PDA

View Full Version : Tiền polymer: '10 triệu AUD' vào tài khoản Thụy Sĩ



suongkhoimay
05-27-2009, 01:25 PM
Tiền polymer: '10 triệu AUD' vào tài khoản Thụy Sĩ

http://www.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2009/05/23/090523122204_securency.jpg
Công ty Securency trụ sở tại Melbourne hiện có hợp đồng in tiền cho 26 quốc gia.

Vừa có thêm tiết lộ mới liên quan đến số tiền trao tay đối tác Việt Nam từ công ty Securency của Úc.

Cảnh sát liên bang Úc xác nhận với Ngân hàng Trung ương nước này rằng họ đang điều tra cáo buộc công ty cung cấp vật liệu in tiền polymer Securency của Úc ‘hối lộ' đối tác Việt Nam để giành hợp đồng.

Báo The Age số ra tại Melbourne nói Securency đã trả các khoản tiền hoa hồng lớn, ít nhất 10 triệu AUD, vào tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ của công ty Kỹ thuật và Phát triển, CFTD, trụ sở tại Hà Nội.

Tin nói rằng công ty CFTD có công ty con là BankTech, mà ông Lê Đức Minh, con trai của cựu thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy, làm giám đốc.

Theo The Age, bằng cách bắt mối với một công ty trong nước, nơi có con của cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm việc, năm 2002 Securency đã giành được hợp đồng in tiền polymer cho Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Ngân hàng trữ kim Úc, RBA, sở hữu một nửa Securency, công ty chuyên làm vật liệu in tiền polymer trụ sở tại Melbourne. Hiện công ty này cung cấp nguyên liệu làm tiền polymer cho 26 quốc gia.

Cảnh sát liên bang Úc đang điều tra Securency về các khoản tiền họ trả cơ quan, hay cá nhân nước ngoài nhằm kiếm hợp đồng in tiền.

Điều tra của báo The Age cho thấy một số đối tác của Securency ở nước ngoài đang bị nước sở tại điều tra về tham nhũng. Cũng có cáo giác Securency đã trả tiền hoa hồng cho ‘đại lý' vào tài khoản ngân hàng tại quốc gia hoạt động theo nguyên tắc bảo mật và miễn thuế.

The Age lập luận việc Securency dùng các khoản hoa hồng lớn, trả cho đại lý ‘giao dịch' tại các quốc gia được biết đến với vấn nạn tham nhũng đã làm xuất hiện cáo buộc công ty dùng tiền hối lộ để giành hợp đồng làm ăn.

Luật của Úc không những áp dụng cho việc làm bên trong nước Úc mà còn bên ngoài lãnh thổ Úc, liên hệ đến một công ty của Úc

Luật sư Lưu Tường Quang - Sydney

Luật sư Lưu Tường Quang cựu viên chức chính phủ Úc, hiện đang cư ngụ tại Sydney cho rằng luật chống tham nhũng của Úc rất chặt, và chúng có đủ thẩm quyền điều tra hành vi của công ty Úc ở nước ngoài.

"Luật chống tham nhũng của Úc rất chặt chẽ. Nó có quy định trong hình luật, criminal act, của liên bang và của các tiểu bang. Điểm thứ hai trong các luật lệ về sinh hoạt tài chánh và giao dịch ngân hàng, chủ đề trong sáng, theo đúng thủ thuật của luật pháp được quy định một cách rất rõ ràng."

Ông Quang, từng là cựu giám đốc hệ thống Radio SBS của Úc, nói đến sự nối dài ra hải ngoại bộ luật chống tham nhũng của Úc.

"Mặc dầu việc làm của công ty Securency, nếu được chứng minh, nó có thể xảy ra ở nước ngoài nhưng luật lệ của Úc vẫn áp dụng trong trường hợp này. Luật của Úc không những áp dụng cho việc làm bên trong nước Úc mà còn bên ngoài lãnh thổ Úc, liên hệ đến một công ty của Úc."

Đại lý đại diện

The Age trích lời Myles Curtis, giám đốc điều hành Securency, xác nhận mối liên hệ giữa Securency và công ty CFTD, trụ sở tại Hà Nội.

