PDA

View Full Version : NĂM MƯƠI LOẠI ẤM MA



Sông Xanh
05-07-2009, 04:48 PM
http://farm1.static.flickr.com/25/48711842_25df24cc61.jpg

Reflections, Photo by Pete Orelup

KINH

ĐẠI PHẬT ĐẢNH
NHƯ LAI MẬT NHƠN
TU CHỨNG LIỄU NGHĨA
CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH

THỦ LĂNG NGHIÊM
ŚŪRAṂGAMA-SŪTRA

NĂM MƯƠI LOẠI ẤM MA

TUYÊN HÓA THƯỢNG NHÂN Giảng Tại
PHẬT GIÁO GIẢNG ĐƯỜNG San Francisco
California _ USA _ 1968
Ban Phiên Dịch Việt Ngữ VẠN PHẬT THÁNH THÀNH

Đọc SẮC ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_SacAm.htm

Đọc THỌ ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_ThoAm.htm

MƯỜI LOẠI CẢNH GIỚI SAI BIỆT CỦA SẮC ẤM

1 - TÂM THOÁT NGẠI

KINH VĂN:

A Nan, ngay trong lúc này, do chuyên chú cứu xét ánh sáng vi diệu ấy, tứ đại không còn đan dệt với nhau nữa, chẳng bao lâu thân có thể thoát ra khỏi sự ngăn ngại. Trạng thái này gọi là: “Tinh minh nhập vào tiền cảnh”. Đó chỉ là trạng thái nhất thời do dụng công, không phải là biểu hiện sự chứng quả Thánh. Nếu không khởi tâm chứng Thánh thì đó là cảnh giới tốt, nhưng một khi đã nghĩ mình chứng Thánh liền bị tà ma dẫn dụ.

Giảng:

Bây giờ giảng đến phần ngũ ấm ma. Ngũ ấm là gì? Là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Sắc có mười thứ ma, thọ cũng có mười thứ ma, tưởng, hành và thức mỗi thứ đều có mười thứ ma. Tổng cộng là năm mươi loại ấm ma. Người tu đạo cần phải hiểu thấu đáo cặn kẻ năm mươi loại ma sự này. Nếu không rõ năm mươi ấm ma, rất dễ làm quyến thuộc của ma vương. Đến khi làm quyến thuộc của ma vương rồi, quý vị cũng không biết vì sao mình làm quyến thuộc của chúng. Vẫn không nắm được yếu lĩnh, không biết vì sao! Do vậy các vị phải đặc biệt chú ý.

A Nan, ngay trong lúc này, do chuyên chú cứu xét ánh sáng vi diệu ấy, khi sắc ấm sắp sửa tiêu dung, ông ta thấy mười phương rỗng rang, sáng rực không còn tối tăm nữa. Bởi vì lúc ấy có một loại ánh sáng; trong khi ông ta hết sức chuyên chú quán xét cảnh giới sáng suốt vi diệu này, tứ đại không còn đan dệt với nhau nữa, chẳng bao lâu thân thể thoát ra khỏi sự ngăn ngại. Tứ đại sẽ không còn kết hợp với nhau, không còn tác dụng ngăn ngại. Chẳng bao lâu thân thể sẽ trở nên không bị chướng ngại, như hư không rỗng rang. Đó được gọi là: Ý sanh thân, nghĩa là có một thân khác tách rời khỏi thân vật chất. Trước đây tôi đã kể chuyện về chú đệ tử của tôi đến các cung trời bằng Định thân của chú ấy, thân ấy cũng được gọi là: Ý sanh thân. “Ýù” đây tức là một trong sáu thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý ). Thân ấy do ý sanh, tạo nên bởi tâm thức nên không bị ngăn ngại (như là sắc thân kết hợp bằng tứ đại). Trạng thái này gọi là: “Tinh minh nhập vào tiền cảnh”. Ánh quang minh tinh diệu lưu nhập vào tiền cảnh 4. Đó là trạng thái nhất thời do dụng công. Cảnh giới này nhất thời, bất quá chỉ do siêng năng tu tập mà thôi; nó chỉ nhất thời, không phải hằng có. Khác với khả năng xuất nhập một cách tự tại, trong mọi thời mọi lúc muốn đến nơi nào liền đến nơi ấy, muốn trở lại liền trở lại. Với sự thong dong tự tại này, ông có thể:

Phóng chi tắc nhi lục hợp
Quyển chi tắc thốâi tàng ư mật.

Thả ra nó sẽ trùm khắp Tam thiên đại thiên thế giới; tuy nhiên, có thể thu lại bất kỳ lúc nào. Nếu ông không thể làm được việc này bất kỳ lúc nào ông muốn, thì cảnh giới của ông chỉ là nhất thời. Đó là cảnh giới ông gặp phải trên con đường tu hành, khi sự dụng công của ông đến được trình độ nào đó. Cảnh giới (ý sanh thân) trên chỉ là tạm thời. Ông sẽ không thường xuyên có được một sắc thân vượt qua mọi sự chướng ngại, không phải là sự biểu hiện chứng quả Thánh. Ông chưa phải đã đạt được quả vị Thánh. Cảnh giới của Thánh nhân chứng quả không phải giống như vậy.

Nếu không khởi tâm chứng Thánh thì đó là trạng thái tốt. Nghĩa là ông không nên nói: “Ồ tôi tu hành thật sự có công phu, tôi có thể xuất hồn ra khỏi thân từ đỉnh đầu (xuất huyền nhập hóa)”. Nếu ông tự mãn, ngạo mạn như vậy thì điều gì sẽ xảy ra? Ông kể như “xong” rồi. Tuy nhiên, nếu ông không xem cảnh giới này như một bằng chứng của sự chứng đạt quả Thánh, thì cảnh giới ấy không phải là sự chướng ngại to lớn và cũng chẳng có gì sai lầm nghiêm trọng. Nhưng một khi nghĩ mình đã chứng Thánh thì liền bị tà ma dẫn dụ. Nếu như ông nghĩ: “Công phu tu tập của mình hiện nay quá siêu tuyệt rồi, ta thật kỳ diệu, ta là Thánh nhân xuất thế, ta là A la hán”. Nếu ông nghĩ như thế, bọn ma sẽ xông vào ông ngay. Một khi ma đến rồi, thì tương lai ông sẽ rơi vào địa ngục.

