PDA

View Full Version : N - Năm Linh Mục, học hỏi gương nhân đức vị thánh quan thầy của các linh mục



Dan Lee
06-13-2009, 09:57 PM
Năm Linh Mục, học hỏi gương nhân đức vị thánh quan thầy của các linh mục


Lời ngỏ: Nhân kỷ niệm lần thứ 150 ngày qua đời của cha thánh Gioan Maria Vianney (1786-1859), Năm thánh tại Trung Tâm Hành Hương giáo họ Ars đã được khai mạc trọng thể vào ngày 8 tháng 12 năm 2008 và sẽ kết thúc vào dịp Đại Lễ Các Thánh năm 2009. Nói đến cha Vianney là nói đến khuôn mặt của một vị thánh khiêm nhường, hãm mình, đắm mình trong cầu nguyện, và dành phần lớn thời gian nơi tòa giải tội. Ngày 19 tháng 6 tới đây, dịp lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ khai mạc Năm Linh Mục. Sẽ thật có ý nghĩa khi trở về Ars trong dịp này để chiêm ngắm và học hỏi gương sáng của vị thánh, được suy tôn là quan thầy của các linh mục Giáo Hội Pháp, và là quan thầy của các cha xứ cũng như tất cả các linh mục trên khắp Giáo Hội hoàn vũ.

Nhằm phác họa lại chân dung của cha thánh, dưới đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả bài: « Le message du Saint Curé d’Ars pour aujourd’hui, résumé en quelques points… » (Sứ điệp của cha thánh Gioan Maria Vianney cho ngày nay, được tóm tắt bằng một vài điểm chính yếu), xuất hiện trên trang tin điện tử của Trung Tâm Hành Hương giáo họ Ars.

Con người của cầu nguyện

Trải qua những khoảng thời gian thật dài trước nhà Tạm, một sự thân tình chân thành với Thiên Chúa, một sự từ bỏ hoàn toàn để đón nhận thánh ý, một khuôn mặt biến đổi… Ngần ấy yếu tố thôi cũng đủ đánh động những ai gặp gỡ thánh nhân và đủ nhận ra nơi ngài một đời sống cầu nguyện rất nội tâm cũng như sự kết hợp chặt chẽ với Thiên Chúa. Nhà Tạm là niềm vui lớn của cha thánh và là điểm hẹn thân tình với Thiên Chúa: « Lạy Thiên Chúa, con yêu mến Ngài. Con chỉ có một điều nguyện ước là được yêu mến Ngài cho đến hơn thở cuối cùng của đời con ». Một sự thân thiết mang tính hỗ tương, như hai miếng sáp tan chảy hòa tan vào nhau, ngài sánh ví như vậy, và trở nên đồng hình đồng dạng vì không còn có thể tách biệt chúng được nữa. Tương tự, tâm hồn chúng ta khi cầu nguyện với Thiên Chúa cũng như vậy.

Tâm hồn của cử hành và tôn thờ Thánh Thể

«Người đang ở đây » cha thánh vừa thốt lên vừa ngước nhìn về phía nhà Tạm. Con người của lòng yêu mến cử hành và chiêm ngắm Thánh Thể; « Không có gì cao trọng bằng Thánh Thể » ngài reo lên. Điều đánh động ngài nhất khi cảm nghiệm được rằng Thiên Chúa đang hiện diện nơi đây trong nhà Tạm: «Người đang đợi chúng ta ». Ý thức được Thiên Chúa hiện diện đích thực trong Thánh Thể là một trong những ơn trọng đại nơi ngài và là một trong những niềm vui lớn nhất của ngài. Mang Thiên Chúa đến cho con người và lôi kéo con người về cho Thiên Chúa, hy tế Thánh Thể đã nhanh chóng trở nên trung tâm điểm trong từng ngày sống và trong cuộc đời mục vụ của cha thánh.

Bị mê hoặc bởi ơn cứu rỗi nhân loại

Điều đó có thể tóm tắt chuỗi thời gian suốt 41 năm hiện diện của ngài tại Ars. Bị ám ảnh về phần rỗi của mình cũng như của giáo dân, đặc biệt là của những ai đến với ngài hay là ngài có trách nhiệm. Là một cha xứ, Thiên Chúa sẽ đòi « vốn liếng và lời lãi », ngài nói như vậy. Mong ước mỗi người chúng ta được tận hưởng niềm vui vì được biết và yêu mến Thiên Chúa, cũng như vì được biết rằng Người yêu thương chúng ta…Cũng vì thế, cha thánh đã không ngừng làm việc.