"Hoạt động của CFTD trong giai đoạn đầu chỉ liên quan đến phiên dịch hồ sơ giấy tờ và là cầu nối liên lạc với Ngân hàng Nhà nước tại Việt Nam."

Trong khi đó Ron Marchant giám đốc Á châu của Securency cho báo The Age biết thêm về hoạt động của CFTD: "Họ làm các công việc khác nữa. Ví dụ chúng tôi muốn có cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước. Hoặc tới thăm xưởng in tiền, chúng tôi gọi điện và yêu cầu họ dàn xếp,"

"Rồi họ đón người ở sân bay, đặt chỗ khách sạn, xin cuộc hẹn cho chúng tôi, những thứ mà một đại diện hay làm."

Ông Marchant nói thêm ông không giao dịch với con trai của cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Và cũng không biết BankTech, công ty con của CFTD, nơi ông Lê Đức Huy làm giám đốc.

Tuy nhiên The Age cho hay tài liệu của BankTech có hàng chữ nói rằng Securency là một trong các đối tác nước ngoài của họ. BankTech cũng là công ty cung cấp độc quyền nguyên liệu cho dự án tiền polymer tại Việt Nam.

Nhìn chung luật pháp tại Úc chặt chẽ, trong khi luật lệ các quốc gia đang phát triển đôi khi lỏng lẻo, làm sao công ty Úc tránh khỏi cám dỗ bỏ tiền 'bôi trơn' mối quan hệ để kiếm hợp đồng làm ăn?

Luật sư Lưu Tường Quang tin rằng công ty Úc cần tuân theo nguyên tắc hành xử trong giao dịch của Tổ chức thương mại thế giới WTO.

"Lập luận của nước Úc là tất cả các nước thành viên của tổ chức thương mại quốc tế, WTO, cần tuân thủ quy định của WTO, trong đó có các chủ đề như trong sáng về luật pháp, áp dụng chế độ pháp trị, và các biện pháp chống tham nhũng,"

"Úc muốn giải quyết tham nhũng từ nơi nó nó đang xảy ra, chứ không giải quyết bằng cách là các quốc gia tân tiến thay đổi luật lệ để chấp nhận thực tế, là muốn làm được việc, muốn đầu tư, muốn trao đổi thương mại tại các quốc gia đang theo chế độ cộng sản thì phải bỏ đi cái phần trong sáng, cái phần nghiêm khắc của luật pháp."

Theo BBC


Luật của Úc không những áp dụng cho việc làm bên trong nước Úc mà còn bên ngoài lãnh thổ Úc, liên hệ đến một công ty của Úc

suongkhoimay
05-27-2009, 01:32 PM
Lịch sử tiền polymer

Từ năm 1967, Ngân hàng Dự trữ Australia bắt đầu nghiên cứu, ứng dụng chất liệu polymer vào công nghệ in tiền. Năm 1988, Australia in thử nghiệm đồng tiền lưu niệm trên giấy nền polymer. Năm 1992, Australia chính thức phát hành đồng tiền polymer đầu tiên trên thế giới. Hơn một thập kỷ sau, tiền polymer được phát hành ở 18 nước, trong đó, Australia, New Zealand và Rumani hoàn toàn sử dụng tiền polymer thay cho tiền giấy truyền thống.[1]Theo thống kê trên thế giới hiện có 23/200 quốc gia sử dụng công nghệ in tiền polymer nhưng chính xác thì hiện chỉ có 2 nước sử dụng trọn bộ tiền polymer (Úc và New Zealand) và Việt Nam là nước thứ 3 dùng phổ biến.

Danh sách các nước dùng tiền polymer

Hiện trên thế giới đã có 23 nước lưu hành đồng tiền in trên chất liệu Polymer, trong đó có ba nước sử dụng toàn bộ tiền polymer trong hệ thống tiền tệ; một số nước dùng giấy polymer cho một số mệnh giá; 6 nước hiện đang thử nghiệm tiền polymer dưới hình thức tiền lưu niệm. Các nước đó gồm Australia, Thái Lan, New Zealand, Singapore, Brazil ...

