PDA

View Full Version : B - Bà là ai?



Dan Lee
05-06-2009, 09:56 PM
BÀ LÀ AI ?

Tối hôm nay, tôi lại bị chiếu bí, mà người chiếu bí lại chính là đứa cháu nội của tôi mới 6 tuổi. Chuyện là thế này : Ba thế hệ trong gia đình tôi (tôi + mấy đứa con và vài cháu nhỏ) thường quây quần nhau mỗi khi đọc kinh tối. Vì trong giờ kinh có đọc kinh “Nữ Vương Gia đình”, nên sau giờ kinh, cháu nội tôi chất vấn : “Ông nội ơi ! Sao trong kinh ‘Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ chúng con biết cậy trông ai, đời chúng con gian nan khổ sở lắm, gia đình chúng con long đong tối ngày. Nhưng có Mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đầy…’, con thấy ông nội gọi Đức Mẹ là Mẹ, ba mẹ và các cô chú cũng gọi là Mẹ và bắt cả con cũng gọi là Mẹ ?” Cháu hướng sang bàn thờ gia tiên, chỉ vào hình thân mẫu của tôi, và chất vấn tiếp : “Trong khi đối với bà cố nội thì chỉ ông nội được gọi là mẹ, còn ba mẹ con và các cô chú phải gọi là bà, mà con lại phải gọi là cụ ? Vậy là sao hả ông nội ?”

Cháu nội tôi đang ở trong lứa tuổi tò mò, thắc mắc, nhiều khi cháu đặt những câu hỏi thật khó trả lời, mà hôm nay là một ví dụ. Đã có lần cháu hỏi khi nhà bị cúp điện : “Nội ơi ! Sao đèn không sáng ? – Bị cúp điện, con à. – Sao lại bị cúp điện hả ông nội ? – Thì dòng điện trong dây dẫn đến nhà mình bị nhà máy điện cắt. – Tại sao lại cắt ? Ai cắt ? Cắt để làm gì ? –Ông nhà đèn cắt để tiết kiệm điện đó, con ạ – Tiết kiệm là gì ? Tại sao lại cắt để tiết kiệm ? Cắt sao con không thấy đứt dây ? v.v… và v.v…” ; nhiều khi ba nẹ cháu phải gắt lên : “Con có thôi, để ông nội nghỉ không nào ?”, cháu mới chịu im.

Muốn giải thích cho cháu hiểu thật không dễ chút nào và còn cần phải có thật nhiều thời gian để phân tích cho cháu hiểu từ Mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa trong Cựu Ước đến Mầu nhiệm Truyền Tin, Mầu nhiệm Giáng Sinh, Mầu nhiệm phó thác dưới chân thập tự trong Hy tế Cứu Độ trên đồi Canvê. Vì thế, thường thì tôi chỉ giải thích qua loa và kết thúc bằng một câu chốt : “Chịu khó học, lớn lên con sẽ hiểu rõ hơn”. Tôi biết chắc là cháu chưa hài lòng với cách trả lời của ông nội, còn muốn hỏi nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, chính nhờ những thắc mắc đó, mà tôi lại có dịp được ôn lại những kiến thức thâu thập được từ trong Giáo Hội ra ngoài xã hội, mà theo tuổi đời chồng chất nó cứ bị phai lạt dần. Vâng, cũng nhờ bị cháu nội chiếu bí mà tôi có được bài viết này : Tại sao 3 thế hệ trong gia đình tôi đều gọi Đức Maria là Mẹ ? Rộng ra hơn nữa, từ 2000 năm qua, muôn thế hệ trên trần gian này đều gọi Người là Mẹ ? Vậy Mẹ là người thế nào ? Để lần trang ký ức, tôi lẩm bẩm hát : “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời, oai hùng như đạo binh xếp hàng vào trận – Bà là ai ? …”. Vâng, Bà là ai ?