Vị tử đạo nơi tòa giải tội

Từ năm 1830 hàng ngàn người đổ về Ars để xin cha thánh ban phép giải tội. Năm cuối của đời ngài, con số này đã lên tới 100 ngàn. Chiếm hẳn 17 giờ mỗi ngày gắn liền với tòa cáo giải để giao hòa con người với Thiên Chúa, và giữa họ với nhau, cha thánh Ars thực sự là vị tử đạo của tòa giải tội, Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh. Bị thu hút bởi tình yêu Thiên Chúa, và bị thán phục trước ơn gọi làm người, thánh nhân có một khát khao cháy bỏng là không muốn bị xa lìa Thiên Chúa. Ngài muốn rằng mỗi người đều được tự do nếm hưởng tình yêu Thiên Chúa.

Con người của xã hội hiện diện trong lòng giáo xứ

«Người ta không biết điều mà cha thánh Ars đã không làm như một sự nghiệp xã hội», một trong những người viết tiểu sử của ngài nhận định. Nhìn thấy Chúa hiện diện nơi mỗi tha nhân, thánh nhân đã không ngừng cứu giúp họ, nâng đỡ họ, làm dịu bớt những đau khổ và những vết thương tích, khiến họ trở nên con người tự do và hạnh phúc. Cô nhi viện, trường học, quan tâm đến người nghèo và người bệnh tật, người kiến tạo không mệt mỏi, … không hề thoái thác. Ngài đã dẫn dắt các gia đình và tìm cách che chở khỏi mọi những mối đe dọa đến từ rượu chè, bạo hành, ích kỷ…Phục vụ tại giáo xứ, ngài tìm cách bảo vệ con chiên trong mọi chiều kích từ đời sống nhân loại, xã hội cho đến đời sống tâm linh.

Quan thầy các cha xứ

Được phong chân phước năm 1904, cũng trong năm ấy, ngày 12 tháng 4, Đức Giáo Hoàng Piô X tôn phong thánh Gioan Maria Vianney là quan thầy các linh mục của Giáo Hội Pháp. Đến năm 1929, tức là sau bốn năm kể từ khi được phong hiển thánh, Đức Giáo Hoàng Piô XI suy tôn ngài là quan thầy của các cha xứ trên khắp hoàn cầu. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không nói gì khác ngoài việc nhắc lại ba điều này: «Cha sở Gioan Maria Vianney đọng lại trong tâm khảm của mọi dân nước một kiểu mẫu không thể sánh ví, đồng thời là mẫu gương về sự chu toàn thừa tác vụ; và là thừa tác viên linh mục thánh thiện ». « Linh mục thật cao trọng dường bao, thánh Gioan Maria Vianney thốt lên, bởi vì linh mục mang Thiên Chúa đến cho nhân loại và mang nhân loại về cho Chúa; linh mục còn là nhân chứng về sự ưu ái của Chúa Cha đối với mỗi người con và là nhà kiến tạo ơn cứu độ »

Vâng cha thánh Vianney là người anh cả của các linh mục. Với ngài, các linh mục trên thế giới có thể đến để gửi gắm thừa tác vụ và đời sống linh mục của mình.

Mời gọi nên thánh

«Cha sẽ chỉ cho con đường về Nước Trời», cha thánh đã nói với cậu bé mục đồng như thế, sau khi cậu bé này chỉ cho ngài đường đến ngôi làng Ars. Câu ấy được hiểu là cha sẽ giúp con trở nên thánh. « Ở nơi nào mà có dấu chân của các thánh đi qua, thì Thiên Chúa cũng đi qua nơi ấy cùng với các thánh nhân », ngài đã khẳng định như vậy ít lâu sau đó. Cuối cùng ngài mời gọi mỗi người hãy để cho Thiên Chúa thánh hóa, hãy dùng các phương thế để kết hiệp với Thiên Chúa từ bây giờ và mãi mãi.

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng