PDA

View Full Version : Q - Quan Niệm Tông Đồ Linh Mục



Dan Lee
04-24-2009, 07:04 PM
QUAN NIỆM TÔNG ĐỒ LINH MỤC
Theo Cha Chevirier

Phỏng dịch
“’Apostolat Sacerdotal Của Đức Giám mục A. Ancel

Imprimatur
Xuân Lộc, ngày 14 -09-1971
+Giuse Lê Văn Ấn
Giám mục

Quan niệm tông đồ của cha Chevrier được lọc qua những trang sách Phúc âm Chúa Giêsu và các thư thánh Phao lô. Những nguyên tắc tông đồ này có một tính cách rất bất biến mặc dầu những biến cố xảy ra trong mỗi thời đại, trong mỗi lãnh vực và nơi mỗi cá nhân. “Trời đất sẽ qua, Chúa phán, nhưng lời Ta sẽ không qua” (Mt 13,31).

Chúng ta sẽ nói về quan niệm rồi đến phương pháp tông đồ.

Vị tông đồ.

THẾ NÀO LÀ TÔNG ĐỒ ĐÍCH THỰC ?

Tông đồ đích thực là người say mê Chúa Kitô

Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã minh chứng cho nhân loại rõ tấm lòng Người yêu họ tha thiết khi Người hiến thân chịu chết thay cho họ. Mà tình yêu của Người đối với nhân loại là tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Cho nên Người cũng muốn cho các tông đồ của Người kín múc lấy tình yêu các linh hồn trong tình yêu mến Người. Đúng thế, khi muốn trao phó cho thánh Phero nhiệm vụ cai trị Giáo Hội, Chúa Giêsu không nói: “Con có yêu người ta không?” nhưng Người hỏi: “Phero con có mến Thầy không?” Chúa Giêsu phải chiếm chỗ nhất trong trái tim ta. Thánh Phao-lô đã chứng minh chân lý đó trong các thư của Ngài và bằng chính đời sống của Ngài. Ngài đã muốn chết để được ở cùng Chúa Giêsu, nhưng Ngài lại vui lòng ở lại thế gian, xa Thầy chí thánh, để hoàn thành sứ mạng Thầy ủy thác. Ngài yêu mọi người trong Chúa Kitô và chính lòng mến Chúa Kitô thúc đẩy Ngài tận hiến để giải thoát người đời.

Cha Chevrier đã tự nghiệm thấy cái hiệu lực của lòng mến Chúa Kitô, cái lòng mến đưa người ta đến tự hiến hoàn toàn.

Cha nói: “Chính đêm Giáng Sinh đã hoán cải tôi” (Vie Nouvelle trang 76). Nói về vị linh mục muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, cha diễn tả thế này: “Chính tình yêu hướng dẫn vị linh mục ấy chứ không phải gì khác”. (Véritable Disciple trang 93).

Bởi vậy cha chú trọng trước hết đến việc học hỏi về Chúa Kitô và dùng làm khoa học căn bản để đào tạo các linh mục tương lai ở tiểu chủng viện cũng như Đại chủng viện. Cha nói: “Biết Chúa Giêsu là đủ, không khoa học nào hơn được khoa này. Nó là khoa bổ ích nhất, quan trọng nhất, cần thiết nhất, đặc biệt là cho những ai muốn làm linh mục, muốn làm môn đệ Chúa, vì chỉ khoa học này mới là khoa học chính đào tạo nên các linh mục, và các khoa khác chỉ là tùy phụ và có hữu ích thì cũng tùy hoàn cảnh.” (VD, 78) Chính đời sống thánh Phao-lô đã minh xác câu nói của cha: “vì yêu mến, tôi đã muốn mất hết, coi mọi sự như rơm rác để được Chúa Kitô… để biết Người, Người và hiệu quả việc Phục sinh của Người… để tham dự vào những đau khổ của Người, cùng chết với Người để cùng được sống lại với Người, nếu có thể”. (Phil 3,8-10).

Vì thế yêu Chúa Kitô trên hết không phải chỉ là việc riêng của người chiêm niệm, không phải chỉ là đường tu của các tu sĩ. Nó là đặc điểm của tất cả đời sống siêu nhiên của một linh mục.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng yêu Chúa Kitô không phải chỉ là suy tôn Người trong lý thuyết, nhưng tình yêu ấy còn phải là nguyên nhân và nguyên ủy của tình yêu đồng loại nữa. Có do tình mến Chúa Kitô như thế thì việc tông đồ mới thực là của riêng linh mục. Bởi vì người ta quan niệm rằng người giáo hữu khồ thể đạt tới mưc yêu mến ấy được. Thường thường trong việc tông đồ, người giáo hữu vui lòng siêu nhiên hóa và quy hướng về Chúa lòng ao ước thiết tha của họ, lòng ao ước đem anh em ra khỏi tình trạng khốn nạn về tinh thần cũng như thể chất. Các chủng sinh ban đầu thường cũng đi một lối ấy. Họ bắt đầu khát vọng làm tông đồ, tuy khát vọng ấy ta thấy chưa khuynh hướng về Chúa Kitô cho đủ. Nhưng rồi ra, họ cần phải cải biến dần dần những lý do khiến họ tận tâm với công cuộc giải thoát các linh hồn, để ngày chịu chức họ đáng được nghe lời Chúa phán: “Bây giờ Ta không gọi các con là đầy tớ nữa, nhưng là bạn của Ta.” (Gn 15,15).