Sông Xanh
05-07-2009, 04:49 PM
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

NĂM MƯƠI LOẠI ẤM MA

TUYÊN HÓA THƯỢNG NHÂN Giảng

Đọc SẮC ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_SacAm.htm

Đọc THỌ ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_ThoAm.htm

MƯỜI LOẠI CẢNH GIỚI SAI BIỆT CỦA SẮC ẤM

2 - NHẶT TRÙNG SÁN TRONG THÂN

KINH VĂN:

A Nan, nếu lại dùng tâm chuyên chú cứu xét ánh quang minh sáng suốt vi diệu trên, sẽ thấy ánh sáng rỗng suốt khắp thân. Bỗng nhiên có thể lượm ra những con trùng sán từ trong thân mình, mà thân thể vẫn nguyên vẹn, không bị tổn thương. Trạng thái này gọi là: “Tinh minh lan ra thân thể”. Đây chỉ là trạng thái nhất thời do tinh tấn công phu, chẳng phải là chứng Thánh. Nếu không nghĩ mình chứng Thánh thì đó là trạng thái tốt, còn nếu nghĩ mình chứng Thánh thì liền rơi vào tà ma.

Giảng:

Đây là ma cảnh thứ hai của Sắc ấm ma. Vì sao ma cảnh xuất hiện? Vì ông tu hành, tinh tấn tu tập mới có, nếu không tinh tấn dụng công thì tìm không ra những cảnh giới ma sự này. Ma chẳng thèm để ý tới ông. Vì ông là người nghèo thì chúng tới tìm ông cũng chẳng ích gì. Khi ông tu tới chỗ có bảo bối thì chúng mới tới: chúng muốn cướp đoạt bảo bối.

Vậy ông phải làm gì khi chúng đến? Ông cần phải như như bất động, liễu liễu thường minh (nghĩa là: tâm không khởi vọng niệm, nhưng quán sát rõ ràng mọi chuyện). Không nên sinh tâm chấp tướng. Không nên nghĩ: “Cảnh giới ấy quá tuyệt vời, ước gì nó lại hiện ra”. Đừng mong ngóng nó, cũng đừng ruồng rẫy xua đuổi nó. Mà nên giữ thái độ như không có chuyện gì xảy ra, bởi vì đây không phải là cảnh giới chứng quả. Nếu quý vị không có tư tưởng rằng mình chứng quả thì tốt lắm. Nếu quý vị cho rằng mình chứng quả rồi nói: “ A! Ta là người phi thường, ta có thể nhặt từng loài chúng sanh từ trong thân mình ra”. Nếu quý vị nghĩ rằng mình đã đạt được thần thông tự tại thì quý vị thực sự mê lầm. Chỉ với một niệm tự mãn ấy bọn ma liền len vào tâm quý vị và nó khống chế ông, nó khống chế ông cho đến khi ông mất hết định lực.

Do đó, người tu đạo phải chân chính hiểu thấu đáo đạo lý này thì mới không rớt xuống hố, rơi vào bẫy ma hay lạc vào đường tà. Khi không hiểu Phật Pháp, quý vị rất dễ lạc đường. Chẳng có công phu thì chẳng có vấn đề gì để nói. Một khi có công phu, có được chút ít định lực, thì ma vương mỗi giây mỗi phút đều canh cánh nhìn quý vị. Chúng chờ cơ hội có thể len vào quý vị, thì liền tới nhiễu loạn quý vị ngay.

A Nan, nếu lại dùng tâm chuyên chú cứu xét ánh quang minh vi diệu trên, sẽ thấy ánh sáng rỗng rang thông suốt khắp thân. Nếu ông siêng năng miệt mài trong việc tu tập, ông sẽ có thể thấy được mọi thứ bên trong thân mình. Nếu thường thường thấy được như thế thì có thể khả dĩ, nhưng nếu ông chỉ có thể thỉnh thoảng thấy được thì đó là trạng thái của sắc ấm.

Bỗng nhiên có thể lượm ra những con giun-sán từ trong thân mình, mà thân thể vẫn nguyên vẹn không bị tổn thương. Trong trạng thái này, bỗng nhiên ông có thể lượm giun-sán từ trong bụng mình ra, đủ loại dài ngắn, lớn, nhỏ. Ông chỉ cần thọc tay vào bụng là lôi chúng ra được. Những con giun-sán được lôi ra là thực không phải là hư giả, song bụng ông không bị tổn thương. Quý vị nói thử xem những con trùng-sán ấy được lấy ra như thế nào? Nếu quý vị thọc tay vào trong bụng để lấy được trùng sán ra thì đáng lẽ bụng sẽ bị tổn thương, nhưng bụng lại hoàn toàn không bị rách bể, thân thể vẫn nguyên vẹn. “Thân thể vẫn nguyên vẹn” có thể giải thích theo hai cách. Có thể nói là thân thể của những con giun-sán vẫn toàn vẹn chẳng bị tổn thương chút nào, vẫn còn sống, khoẻ mạnh. Cũng có thể nói là bụng ông vẫn toàn vẹn không bị tổn thương.

Cảnh giới này gọi là “tinh minh lan ra thân thể”. Một ánh sáng rất là trong suốt tràn ngập khắp thân thể của ông. Thực ra chẳng phải quý vị đưa tay vào trong bụng mình để nhăït giun-sán ra, mà tự nó từ trong thân quý vị trào ra. Đây chỉ là cảnh giới nhất thời do tinh tấn công phu, chẳng phải là chứng Thánh. Cảnh giới này là tạm thời không phải thường xuyên như vậy. Nếu là cảnh giới xảy ra thường xuyên thì tình huống khác hẳn. Đây không phải cảnh giới khi chứng quả Thánh. Nếu không nghĩ mình chứng quả Thánh thì gọi là cảnh giới tốt. Sẽ là tốt đẹp, không gây lên vấn đề gì nghiêm trọng. Còn nếu nghĩ mình đã chứng quả Thánh thì liền bị tà ma dẫn dụ. Nếu ông cho rằng: “Ta vừa chứng Thánh quả, ta có thể lấy những trùng sán này từ trong bụng ra. Các người thấy chẳng phải tuyệt diệu hay sao? Các người đâu được cảnh giới như thế!” Nếu ông mống tâm cống cao ngã mạn, một khi khởi tâm đắm trước vào cảnh giới liền sẽ bị ma vương dẫn dụ mà thành quyến thuộc của nó.