Viết về Mẹ quả là rất dễ, mà cũng lại rất khó. Tại sao vậy ? Rất dễ vì có rất nhiều tài liệu, chứng liệu từ trong Kinh Thánh, trong Giáo Hội ra ngoài xã hội minh họa về Mẹ. Không chỉ Kitô Giáo, mà cả xã hội đều đã công nhận, tôn vinh Mẹ là một bậc nữ lưu phi thường xuất hiện cách đây 2000 năm, để lại dấu ấn vĩ đại mà thời gian không làm phai mờ được. Rất dễ vì có rất nhiều người từ thượng lưu trí thức đến bình dân, từ tôn giáo đến không tôn giáo, đã viết về Mẹ. Có thể nói, mỗi Kitô hữu, nếu có khả năng viết, thì cũng có ít nhất là hơn một lần, một cơ hội, cơ duyên để viết về Mẹ, dù cho đó chỉ là một bài thơ, một bài ca ngắn, một đôi dòng cảm xúc, tâm sự, một trang nhật ký hoặc một truyện (ngắn, dài, vừa) về Mẹ. Nhưng cũng vì những lý do “rất dễ” ấy, nên viết về Mẹ lại cũng rất khó. Khó vì khó tránh khỏi được sự trùng lắp, lặp đi lặp lại, hoặc khó vì tính giáo điều, khô khan, gò bó, để rồi lại được nghe đến rát cả tai “biết rồi…, khổ lắm…, nói mãi…v.v.. và v.v…” Vì thế cho nên đã rất nhiều lần tôi định viết về Mẹ, nhưng cũng chỉ được vài bài và tất nhiên, chưa hài lòng lắm ; còn phần lớn cứ hết “định” lại đến “toan” năm lần bảy lượt, mà cứ “Ấp úng không ra được nửa lời” (Hàn Mặc Tử). Đến lần này thì đánh liều viết để mong rằng sau này cháu được đọc lại tâm sự của người ông đã rất nhiều lần nhắc “Chịu khó học, lớn lên con sẽ hiểu” ; hoặc ít ra thì cũng thỏa mãn được nỗi đam mê viết – nhất lại được viết về người Mẹ từ cổ chí kim chỉ có duy nhất một mình Người. Tuy nhiên, cũng chỉ xin giới hạn trong phạm vi thắc mắc của cháu nội tôi thôi, không dám đi xa và sâu hơn.

Trước đây, thời còn trẻ, chúng tôi được học Giáo lý bằng “Kinh Bản hỏi”. Chúa nhật nào cũng được đọc kinh Nghĩa Đức Tin, trong đó nói về Đức Mẹ rất ít. Khi trưởng thành, được đọc những văn kiện của Công đồng Vaticanô II, thấy Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) đã dành hẳn một chương nói về Đức Mẹ (Chương VIII “Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa Trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô Và Giáo Hội”), như là một tín điều và quả thực, nhờ đó mà chúng tôi trưởng thành hơn nhiều trong nhận thức về tín lý nơi Đức Nữ Trinh Mẹ Thiên Chúa.

Người mẹ đầu tiên của loài người là Eva đã đặt niềm tin vào con rắn hơn là tin vào Thiên Chúa, vì thế mà làm cho con cái sa vòng tục lụy, bị tội lỗi thống trị. Nhưng tình thương của Thiên Chúa vẫn không hề suy giảm, và vì vậy mà Người đã ban cho loài người một người mẹ mới, một Eva mới. Người mẹ mới này đã tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa thay vì tin vào con rắn như Eva xưa. Vì thế Cựu Ước đã tiên báo người mẹ mới sẽ đạp đầu con rắn, chiến thắng sự dữ, vì “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (St 3, 15). Cũng chính Người Nữ ấy được đón nhận lời hứa của Thiên Chúa : “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu : Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen” (Is 7, 14). Người nữ ấy, nhờ lòng tin và vâng phục tuyệt đối nơi Thiên Chúa Cha, nên “…Ngài đã sinh chính Con Chúa Cha nơi trần gian, mà không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần bao phủ. Như một Evà mới, Ngài đã đặt niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, chứ không đặt vào con rắn xưa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt. Nhưng Người Con mà Ngài đã sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm Trưởng Tử trong nhiều anh em (Rm 8, 29), nghĩa là các tín hữu, mà Ngài cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ”. (“Lumen Gentium”, 63).

