PDA

View Full Version : S - Sự kỳ diệu của tình yêu



Dan Lee
05-13-2009, 07:59 PM
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH năm B

SỰ KỲ DIỆU CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

Sau khi nói về mối quan hệ mật thiết gắn bó giữa Thày và các môn đệ tựa như mối quan hệ giữa cành nho với Cây nho, Đức Giêsu hé mở cho các môn đệ nhiều điều. Chúng ta hãy lắng nghe và tìm hiểu Lời Chúa để đón nhận và sống mạc khải của Chúa Giêsu trong các bài Thánh Kinh Chúa nhật VI Phục Sinh này: Đó là sự kỳ diệu của Tình Yêu Thiên Chúa!

I. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA

1. Bài đọc 1: Cv 10,2-26.34-35.44-48: Là tường thuật việc Thánh Thần Thiên Chúa được ban cho những người chưa chịu Phép Rửa mà Phêrô gặp được tại nhà Conêliô. Trước cảnh tượng lạ lùng và bất ngờ ấy, Phêrô phải tuyên bố: “Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?”

2. Bài đọc 2: 1 Ga 4,7-10: Thánh Gioan khuyên nhủ chúng ta hãy yêu nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ngài khẳng định: “Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa.” Thế cũng có nghĩa là những ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa thể hiện Tình yêu của Người đối với nhân loại, qua việc sai Con Một Người đến thế gian để nhờ Con Một ấy của Thiên Chúa mà chúng ta được sống.

3. Bài Tin Mừng: Ga 15,9-17: Là những lời tâm sự của Đức Giêsu tiếp nối những lời khẳng định về mối quan hệ khắng khít giữa Người và các môn đệ. Có thể coi đây là những bộc lộ hết sức chân tình và cởi mở mà Chúa Giêsu Kitô dành cho các môn đệ. Nếu nói một cách chuyên môn hay bác học, chúng ta sẽ nói rằng: đây là những mạc khải về Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Nội dung của những chân lý ấy gắn kết chặt chẽ với nhau:

1o) Chúa Cha yêu mến Chúa Giêsu thế nào thì Chúa Giêsu cũng yêu thương các môn đệ như vậy. Chúa Cha yêu Chúa Giêsu vì Chúa Giêsu đã giữ các điều răn của Cha. Còn Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ đến độ dám hy sinh tính mạng vì các ông: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”

2o) Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ ở lại trong tình thương của Người để đáp lại tình thương vô biên của Người. Bằng cách tuân giữ các điều răn của Người - như Người đã giữ các điều răn của Cha - mà điều răn lớn nhất là yêu thương nhau, như Chúa đã yêu thương.

3o) Chúa Giêsu đã coi các môn đệ là bạn hữu thân thiết nên đã bộc lộ cho họ biết những điều Người đã biết đã nghe được nơi Cha, tức bản chất thần linh và kế hoạch cứu độ chúng sinh của Cha. Bản chất thần linh của Thiên Chúa là Tình Yêu. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa là “Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10,34-35). Điển hình là Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cho những người ngoại có mặt tại nhà ông Conêliô, mặc dù họ chưa chịu Phép Rửa.

4o) Chính Chúa Giêsu đã chọn các môn đệ, chứ không phải ngược lại. Người chọn họ để sai họ đi rao giảng, làm chứng cho Nước Trời và cho Tình Thương của Thiên Chúa. Người chọn họ để họ sinh nhiều hoa trái không hư nát.

II. ĐÓN NHẬN & SỐNG SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA: SỰ KỲ DIỆU CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

1.Thiên Chúa là Tình Yêu:

Mạc khải cũng là sứ điệp trọng tâm của ba bài Thánh Kinh hôm nay là về bản chất thần linh của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì là Tình Yêu nên mọi việc Thiên Chúa làm, mọi lời Thiên Chúa nói, mọi kế hoạch Thiên Chúa thực hiện đều xuất phát từ Tình Yêu, đem lại Tình Yêu và Sự Sống cho những người được yêu (là hết mọi người) và mời gọi sự đáp trả bằng Tình Yêu. Vì thế kinh nghiệm Tình Yêu phải là kinh nghiệm trung tâm của đời sống con người. Đó chính là điều mà Thánh Gioan đã ám chỉ khi nói: “Ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” Thiên Chúa Cha đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người cho thế gian. Đức Giêsu đã hiến mạng sống mình cho các môn đệ và toàn nhân loại. Còn Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa mà không quản ngại họ đã hay chưa được thánh tẩy trong Nước.