Sông Xanh
05-07-2009, 04:50 PM
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

NĂM MƯƠI LOẠI ẤM MA

TUYÊN HÓA THƯỢNG NHÂN Giảng

Đọc SẮC ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_SacAm.htm

Đọc THỌ ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_ThoAm.htm

MƯỜI LOẠI CẢNH GIỚI SAI BIỆT CỦA SẮC ẤM

3 - NGHE TIẾNG THUYẾT PHÁP GIỮA HƯ KHÔNG

KINH VĂN:

Lại nữa, nếu dùng tâm, quán xét tinh tường trong ngoài, khi ấy hồn, phách, ý, chí, tinh, thần sẽ giao tiếp nhau, thay phiên làm khách, làm chủ, nhưng không ảnh hưởng đến sắc thân. Rồi bỗng dưng nghe giữa hư không có tiếng thuyết pháp, hoặc nghe mười phương đều diễn bày nghĩa lý thâm mật. Cảnh giới này gọi là: “Tinh thần thay phiên nhau khi rời xa, khi kết hợp để cùng nhau gieo trồng những hạt giống tốt”. Nhưng đó cũng chỉ là trạng thái nhất thời chẳng phải là chứng Thánh. Nếu chẳng nghĩ mình đã chứng Thánh thì đó là cảnh giới tốt. Nếu nghĩ mình đã chứng Thánh thì rơi vào tà ma.

Giảng:

Lại nữa, nếu dùng tâm, quán xét tinh tường ánh quang minh sáng suốt nhiệm mầu trên, cứu xét trong ngoài, cầu đến chỗ tinh sâu. Hồn phách trải qua một sự thay đổi. Có ba hồn và bảy phách (vía) ở trong thân thể con người. Tôi đã đề cập đến mười anh em này trước rồi. Một số trong mười hồn vía ấy, chỉ có tai hoặc mắt, có trường hợp chỉ có mũi nhưng không có môi, mắt, tai. Mỗi trường hợp chỉ làm chủ một giác quan, thiếu năm giác quan kia, thế nên nó không có tác dụng riêng lẻ, độc lập. Nó phải hợp tác hỗ tương với nhau như một đội bóng. Những ai có tai sẽ giúp cho người không có tai, ai có mắt giúp cho người không có mắt. Nó hỗ trợ giúp đỡ cho nhau. Mười thứ hồn phách ấy cùng với ý, chí, tinh, thần sẽ giao tiếp nhau nhưng không ảnh hưởng đến sắc thân. Chúng thay phiên làm khách, làm chủ. Nó thay đổi vai trò hỗ tương giúp đỡ lẫn nhau, nó thay nhau đóng vai chủ và khách.

Rồi bỗng dưng nghe giữa hư không có tiếng thuyết pháp. Có người đang thuyết pháp giữa hư không. Ai vậy? Ông nghe được tiếng nhưng không thấy được hình, thực ra đó chỉ là ý, chí, tinh và thần của chính ông, nó thay phiên nhau đóng vai chủ và khách để giảng pháp. Hoặc nghe mười phương đều diễn bày nghĩa lý thâm mật. Ông có thể nghe tiếng giảng pháp từ giữa không trung. Sao vậy? Vì sự công phu tu tập của ông trong những đời trước ông từng nghe giảng rất nhiều kinh pháp, nên hồn, phách, ý, chí, tinh và thần của ông không không quên. Thế nên trong đời này, khi ông dụng công dồn ép đến cực điểm thì những kinh nghiệm trong quá khứ chợt trào ra. Trạng thái này gọi là: “Tinh thần thay phiên nhau khi rời xa, khi kết hợp để cùng nhau gieo trồng những hạt giống tốt”. Nó cùng hợp tác với nhau, cùng lập thành một dây, cùng nhau kết nhóm, cùng nhau tách rời ra. Chúng có thể giảng nói Phật Pháp khiến cho ông có thể hiểu được những điều mà trước nay ông chưa hiểu. Vậy nên ông mới có thể gieo trồng những chủng tử tốt cho đời sau. Đó chỉ là trạng thái nhất thời, không phải là thường xuyên, không phải là chứng Thánh. Đừng khởi ý tưởng cho rằng trạng thái này rấy vi diệu, rồi nói: “Hãy xem ta đây, ta chẳng cần đến nơi Pháp hội, ta có thể nghe giảng pháp ở trong không trung bất kỳ khi nào ta muốn”. Ông có thể được nghe giảng pháp nhưng cũng không có nghĩa là ông đã chứng Thánh. Nếu chẳng nghĩ mình đã chứng Thánh. Nếu ông không trở nên tự mãn, không tự cho rằng mình là kẻ phi thường, nếu không muốn dối gạt mọi người thì đó là trạng thái tốt. Giả sử như ông nói:

- Ồ tôi có thể nghe pháp ngay cả khi chẳng ai giảng nói cả. Anh có được điều ấy không?
- Không!
- Thế mà chuyện ấy lại đến với tôi.

Nếu ông quảng cáo (khoe khoang ) để mong có người tin ông, thì điều gì sẽ xảy ra? Nếu ông nghĩ rằng mình đã chứng Thánh thì liền rơi vào tà ma. Một khi ông mống tâm cống cao, tự mãn cho mình là ghê gớm liền bị bọn ma nhập vào. Chúng nhập vào ông để làm gì? Để làm ông đọa lạc, để làm ông trở thành quyến thuộc của chúng.