Trọn đời, vị linh mục phải gắng sức học biết và yêu mến Chúa Kitô cho đến khi tình mến này biến thành một đam mê. Ta hãy nghe cha Chevrier diễn tả lý tưởng của cha: “Có những người sống vì thế gian. Tôi thì tôi sống vì Chúa Giêsu… Chúa Giêsu phải là lẽ sống của ta, nghĩa là Chúa Giêsu phải là Đấng mà thường xuyên ta tưởng nghĩ tới và ngày đêm tình yêu mến và lòng khát khao của ta phải hướng về. Người mẹ sống vì con, người vợ sống vì chồng và người hà tiện sống vì tiền bạc, người ích kỷ sống cho mình… Đó là đời sống của mỗi người ấy, họ đặt đời họ vào cái họ tìm, họ yêu… Phần ta, lẽ sống của ta chính là Chúa Giêsu. (VD. Trang 83).

THẾ NÀO LÀ TÔNG ĐỒ ĐÍCH THỰC ?

Tông đồ đích thực là người tiêu biến trong Chúa Giêsu.

Thực tình yêu nhau không phải chỉ là ý hiệp tâm đầu nhưng còn cần phải chung sống. Biết nhau rồi người ta đem lòng yêu mến nhau. Rồi từ yêu mến nhau đến bắt chước nhau. Cha nói : Khi thực tình yêu ai thì người ta sung sướng được theo người ấy, bước theo vết chân người ấy, thích nhìn xem, nghe họ nói và làm hết cảch để bắt chước… Bắt chước Chúa Giêsu đó là mục đích duy nhất của tôi, cùng đích của mọi tư tưởng và hành động của tôi, đối tượng của tất cả những nguyện vọng của tôi. Không thế, tôi sẽ không bao giờ là một linh mục tốt và sẽ không bao giờ làm việc đắc lực cho phần rỗi các linh hồn. » (VD. Trang 8a và 67).

Theo cha, việc bắt chước Chúa Giêsu là bổn phận trước hết của linh mục : « Chúa Giêsu, cha nói, là linh mục đích thực, là linh mục hoàn hảo, là Đấng Đức Chúa Cha yêu dấu, và là gương mẫu ta phải noi theo. Bổn phận của ta là phải bắt chước Người. » Ta hãy nghe giọng nghiêm khắc Cha nói về những linh mục chỉ muốn tham dự quyền hành của Chúa Giêsu mà không nên giống Người bằng đời sống của mình : « Ai chỉ giống Chúa Giêsu về quyền hành thì có khác gì con người máy vô ích, không sinh lợi ? Họ chỉ đường cho người khác mà chính mình không đi, cứu người khác mà không tự cứu. Họ là cột chỉ đường mà chữ viết ở trên thường đã phai nhòa, họ là não bạt kêu vang, họ là con sông chảy cuồn cuộn mà không giữ lại được gì hết. » (VD. Trang 68).

Nhưng phải đồng hóa với Chúa Giêsu đến mức nào ?

Tuy không kết án những phương pháp cổ truyền đào tạo các Linh mục, tuy không phải là nhà canh tân vì không bao giờ cha có tham vọng cải tạo hàng Giáo sĩ, nhưng cha mở một con đường, con đường đồng hóa với Chúa Giêsu căn cứ vào việc tuân giữ hết sức chặt chẽ những giới răn và khuyên dụ của Phúc âm. Con đường này không mới mẻ gì, nó chỉ là con đường cũ, con đường hẹp đưa đến phúc trường sinh. (Mt 7,14). Thời nào cũng có những tâm hồn quảng đại bước theo con đường ấy thì sao các linh mục triều ại không theo con đường ấy ? Cha nói : « Những thầy dòng tuân giữ những khuyên dụ của Phúc âm, sao các linh mục triều lại không tuân giữ ? » (VD trang 83).

Điểm cha có ý nhấn mạnh ở đây là các linh mục phải sống thân mật với Chúa Giêsu hơn ai hết kể các các tu sĩ : « Các linh mục là những người sống giữa đời và là những người phải gieo rắc khắp nơi hương thơm Chúa Giêsu, và các ngài phải là ánh sáng lung linh soi chiếu mọi tấm lòng. Các tu sĩ ở trong bốn bức tường, nhưng Linh mục thì sống giữa dân chúng, ngài phải thánh thiện và hoàn toàn hơn ai hết » (VD trang 88).

Như thế , cha không chỉ trích con đường chung, con đường của phần đông. Không ai đã từng nghe cha chỉ trích một linh mục… Cha cũng không có ý so sánh hoặc có ý xếp hạng cho Linh mục triều hơn Linh mục dòng. Cha vẫn có những bạn thân trong các tu sĩ và vị huấn đức của cha là Cha Bruno, Linh mục dòng thánh Phanxico. Nhưng cho có ý nhắc nhở các Linh mục triều rằng đường trọn lành là đường của các ngài cũng như của ai khác. Hơn nữa, các ngài lại có nhiều lý do thúc đẩy mình tiến theo con đường ấy hơn các tu sĩ. Cha kết luận đơn sơ rằng : « Phải dùng ơn Chúa mà sinh lợi và đừng đoán xét ai » (VD trang 88). Chỉ có thế, cha thân thưa với Chúa : « Lạy Chúa, con sẽ theo Chúa mọi nơi Chúa đi. Con sẵn sàng chết với Chúa. Con sẽ biến đời con để làm vinh danh Chúa. Con sẽ vào tù, sẽ liều chết. Chúa là vua, là chủ, là thày con. Lạy Chúa, nếu Chúa cần một người nghèo khó thì có con đây… Con đây, con sẵn lòng làm theo ý Chúa. Con là của Chúa » (VD trang 89).