2. Tình Yêu của Chúa Giêsu đã biến chúng ta trở thành bạn hữu nghĩa thiết của Người.

Một trong những tính chất độc đáo nhất của Tình Yêu là xóa bỏ khoảng cách hay hố phân chia giữa người yêu và người được yêu và làm cho hai người gần nhau, nên giống nhau. Đó là sự san sẻ, là sự bổ sung cho nhau giữa những người yêu nhau. Điều đó đúng trong Tình Yêu Nhân Linh và càng đúng trong Tình Yêu Thần Linh. Trong Tình Yêu Nhân Linh hai người nam nữ yêu nhau và cùng nhau xây dựng một mái ấm, một gia đình, trong đó của chồng là của vợ, của vợ là của chồng; vui buồn sướng khổ của người này là vui buồn sướng khổ của người kia; thành công hay thất bại của người này cũng là thành công hay thất bại của người kia. Vì yêu thương nhau nên không còn ngăn cách giữa hai người. Nếu hai vợ chồng, một người là hoàng tử, một người chỉ là cô bé lọ lem tức thuộc hàng thứ dân, thì chúng ta càng thấy rõ sự san sẻ hay san bằng (về địa vị, quyền thế, tài sản…) giữa hai vợ chồng ấy. Còn trong Tình Yêu Thần Linh, Đức Giêsu đã yêu thương con người đến độ từ bỏ mọi vinh quang của Thiên Chúa, hạ mình làm người và tự hủy ra không, hy sinh cả mạng sống vì con người. Hơn nữa Người còn làm cho con người trở thành bạn hữu nghĩa thiết của Người. Nếu giữa người Cứu (Chúa Giêsu Kitô) và kẻ được cứu (chúng ta) còn có thể có ngăn cách, thì giữa bạn bè thân thiết không thể còn có ngăn cách. Đó chính là điều Chúa Giêsu đã muốn và đã thực hiện cho chúng ta. Vì chúng ta là bạn hữu nghĩa thiết của Người, nên Chúa Giêsu mới bộc lộ tấm lòng, mới vén bức màn ngăn cách giữa Người với chúng ta để (mạc khải) cho chúng ta thấy bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu và sự kỳ diệu của Tình Yêu Thiên Chúa.

3.Tình Yêu đáp trả Tình Yêu:

Vì yêu thương chúng ta vô chừng vô đỗi và vì muốn chúng ta được hạnh phúc vĩnh cửu, Chúa Giêsu tha thiết mời gọi chúng ta hãy ở lại trong Tình Thương của Người, tức đón nhận và tuân giữ các giới răn, các lệnh truyền, các chỉ thị của Đức Giêsu. Trong mọi giới răn, thì yêu thương là giới răn bao hàm tất cả, thống lĩnh tất cả, vượt trội tất cả. Đó là Tình yêu đáp trả Tình Yêu! Chúa đã yêu chúng ta, Chúa chỉ muốn chúng ta yêu lại Người và yêu mọi người cũng là con cái của Chúa như chúng ta, cũng được mời làm bạn với Chúa Giêsu như chúng ta. Yêu thương theo cách, theo mức độ mà Chúa Giêsu đã thể hiển.

* Trước hết chúng ta đáp trả Tình Yêu của Chúa trong đời sống cá nhân bằng cách sống mật thiết gắn bó với Chúa Giêsu, với Thiên Chúa và thể hiện lòng Mến Chúa trên hết mọi sự, tức Mến Chúa hết trí khôn, hết linh hồn, hết sức lực của chúng ta.

* Kế đến chúng ta đáp trả Tình Yêu của Chúa trong đời sống gia đình bằng đời sống hy sinh, phục vụ những người thân với một tình yêu vô vị lợi, không tính toán so đo và giúp mọi người trong gia đình biết yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như Chúa dạy.

* Sau cùng chúng ta đáp trả Tình Yêu của Chúa trong đời sống xã hội bằng đời sống “mình vì mọi người” nhằm mưu ích chung cho cộng đồng, nhất là cho những người yếu kém nhất trong xã hội.

III. CẦU NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa Cha là Tình Yêu, chúng con chúc tụng ngợi khen cảm tạ Cha về sự kỳ diệu của Tình Yêu mà chúng con đã cảm nhận: Vì yêu thương chúng con, Cha đã dựng nên chúng con, đã cứu độ chúng con, đã ban Con Một Cha là Đức Giêsu Kitô cho chúng con. Xin Cha cho chúng con cảm nghiệm mỗi ngày mỗi sâu sắc hơn Tình Yêu của Cha, để chúng con không ngừng ca ngợi Tình Yêu của Cha và làm chứng cho Tình yêu ấy trong mọi môi trường gia đình và xã hội.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con chúc tụng ngợi khen cảm tạ Chúa vì Chúa đã cho chúng con được diễm phúc trở thành bạn hữu nghĩa thiết của Chúa; vì Chúa đã hé mở những bí mật của Thiên Chúa cho chúng con; và vì Chúa đã mời gọi chúng con sống luật yêu thương của Chúa. Xin cho chúng con biết trân trọng Tình Yêu và cách đối xử tuyệt vời của Chúa và biết cách lấy Tình Yêu đáp lại Tình yêu: Yêu Chúa hết lòng hết sức hết linh hồn hết trí khôn. Yêu tha nhân như chính mình, như chính Chúa đã yêu và hy sinh mạnh sống vì người mình yêu.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.