Log in

View Full Version : M - Mắt xưa



Dan Lee
07-07-2009, 11:28 PM
MẮT XƯA

Làm người, ai cũng có một quê hương, một gia đình, một huyết thống, một dân tộc. Chính mảnh đất, nơi ta sinh ra, cấu nên con người và nhân cách của ta. Do vậy, để có thể hiểu, để có thể biết về một ai đó, ta không thể không tìm hiểu quê hương xứ sở, nơi họ được lớn lên, tồn tại, phát triển...

Từ định luật tất yếu ấy mà trong nhân loại hình thành nên những quan niệm không mấy lành mạnh, nghiêng theo chiều hướng khách quan, ảnh hưởng không nhỏ đến nhãn quan về con người và cuộc đời. Thường người ta ít coi trọng nhân tài tại chính quê hương với những lý do không mấy chính đáng. Không hiểu vì lý do nào, có lẽ “gần chùa gọi bụt bằng anh”, hay quen quá hoá nhàm chăng?

Thật ra cũng chẳng mấy lạ, bởi thiên hạ vô nhân thập toàn, chẳng ai trên đời hoàn hảo. Làm người, không nhiều thì ít, ai chẳng vấp váp, ai cũng có lúc dại khờ, ai cũng đến hồi... chung cuộc. Chẳng ai giỏi mãi, chẳng ai đẹp hoài, cũng chẳng ai tồn tại luôn luôn. Ai cũng vậy, người nào cũng vậy, tất cả đều mang giá trị tương đối, khả năng tương đối và con người tương đối. Chính bởi cái tương đối ấy, mà phát sinh ra những thứ “coi bụt như anh”.

Nhân loại sùng bái tri thức, nô lệ tài năng nhưng kén chọn người tài. Thái độ khinh chê người cùng làng cùng quê thật dễ hiểu là vậy. Bởi quan niệm nông cạn, tầm hiểu biết hạn hẹp, chỉ nhìn bóng cái đáy của giếng mà không tìm hiểu chiều dài, rộng, sâu của chúng. Chỉ nhìn bề ngoài mà phán đoán, chẳng khác nào kẻ đứng bên kia thế giới mà nói về cuộc đời. Nói thì rất đúng, rất hay, rất thuần thục, thế nhưng so vào thực tế thì chẳng khớp chút nào. Bởi cuộc sống khi nào chẳng được trang điểm qua lớp áo nguỵ trang. Chỉ những kẻ dám sống cho sự thật, dám sống cho chân lý mới biết thế nào là cuộc sống đích thực.

Ý nghĩa cuộc đời bao giờ cũng nằm sau cuộc sống. Chính vậy mà chẳng mấy ai trong nhân loại “thấy”. Không thấy làm sao sống, nói gì đến việc làm cho chúng phát triển. Nhân loại chạy đua truy tìm cho kỳ được giá trị vẩn đục nay còn mai mất, thế nên mọi chuẩn mực như hầu dừng tại nấc thang vật chất. Mọi cái nhìn, sự đánh giá đúng sai đều ngừng ở bề mặt mà thiếu chiều sâu rộng.

Anh hùng, nhân tài khó được coi trọng tại quê hương xứ sở là kết quả của cả một thế hệ với não trạng hẹp hòi nông cạn. Không được coi trọng, không hẳn vì khiếm khuyết khả năng cho bằng bởi cái nhìn thiếu sáng suốt, cộng với sự phán đoán thiếu lành mạnh, dẫn đến hậu quả chẳng mấy tốt đẹp. Tất cả đều do bởi cái nhìn. Cái nhìn trong sáng, lành mạnh, cái nhìn mang lại bình an. Bằng không, chỉ thấy tranh tụng, bạo động, bất toàn.

Đức Giêsu Kytô, Thiên Chúa làm người. Do vậy, Ngài không thể ra ngoài định luật bất di dịch, được đón nhận, tôn trọng hay bị khinh khi, loại bỏ cũng là chuyện thường ngày. Thiên Chúa của chúng ta, Ngài đã chia sẻ cho đến cùng tận kiếp người. Không khoác cho mình tấm áo danh phận Thiên Chúa để tách rời nhân thế. Ngài đồng hoá với con người, làm người như con người, thấu cảm mọi tâm tư ước vọng của con người. Làm người, con người bình thường đến nỗi, cứ đề cập đến là người ta ném cho Ngài cái nhìn khinh miệt: “... chẳng phải con bác thợ mộc thuộc xóm làng ta hay sao...”, bình thường thế là cùng!

Người ta đã không nhận ra Thiên Chúa ngay trong chính con người của Ngài. Người ta đã không nhìn nhận uy quyền Thiên Chúa ngay trong chính cuộc sống và việc làm của Ngài. Chắc hẳn không phải vì Ngài sống không tốt, chắc hẳn không phải Ngài đã phản chứng, nhưng tiên vàn có lẽ chính bởi cái nhìn thành kiến, ích kỉ, hẹp hòi, khép kín, không rộng mở. Tất cả cũng chỉ vì đôi mắt. Ném cho người cái nhìn khinh miệt hay tôn trọng, đều do bởi nhãn quan cá nhân.

Đôi mắt quan trọng thế đấy, đẹp thế đấy, cửa sổ tâm hồn cũng là thế đấy.

Thật vậy, chính cái nhìn của ta mang lại cho ta con đường sống cũng như cho tha nhân cơ hội lớn lên. Trong cuộc sống, đặc biệt trong việc đối nhân xử thế ở đời, cũng chính bởi não trạng ích kỷ mà ta đã loại bỏ biết bao nhân tài. Chúng ta đã không biết trọng dụng người hùng của Thiên Chúa. Cái nhìn khinh miệt, loại bỏ lẫn nhau xảy ra nhan nhản trong cuộc sống, không chỉ trong gia đình, nhà trường mà len lỏi trong mọi hoạt động của nhân loại, chỉ khác ở mức độ mà thôi!

Khép lại quá khứ, đặt niềm tin vào ơn biến đổi của Thiên Chúa vào tha nhân, đặc biệt những người khiếm khuyết tội lỗi chính là cho họ cơ hội phát triển và chỗi dậy. Đừng áp đặt những cái nhìn bó gọn, cứng nhắc nơi bất kỳ ai, khác nào khoác án treo cho họ!

Lạy Chúa, khi không được sử dụng hay bị khinh khi, loại bỏ con mới thấy thế nào là cay đắng, sỉ nhục. Cảm giác đau đớn, thất vọng choáng ngợp khiến con tê dại. Thế nhưng, khi tìm được Chúa, con mới thấy tất cả đều nhẹ. Thánh nữ Têrêsa Hài đồng xinh đẹp, chị ấy coi mình như trái bóng nhỏ trong bàn tay Chúa để tuỳ Ngài sử dụng và định đoạt. Châm ngôn sống của con cũng vậy, cố gắng yêu hết mình, sống hết mình, phục vụ hết mình là lẽ sống đời con. Nhân loại có yêu, đón nhận, sử dụng hay loại bỏ, có gì quan trọng? Chỉ có Chúa là quan trọng. Chỉ cần tin rằng, con đang sống dưới ánh mắt của Chúa là tất cả. Xin Chúa giúp con trong mọi hoàn cảnh, luôn biết nhìn người, nhìn đời với đôi mắt trong sáng, thiện cảm, để khi không còn tồn tại, ánh mắt ấy... chẳng mất bao giờ!

M. Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.