PDA

View Full Version : S - Sống Tình Yêu Thương



Dan Lee
05-16-2009, 07:41 PM
SỐNG TÌNH YÊU THƯƠNG

(Ga 15:9-17 )


Chúa Nhật tuần qua, Ngày Hiền Mẫu Mother’s Day tại Hoa Kỳ, tôi có nhận được một powerpoints trong kho điện thư Email của mình, mang tựa đề “Mẹ Tôi”. Bằng vài hình ảnh minh hoạ, tác giả vô danh nào đó ở Malaysia đã thuật lại vắn tắt câu chuyện về một bà mẹ già “độc nhãn”,suốt đời hy sinh chịu khổ, chấp nhận sống hẩm hiu để cho con được danh giá với đời.

Ngay từ nhỏ, người con trai của bà luôn mặc cảm với xóm làng vì anh ta có bà mẹ dị dạng đui chột một con mắt. Một ngày nọ, người mẹ đến trường học thăm con, bạn bè trong lớp đã chế giễu cười nhạo cậu con trai của bà. Lòng đầy bực tức, anh về nhà giận dữ, trách mẹ già “đến thăm anh làm chi để nên trò cười cho thiên hạ”. Anh quyết tâm học giỏi, hầu sau này có học bổng, đi du học thật xa, trốn tránh sự quanh quẩn xấu hổ bên người mẹ già khuyết tật.

Quả thật, với thành quả tốt nghiệp ưu hạng, anh được chính phủ gửi sang Singapore du học. Nơi xứ người, với học vị cao, năng lực giỏi, anh dễ dàng lấy được người vợ con nhà danh giá. Anh tự khai với họ hàng bên vợ rằng anh mồ côi từ nhỏ, cố tình che đậy gốc gác người mẹ già nua chột mắt ở quê nhà. Thỉnh thoảng, anh lén vợ gửi về cho mẹ ít ngoại tệ, xây cho mẹ căn nhà nhỏ, để gọi là hiếu thảo. Anh xin mẹ già đừng liên hệ gì với anh, để anh dễ dàng chủ động che mắt nhà vợ.

Ròng rã một thập niên xa cách, tuổi đời mỗi lúc một dâng cao, người mẹ già vì nhớ con và khao khát được xem mặt cháu nội, bà bất ngờ mua vé bay sang Singapore tìm đến địa chỉ nhà người con yêu qúy. Các cháu ra mở cửa, thấy người khách lạ lam lũ mù một mắt đứng ngoài cửa, đứa sợ hãi, đứa cười mỉm. Anh con trai của bà ngỡ ngàng nhìn mẹ, nỗi xấu hổ ngập tràn, vội la hét: “Bà đến đây làm gì, khiến các con tôi khiếp sợ. Đi ra khỏi đây ngay!”. Người mẹ nhỏ nhẹ trả lời: “Xin lỗi ông, tôi đã lầm địa chỉ”. Bà lặng lẽ bước đi, không dám ngước mắt lại nhìn con trai và các cháu nội lần nữa.

Thời gian tiếp tục trôi nhanh, anh con trai một hôm nhận được thư mời họp mặt Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh trường cũ. Anh nói dối với vợ đi công tác lâu ngày, để âm thầm về lại Malaysia hội ngộ sinh hoạt các bạn xưa. Anh cũng không quên ghé qua nhà mẹ già để xem sao. Một người hàng xóm cho biết: mẹ anh đã qua đời trước đó vài ngày, vì không thân nhân bên cạnh, chính phủ đã lo liệu mai táng nhanh chóng. Người hàng xóm chỉ biết trao cho anh lá thư duy nhất của người mẹ quá cố.

Trong thư, bà cho biết lòng nôn nao khi nghe tin con trai sắp về cố hương họp mặt bạn bè cùng lớp. Bà ân hận vì làm con xấu hổ mặc cảm với mọi người. Chính vì không muốn cho con trai bị mù mắt vì tai nạn giao thông ngày xưa khi anh còn nhỏ, nên bà đã hy sinh con mắt của bà, để con yêu được bình thường lành lặn như bao người khác. Và giờ đây, bà mãn nguyện vì con bà đã nên người tài giỏi, biết sử dụng con mắt của mẹ mà sống vẻ vang với đời.

Và câu chuyện powerpoints “Mẹ Tôi” được kết thúc ở đó. Nó để lại trong tôi nhiều cảm xúc nghẹn ngào. Tình yêu thuơng cao cả của người mẹ lớn lao đến nỗi “đã sẵn sàng hy sinh con mắt mình vì người con yêu”. Tình yêu ấy không chỉ nói bằng lời nhưng bằng cả cuộc sống của một người mẹ. Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8 ). Ai tuân giữ lời Chúa dạy, sống đời yêu thương, thì ở trong tình yêu của Chúa (Ga 15:10).

A. Luận về hai chữ Yêu Thương.


1. Làm người, ai cũng mong được người khác yêu mến: ắt hẳn đó là một nhu cầu tự bẩm sinh.

+ em bé sơ sinh mới lọt lòng mẹ, cần tình mẫu tử ấp ủ, chở che.
+ trai gái trưởng thành, luôn bị sức hấp dẫn phái tính, cần tình thương lẫn nhau.
+ người già nua yếu ớt, mong chờ tình thương an ủi con cháu, sớm hôm vui cửa vui nhà.