Cấu tạo đồng tiền polymer
Giấy nền polymer

* Phim:

Trước tiên một chất nhựa tổng hợp đặc biệt có nguồn gốc từ dầu mỏ được làm nóng chảy và thổi vào đó luồng khí nén có áp suất lớn để tạo ra màng nhựa mỏng dạng bong bóng. Khi hút mạnh không khí ra, màng nhựa này sẽ đi qua thiết bị đặc chủng và được cán phẳng thành phim trong suốt, có độ đàn hồi và kích thước hợp lý.
Giấy nền
Tiếp theo, phim sẽ được in phủ bởi nhiều lớp hoá chất đặc biệt phù hợp với việc in tiền và tạo thành giấy nền polymer.

* Phủ lớp mờ và vecni

Phủ lớp mờ chống "lộ chân" và in phủ véc-ni để bảo vệ lớp mực in trên đồng tiền trong quá trình lưu thông.

Quy trình in tiền polymer

Lúc phim được in phủ bởi nhiều lớp hoá chất đặc biệt phù hợp với việc in tiền và tạo thành giấy nền polymer thì đồng thời không những cài đặt các yếu tố bảo an tương tự như giấy in tiền truyền thống (hình bóng chìm, dây bảo hiểm...) mà còn tạo ra những cửa sổ trong suốt hai mặt (vùng không được in phủ), cho phép sử dụng công nghệ cao để cài đặt yếu tố hình ẩn, yếu tố chống giả đặc trưng của tiền polymer.

In tiền là bí mật công nghệ của từng nước.

Theo Wikipedia

suongkhoimay
05-27-2009, 01:36 PM
Lịch sử ra đời tiền giấy

Tiền giấy thực sự ra đời ở Trung Quốc, thời Bắc Tống. Tuy nhiên, những hình thức sơ khai của nó, đã có từ thời cổ đại ở nhiều nơi trên thế giới.

Các hình thức sơ khai

Ở Mesopotamia cổ đại người ta đã sử dụng draft (một loại giấy tờ bảo đảm cho thóc lúa dự trữ trong kho) trong thanh toán như tiền. Ở Hy Lạp, đơn vị tiền giấy cổ xưa được sử dụng là drachma (xuất phát từ drama = 1kg thóc). Ở Nhật Bản thời phong kiến cổ, đồng tiền giấy lấy cơ sở là lúa gạo của 1 năm bằng 1 koku. Và Ai Cập cũng đã sử dụng tiền giấy vào thế kỷ 1 trước công nguyên.

Còn tiền giấy Trung Quốc được sử dụng từ thế kỷ VII dưới triều đại nhà Đường. Khi ấy hệ thống tiền tệ chính của Trung Quốc vẫn là tiền xu tròn lỗ vuông và tiền vàng, bạc. Xuất phát từ hoạt động của các hiệu cầm đồ, kim hoàn nhận giữ tiền hộ khác hàng, người ta nghĩ ra cách thanh toán bằng những tờ giấy chứng nhận gửi tiền để dễ vận chuyển và an toàn trong sử dụng. Tiền ngày ấy được gọi là “phi tệ” vì nó nhẹ. Đến thế kỷ X, tiền giấy Trung Quốc đã được sử dụng rất rộng rãi trên địa bàn rộng lớn và đã có một hệ thống thanh toán ngân hàng khá hoàn chỉnh.

Tiền giấy chính thức ở Trung Quốc

Năm 1023, triều đình Bắc Tống đã chiếm lấy quyền phát hành tiền giấy, lập Giao Tử Vụ tại Ích Châu, đến năm 1024 phát hành “Quan Giao Tử” từ 1 đến 10 quan. Năm 1033 Giao Tử cải lại làm hai loại: 5 quan và 10 quan. Năm 1068, Giao Tử lại cải thành hai loại: 1 quan và 500 đồng. Rồi ngày càng phát triển rộng ra. Năm 1069, lập Giao Tử vụ tại Lộ Châu, phát hành Giao Tử tại lộ Hà Đông. Năm 1071, phát hành Giao tử tại Thiểm Tây. Rồi Giao tử cải thành “Tiền dẫn”, thành “Hội tử”, thành “Giao sao”….