Trong một gia đình thì người mẹ luôn luôn là một biểu tượng hiệp nhất bất khả thay thế, là mối dây liên kết bền vững giữa các phần tử, là sự hàn gắn những vết rạn nứt chia lìa, là nhịp cầu nối liền mọi ngăn cách phân ly. Không những thế, người mẹ còn là nguồn suối mát xoa dịu đau thương, yên ủi vỗ về trong gian nan thử thách, là ngọn lửa hồng sưởi ấm những con tim băng giá, động viên khích lệ những chán nản buông xuôi, những thất vọng ê chề. Tắt một lời : người mẹ trong gia đình chính là nguồn suối Tình Yêu vô tận. Người Mẹ ấy chính là Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Vâng, chính Mẹ là suối nguồn Đức Ái Kitô Giáo bất tận (“Thánh Công Ðồng rất vui mừng và được an ủi khi thấy ngay giữa các anh em ly khai không thiếu những người dâng lên Mẹ Chúa Cứu Thế vinh dự Ngài đáng được, nhất là các anh em Ðông Phương, những người nhiệt thành và hết lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa trọn đời đồng trinh. Tất cả mọi Kitô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Ngài đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên các Thần Thánh trên trời, Ngài cũng cầu bầu cùng Con Ngài trong sự hiệp thông toàn thể các Thánh cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia” – “Lumen Gentium”, 69).

Ngược dòng lịch sử về mầu nhiệm Truyền Tin, Hiến chế “Lumen Gentium” viết : “Thực vậy, khi sứ thần truyền tin, Ðức Nữ Trinh Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian. Ngài được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Ðấng Cứu Thế. Ðược cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp Con Ngài và hiệp nhất mật thiết và bền chặt với Con, Ðức Maria đã lãnh nhận sứ mệnh và vinh dự cao cả là được làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó làm ái nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Thánh Thần” (“Lumen Gentium”, 53). Ngay sau khi được sứ thần truyền tin, Mẹ đã đến thăm người chị họ Elizabeth và đươc chúc mừng : "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em" (Lc 1, 41-45). Tới ngày sinh, các mục đồng và những nhà hiền sĩ chúc tụng vinh quang của Người Con cùng với Mẹ, nên Mẹ đã “…hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (Lc 2, 19-20).

Mẹ cũng tuân giữ các điều luật, để Đức Giêsu chịu phép cắt bì và tiến dâng Con mình lên Thiên Chúa như mọi hài nhi thường dân khác (Lc 2, 21…28). Trong dịp này, một biến cố xảy ra khi ông Simêon ẵm kính Con của Mẹ đã nói lời tiên tri "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng ; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà" (Lc 2, 34-35). Ngoài Simêon, còn một ngôn sứ tên Anna cũng nói tiên tri về Người Con của Mẹ cũng chính là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ muôn dân (Lc 2, 36-38). Năm Đức Giêsu 12 tuổi, nhân dịp lên đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua, Người đã ngồi nói chuyện giữa các bậc thầy Do thái và nói với cha mẹ : "Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? " (Lc 2, 49), khiến các Ngài không hiểu lời Con nói ; nhưng Mẹ vẫn giữ lấy tất cả các điều ấy và suy gẫm trong lòng (Lc 2, 41-51).

Bước vào hành trình rao giảng Nước Trời của Trưởng Tử Giêsu, Mẹ cũng đã xuất hiện ngay từ đầu, trong tiệc cưới thành Cana xứ Galilêa, và như một người Mẹ của cộng đồng vì động lòng thương xót, Ngài đã cầu bầu, khiến Chúa Giêsu, Ðấng Thiên Sai, làm phép lạ đầu tiên của Người (Ga 2, 1-11). Mẹ đã đón nhận Lời của Con Người, như chính Mẹ hằng thực hành những điều đó một cách hết sức trung tín, đó là những Lời nâng cao Nước Trời lên khỏi những lý do và liên hệ huyết nhục, và tuyên bố là có phúc cho những ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa ("Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?" Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói : "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi" – Mc 3, 34-35 ; “Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người : "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm !" Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng : Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa" – Lc 11, 27-28). Như vậy, rõ ràng Mẹ cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Mẹ đã đứng đó, đau đớn gánh chịu khổ hình và dự phần vào hy tế thập giá của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra.

