PDA

View Full Version : P - Phải chăng vẫn còn cơ may để cứu vãn lý trí ?



Dan Lee
05-07-2009, 05:52 PM
Phải chăng vẫn còn cơ may để cứu vãn lý trí ?

Bài phát biểu thời danh của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tại đại học Regensburg ngày 12.9.2006 mãi đến hôm nay vẫn luôn là «ngòi châm» cho các cuộc trao đổi bàn tán. Nhưng lại được bàn đến rất ít trong thế giới đại học. Phải chăng nguyên nhân là do đoạn trích dẫn về hoàng đế Manuel II, một đoạn văn đã từng gây nên những sóng gió ồn ào, những những phản ứng tiêu cực trong thế giới Ả Rập Hồi giáo? Hay: Đức Thánh Cha đã chọc mũi nhọn trí thức và tinh thần của ngài vào vết thương đang cần phải được để yên hầu chóng hàn gắn lại, tức nền hòa bình vốn mong manh giữa thế giới Hồi giáo và thế giới Âu Mỹ?

Là một nhà trí thức uyên thâm lỗi lạc, chắc hẳn Đức Thánh Cha đã quá hiểu rõ những điều đó, nhưng đối với ngài vấn đề chủ chốt được đề cập tới trong bài phát biểu của ngài là những vấn nạn đầy bức xúc hiện nay trên thế giới, mà ngài với tư cách là Vị Đại Diện của Đấng đã khẳng định «Ta là sự thật» không thể bỏ qua được, dù với bất cứ lý do hay hậu quả nào. Vâng, đó là vấn đề quyền tự do tôn giáo của con người, nghĩa là quyền được tự do lưa chọn cho mình một tôn giáo thích hợp với nhu cầu tâm linh của mình. Dĩ nhiên, ở đây còn bao gồm cả vấn đề đầy gáy cấn còn đang làm rúng động cả thế giới, đó là liệu các tín đồ thuộc các tôn giáo có được phép lấy tôn giáo làm ý thức hệ, làm lý do chính đáng để biện minh cho các cuộc khủng bố, các cuộc ám sát liều chết hay các cuộc chiến tranh do họ gây ra để giết hại bao người vô tội khác hay không. Và trong tình huống này thì sự tương quan giữa đức tin và lý trí đóng một vai trò trọng yếu, vì đây là một trong những chủ đề quan trọng nhất về cuộc sống của nhà thần học thời danh Josef Ratzinger.

Bởi vậy, hiện nay đã xuất hiện một cuốn sách bằng tiếng Đức với tựa đề hết sức độc đáo: «Gott, rette die Vernunft!» ( Lạy Chúa, xin Chúa hãy cứu vớt lý trí). Nội dung bao gồm những cuộc luận bàn mang tính cách triết học về bài phát biểu của ĐTC Bênêđíctô XVI tại đại học Regensburg như đã nhắc đến ở trên. Phải chăng lý trí cần phải được cứu vớt, cần phải được bào toàn, hay ở đây còn muốn đề cập tới một điều gì đó còn sâu sắc thầm kín hơn? Câu trả lời cho câu hỏi trên các độc giả sẽ tìm gặp ngay ở trang đầu của cuốn sách, bởi vì thật may mắn là bản văn bài phát biểu của Đức Bênêđíctô XVI ở Regensburg cũng như hai bài giảng quan trọng của ngài trong chuyến tông du Đức quốc (một bài tại Islinger Feld ở Regensburg và một bài ở Neuen Messe München) đều đã được in ra. Bài giảng của vị « Giáo sư-Giáo Hoàng» Josef Ratzinger với đề tài «Đức tin thì đơn sơ giản dị» trình bày sự thấm nhập đơn giản, hay nói đúng hơn, sự thấm nhập sơ đẳng đầy hấp dẫn vào trong lãnh vực hết sức phức tạp của Đức tin và lý trí, của bạo động và hòa bình.

Ở đây, Đức bênêđíctô XVI dựa trên nguyên tắc sự tuyên tín của các Tông đồ để khám phá ra nền tảng đức Kitô giáo. Ở đây, mỗi người đều có thể hiểu rõ được một cách trực tiếp tại sao lý trí con người vốn là ơn lành của Tạo Hóa trao ban, vốn là «logos», không ai được phép khinh thường và loại bỏ. Đức tin có những lý do mà trí năng con người cũng có thể dễ dàng hiểu được, đúng là «fides quaerens intellectum». Ngược lại, ai đòi hỏi một «đức tin mù quáng», tức tin một cách tối mặt, nhắm mắt tin, chứ không cần tới sự can thiệp của trí năng, v.v… thì sẽ ngụp lặn trong sự sai lạc và cuối cùng sẽ không tránh khỏi được chủ nghĩa cuồng tín.