Đối với cha Chevrier, những lời trên đây phát xuất không phải do cảm xúc nhất thời, nhưng là do chính đời sống thấm nhuần tinh thần tận hiến. Đời cha, cha những lo sao phô diễn được hình ảnh đích thực của Chúa Giêsu và tuân theo một cách hoàn toàn tất cả những giới luật cũng như những khuyến dụ của Người.


THẾ NÀO LÀ TÔNG ĐỒ ĐÍCH THỰC ?

Tông đồ đích thực là người biết sống

Theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.

Một khi đã kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu do sự học biết, yêu mến, và bắt chước vị Linh mục được tham dự đầy đủ vào chức Linh mục của Chúa Giêsu : Ngài có thể làm công việc của Chúa. Nhưng để làm công việc của Chúa, Linh mục phải hoàn toàn tùy thuộc Chúa Thánh Linh. Ngài phải là dụng cụ trong tay Thiên Chúa.

Vấn đề này cha Chevrier đã đặt ra mấy công thức : « việc Chúa thì Chúa làm chứ không phải ta. Không phải có tiền tài, không phải do toan tính, cũng không phải do sự sắp đặt của ta mà những việc đó được thực hiện, chính Chúa dùng một linh hồn mà hoàn thành công cuộc của Người. Người sử dụng một linh hồn như ta sử dụng một đồ dùng. Người cũng chọn những linh hồn khác nữa rồi tập hợp lại. Rồi mộtlúc nào thuận tiện vừa ý Người, ơn thánh sẽ nảy nở ; còn chúng ta, chúng ta chỉ là những máng chuyên không hơn không kém, bởi vì con người là không » (L’Esprit et les vertus trang 346-347).

Cha nói như thế là nói theo kinh nghiệm bản thân : « Phải để Chúa hành động, ta hãy chỉ là dụng cụ của Chúa. Thật thế, cái gì mà tôi đã muốn làm lấy thì rồi ra tôi cũng đến phải phá hủy đi » (EV, trang 237).

Trong công cuộc tông đồ, cần phải tùy thuộc ở Chúa Thánh Linh. Có thế mới chắc dung hòa được hai điểm đối lập : vừa vâng lời tuyệt đối, vừa giữ được tự do sáng kiến.

Cha Chevrier không phải là người nhát gan. Thực thế, cha dùng thời giờ cần thiết để cầu nguyện, cân nhắc và xin ơn soi sáng, nhưng một khi đã xác tín rằng công cuộc định liệu do thánh ý Chúa thì cha nhất định hành động, không gì cản lại được.

Đây là lối cư xử mà cha vạch ra cho các linh mục tương lai của cha : « Phải suy nghĩ nhiều, cầu nguyện nhiều trước khi toan tính một việc, để xét xem có phải bởi Chúa, cho Chúa, vì vinh danh Chúa và lợi ích các linh hồn không. Một khi đã toan tính xong, thì không nên ngừng lại trước những thứ thách và đau khổ, hoặc trước những lời dị nghị : Phải chiến đấu can trường với mọi trở lực đồng thời phải trông cậy vào Chúa ».

Vì biết tùy thuộc Chúa như thế nên cha thoát khỏi mọi gò bó xã hội : cha không tùy thuộc ai hết. Cha nói : « Nhiều người cho rằng không thể thi hành giáo lý phúc âm, rằng Phúc âm nói quá, Phúc âm là ảo tưởng, là cái gì thuộc thế giới khác. Thế nên, nhiều người chống lại tinh thần Chúa và đôi khi chống lại tinh thần những vị Linh mục thánh thiện. Người ta thích bám lấy lối sống quen thuộc, máy móc và tầm thường. Người ta không ưa bị bách hại mà chỉ mong được yên thân » (VD.trang 200). Thế nên cha phản kháng : « Đời nghĩ thế nào thì nghĩ, có hệ gì. Họ coi tôi như người điên cũng không sao, tôi thuộc về Chúa Giêsu. Tôi theo Người, tôi bước theo vết Người. Qui pie volunt vivere in Christo Jesu persecutionem patientur » (VD trang 81).

Cuốn « Véritable Disciple » cho ta thấy rõ hơn giá trị siêu nhiên và giá trị tông đồ của đức khó khăn thật. Nó cũng giúp ta hiểu rõ hơn rằng một Linh Mục mà sống đời sống hoàn toàn theo Phúc âm thì thật là điều thích hợp. Cha Chevrier đã biết nhìn trước vì cha biết nhìn những điều đó trong Chúa Giêsu, theo lối nhìn của Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, dù có những ý kiến hay, thích thời, những ý tưởng mà cha hằng cổ võ, cha cũng không bao giờ tự tiện thực hiện vì cha rất dễ vâng lời. Cha muốn hoàn toàn phù hợp với Chúa Thánh Linh và vâng lời các đấng Bề trên vì quyền bính các ngài đều do Chúa mà có. Cha nói : « Ai có Thánh Thần Chúa thì không nói gì tự ý mình… cũng không để m ình bị khoa học ,bị lý luận lôi cuống, nhưng lại bằng lòng nhận sự hướng dẫn của đức tin và Chúa thánh Linh hành động trong mình » (VD trang 198). Cha còn nói : « Chúa Giêsu và Giáo hội là hai nền tảng mà nếu ta dựa vào thì bước di bao giờ cũng chắc chắn, mặc dầu có gặp những trở ngại, những chiến đấu và bách hại » (Vd trang 200). Vì thế, toan tính việc gi gcha cũng trình bầy với Đức Tổng Giám mục Lyon, rồi hoàn toàn phục quyền ngài. Chẳng những cha không muốn cưỡng ý ngài, mà lại cha cũng không làm việc gì mà không được ngài thỏa thuận trước. Đay, nguyên tắc của cha : « Ai làm công việc gì, dù là việc tố tđi nữa, mà nếu khonò được bề trên cho phép, kiểm duyệt,ưng thuận thì sẽ chẳng thu được lợi ích gì ».