Sông Xanh
05-08-2009, 03:10 AM
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

NĂM MƯƠI LOẠI ẤM MA

TUYÊN HÓA THƯỢNG NHÂN Giảng

Đọc SẮC ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_SacAm.htm

Đọc THỌ ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_ThoAm.htm

MƯỜI LOẠI CẢNH GIỚI SAI BIỆT CỦA SẮC ẤM

4 - PHẬT HIỆN THÂN

KINH VĂN:

Lại nữa khi tâm lặng yên, tỏ lộ, sáng suốt, thấu triệt, ánh sáng từ tâm chiếu khắp cả mười phương thành sắc Diêm Phù Đàn. Tất cả loài hữu tình đều hoá thành Như Lai. Lúc ấy, bỗng thấy Đức Phật Tỳ Lô Giá Na ngồi trên đài Thiên Quang, có ngàn Đức Phật vây quanh, trăm ức cõi nước cùng với hoa sen đồng thời hiện ra. Cảnh giới này gọi là: “Tâm và hồn tiêm nhiễm sự linh ngộ” Khi tập trung tham cứu đến tận nguồn tâm thì ánh sáng từ trong tâm chiếu khắp cõi nước. Đây chỉ là trạng thái tạm thời, không phải là chứng Thánh, nếu không nghĩ mình chứng Thánh gọi là cảnh giới tốt, nếu tự cho mình là Thánh thì liền rơi vào tà ma.

Giảng:

Lại nữa khi tâm lặng yên thanh tịnh, tỏ lộ, sáng suốt tột bậc. Ánh sáng từ trong tâm chiếu khắp cả mười phương thành sắc Diêm Phù Đàn. Ánh sáng rực rỡ tỏa chiếu từ trong tâm, khắp mười phương cõi nước đều phủ mầu Diêm Phù Đàn. Tất cả loài hữu tình (thai sanh, thấp sanh, hoá sanh, noãn sanh ) và tất cả các loài chúng sanh khác đều hoá thành Như Lai.

Lúc ấy, bỗng thấy Đức Phật Tỳ Lô Giá Na. Tỳ Lô Giá Na (Vairochana) nghia là “suốt khắp mọi nơi” là danh hiệu của Đức Phật. Ngài không hiện hữu riêng ở một nơi nào, vậy nên chẳng nơi nào mà Ngài không hiện hữu, thân thể của Ngài trùm khắp mọi nơi. Người này bỗng nhiên thấy được đức Phật Tỳ Lô Giá Na, vị Phật có thân trùm khắp mọi nơi. Ngồi trên đài làm bằng ánh sáng của cõi trời (Thiên Quang) hiển bày thân cao ngàn trượng. Đức Phật Tỳ Lô Giá Na được ngàn Đức Phật vây quanh cùng với trăm ức cõi nước cùng với hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng đồng thời hiện ra. Cảnh giới này gọi là: “Tâm và hồn tiêm nhiễm sự linh ngộ” Ông đừng cho rằng cảnh giới này là thật. Tâm và hồn phách ông bị ảnh hưởng, nhiễm bởi một dạng linh cảm của giác ngộ. Do vậy nó không thật. Khi tập trung tham cứu đến tận nguồn tâm thì ánh sáng từ trong tâm chiếu khắp các cõi nước. Khi tâm ông được sáng suốt sẽ chiếu khắp cả mọi thế giới. Đây chỉ là trạng thái tạm thời, không phải là chứng Thánh. Những gì đang diễn ra không phải là lâu dài vĩnh viễn. Ông chẳng phải là đã chứng Thánh quả. Nếu không nghĩ mình chứng Thánh thì gọi là cảnh giới tốt. Còn nếu tự cho mình chứng Thánh thì liền rơi vào tà ma. Nếu ông nói: “Thật tuyệt diệu! Ta vừa thấy Đức Phật Tỳ Lô Giá Na. Ông có thấy chăng? Công phu của ông chẳng sâu bằng tôi, tôi thật là đã đạt được điều ấy”. Một khi ông khởi lên niệm như vậy thì ma vương liền đến lôi kéo ông vào địa ngục.

Sông Xanh
05-08-2009, 03:22 AM
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

NĂM MƯƠI LOẠI ẤM MA

TUYÊN HÓA THƯỢNG NHÂN Giảng

Đọc SẮC ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_SacAm.htm

Đọc THỌ ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_ThoAm.htm

MƯỜI LOẠI CẢNH GIỚI SAI BIỆT CỦA SẮC ẤM

5 - HƯ KHÔNG BIẾN THÀNH MÀU SẮC BẢY BÁU

KINH VĂN:

Lại nữa, khi người ấy dùng tâm cứu xét một cách tinh ròng ánh sáng nhiệm mầu ấy, quán sát không dừng, đè nén, hàng phục tâm mình, ngăn không cho nó kích động đến chỗ thái quá. Bỗng dưng hư không mười phương biến thành mầu sắc của bảy loại châu báu hoặc mầu sắc của trăm loại châu báu, đồng thời cùng khắp, không ngăn ngại nhau. Những mầu xanh, vàng, đỏ, trắng hiện ra rõ ràng. Cảnh giới này gọi là “ Sức công phu hàng phục vọng tâm quá phần”. Đó là trạng thái tạm thời không phải là chứng Thánh. Nếu không khởi tâm cho rằng mình chứng Thánh, đó gọi là cảnh giới tốt. Còn nếu nghĩ rằng mình là bậc Thánh, liền rơi vào tà ma.

Giảng:

Lại nữa, khi người ấy dùng tâm cứu xét một cách tinh ròng ánh sáng suốt nhiệm mầu ấy, quán xét không dừng, đè nén hàng phục tâm mình, không cho nó kích động thái quá. Ông cố gắng chế ngự, ngăn dứt tâm mình, ép giữ không cho nó kích động, mạnh mẽ quá đà.

Bỗng dưng hư không trong mười phương biến thành mầu sắc của bảy loại báu, hoặc mầu sắc của trăm loại châu báu, đồng thời cùng khắp, đầy khắp không gian mà không ngăn ngại lẫn nhau. Chúng không hề chướng ngại nhau.