Bởi vì đức tin và lý trí có thể được coi như hai chị em song sinh, tuy khác biệt nhau, nhưng không hề tách rời nhau. Bởi vậy, người ta có thể phản đối chủ trương của phong trào «cải cách» về một «lý trí thuần túy», một lý trí chỉ chấp nhận những điều cụ thể hiển nhiên và khả nhận thức được một cách hữu lý và do đó chối bỏ thế giới đức tin, thế giới linh thiêng, thế giới của những chân lý và của những thực tại vô hình. Nếu những người vô thần vì do sợ hãi trước Thiên Chúa và vũ trụ đã tìm mọi cách chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa trong vũ trụ là dư thừa, không cần thiết, như Đức Bênêđícto XVI nhấn mạnh, thì trên thực tế những người vô thần đó đã vô tình hay hữu ý mở ra một con đường mới cho một thế giới phản nhân bản.

Những luận bàn có tính cách triết học về bài phát biểu ở Regensburg của Đức Bênêđíctô XVI đã tập hợp được năm nhà triết học nổi danh hay chưa được nổi danh lắm thuộc các nước khác nhau: Mỹ, Ai Cập, Pháp, Đức và Do Thái. Nguyên sự kiện các tác giả của năm nước khác nhau này cùng chung nhau đưa một quan điểm đã là nói lên tầm quan trọng của cuốn sách. Hơn nữa, khác với khuynh hướng bình thường của các nhà xuất bản tại Đức trong những tác phẩm đặc biệt, ở đây tiêu chuẩn lựa chọn rõ ràng không phải quan điểm mang tính cách phê bình chỉ trích Rôma, nhưng là danh tiếng quốc tế và môi trường sống thực tiễn của các tác giả. Tất cả họ đều nghiên cứu và làm sáng tỏ những gợi ý của Đức Thánh Cha trong bài phát biểu của ngài một cách thành tâm và đầy nhiệt huyết, dựa theo các nền văn hóa, các tôn giáo, các quan niệm hay các hệ thống tư tưởng khác nhau của họ. Và tất cả những điều đó cũng quá đầy đủ để nói lên tính cách đa phức cũng như những giá trị hết sức quan trọng và cần thiết trong các bài viết của các nhà tư tưởng ấy.

Đúng vậy, trong bài viết của tác giả Wael Farouq, giáo sư văn chương Ả Rập tại đại học Cairo ở Ai Cập, người đọc sẽ cảm nhận được cách sâu xa «Những căn nguyên của nền văn hóa Ả Rập» và tính cách độc đáo của nền văn minh ấy, một nền văn minh mà theo các phân tích minh bạch của giáo sư Farouq đã được dựa trên những rường cột của sự xuất xứ, của ngôn ngữ và của những phong tục tập quán tốt. Do đó, cả là một sự dự định không tưởng và khó chấp nhận được khi người ta quá dễ dàng đem trồng vào cánh đồng thế giới Trung đông những «cây văn minh» của thế giới Tây phương, chứ không thèm quan tâm tìm hiểu và sống va chạm một cách thực tiễn với thế giới ấy trước đã.

Còn tác giả André Gluckmann, một người tuy tự xưng mình một cách mỉa mai là một «triết gia tùy hứng nguyên xi» (ein eigenbrötlerischer Hobbyphilosophe), được coi là một trong những nhà trí thức người Pháp quan trọng nhất. Bài viết của ông trong cuốn sách nói trên được để cập tới «Bóng ma khủng khiếp của cơn bão» là cả một lược khảo hội tụ tuyệt vời giữa triết học Hy Lạp và tín lý Kitô giáo. Câu kết luận của bài viết là: «Chủ thuyết hư vô hằng ra công tạo nên sự dữ vô hình, không thể diễn tả hết và không thể nghĩ tới được. Để chống lại một sự tàn phá về mặt thiêng liêng và lan rộng khắp thế giới như thế, bài phát biểu Regensburg đòi hỏi «đức tin được đặt nền tảng trên Thánh Kinh» và «các vấn nạn Hy Lạp» cần phải thận trọng, để không còn do dự kết hợp thành một liên minh mới mà tôi mong ước là liên minh đó sẽ có thể dành được chiến thắng huy hoàng sau cùng».

