chất, với những gì là hưởng thụ ở trần thế, không đi ra ngoài. Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Nếu đêm nay người ta cất linh hồn ngươi thì kết thúc sẽ ra sao?” Và đó chính là điều làm cho những định kiến không thoát ra khỏi mình được và rất nguy hiểm vì người ta không ra khỏi được thế giới này; không ra khỏi được vật chất xác thịt này; người ta không đạt được tới sự sống siêu nhiên.

Chính vì vậy mà người ta giải quyết các công việc cũng đi vào ngõ bế tắc. Khi những người luật sĩ Pharisiêu tìm cách để hạ bệ Đức Giêsu vì Ngài giảng dạy với đầy uy tín và toàn thể dân chúng tuốn theo Ngài đông đảo, càng ngày càng đông đảo hơn. Hãy thử tưởng tượng năm nghìn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ mà ba ngày liền trong hoang địa, lắng nghe lời giảng dạy thì chúng ta đã hình dung khung cảnh người ta thao thức đi tìm Chúa như thế nào? Vì vậy, những người luật sĩ Pharisiêu càng ngày càng bị mất ảnh hưởng, họ đến để hạ bệ Chúa bằng cách dùng quyền để hỏi Chúa rằng: “Ông lấy quyền nào mà làm như vậy?”(Lc 20,2). Đức Giêsu không trả lời vào câu hỏi, Ngài lại hỏi ngược lại một câu; “Ta cũng hỏi các ông một câu: Phép rửa của Gioan bởi Trời hay bởi con người?”(Lc 20,3-4). Những người này đi bàn tính với nhau: “Nếu mình nói: 'Do Trời' thì ông ấy sẽ vặn lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’ Còn nếu mình nói: ‘Do người ta’ thì toàn dân sẽ ném đá mình, vì họ xác tín rằng ông Gioan là một Ngôn sứ’. Họ mới trả lời họ không biết do đâu”(Lc 20,5-7).

“Không biết” là tiền đề của ngày nay.

- Người ta không biết mầu nhiệm của Thiên Chúa;

- Người ta không biết những bí ẩn xa xôi của vũ trụ;

- Người ta không biết những tiếng nói vang lên từ lương tâm của con người và cái từ “không biết” của những luật sĩ Pharisiêu ngày xưa cũng lại tái diễn để chối quanh cho những ngõ cụt mà nhân loại đi vào.

Vì vậy Đức Giêsu liền bảo họ: “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy”(Lc 20,8). Rõ ràng, nếu như con người không ra khỏi định kiến của mình thì kết thúc là như vậy. Vì thế, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta: với đức tin và lòng mến của mình, chúng ta đi ra khỏi bản thân, đi ra khỏi gia đình, đi ra khỏi những định kiến để tìm được một đức tin mạnh mẽ giống Abraham ra khỏi quê cha đất tổ để đi đến nơi vô định. Vì nơi đó có lời hứa của Chúa; không nhìn thấy đất trên bản đồ nhưng đã được định vị trong lời hứa của Chúa. Đức tin là như vậy, là mạo hiểm, là ra đi, là xác tín vào điều mà mình chưa có trong tay nhưng vào thế giá của Đấng đã hứa cho chúng ta.

Và như vậy, ngày hôm nay: Tin Mừng cho chúng ta, một gương không phải là gương sáng mà là “Ăn cơm đi trước, lội nước theo sau”. Chúng ta thấy gương của những người vùng Galilea và cách riêng là những người vùng Nazareth đã khước từ ân huệ bởi trời, khước từ một ân huệ nhận ra Đấng Mesia đang ở giữa mình vì họ đã có đầy những định kiến thì chúng ta đi sau, chúng ta tránh được điều đó để cùng với toàn thể Giáo Hội bước vào hành trình của Đức tin đi theo tiếng gọi, đi theo Lời Hằng Sống của Chúa. Chúng ta mở ra một chân trời mới, một con đường mới hay nói chính xác hơn là một giao ước mới mà nhờ giao ước ấy, đã được ký kết trong máu thật và máu đó đã được đổ ra cho nhiều người được tha tội.

Lạy Chúa,
Chúng con tin.
Và vì tin, chúng con bước đi theo Chúa
để chúng con đạt được tới sự sống đời đời
cho dẫu chúng con phải ra khỏi mạng sống mình;
cho dẫu chúng con phải hành trình vô định vì tin vào Lời của Chúa,
thì chúng con cũng tin rằng:
Chúng con sẽ đạt tới đích của bình an và đích của ơn cứu độ.
Xin giúp chúng con biết can đảm và dấn bước trên con đường mới,
dấn bước trên giao ước mới của Chúa. Amen.

LM Phêrô Hồng Phúc