Những loại mầu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng đều hiện ra rõ ràng. Mỗi thứ đều phô bày mầu sắc riêng biệt của nó. Cảnh giới này gọi là: “Sức hàng phục vọng tâm quá phần”. Ông dụng công tu hành chế ngự vọng tâm, không để cho vọng tưởng xen vào, không để cho nó dấy khởi những tạp niệm. Sau khi sự kiềm chế ấy xảy ra một thời gian dài, nó trở nên căng thẳng quá mức. Đó là ông đã vượt quá mức độ bình thường lẽ ra nên có.

Đó là trạng thái tạm thời không phải là chứng Thánh. Ông chỉ tạm thời thấy được sắc mầu bảy báu trong không trung thôi. Vậy nên trạng thái này không có nghĩa là ông đã chứng được Thánh quả.

Nếu không khởi tâm cho mình đã chứng Thánh, đó là trạng thái tốt. Sẽ là hoàn toàn tốt đẹp, không phải là tình trạng xấu. Còn nếu nghĩ rằng mình là bậc Thánh, liền rơi vào tà kiến. Liền bị lũ tà ma vây khốn, ông tức sẽ đọa lạc.

Sông Xanh
05-08-2009, 05:31 PM
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

NĂM MƯƠI LOẠI ẤM MA

TUYÊN HÓA THƯỢNG NHÂN Giảng

Đọc SẮC ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_SacAm.htm

Đọc THỌ ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_ThoAm.htm

MƯỜI LOẠI CẢNH GIỚI SAI BIỆT CỦA SẮC ẤM

6 - THẤY VẬT TRONG PHÒNG TỐI

KINH VĂN:

Lại nữa, khi người ấy dùng tâm tham cứu đến chỗ lặng suốt, cho đến khi ánh sáng tinh thuần không còn tán loạn. Bỗng nhiên giữa đêm có thể thấy các thứ vật hiện ra trong phòng tối, không khác gì ban ngày, trong khi các thứ ở trong phòng tối cũng không biến mất. Cảnh giới đó gọi là: “Tinh luyện tâm vi tế đến chỗ cực điểm và cái thấy vô cùng trong lặng, nên thấy được trong bóng tối”. Đó là cảnh giới nhất thời, không phải chứng Thánh. Nếu không khởi tâm chứng Thánh quả, đó là cảnh giới tốt, nếu nghĩ là chứng Thánh, liền rơi vào tà ma.

Giảng:

Lại nữa, khi có người dùng tâm tham cứu đến chỗ lặng suốt, cho đến khi ánh sáng tinh thuần không còn tán loạn. Lại nữa, khi người ấy dùng tâm trong định quán sát cảnh giới, cho đến khi linh quang từ tâm sáng suốt trở nên rất lắng đọng, không tán loạn nữa, ông ta đạt được một loại định lực. Bỗng nhiên giữa đêm có thể thấy các thứ vật hiện ra trong phòng tối, trong ngôi nhà không có ánh sáng vào ban đêm, không khác gì ban ngày, trong khi các vật ở trong phòng tối cũng không biến mất. Không những ông ta có thể thấy các vật ở trong nhà mà còn có thể thấy được các vật ở bên ngoài ngôi nhà. Không những ông chỉ thấy được đồ vật đã có sẵn trong nhà, mà ông sẽ thấy được rất rõ ràng những vật từ bên ngoài đến hiện ra trong nhà.

Cảnh giới này gọi là: “tinh luyện tâm vi tế đến chỗ cực điểm và cái thấy vô cùng trong lặng, nên thấy được trong bóng tối.” Tâm ông được tinh lọc đến chỗ cực điểm và cái thấy của ông được thanh tịnh đến mức tột cùng. Với cái nhìn trong suốt ấy, ông có thể nhìn được mọi vật ngay trong bóng tối. Nhưng đó chỉ là trạng thái tạm thời, không phải là chứng Thánh. Ông chớ cho là chứng Thánh quả bởi vì đó không phải là chứng Thánh quả. Nếu không khởi tâm chứng Thánh gọi là cảnh giới lành. Nếu nghĩ mình chứng Thánh liền mắc vào tà ma. Nếu ông khởi tâm tự cao tự mãn, nghĩ rằng mìng đã đạt được công phu ghê gớm trong khi tu hành, thì ông sẽ tự rước lấy ma chướng vào mình.

Một số người tu, khi thanh tịnh đến tột điểm, thì bỗng dưng có thể thấy hết mọi vật. Thế nào có thể thấy hết mọi vật? Bởi vì vị đó đã mở Phật nhãn. Tuy nhiên, không phải ai ai cũng có thể mở Phật nhãn, cũng không phải một khi mở rồi thì vĩnh viễn mở hoài. Cảnh giới mà vị hành giả cảm nghiệm diễn tả trong đoạn kinh nầy, chỉ là cảnh giới Phật nhãn khai mở tạm thời, cho nên khiến cho ông ta có thể ở trong phòng tối mà thấy được mọi vật như là đang ở chỗ sáng vậy. Tôi cũng mới nói là, ông ta không những thấy hết những vật hiện có trong phòng, mà những gì từ bên ngoài đến ông ta cũng thấy rõ ràng. Vậy thì từ bên ngoài đến là những gì? Quý vị có thể thấy thần, hoặc quỷ, hoặc Bồ tát, hoặc Phật từ ngoài vào. Cảnh giới nầy không nhất định là quý vị sẽ gặp phải!

Các cảnh giới diễn tả trên không phải cố định, cũng không phải mọi người nhất định đều phải trãi qua, cũng không phải mọi người nhất định không trãi qua. Đây chẳng qua là cảnh giới mà có lúc người tu gặp phải. Do vậy quý vị chớ nghĩ rằng người tu đều gặp cảnh giới giống nhau. Không phải vậy đâu!