Hẳn có người bảo : nhưng tông đồ hăng hái mà dễ vân glời như thế thì chắc Giáo Hội chẳng trông lợi dụng được những điều – trần cải tiến mà các ngài có thế sáng nghĩ ra. Điều đó dễ trả lời : Linh mục không phải mang trách nhiệm về Giáo hội. Trách nhiệm này về phần các Giám mục là những vị đã được Chúa Thánh Linh đặt lên cai quản Giáo Hội Chúa (Act 20,8). Cha Chevrier viết : « Khi Chúa muốn sự gì, Người biết uốn lòng đấng Bề trên ban cho ta sự ấy trong lúc hữu ích : phải cầu nguyện và phải biết đợi chờ » (VD trang 353). Vậy không nên chiếm đoạt địa vị của Chúa : chúng ta chỉ là những dụng cụ. Than ôi, ta không có đức tin đủ.

THẾ NÀO LÀ TÔNG ĐỒ ĐÍCH THỰC ?

Tông đồ đích thực là người biết yêu các linh hồn.

Ta không yêu các linh hồn cho đủ vì ta khong mến Chúa đủ. Người ta lao mình vào công cuộc tông đồ với một lòng hăng hái sặc mùi nhân loại. Nhất là khi người ta còn trẻ. Người ta không yêu đồng loại « bằng tấm l òng của chúa Giêsu Kitô. Có khi ghen tương, chấp vặt và có khi chính lòng nhiệt thành vô độ cũng xô đến làm hư hỏng tấm lòng của vị tông đồ.thậm chí có khi bằng một cách nào đấy, người ta đã quên người để chỉ lo đến việc. Những cái ngộ nghĩnh này có lẽ cũng không bao nhiêu nhưng rất đau lòng : đã có những vị Giám đốc Hội đoàn, những vị tuyên úy Phong trào Công giáo Tiến Hành tách biệt nhi đồng, thiếu niên, thanh niên để cho « nó » tiến. Nhưng chúa Giêsu không chịu chết vì « nó » : Người đến để tìm kiếm chiên lạc, để cúu các tội nhân.

Cha Chevrier đã chỉ cho ta thấy những nguy hiểm của tình yêu tự nhiên (VD trang 218) và cha đã chứng minh qua giáo lý và đời sống của cha rằng lòng yêu các linh hồn càng liên kết với lòng mến Chúa như với nguồn mạch và nền tảng của nó bao nhiêu thì tình yêu ấy càng trong sạch và mãnh liệt bấy nhiêu.

Chúng tôi sẽ nhấn mạnh về các ảnh hưởng mà lòng yêu các linh hồn lĩnh nhận được khi lòng yêu ấy bắt nguồn ở tình mến chúa. Có lẽ có người lo rằng tình yêu ấy không được thực tế lắm. Đây là vài kiểu nói mạnh mẽ của cha Chevrier sẽ giải đáp cho họ. Cha nói với những linh mục đầu tiên của Cha : « Tôi đã tiêu hao cho công việc, đến lượt anh em, anh em cũng phải tiêu hao như thế » (EV trang 172). Quả thực ai mến Chúa thì cũng yêu các linh hồn và tất nhiên là tận tụy làm việc để đưa họ đến hạnh phúc đời đời. Vì thế cha không thể hiểu được rằng một linh mục lại có thể làm mất thì giờ : « Linh mục , cha nói, hơn ai hết, phải làm việc suốt ngày. Nào chẳng phải vì Linh mục đã không làm việc hay làm không tử tế mà đồng ruộng Cha ta xấu kém, mà các thợ của ta dốt nát mà ngày nay họ đứng lên chống đối ta đấy ư ? » (VD trang 159). Cha còn nói : « Nhà Chúa cháy mà người ta cứ thản nhiên đùa cợt. Thực đáng khóc con cái đòi bánh mà không có ai để bẻ bánh cho chúng » (EV trang 158). Từ Tiểu chủng viện cha đã tập cho các Linh Mục tương lai của cha biết làm việc tông đồ. Dĩ nhiên là mọi sự đều quy về biết, yêu và sống theo Chúa. Nhưng sống theo Chúa thế nào được nếu người ta không yêu các linh hồn theo lối Chúa yêu ? Một cựu sinh viên thấm nhuần tư tưởng của cha đã đưa ra một nhận xét : Sống mà không yêu các linh hồn theo lối Chúa yêu là lối sống vô ích và có khi còn là một tội ác trước mặt Chúa Giêsu là Đấng luôn luôn tha thiết yêu các linh hồn, là Đấng luôn luôn mời gọi chúng ta sống theo lòng nhiệt thành của Người (EV trang 185).