Khi ấy người châu Âu hầu như không biết gì về Trung Quốc. Một sự kiện rất nổi tiếng và được coi là đem lại những hiểu biết đầu tiên của châu Âu về Trung Quốc là cuộc phiêu lưu của một người Italia tên là Marco Polo đến Trung Quốc vào thế kỷ XIII. Cuộc phiêu lưu này được chính Marco Polo kể lại bằng một cuốn hồi ký làm xôn xao dư luận châu Âu thời đó vì vô vàn những điều mới lạ. Trong đó, ông có trình bày về cách sản xuất và lưu hành tiền giấy. Khi đó, tiền giấy là một điều hoàn toàn mới lạ ở châu Âu, nhiều người tỏ ra không tin và nghi ngờ giá trị của một loại tiền được làm bằng giấy.

Tuy nhiên tiền giấy này thực chất mới chỉ là các “ngân phiếu”, nó không thay thế hoàn toàn cho tiền kim loại trong đời sống thường nhật. Nó cũng chỉ lưu hành trong một tầng lớp thương nhân và quý tộc giàu có bởi mệnh giá của nó rất lớn. Để trở thành một đồng tiền hoàn chỉnh như ngày nay thì còn có một khoảng cách rất dài. Tiếc rằng tiền giấy Trung Quốc đã không có nhiều cơ hội tiếp tục phát triển do những hạn chế về chính trị. Năm 1455, triều đại nhà Minh đã ban hành nhiều biện pháp hạn chế tiền giấy đồng thời đóng cửa nhiều trung tâm tài chính lúc đó. Từ đó tiền giấy Trung Quốc hầu như không được nhắc đến nữa.

suongkhoimay
05-27-2009, 01:39 PM
Tiền giấy thời nhà Hồ Việt Nam

Thời nhà Hồ ở Việt Nam đã ban hành tiền giấy năm 1396. Đó là một thời điểm rất sớm so với lịch sử tiền giấy nhưng chính sách ban hành tiền giấy đó không hề được đánh giá là tiến bộ.

Sử cũ chỉ chép lại rằng: “mùa hạ, tháng 4 năm Bính Tý, niên hiệu Quang Thái năm thứ 9 (1396) (khi đó Hồ Quý Ly chưa cướp ngôi nhà Trần) bắt đầu phát hành tiền giấy “Thông bảo hội sao”. In xong, hạ lệnh cho người đem tiền đến đổi, cứ 1 quan tiền đồng đổi lấy tiền giấy 1 quan 2 tiền. Thể thức tiền giấy: Giấy 10 đồng vẽ rong; 30 đồng vẽ sóng; 1 tiền vẽ mây; 2 tiền vẽ rùa; 3 tiền vẽ lân; 5 tiền vẽ phượng; 1 quan vẽ rồng. Ai làm giả phải tội chết, tịch thu điền sản vào nhà nước. Cấm hẳn tiền đồng không được chứa và tiêu riêng; đều thu lại chứa tại Ngao Trì, chứa tại kinh thành và ở trị sở các xứ. Ai phạm thì cũng phải tội như trên”.[1]

Như vậy là đồng tiền giấy này đã được đưa vào trong lưu thông một cách triệt để. Nó khác hẳn tiền giấy của Trung Quốc, chỉ lưu thông rất hạn chế. Không hiểu khi đó Hồ Quý Ly lấy ý tưởng độc đáo này ở đâu vì trước đó không có tiền lệ lịch sử ở đâu làm điều tương tự. Chỉ biết rằng chính sách này của Hồ Quý Ly là nhằm mục đích thu thập kim loại làm vũ khí cho chiến tranh. Cách phát hành tiền là đổi hoàn toàn tiền cũ lấy tiền mới, nên về lí thuyết nó không ảnh hưởng gì tới giá trị đồng tiền mà thậm chí đó là một tư tưởng tiến bộ giúp tiết kiệm kim loại và sử dụng tiền thuận tiện hơn. Tuy nhiên, cũng chỉ bằng lý luận cũng đã thấy ngay sự không hợp lý của chính sách này, đó là sự vi phạm quy luật phù hợp giữa hình thức và nội dung. Sự ra đời của tiền giấy đâu có dễ dàng, đâu phải cứ ban hành một điều luật bắt buộc mà được. Sự ra đời tiền giấy phải có những tiền đề kinh tế của nó, phải trải qua những giai đoạn thai nghén trung gian để có được lòng tin của dân chúng, có cơ chế điều hành của hệ thống tài chính - ngân hàng. Và vì vậy, thực tế chính sách tiền giấy của Hồ Quý Ly đã hoàn toàn thất bại.