Nói tới Phật nhãn thì có người khai mở Phật nhãn rồi vĩnh viễn mở khai nó. Đó gọi là “báo đắc thông” (thần thông do quả báo mà ra). Thế nào là báo đắc thông? Như kiếp trước quý vị tu hành dụng công, tu trì Pháp Thiên Thủ Thiên Nhãn nên cảm ứng đời kiếp kiếp đều khai mở đặng Phật nhãn. Có người khai nhãn nhưng chỉ tạm thời, không vĩnh viễn. Vì sao không vĩnh viễn? Vì tâm của y không phải mỗi giây mỗi phút lúc nào cũng thanh tịnh. Nếu quý vị đời trước có tu Đại Bi Pháp thì có thể khai nhãn vĩnh viễn. Do đó việc khai nhãn có khác biệt, không đồng.

Sông Xanh
05-08-2009, 05:58 PM
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

NĂM MƯƠI LOẠI ẤM MA

TUYÊN HÓA THƯỢNG NHÂN Giảng

Đọc SẮC ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_SacAm.htm

Đọc THỌ ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_ThoAm.htm

MƯỜI LOẠI CẢNH GIỚI SAI BIỆT CỦA SẮC ẤM

7 - THÂN KHÔNG CÒN CẢM GIÁC, ĐỒNG NHƯ CÂY CỎ

KINH VĂN:

Lại nữa, khi người ấy tâm hoàn toàn nhập vào tánh hư dung (emptiness), tứ chi bỗng nhiên đồng như cỏ cây, lửa thiêu dao cắt cũng không hay biết. Lửa thiêu cũng không nóng, dù bị lóc thịt cũng giống như chẻ cây. Cảnh giới này gọi là: “Trần cảnh và tứ đại hòa lẫn thành một thể đồng nhất”. Đó là cảnh giới tạm thời, không phải là chứng Thánh. Nếu không nghĩ mình chứng Thánh gọi là cảnh giới tốt. Nếu nghĩ là chứng Thánh liền rơi vào tà ma.

Giảng:

Lại nữa, khi tâm hoàn toàn nhập vào tánh hư dung. Khi tâm hòa nhập vào “không”, nó tròn khắp nhưng hư dung. Nói nó có, cũng không phải là có, nói nó không có, nó cũng không phải là không có. Tứ chi bỗng nhiên đồng như cỏ cây, lửa thiêu dao cắt cũng không hay biết. Nếu ông lấy dao cắt hay lấy lửa đốt tay chân mình, sẽ không có một chút cảm giác nóng hay khó chịu nào cả. Lửa thiêu cũng không nóng. Khi ông có đốt thân, thân vẫn không thấy nóng. Dù bị lóc thịt cũng giống như chẻ cây. Nếu ông lóc thịt ra khỏi tay chân, thì cũng chỉ như bóc vỏ cây, chẳng thấy đau đớn gì cả.

Cảnh giới này gọi là: “Trần cảnh và tứ đại hòa lẫn thành một thể đồng nhất”. Các trần tướng cùng hợp lại, và tánh đất, nước, gió, lửa hợp lại thành một thể. Tuy vậy, đó chỉ là cảnh giới tạm thời, một kinh nghiệm chợt có, không phải là cảnh giới vĩnh viễn, không phải là chứng Thánh. Đừng nghĩ rằng ông đã chứng được quả vị Thánh.

Nếu không nghĩ mình chứng Thánh gọi là cảnh giới tốt. Nếu nghĩ là mình chứng Thánh, trở nên tự mãn, đại ngã mạn, sanh tâm kiêu ngạo liền rơi vào tà ma, sẽ bị bọn tà ma tấn công và vây chặc.

Sông Xanh
05-08-2009, 06:32 PM
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

NĂM MƯƠI LOẠI ẤM MA

TUYÊN HÓA THƯỢNG NHÂN Giảng

Đọc SẮC ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_SacAm.htm

Đọc THỌ ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_ThoAm.htm

MƯỜI LOẠI CẢNH GIỚI SAI BIỆT CỦA SẮC ẤM

8 - THẤY MỌI NƠI KHÔNG NGĂN NGẠI

KINH VĂN:

Lại nữa, khi người ấy tâm thành tựu tánh thanh tịnh, công phu tịnh tâm đã đến mức cùng tột. Bỗng dưng thấy núi, sông, đất liền khắp mười phương đều thành cõi Phật, có đầy đủ bảy loại báu, ánh sáng chiếu khắp mọi nơi. Lại thấy hằng hà sa chư Phật, Như Lai khắp cõi hư không, cùng thấy lâu đài tráng lệ. Dưới thấy địa ngục, trên xem thấy thiên cung mà không ngăn ngại. Cảnh giới này gọi là: “Tư tưởng ưa chán ngưng đọng ngày một sâu, tưởng lâu mà thành.” Đó không phải là chứng Thánh quả. Không khởi tâm chứng Thánh gọi là cảnh giới tốt, nếu nghĩ mình chứng Thánh tức thì mắc vào tà ma.

Giảng:

Lại nữa, khi tâm thành tựu tính thanh tịnh, công phu tịnh tâm đến mức cùng tột. Chuyên chú tâm mình vào công phu tu đạo, thực hành pháp tu tam-muội (chánh định) đạt được trạng thái cực kỳ thanh tịnh. Lúc đó bỗng dưng thấy được núi, sông, đất liền khắp mười phương đều thành cõi Phật, có đầy đủ bảy loại châu báu ánh sáng chiếu khắp mọi nơi. Mỗi cung điện đều được trang hoàng bằng bảy loại châu báu: Vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, xích châu, mã não, san hô. Các loại châu báu này phát ra ánh sáng chiếu khắp mười phương. Lại thấy hằng hà sa chư Phật, Như Lai khắp cõi hư không, cùng thấy các lâu đài hoa lệ. Dưới thấy địa ngục. Nhìn xuống dưới thấy được toàn cõi địa ngục. Nhìn lên phía trên có thể xem thấy được những gì xảy ra trên thiên cung mà không ngăn ngại. Bất kỳ nơi nào cũng đều thấy được hết.