Trên đây, ta đã vạch rõ những đặc điểm của vị tông đồ. Là môn đệ và là bạn thân của Chúa Kitô, vị tông đồ trở nên giống Chúa và do sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, ngài tiêu hao cho các linh hồn được giải thoát. Bức họa này không hoàn toàn, nhưng thiết tưởng cũng đã ghi được những nét chính để chúng ta có thể nhận thấy rằng : đường của các Linh mục triều khác xa đường tu của các Linh mục dòng chuyên việc ngợi khen Chúa trong bốn bức tường, nó cũng khác xa đường tu của người tín hữu. Song song với sự kiện Chúa Kitô, ánh sáng vinh hiển của Đức Chúa cha, đã nghiêng mình xuống những nỗi khốn nạn của nhân loại, đường tu của Linh mục triều được là nối kết và đồng hóa hai hình thức kia. Nhưng quy hướng về Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, nó thấy hết và muốn thực hiện tất cả những gì Chúa Giêsu đã thực hiện và chỉ những gì Người đã thực hiện.

Phần tôi, lẽ sống của tôi là Chúa Kitô.


PHƯƠNG PHÁP TÔNG ĐỒ

Quy luật của đời tông đồ linh mục đã ghi chép rõ ràng trong đời sống Chúa Giêsu. Linh mục càng trở nên thứ ngã Chúa Kitô thì càng là tông đồ hoàn hảo. Càng in hệt phương pháp Chúa Kitô, phương pháp tông đồ ấy càng đem lại nhiều mỹ quả.

Chức vụ hoàn toàn siêu nhiên :

Cha Chevrier đã nhìn vào Chúa Giêsu để tìm ra phương pháp của Chúa, và đây là kết quả công việc học hỏi của Cha :

« Trong việc thiết lập giáo hội, một công cuộc lớn lao nhất của Chúa tòan năng, một công cuộc đẹp đẽ nhất trên đời, Chúa không dùng một phương thế nào bề ngoài. Người dùng một người mà thông ban sức sống và tinh thần của Người cho. Người chọn mười hai người mà uốn nắn theo nếp sống Phúc âm. Tuy uốn nắn họ mà Người vẫn không phải giam hãm họ trong trại hay bắt họ bước theo bước Người đã tập cho : Người không lập quỹ, không dùng âm nhạc, không dùng những buổi hòa nhạc, những buổi diễn kịch, chiếu bóng. Trái lại, Người cấm họ dùng bất cứ phương thế nào bề ngoài » (VD trang 188). Cha còn nói : « Nếu những cái bề ngoài này có cần thì hẳn Chúa đã dùng. Nhưng không, Người đã hất đi hết » (VD trang 263).

Các tông đồ đã hiểu rõ giáo huấn của Chúa khi các ngài truyền chức phụ tế cho một số người đã được tuyển lựa. Sách Công vụ chép : « Thấy rằng săn sóc cho những kẻ nghèo khó là một việc quá bận và chiếm mất nhiều thời giờ mà theo lẽ chỉ nên dùng cho việc thiêng liêng, [/B]nên các ngài đã đặt các phụ tế để săn sóc những kẻ khó nghèo, còn các ngài thì giữ lấy cho mình nhiệm vụ cầu nguyện, giảng dạy và coi đó như mối bận tâm chính và duy nhất : Nos vero orationi et ministerio verbi instantes erimus » (VD trang 274)

Rồi cha đơn giản kết luận : « Phải bỏ những việc bên ngoài để chỉ chuyên lo việc Chúa « (VD trang 202).

« Những việc bên ngoài » là những việc nào ?

-Thời các tông dồ thì đó là việc phục vụ kẻ nghèo khó, thời cha Chevrier thì đó là việc xây cất các thánh đường và những hệ thống giáo dục quá thiên về hình thức mà người ta hết lời ca tụng và sau này là những Hội đoàn ; ngày nay thì những việc bên ngoài là tất cả kỹ thuật tông đồ.

Đối với cái gì bên ngoài, cha Chevrier tỏ ra rất nghiêm khắc. Chẳng hạn cha nói : « Không nên bận tâm về những việc đời… nên để nó cho giáo dân, các Linh mục không nên nhúng tay vào. Nên dùng những giáo hữu tốt để lo những công việc như thế… (VD trang 274).

Ta nên hiểu rằng cha nói như thế là có ý lo cho Linh mục biết làm tròn chức vụ hoàn toàn siêu nhiên của mình. Đàng rằng trong thực tế không thể hoàn toàn gác bỏ những việc đời và ngay trong những việc bên ngoài ta có thể phân biệt nhiều độ khác nhau,t ừ những việc đời đúng nghĩa (như mối lái, xây cất nhà cửa…) cho đến kỹ thuật tông đồ. Chính cha trong lúc cần phải làm nhiệm vụ không siêu nhiên và không tìm được người giáo hữu nào giúp đỡ thì cha cũng không ngần ngại tra tay làm lấy. Nhưng làm như thế chỉ vì cần thiết cho mục đích của cha vãn còn nguyên vẹn siêu nhiên (VD trang 225).