Lịch sử đã ghi nhận: vừa mới ban hành tiền giấy, nhà nước đã ban hành một chính sách độc đoán hơn cả tính chất độc đoán sẵn có của tiền giấy: Cấm hẳn tiêu tiền kim loại. Thực tế, đến năm 1403 tức sau bảy năm ban hành, tiền giấy vẫn không được ưa dùng, và do nhà nước cấm tiền đồng, nhân dân buộc phải trao đổi theo hình thức hàng đổi hàng. Nhà nước đã phải định giá tiền giấy cho trao đổi, lập điều luật định tội không tiêu tiền giấy.

Nhà nước ngoài việc dùng pháp luật cưỡng bức còn đưa ra nhiều biện pháp khác cố làm cho đồng tiền đó được lưu hành rộng rãi trong nhân dân. Năm 1401, Hồ Hán Thương đặt kho Thường bình, phát tiền giấy cho các lộ, theo thời giá đong thóc chứa vào kho ấy. Năm 1402, định lại các thuế về tô ruộng, theo đó: Triều đình trước mỗi mẫu thu 3 thăng thóc nay thu 5 thăng nhưng nộp bằng tiền giấy thì được giảm đi. Thuế đinh cũng tương tự, thu bằng thóc thì thu nặng hơn trước nhưng thu bằng tiền giấy thì lại giảm đi. Bằng những biện pháp cưỡng bức kết hợp với khuyến khích như vậy mà tiền giấy vẫn không được lưu thông dù rất ít.

Bình luận về tiền giấy “Thông bảo hội sao”, người xưa đã viết: Tiền giấy chẳng qua chỉ là một mảnh giấy vuông, phí tổn chỉ đáng năm, ba tiền mà đem đổi lấy vật đáng giá năm, sáu trăm đồng của người ta, cố nhiên không phải là cái đạo đúng mức. Vả lại, người có tiền giấy cất giữ cũng dễ rách nát, mà kẻ làm giả mạo sinh ra vô cùng, thật không phải là cách bình ổn vật giá mà lưu thông của cải của dân vậy. Quý Ly không xem kỹ đến cái gốc lợi hại, chỉ ham chuộng hư danh sáng chế, để cho tiền của, hàng hoá thường vẫn lưu thông tự nhiên ứ đọng, khiến dân nghe thấy đã sợ, thêm mối xôn xao, thế có phải là chế độ bình trị đâu.

Việc ban hành tiền giấy của nhà Hồ xem như thất bại. Cùng với sự sụp đổ của nhà Hồ, tiền giấy cũng chấm dứt lưu hành. Năm 1429, ngay năm thứ hai sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ đã cho đúc tiền kim loại trở lại, nhân dân lại quay trở lại dùng tiền này.

Tiền giấy “Thông bảo hội sao” nhà Hồ ban hành như một bông hoa trái mùa nên nhanh chóng lụi tàn. Tuy nhiên chính sách tiền tệ của nhà Hồ là một bài học lịch sử đắt giá của đất nước . Nhất là những chính sách ban hành đồng tiền mới ngày nay có nhiều điều phải học hỏi không thừa.

Nếu ai muốn biết thêm chi tiết thì bấm vào Đây (http://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_ra_%C4%91%E1%BB%9Di_ti%E1%BB%81n_gi%E1%BA%A5y) để đọc thêm