Cảnh giới này gọi là: “Tư tưởng ưa chán ngưng đọng ngày một sâu, tưởng lâu mà thành” như vậy. Tại sao ông lại có thể thấy được những cảnh này? Là vì ông thường có tâm yêu và ghét. Ông muốn lên cõi trời và cõi Phật và ghét việc xuống địa ngục.

Ông ngưng lắng những tư tưởng yêu ghét này, chuyên chú như gà mái ấp trứng, như mèo rình chuột, như rồng nuôi ngọc vậy. Chẳng nghĩ đến chuyện gì khác, mà chỉ nghĩ về những cảnh giới tốt đẹp ở cõi Phật và cảnh khổ biết bao nơi địa ngục. Tâm ưa thích những nơi chốn an vui Thánh thiện và ghét nơi đau khổ bất hạnh. Cuối cùng tư tưởng trở nên chuyên nhất, trở thành nhất phiến; và ngày càng lắng đọng, nghĩ tưởng lâu ngày mà hóa thành cảnh giới trên.

Đó không phải là chứng Thánh. Không nên nghĩ rằng mình đã chứng được quả vị Thánh hay có công phu ghê gớm. Nếu không khởi tâm chứng Thánh, gọi là cảnh giới tốt. Thế thì không phải là xấu. Nếu nghĩ là chứng Thánh, và nói: “Cảnh giới này thật tuyệt. Ta đang ở cùng một nơi với chư Phật. Thực vậy, chính ta là Phật.” Liền mắc vào tà ma. Nếu nghĩ như vậy thiên ma và ngoại đạo liền đến lôi kéo ông làm bạn đồng hành với ông. Chúng nói: “Ông nói ông đang ở nơi chư Phật phải không? Tốt lắm, chúng ta cùng kết bạn và chúng tôi sẽ theo thân cận với ông”.

Sông Xanh
05-09-2009, 09:39 AM
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

NĂM MƯƠI LOẠI ẤM MA

TUYÊN HÓA THƯỢNG NHÂN Giảng

Đọc SẮC ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_SacAm.htm

Đọc THỌ ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_ThoAm.htm

MƯỜI LOẠI CẢNH GIỚI SAI BIỆT CỦA SẮC ẤM

9 - THẤY VÀ NGHE CẢNH VẬT Ở PHƯƠNG XA

KINH VĂN

Lại nữa, khi người ấy dụng tâm nghiên cứu sâu xa, thoạt giữa đêm khuya thấy được những cảnh ở phương xa, thấy rõ phố chợ, giếng nước công cộng, đường phố, ngõ hẻm, bà con thân quyến, hoặc nghe lời họ nói chuyện với nhau. Cảnh giới này gọi là: “Do dồn ép tâm cùng tột, nên tâm phóng vọt ra và thấy nhiều thứ ở xa và cách ngại như vậy”. Đó không phải là chứng Thánh. Nếu không nghĩ là chứng Thánh, thì đó là cảnh giới tốt. Còn nếu tự xem mình là Thánh, liền lạc vào tà ma.

Giảng:

Lại nữa, khi dụng tâm nghiên cứu sâu xa, bỗng nhiên có thể thấy được những hiện tượng cảnh huống khác nhau ở những nơi chốn xa xôi vào lúc giữa đêm khuya. Có thể thấy được phố chợ, nơi hàng hóa được bán đầy trên phố. Giếng nước công cộng, nơi mọi người lấy nước dùng. Đường phố lớn, ngõ hẻm nhỏ. Có thể thấy được luôn cả những bà con, quyến thuộc họ hàng thân tộc, cùng nghe được những lời họ nói chuyện với nhau. Nghe được lời họ bàn bạc, nói chuyện với nhau.

Cảnh giới này gọi là: “Do dồn ép tâm cùng tột, nên tâm phóng vọt ra và thấy được nhiều thứ ở xa và cách ngại như vậy”. Trong việc tu tập của ông, ông đã ép chế tâm, không cho vọng tưởng. Lúc thúc ép tâm mình đến cực điểm thì ông có cảnh giới tâm mình được bay vọt ra mà thấy hết mọi vật bất kể là bao xa. Bình thường ông cố gắng không nhìn xem ngoại cảnh này. Nhưng a ha! Bây giờ hốt nhiên tâm ông vỡ ra, cái gì cũng thấy cả. Đó không phải là chứng Thánh. Đừng nghĩ rằng đây là cảnh giới tốt. Nếu không nghĩ mình đã chứng Thánh thì đó là cảnh giới tốt. Còn nếu tự xem mình là Thánh, liền lạc vào tà kiến. Nếu ông tuyên bố rằng mình đã chứng được Thánh quả, trong khi ông chẳng hề chứng được, hoặc ông tuyên bố rằng ông đã đắc đạo, trong khi ông chưa đắc đạo, thì liền quần ma vây khốn.

Sông Xanh
06-16-2009, 09:20 AM
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

NĂM MƯƠI LOẠI ẤM MA

TUYÊN HÓA THƯỢNG NHÂN Giảng

Đọc SẮC ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_SacAm.htm

Đọc THỌ ẤM @: http://www.dharmasite.net/KinhLangNghiem_NamMuoiAmMa_ThoAm.htm

MƯỜI LOẠI CẢNH GIỚI SAI BIỆT CỦA SẮC ẤM

10- VỌNG KIẾN VỌNG THUYẾT
(Thấy Cảnh Giới Huyển Giả, Thuyết Pháp Tà Vọng)

KINH VĂN

Lại nữa, khi người ấy dụng tâm nghiên cứu cùng tột, thấy vị Thiện tri thức hình thể biến đổi. Chỉ trong chốc lát biến đổi thành nhiều loại khác nhau mà không thể giải thích được. Cảnh giới này gọi là: “Tà tâm bị loài ly mỵ hay bị thiên ma nhập vào vô cớ thuyết pháp, thông suốt diệu lý”. Đó không phải là chứng Thánh. Nếu không nghĩ mình đã chứng Thánh thì các ma sự liền tiêu hết. Còn nếu nghĩ mình đã chứng Thánh liền mắc vào lũ ma.

GIẢNG:

Đây là trạng thái ma thứ mười của sắc ấm, gọi là vọng kiến và vọng thuyết.