Linh mục có một mối nguy hiểm lớn là quá lo đến những việc bên ngoai. Ngài tưởng mình đã tận tâm làm vì ngài bận rộn nhiều ; ngài tưởng ngài làm nhiều vì ngài luôn luôn lo hoàn mỹ kỹ thuật. Nhưng thường thường càng lo đến những việc bên ngoài thì càng giảm bớt việc bên trong. Càng ít lo những việc bên ngoài thì việc ấy lại càng có căn bản (VD trang 266). Vì động lực phát sinh là do chính tinh thần.

Tại sao Công giáo ngày nay một suy sụp mặc dầu có sự tận tâm khác thường, và mặc dầu người ta vẫn đều đều áp dụng những phương pháp bền ngoài thích nghi với đời sống mới ? Tại sao sau cái đà mạnh mẽ, sau những thành công bề ngoài ta vẫn thấy ngựa theo đường cũ, và làn sóng ngoại giáo đã một thời bịc hận đứng nay lại từ từ dâng lên ? Tại sao người ta đã đổi phương pháp, cải tiến kỹ thuật mà mrồi ra mọi sự lại vẫn như trước ? Phải chăng là vì, như Cha Chevrier nói, những phương thế bề ngoài chẳng đi đến đâu ? (VD trang 188). Có nhừn người dùng những phương thế bề ngoài để lôi cuốn, để hoán cải tâm hồn, rồi họ mỏi mắt trông chờ kết quả. Nhưng họ đã lầm và đi ngược với Phúc âm chừng nào ! (VD trang 189).

Thế thì phải miệt thị những phương pháp mới như Hướng đạo, Thanh Lao Công, Hùng tâm dũng chí sao ? Không phải thế, vì trong những phương pháp này chỉ cần phải phân biệt rõ ràng tinh thần với kỹ thuật. Dưới hình thức này hay hình thức khác, những phương pháp đều quy về Chúa Kitô nguồn sinh lực độc nhất. Còn về kỹ thuật thì chính là việc của giáo dân. Tự nó, nó không phát sinh hiệu lực , và dù có ích hay chăng nữa, ích lợi ấy cũng chỉ có thể có do Chúa Kitô mà thôi. Muốn cho những phương pháp này thành công thực cần nhất là vị Linh mục, thứ -ngã Chúa Kitô, phải chú trọng trước hết đến đời sống siêu nhiên, vì ngài chỉ có thể thông sinh lực nhiều ít tùy số lượng ngài có. Đáng chúc dữ là công việc theo lẽ phải do giáo dân làm thì Linh mục lại vơ lấy mà làm một mình.

Các sinh viên của cha ở Đại chủng viện hỏi rằng : « Có thể dự những phiên nhóm của hội đoàn không ? » Cha trả lời : « Chúng ta có thể từ chối một điều giúp làm sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn sao ? »… Nhưng cha cũng thêm : « Tuy nhiên các con nên nhớ rằng : phương thế hay nhất là chính ta phải nên thánh, phải đầy tinh thần Chúa đã. Nếu Chúa Thánh Linh ở với ta, ta sẽ thành công trong mọi công cuộc » (Lettres trang 101-102).

Vậy đối với kỹ thuật , không nên say mê, nhưng nên có thiện cảm với tâm niệm luôn luôn rằng cái cốt yếu không phải ở đó.

Cầu nguyện và đau khổ :

Chức vụ linh mục là chức vụ thiêng liêng. Nhưng đâu là đặc tính của chức vụ này ? Trước hết phải chắc chắn được Chúa phù trợ.Không được Chúa giúp ta không thể làm được gì. Đứng trước một linh hồn cần phải chinh phục, trước một trở lực cần phải thắng vượt, Linh mục không nên tự hỏi : « Tôi sẽ làm gì ? Tôi sẽ nói gì ? Dùng phương pháp nào ? » Nhưng ngài nên thưa với Chúa : [COLOR="Red"]« Lạy Chúa, con trông cậy Chúa vì không gì mà Chúa không làm được ».

Nhưng tin cậy mà thôi không đủ để Chúa can thiệp, còn phải cầu nguyện, phải dâng lễ hy sinh. Cha Chevrier nhấn mạnh cách riêng về hai điểm này. Nhưng không phải cha đã lập ra định luật hành động phải tùy thuộc sự cầu nguyện. Sở dĩ có định luật ấy là vì chính Chúa Giêsu đã làm trước. Cha nhìn vào Chúa Giêsu và cha thấy Chúa Giêsu đã bắt đầu chức vụ của Người bằng thời gian tĩnh tâm suốt 40 ngày, và trong những năm ra truyền giáo đêm nào Người cũng cầu nguyện. Cha còn nhận thấy rằng Chúa Giêsu dù là tấm gương thánh thiện, dù có tính tình hiền hòa, dù khoan dung đại lượng với mọi hạng người, dù nói hay giảng khéo, dù làm được những phép lạ hiển hách, kếu cuộc Người đã đi đến một thất bại thảm thương sau ba năm giảng thuyết. Tại sao vậy ? chính chúa Giêsu giải thích : « Nếu hạt giống gieo xuống đất không chết đi thì nó chỉ là một hạt, nhưng nếu chết đi thì nó lại sinh thêm nhiều hạt (Gn 12,24).