Trong khi đó, sự nhấn mạnh của tác giả Sari Nusseibeh trong toàn diện chủ đề nằm ở sự tổng hợp giữa triết học Hy Lạp và triết học Hồi giáo, một sự tổng hợp đã được phát huy ngay từ thời trung cổ. Giáo sự Nusseibeh là người Palestin và dạy triết học ở đại học Al-Quds ở Đông Giêrusalem. Trong bài viết của ông, giáo sư Nusseibeh phân biệt về «Bạo lực: tính cách hợp lý và lý trí» hai cách nhận thức về thế giới được dựa trên lý trí hay trên thần bí học. Theo ý kiến của ông thì sự «sự lạc đề không cần thiết» của Đức Giáo Hoàng, của một «vị truyền bá cái hay đẹp của tôn giáo» về hoàng đế Manuel đã không hề ngăn cản ông trong việc tìm kiếm những điều kiện khả dĩ cho một sự sống chung hài hòa giữa các tôn giáo và các ý thức hệ.

Tiếp đến, trong bài khảo lược của ông, triết gia người Đức Robert Spaemann đã cống hiến cho người đọc một trải nghiệm về một cuộc hành trình chớp nhoáng nhưng đầy đủ trong suốt lịch sử triết học. Đúng vậy,được cảm hứng bởi bài phát biểu của Đức Thánh Cha ở Regensburg, giáo sư Spaemann đã trình bày một tri thức sâu sắc về các bối cảnh triết học nhân loại, từ Platon đến Nietzsche, từ các nhà thần học kinh viện thời trung cổ đến các nhà duy vật, các nhà cải cách vào thế kỷ XVIII-XIX và các người vô thần tân thời. Sự phân tích quan niệm về Thiên Chúa trong Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo hay sự phân biệt của ông giữa bạo lực chính trị và bạo lực nhân danh Thiên Chúa cũng như tình yêu kẻ thù của Kitô giáo đã dẫn đưa người đọc có được một cái nhìn bao quan và tiến rất xa trong mọi lãnh vực cuộc sống, chứ không chỉ dừng lại ở lãnh vực trí thức mà thôi.

Sau cùng, tác phẩm «Gott, rette die Vernünft» đã kết luận với bài viết của ông Joseph Weiler, người Do Thái, giáo sư về khoa nhân chủng học và luật pháp Âu Châu tại đại học New York/Hoa Kỳ, không hề có ý quảng cáo cho việc «Nói không với Thiên Chúa» (Neinsagen zu Gott) như tựa đề bài viết của ông có thể làm người đọc hiểu lầm như thế. Vấn đề trọng yếu của tác giả bài viết là sự tự do nền tảng và được xây dựng trên nhân chủng học của con người trong việc được quyền lựa chọn, thay đổi hay cả việc nói không với một định hướng tôn giáo. Dĩ nhiên, giáo sư Weiler không hề biện hộ cho một sự tự do tôn giáo theo nghĩa là một thái độ khoan dung chung chung hay là một sự dửng dưng đối với Thiên Chúa. Theo ông, tầm quan trọng mang tính cách quyết định nằm trong câu phát biểu của Đức Giáo Hoàng «Đức tin chỉ có thể xảy ra trong sự tự do mà thôi». Vâng, theo giáo sư Weiler, câu phát biểu trên chứa đựng cả «sự tự do nói không với Thiên Chúa» như là mặt trái của lời phát biểu. Và nếu quả thực, đúng như những người Do Thái tin tưởng: «Tất cả đều nằm trong tay Thiên Chúa, trừ sự kính sợ Người», thì ở đây quả thực đã nêu lên một đề tài quan trọng, mà rất đáng tiếc là người ta ít khi được nghe trong các bài giảng ở các nhà thờ.


_______________________

Sách tham khảo:

«Gott: rette die Vernunft» - Die Regensburger Vorlesung in der philosophischen Discussion. Nhà xuất bản St. Ulrich, Ausburg, 2008, 192 trang.

Đồng tác giả: ĐGH Bennedikt XVI, Wael Farouq, André Gluckmann, Sari Nusseibeh, Robert spaemann, Joseph Weiler,

LM. Nguyễn Hữu Thy