Lại nữa khi người ấy dụng tâm nghiên cứu cùng tột, thấy hình thể của Thiện tri thức. Người mà ông đã theo học giáo pháp trong quá khứ biến đổi ngay trước mặt ông. Vị Thiện tri thức ấy chợt biến thành một ông lão, lát sau vị ấy biến thành một người trung niên, lát sau vị ấy biến thành một người thiếu niên. Đó là nếu Thiện tri thức vốn là người nam lại biến thành người nữ. ông sẽ nghĩ rằng: “Ồ người Thiện tri thức của ta đời trước là một người phụ nữ”. Thực ra, những gì ông thấy được đều không có thực. Những sự biến đổi này là kết quả của vọng tưởng của ông. Chỉ trong chốc lát, nhiều sự biến chuyển xảy ra mà không giải thích được. Mọi việc biến đổi và trở nên khác với bình thường. Điều này tương tự với những gì mà người sử dụng ma túy (LSD) đã trải qua. Đối với họ mọi vật trở nên có mầu sắc sáng chói, họ không thể nhìn rõ các vật thể ấy. Họ vẽ lên nhưng bức tranh kỳ quái không ai hiểu nổi, vì họ chỉ làm văng tung tóe bừa bãi các mầu sắc trên khung vải. Sau khi họ vẽ xong có người nói “ Ồ thật là một danh họa!”

Có người thắc mắc: “Nhưng đây có phải là trường hợp của người tu đạo đã dùng ma túy không?”

Không. Cảnh giới trên gây nên do ma vương. Cảm giác “khác thường” của ông khi dùng LSD cũng là do ma vương gây nên. Nó làm cho mọi cảm giác trong ông biến đổi.

Cảnh giới biến đổi của sắc ấm, có khi tốt có khi xấu. Nếu người tu có đầy đủ thiện căn, thì sự biến đổi sẽ hướng chiều tốt đẹp. Nếu người tu không đủ thiện căn, sẽ hướng sang chiều không tốt. Cho nên có trùng trùng biến đổi.

Cảnh giới này gọi là: “Tà tâm bất chính bị loài ly mỵ hoặc thiên ma nhập vào, vô cớ giảng pháp thông suốt diệu lý.” Tâm tà không chánh. Khi loài ly mỵ hoặc thiên ma nhập vào tâm ông, ông sẽ giống như những người tự xưng là biết nói Pháp, tự xưng là biết giảng Kinh, tự xưng là đã khai ngộ, tự xưng là bậc trưởng lão. Những người này không duyên cớ gì lại “biết” thuyết pháp, và tự chính họ cũng không biết mình nói điều gì nữa. Họ nói rằng họ đã thông đạt diệu nghĩa (của Phật Pháp) nhưng thật ra không phải là diệu nghĩa hay thông đạt gì hết. Họ cho rằng thuyết pháp nhưng thật sự không phải là thuyết pháp. Họ đã lấy điều sai, cho là đúng rồi tuyên bố rằng “Pháp” của họ là vi diệu. Họ tự khen mình và hủy báng người, tự xưng mình là đệ nhất, là trưởng lão.

Đó không phải là chứng Thánh. Cảnh giới đó là một cảnh giới không tốt. Nếu không nghĩ mình chứng Thánh các ma sự liền tiêu tan. Bọn quân ma sẽ tự biến mất. Còn nếu nghĩ mình đã chứng Thánh liền mắc vào lũ ma. Nếu cho mình mình đã chứng Thánh quả, thì rất chóng ông sẽ đến địa ngục. Thì ông sẽ tự thấy chính mình đã chứng được địa ngục quả.

KINH VĂN:

A Nan, mười thứ cảnh hiện ra trong thiền định như thế, là do sắc ấm và tâm dụng công giao xen nhau mà có.

GIẢNG:

A Nan, mười thứ cảnh giới mô tả ở trên hiện ra khi thiền định, hay tĩnh lự. Do sắc ấm và tâm dụng công giao xen nhau mà có. Những cảnh giới trên thuộc về sắc ấm, khi dụng công thiền tập đến cực điểm, người tu có lúc gặp phải những cảnh giới hay trạng huống trên.

KINH VĂN:

Chúng sanh ngu mê, không biết suy xét tự lượng. Gặp nhân duyên này, mê không tự biết, nói là chứng Thánh, thành tội đại vọng ngữ, phải đọa vào địa ngục Vô Gián.

GIẢNG:

Chúng sanh ngu mê không suy xét tự lượng. Chúng sanh ngoan cố khó chuyển hóa, ngu mê khó thức tỉnh. Họ không tự duyệt xét lại mình, xem xét lại trình độ tu học của mình ở mức độ nào. Gặp nhân duyên này các cảnh giới ma sự, mê muội không tự biết, nói là chứng Thánh. Chúng tuyên bố: “Ồ! Ta là Phật, ta đã giác ngộ, ta đã chứng Thánh quả.” Ông nói như vậy tức là đại vọng ngữ. Nói đại vọng ngữ, cho mình là Phật, thì nhất định sẽ đọa vào địa ngục Vô Gián.

KINH VĂN:

Trong đời Mạt Pháp, sau khi Như Lai nhập diệt, các ông nên nương theo và truyền bá giáo pháp này. Đừng để cho thiên ma được dịp khuấy phá; ủng hộ bảo toàn Pháp bảo, khiến cho thành tựu được đạo quả Vô Thượng.

GIẢNG:

Trong thời Mạt Pháp, sau khi Như Lai nhập diệt, các ông nên nương theo và truyền bá giáo pháp này. A Nan ông nên hết lòng nương theo và thực hành giáo pháp mà ta đã giảng dạy cho các ông. Trong đời Mạt pháp, sau khi ta diệt độ, các ông phải truyền bá giáo pháp này. Đừng để cho thiên ma hoành hành; ủng hộ bảo toàn Pháp bảo, khiến cho đắc thành đạo quả Vô Thượng. Phải nên duy trì và bảo hộ Chánh Pháp, mới đắc thành được đạo quả Vô Thượng.