Giáo huấn của cha Chevrier sẽ là phản ảnh trung thành về những điều cha đã nghe đã thấy khi đọc Phúc âm. Cha viết : « Thiên Chúa đã đặt Linh mục ở trần gian là để ngài làm nhiệm vụ cầu nguyện . Cầu Chúa cho dân đó là nhiệm vụ cao cả của Linh Mục. Khi người ta giao chiến thì Linh mục, chẳng khác nào Mai sen xưa ở trên núi, ngài cầu nguyện cho họ thắng trận ». (VD. Trang 344). Cha luôn luôn nói đến sự cần thiết của đau khổ : « Phải nhớ kỹ rằng chính nỗi đau thương của Chúa đã hoán cải thế giới, rằng đau khổ là phương tiện cải tiến, rằng phải mua ân sủng bằng đau khổ và ai không chịu khó thì không thu được gì hết ». (VD trang 479, 309-315, 469-485, 546-550).

Hoà mình vào đại chúng :

Tuy nhiên cầu nguyện và hy sinh chưa đủ, mặc dầu nó chiếm địa vị trọng yếu và không thể thay thế. Cái điều cần thiết là nhìn và nghe Chúa Giêsu. Cha đã nhìn đã nghe thấy gì ? Cha thấy Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể, Người hạ mình ngang hàng với người cùng đinh trong xã hội, Người hòa mình vào giữa lòng nhân loại, nơi Người, ta thấy chỉ còn hiển hiện có nhân tính nữa thôi. (Phil 3,7).

Không bao giờ cha thừa nhận rằng giữa Linh mục và quần chúng cần thiết phải có những giáo hữu trung gian. Xưa Chúa Giêsu đã tiếp xúc thẳng với bọn buôn son bán phấn và những tội nhân, cha đã hiểu rõ rằng cha cũng phải hạ mình xuống ma sống cuộc đời của những người mà cha muốn hoán cải. Trong túp lều của hội Prado nơi không còn gì là trưởng giả nữa, cha sống dễ dãi với những người thợ , và họ cũng thành thật với cha.

Người ta biết rằng cha là « bạn của người nghèo » (Vie Nouvelle trang 246). Nhưng nơi cha không có gì là tầm thường vì chúa Giêsu không tầm thường. Cha có « dáng oai phong ». Cha cha không hề nói lóng bao giờ bởi vì cha rất kính trọng những người thợ, mà nói lòng như thế là không lịch sự. Cha nhã nhặn và thân mật tiễn đưa những người nghèo khó đến thăm cha cũng như tiễn đưa những vị ân nhân đã giúp đỡ công cuộc của cha. (EV. Trang 209). Cha không uống rượu với họ dù họ thành thực và khẩn khoản mời. Cha không nhiễm phải cái óc giai cấp vì Linh mục là Linh mục của mọi người . Nhưng cha sống như họ, cùng chịu cảnh bấp bênh vè ngày mai như họ, cha cảm thông nỗi kổ cũng như niềm vui của họ. Thế nên cha được những người nghèo và dân thợ quen biết và yêu mến kính chuộng. Họ sung sướng và hiên ngang trao đổi vài lời với cha ở ngoài phố, siết tay cha và có khi còn sung sướng mời cha một ly rượu – dĩ nhiên là không bao giờ cha nhận lấy ly rượu ấy – nhưng sự thành thưục mời mọc này tỏ ra họ có cảm tình với cha dường nào (EV. Trang 207).

Làm nhẹ bớt đau thương.

Cha Chevrier ở giữa quần chúng, sống như họ và cũng cảm thông và khoan dung với họ. Chúa Giêsu đã làm như thế. Ai nghĩ rằng quần chúng chỉ sống cho cái bụng của họ là lầm và sỉ nhục họ hết chỗ nói. Thường những tấm lòng tốt lại hay nảy nở giữa đám thợ thuyền hơn là nơi những trưởng giả. Nhưng pải biết lòng người. Muốn thế phải thực tình yêu họ.

Cha Chevrier đã nói về tình thông cảm như là nền tảng đức ái . « Những kẻ lãnh đạm hay thờ ơ trước những đau thương của những người khác thì không thể có đức ái » (VD trang 399). Trong cuốn « Véritable Disciple » có dành riêng một chương nói về việc học tập đức hiền hoà (VD, trang 345-354).

Nhưng tâm tình lại càng được bảo chứng bởi việc làm. Chúa Giêsu đã cảm thương dân chúng, đã chữa bệnh tật cho họ, đã cho họ ăn no nê. Cha Chevrier cũng làm như Chúa, nhưng cha dè dựt và kín đáo đến nỗi chỉ sau khi cha khuất đi ta mới biết được qua lời người thụ ân cha kể lại :

-Cha đã tìm việc cho chồng tôi, một chỗ cho con gái tôi. Không có cha chúng tôi đến chết đói. Cha đã trả tiền học nghề cho con trai tôi, cha thật là tử tế (VN. Trang 563).

Quy tắc của cha là : « Ta hãy thi hành đức bác ái với mọi người xin ta… Đừng bao giờ chối từ giúp đỡ bất cứ ai, hãy tự coi mình là đầy tớ mọi người vì lòng bác ái » (VD trang 312). Nên chú trọng đến tiếng « Bất cứ ai ». Bác ái đạo Công giáo không phân biệt người tín hữu với người ngoại đạo. Làm việc bác ái mà không mong những kết quả tông đồ. Giúp đỡ vì lòng tốt chứ không phải để được một cái gì dù là để họ theo đạo. Cha chúng ta ở trên trời đã làm mưa xuống cho cả kẻ lành người dữ » (VD trang 394, Mt 5,45).