Và cũng từ tấm lòng vâng phục trung kiên ấy, Mẹ đã một lần nữa được chính Thiên Chúa – qua miệng của Đức Giêsu Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ – khẳng định Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Giáo Hội (bao gồm tất cả dân Thiên Chúa). Đó chính là mầu nhiệm phó thác dưới chân thập tự : Trên đồi Canvê, trước khi Đức Giêsu sinh thì, hoàn tất công trình cứu độ loài người trên thập giá, “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : ‘Thưa Bà, đây là con của Bà’, Rồi Người nói với môn đệ : ‘Đây là mẹ của anh’. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 26-27). Chính Đức Giê su Thiên Chúa – Trưởng Tử của Mẹ – đã phó thác các môn đệ của Người (qua thánh Gioan) được làm con của Mẹ, mà người đứng đầu trong đám môn đệ ấy đã được truyền dạy “Phê-rô, con là đá. Trên viên đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội cuả Thầy” (Mt 16, 18). Như vậy, Giáo Hội là thân mình, là các chi thể của Đầu là Đức Giêsu Ki tô, tất cả đều là con cái của Mẹ ("Ngài thật là Mẹ các chi thể (của Chúa Kitô)... vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội là những chi thể của Ðầu ấy" – “Lumen Gentium”, 53). Cuối cùng, trong tâm tình nữ tỳ vâng phục thánh ý Thiên Chúa – thông qua lời trăng trối của Trưởng Tử Giêsu – Mẹ đã cùng với tất cả các môn đệ (Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philípphê, Tôma, Batôlômêô, Mátthêu, Giacôbê con ông Anphê, Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa con ông Giacôbê), với mấy người phụ nữ và với anh em của Đức Giêsu … đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện (Cv 1, 12-14).

Vì được Thiên Chúa chọn làm người cưu mang, sinh hạ và dưỡng dục Đấng Cứu Thế từ trước vô cùng, nên Mẹ đã được hưởng hồng ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, hồng ân Trinh Nữ. Mẹ được tuyển chọn, nên Mẹ là dân Thiên Chúa từ trước khi Mẹ được sinh ra, nhưng Mẹ lại được cưu mang chính Con Một Thiên Chúa và trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Mẹ luôn sát cánh cùng Trưởng Tử Giêsu để hướng dẫn, dạy dỗ các môn đệ, các tín hữu – những người được gọi chung là dân Thiên Chúa, cho nên chính nơi Mẹ đã là dấu chỉ Dân Thiên Chúa. Mẹ là dân Thiên Chúa, dân Thiên Chúa ở trong Mẹ ; cũng vậy, Mẹ là Giáo Hội, Giáo Hội ở trong Mẹ, Mẹ là Mẹ Giáo Hội, Mẹ và Giáo Hội là một thực thể bất biến, cùng đồng hành, cùng tiến bước trên hành trình Cứu Độ của Trưởng Tử Giêsu – con Thiên Chúa, Đầu của Giáo Hội (“Ngày nay Mẹ Chúa Giêsu đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội sẽ hoàn thành đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (x. 2P 3,10), Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành” – “Lumen Gentium”, 68).

Tôi đã cố gắng hết sức dàn trải những điều mình đã được đọc, được học, được biết về Người Mẹ Chí Thánh – người Mẹ không chỉ của 3 thế hệ trong gia đình tôi như cháu nội tôi thắc mắc, mà là Mẹ của muôn dân muôn nước, muôn thế hệ. Tuy vẫn chưa thật sự hài lòng về những điều được trình bày trong bài này vì lực bất tòng tâm, nhưng cũng đành chỉ xin coi đây là những bông hoa như hồi còn nhỏ ở quê ngoài miền Bắc, chúng tôi có thói quen vào những ngày cuối tháng tư, cứ rủ nhau lên núi Chè (“Trà sơn” cách làng tôi khoảng vài cây số, thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), hái hoa về dâng Đức Mẹ.

Ôi ! Lạy Mẹ ! Hôm nay là ngày đầu tháng năm – Tháng Hoa kính Mẹ – con chỉ có được bó hoa thô thiển này và chẳng biết làm cách nào khác hơn là hòa chung tiếng hát với ca đoàn trong Thánh lễ ở Giáo xứ của con, xin dâng lên Mẹ : “Hoa muôn sắc con dâng trước tòa, màu tươi thắm hương ngát tốt xinh. Hoa muôn sắc con dâng trước tòa, còn thua kém Đức Mẹ Chúa Thiên Đình”.

(Tháng Hoa 2009)
JM. Lam Thy ĐVD