2. Sống mà không có tình yêu thương, cảm thông: con người dễ bi quan, yếm thế, tự cô lập
chính mình, khó sống chung hoà bình với tha nhân. Thế nên, yêu thương là việc cần thiết.

a. Bình thường, yêu thương bao giờ cũng dễ, khi ta sung sướng thích thú khoan khoái,
đón nhận được dồi dào từ người khác…
+ trẻ mồ côi luôn cảm nhận sự ấm áp, khi được nuôi dưỡng hàng ngày đầy đủ bởi các
cơ quan từ thiện bác ái.
+ cô thiếu nữ luôn cảm thấy yêu đời khi có được sự quan tâm thường xuyên của người tình.

b. Đôi khi, yêu thương cảm thấy hơi khó khăn, khi ta phải chịu thiệt thòi, bó buộc hy sinh
phần nào cái tôi của mình.
+ bạn bè tri kỷ, kết thân lâu ngày: bất ngờ người bạn cần một chút vốn xoay sở việc
làm ăn, đến phiền mượn ta ít tiền, mình e ngại đủ điều, giúp đỡ mà không vui.
+ anh em họ hàng ruột thịt với nhau: kẻ nghèo rớt mồng tơi, người giàu sang phát
tướng. Tìm đến với nhau vì chung giọt máu đã hiếm, nhờ cậy lẫn nhau thật khó biết bao.

c. Nhiều lúc, yêu thương thật rất khó, khi ta phải cho đi rất nhiều, từ bỏ mình hoàn toàn vì người khác.
+ Thúy Kiều chấp nhận hy sinh cả đời mình để chuộc cha cho trọn tình hiếu thảo.
+ người vợ liều mình buông lỏng tay chồng, để chồng đủ sức bơi vào bờ, tiếp tục
sống nuôi con ( Tiểu thuyết “Anh phải sống” của Khái Hưng ).

3. Từ đó, ta có thể cảm nhận được rằng: tình yêu thương có hy sinh gian khó, mới giá trị lâu
bền, mới thật là tình yêu đúng nghĩa. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương
của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13).

B. Chúa Giêsu đã yêu thương con người như thế nào?


1. Chúa đã yêu người mà mình khó yêu nhưng Ngài vẫn yêu.

+ Biết rõ Giuđa Iscariôt âm mưu bán Chúa, biết trước Phêrô sẽ lạnh lùng chối Thầy
nhưng “Chúa vẫn yêu thương các môn đệ đến cùng” (Ga 13:1).
+ Biết chắc Giakêu thủ lãnh thu thuế, có nhiều tội lỗi gian xảo, bóc lột dân đen nhưng
Chúa vẫn muốn ở lại nhà ông “tìm kiếm, cứu chữa những gì đã hư mất”(Lc 19:10).

2. Chúa đã yêu người thấp kém hơn mình, Ngài vẫn muốn phục vụ họ.
+ Chúa không ngại cúi xuống rửa chân cho các tông đồ: một việc làm của tôi tớ.
+ Chúa sẵn sàng bách bộ đến nhà viên sĩ quan ngoại giáo, đáp ứng lời khẩn nguyện
của ông, giúp đầy tớ ông được lành bệnh ( Lc 7;1-10 ).

3. Chúa đã yêu thương đến nỗi hy sinh cả cuộc đời cho người mình yêu.

+ Ngài vâng phục “uống chén Cha trao” chịu khổ nạn vì tội nhân loại.
+ Ngài nhẫn nại “vác thập giá” đến đỉnh đồi Calvê, chịu thay hình phạt cho con người.
+ Trên thập giá, Ngài quảng đại nói lời yêu thương tha thứ, khao khát nhân loại “được
cùng lên với Ngài” trên nước Trời ( Lc 23:43 ).

C. Hãy sống đời yêu thương như Chúa đã yêu.

Chúa đã nhấn mạnh: “Yêu thương là giới răn của Chúa”.
Đức Cố Hồng Y Frx. Nguyễn văn Thuận cũng đã viết: “Yêu thương là đồng phục mọi kitô hữu”.

Cuộc sống trống vắng tình yêu thương: sẽ nghèo nàn buồn tẻ, sẽ mãi mãi mất an bình, sẽ là một đêm dài tăm tối triền miên. “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15:12).


+ Maria Goretti đã không ngừng tha thứ và cầu nguyện cho Alessandro, kẻ ám hại cô.
Nàng mong cho Alessandro ăn năn hối cải và được lên thiên đàng với thánh nữ.
+ Mẹ Têrêsa Calcutta sẵn sàng cúi xuống chăm sóc vết thương lở loét người cùng khổ.

Một phóng viên nhà báo khiếp sợ đã nói: “Có cho tôi 1 triệu dollars, tôi cũng không dám làm việc đó”. Mẹ Têrêsa vui vẻ trả lời: “Tôi cũng chẳng làm việc ấy, nếu có 1 triệu dollars. Tôi chỉ làm vì yêu Chúa, vì tôi thấy Chúa ở trong con người bệnh nhân”.


+ Năm 1995, thành phố Kobé ( Nhật Bản ) bị động đất nặng nề với 15 độ Richter.
Trong đống gạch vụn ngổn ngang, người ta đào bới cứu được một người mẹ đang

chết ngất, tay ôm chặt đứa con còn thoi thóp, sau bao ngày tìm kiếm. Lúc tỉnh lại, nhìn hai cổ tay bị cắt hết máu vì con bà đã mút sạch, bà thều thào lên tiếng: “Tôi chỉ biết một điều là làm cách nào để con tôi được sống, tôi sẵn sàng chết thay”.

D. Lời nguyện kết thúc.


Lạy Chúa là Thiên Chúa của tình yêu.
Vì yêu thương, Chúa đã dựng nên con người và đặt con người làm chủ mọi loài.
Vì yêu thương, Chúa đã chết thay cho con người, giúp con người làm con Thiên Chúa.
Chúa lại trăn trối cho con người một di chúc đáng nhớ: hãy yêu thương nhau.
Xin Chúa trui luyện con thành khí cụ yêu thương thực sự cho anh em con. Amen.


Dominic Dieu Tran, Houma, LA.