PDA

View Full Version : T - Tự biết mình



Dan Lee
05-09-2009, 04:19 PM
TỰ BIẾT MÌNH

Tháng Hoa - 2009

Ai trong chúng ta cũng khao khát sự hiểu biết, thế nhưng có một sự hiểu biết không chừng chúng ta muốn tránh né, đó là sự hiểu biết về chính mình. Bài học khai tâm mà triết gia Socrates ở thế kỷ thứ V trước công nguyên thường đề ra cho các môn sinh của ông là: “Hỡi người hãy tự biết mình”. Biết mình vốn là một điều kho, vì nó đòi hỏi con người phải nhìn thẳng vào sự thật. Tránh né chính mình cũng chính là tránh né sự thật.

Về sự biết mình, chúng ta hãy nhìn vào mẫu gương của Mẹ Maria, chúng ta thường kêu Mẹ là “người nữ tỳ khiêm hạ của Chúa”. Khiêm hạ nơi Mẹ cũng đồng nghĩa với biết mình. Chúng ta hãy ôn lại những thái độ của Mẹ khi sứ thần Gabriel chào: “Hãy vui lên hỡi người đầy ơn phúc”. Thánh Luca ghi lại rằng: “người thiếu nữ Nadarét bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì?”.

Qua muôn thế hệ, Mẹ đã được xưng là Đấng vô nhiễm nguyên tội, nghĩa là người được tràn đầy ơn nghĩa Chúa. Thế nhưng chính Mẹ dường như không để ý tới điều đó. Thái độ đó nói lên cốt lõi của sự khiêm hạ nơi Mẹ. Thái độ đó cũng mang một tên khác mà Chúa Giêsu đã đề cao khi khai mở sứ mạng rao giảng của Ngài. Tên đó chính là Sự Nghèo Khó: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”. Người nghèo khó đích thực hay người khiêm hạ đích thực là người qui tất cả mọi sự mình có về Chúa, là Đấng tạo dựng và ban phát mọi sự.

Thái độ của Mẹ Maria hoàn toàn tương phản lại với thái độ kiêu ngạo của người biệt phái, mà Chúa Giêsu đả phá qua lời cầu nguyện sau đây của ông ta: “Lạy Chúa con cảm tạ Chúa vì con không giống như những người khác”. Người biệt phái này cảm tạ Chúa, không phải vì những gì mình đã lãnh nhận từ Chúa, nhưng vì đã làm được nhiều điều mà người khác không làm được. Cái kiêu ngạo của người biệt phái này chính là qui tất cả về mình. Trong khi đó sự khiêm hạ đích thực là qui tất cả mọi sự mình có, mọi sự mình làm được về một mình Chúa mà thôi. Nói cách khác, người khiêm nhường đích thực là người biết gột bỏ để trở thành trống rỗng và chỉ được lấp đầy bởi Chúa mà thôi.

Phúc Âm thánh Luca thuật lại rằng khi từ giữa đám đông có một người đàn bà đã lên tiếng chúc phúc người mẹ đã nuôi dưỡng Chúa Giêsu, thì Ngài đã nói như sau: “Phúc hơn cho những ai nghe và giữ lời Chúa”. Qua lời này, Chúa Giêsu không hề hạ giảm Mẹ Ngài, người đã tự làm cho mình nên trống rỗng, đã biến mình trở thành nghèo khó thực sự, để chỉ còn được lấp đầy bằng lời Chúa mà thôi.

Trong kinh cầu Đức Mẹ, chúng ta kêu cầu Mẹ với tước hiệu “Đức Bà là toà Đấng khôn ngoan”. Mẹ là toà Đấng khôn ngoan, bởi vì Mẹ đã không tự biết mình bằng sự hiểu biết của loài người, mà bằng chính sự hiểu biết của Thiên Chúa. Người khiêm hạ đích thực là người không nhìn vào mình bằng ánh sáng của con người, nhưng bằng chính ánh sáng của Thiên Chúa.

Lời chào của sứ thần Gabriel vừa nói lên tình yêu nhưng không của Thiên Chúa đối với con người, vừa cho chúng ta thấy được mẫu gương khiêm nhường đích thực nơi Mẹ Maria. Mẹ đã khám phá ra chính mình dưới ánh sáng của Chúa, biết mình là sự hiểu biết gay go nhất trong đời người.

Người Kitô hữu chúng ta hiểu rằng mầu nhiệm của con người, mầu nhiệm của mỗi người chỉ được soi tỏ trong chính Đấng đã tự xưng mình là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống. Chỉ khi nào chúng ta bắt chước Đức Maria để gột bỏ hoàn toàn chính mình, thì lúc đó chúng ta mới tìm thấy được con người của chúng ta.

Mẹ là ngôi sao sáng, nhưng là một ngôi sao đã lãnh nhận ánh sáng từ chính Chúa. Chúng ta hãy xin Mẹ soi dẫn, để chúng ta được đi theo dấu chân của Mẹ và tìm được sức sống và ánh sáng từ chính Chúa.