PDA

View Full Version : P - Phúc cho kẻ đói khát sự công chính



Dan Lee
05-02-2009, 10:27 PM
PHÚC CHO KẺ ĐÓI KHÁT SỰ CÔNG CHÍNH


Một bản nhạc có tên là “Alleluia” của cộng đoàn Taizé, một cộng đoàn đại kết được thày Roger Schutz thành lập bên Pháp. Bài hát này nêu cao một lý tưởng sống, Đức Giêsu đã vạch ra khi Ngài quả quyết: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người trước, còn các sự khác sẽ được ban thêm cho các con”. Nước Trời hay Nước Thiên Chúa là một trong hai đề tài Đức Giêsu phát triển sâu rộng nhất trong giáo huấn của Ngài. Nhưng Đức Giêsu không chỉ đến rao giảng về Nước Trời mà còn muốn để thiết lập, để đem Nước Trời xuống trần gian, muốn thể hiện trần thế thành Nước của Thiên Chúa. Qua lời tuyên bố hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của người trước, Đức Giêsu vạch ra con đường phải đi cho những ai muốn chung tay xây dựng Nước Trời, đó là con đường phải được xây dựng trên sự công chính.

Công chính theo nghĩa của Kinh Thánh vượt lên trên sự công bình và chính trực. Công chính gồm cả sự trọn lành và thánh thiện. Sự thánh thiện của Thiên Chúa là 3 lần thánh như chúng ta thường đáp sau kinh Tiền Tụng của thánh lễ: “Thánh, thánh, thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh”. Để thông phần vào sự thánh thiện này của Thiên Chúa, chúng ta hãy noi gương Đức Giêsu trong việc hoàn toàn tuân theo ý của Thiên Chúa. Đây cũng là chiếc gạch nối liên kết đất với trời như Đức Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện trong kinh Lạy Cha: “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, có nghĩa là vâng theo thánh ý Chúa là điều kiện để nối đất với trời. Vâng theo thánh ý của Chúa là chuẩn bị môi trường sống cho chúng ta để Nước Trời được trị đến. Đây cũng là câu Đức Giêsu đã thốt lên trong vườn Cây Dầu: “Lạy Cha, nếu có thể được xin cho Con khỏi uống chén này, nhưng không phải theo ý Con, nhưng là ý Cha”.

“Phúc cho những kẻ đói khát sự công chính”.

Chúng ta đang theo dõi những bước chân của Mẹ Maria để học cùng Mẹ phương thế sống những lời chúc phúc của Chúa Giêsu, Đấng đã tuyên bố: “Lương thực Ta dùng hằng ngày là làm theo ý của Cha Ta”. Vì thế trong lời chúc phúc trên núi, Ngài dùng hai chữ “đói khát” để diễn tả tư tưởng đói khát sự công chính, đồng nghĩa với đói khát làm theo ý của Thiên Chúa Cha. Cùng với Đức Giêsu trong giây phút đầu tiên chấp nhận cộng tác vào chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, Mẹ Maria đã xướng lên lời “Fiat”, để muôn thuở tiếng thưa “Xin vâng” của Mẹ là một cung đàn tuyệt diệu của khúc nhạc đại hoà tấu thôi thúc con cái Mẹ chung lời thưa “Xin vâng”, “Vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời vậy”, để “Nước Trời trị đến”. Muốn thưa xin vâng thuộc lòng, chúng ta hãy mang tâm tình của Đức Maria khi Mẹ thưa cùng sứ thần Gabriel: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên chúa, xin vâng như lời sứ thần truyền” . Bổn phận của nữ tỳ là gì, nếu không phải là luôn luôn làm theo ý chủ?. Đức Maria xưng mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, câu ấy có nghĩa là Đức Maria luôn luôn sẵn sàng làm những gì Thiên Chúa muốn. Thánh vịnh số 122 có câu: “Tôi ngước mắt hướng nhìn lên Chúa,

Đấng đang ngự trên trời.

Quả thực như mắt của gia nhân

Hướng nhìn tay ông chủ,

Như mắt của nữ tỳ

Hướng nhìn tay bà chủ”.

Nhìn để làm gì, nếu không phải là để làm theo, nếu không phải để hành động theo ý của chủ. Và ai đã có thể nói lời ấy cách chân thành bằng Chúa Giêsu, bằng Đức Maria. Đó chính là nguồn hồng phúc của Đức Mẹ và của chúng ta, giúp chúng ta biết sống như Mẹ, và như Chúa Giêsu đã bước vào trần gian cũng như tiến vào cuộc thương khó với lời tuyên bố “xin vâng” theo ý của Thiên Chúa. Lời thưa xin vâng đầu tiên của Đức Maria cũng dẫn Mẹ đến dưới chân của thánh giá thấy dựng treo con mình. Nơi đây, Đức Mẹ đã âm thầm nghe con tim bị lưỡi đòng đâm thấu như lời tiên báo của cụ già Simêon, nhưng cùng một nhịp với quả tim của người con yêu dấu đang quằn quại trên thánh giá vì tình thương được thể hiện qua sự vâng phục và phó thác. Mẹ Maria cũng chấp nhận vâng theo ý Thiên Chúa Cha như một nữ tỳ.

Chúng ta hãy xin Đức Mẹ dạy chúng ta hai chữ “xin vâng”, để chúng ta chung tay xây dựng Nước Trời, trên nền móng của sự công chính, được thể hiện qua sự hoàn toàn tuân hành theo thánh ý của Thiên Chúa.