Đời sống của vị tông đồ

Chứng minh chúa Giêsu :

Cha Chevrier nhìn ngắm Chúa Giêsu và cha nhận thấy rằng : Chúa Giêsu đã thực hành tất cả những điều Người giảng dạy. Cha cũng sẽ làm như thế : Cha muốn dùng chính đời cha để chứng minh Chúa Giêsu.

Thi hành đức bác ái là chứng minh Chúa Giêsu, nhưng chưa đủ. Đúng thế, ngoài đạo Công giáo cũng có những sáng lạn về đức xả kỷ vô tư.

Vậy chúng ta phải làm phép lạ ư ? Làm phép lạ chúng ta chưa có năng lực. Vả lại gương phúc âm còn đấy cho ta thấy rằng phép lạ cũng không đủ : « dù Chúa đã làm nhiều phép lạ trước mắt họ mà họ vẫn không tin Người » (Gn 12,37). Đành rằng phép lạ có một giá trị hộ giáo không thể chối cãi được, nhưng cũng đòi người chứng kiến phải có thiện chí. Các phép lạ cần thiết để đóng ấn vào sứ mạng Chúa Kitô và ta phải luôn luôn thuyết minh về phép lạ có thật và có giá trị . Nhưng ta phải làm cho thiên hạ đến nghe ta giảng và có thiện chí đón nhận điều ta giảng thuyết.

Cha Chevrier trình bày một phương pháp đã đem lại t hành công cho Thánh Gioan Tẩy giả trong việc thu hút quần chúng. Phương pháp đó Thánh Phao-lô đã dùng trong suốt đời tông đồ của ngài : đó là gương mẫu một đời sống thanh bần, hy sinh và tận tụy.

Đời sống đó sẽ thể hiện Lời Chúa nói trong Phúc âm : « Các con là ánh sáng thế gian ». Vậy ta phải chiếu giãi trong thế gian ánh sáng của chúng ta tức là gương sáng và nhân đức của chúng ta. Ta phải thực hành những nhân đức xung khắc với tật xấu của đời. Đời càng hư đốn ta càng phải dọi vào mắt họ những tia sáng nhân đức và lôi cuốn họ bằng chính lời nói và nhật là bằng gương mẫu đời sống của ta. Đời càng đua đòi xa hoa, phù phiếm, ta càng phải yêu mến và thực hành đức khó nghèo. Đời càng ưa lối sống dễ dãi ươn hèn, ta càng phải chiếu giãi đức hy sinh thống hối. Bác ái – Tận tâm – Hy sinh. Đời cần phải thấy được việc làm của ta.

-Nếu các người không tin lời Ta nói thì hãy tin việc Ta làm, Chúa Giêsu phán với những ngời Do thái.

Ước mong ta cũng có thể nói như thế và tỏ ch ộ biét việc làm của ta để khiến họ tin và trở lại.

Hãy xem tôi nghèo khó chừng nào.

Hãy xem tôi đã bị đóng đinh vào thập giá.

Hãy xem tôi lặng thinh không kêu ca, không nói nửa lời để anh em ăn uống tôi hco no thỏa. (VD trang 99)

Như thế là cha Chevrier muốn tìm một cái gì thay thế cho phép lạ. Cái đó chính sự thánh thiện nơi một người đã biế trở nên khó nghèo, khổ hạnh và nên của ăn cho người đời. Sống thánh thiện được ở cái đời nhớp nhơ tội lỗi này mà không phải là phép lạ sao ? Phép lạ đó, cha đã đòi buộc các con cái cha phải cố gắng thực hiện để có thể hoàn thành công tác đã ủy thác cho họ.

Phương pháp ấy có chung cho công cuộc tông đồ hay chỉ dành riêng cho một hội nào ? Ta phải phân biệt : màu hoa thánh thiện có thể khác nhau nơi các Linh Mục, nhưng Linh mục nào cũng phải chung một việc là bắt chước Chúa Kitô cả trong lẫn ngoài. Đức Piô XI đã long trọng ngự phán : « Linh mục mục phải sống thế nào để có thể áp dụng vào mình câu nói của thánh Phao-lô : « Anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Chúa Kitô ». Phải sống như một Chúa Kitô thứ hai, Đấng đã soi sáng và còn soi sáng thế giới bằng ánh nhân đức của Người » (Ad catholici, Ed. Bonne Presse trang 18. Xem Giáo Luật đoạn 124).

Do đó nảy ra luật sống cho Linh mục, luật sống mà cha Chevrier đã để lại trong cuốn « Véritablé Disciple » : « Linh mục không buộc phải khép mình vào những quy tắc lịch sử của đời, nhưng ngài phải làm vinh danh Thiên Chúa trong thân xác nghĩa là phải biểu trưng Chúa cho đời, trong lời nói, trong việc làm, trong ánh mắt, nói chung, trong toàn thể con người của ta, vì toàn thể con người của ta phải là hiện thân Chúa Kitô » (VD, trang 159).

Đừng gây trở ngại cho Phúc âm

Đời sống Linh mục chứng minh Chúa Kitô, nhưng cũng có thể làm mất ít ra một phần hiệu lực nêu Linh Mục còn để một hai lối xử nào khiến cho người ta xa Chúa Kitô và ngăn cản họ trở lại. Không đủ, nếu chỉ cố tránh những lỗi lầm gây gương xấu – điều bó buộc phải tránh – một linh mục đích thực của Chúa Kitô, ngoài ra, còn phải tha thiết làm tiêu biến tất cả nhừ gì ngăn cản người ta trở lại. Đó là nguyên tắc của thánh Phao-lô : « Chúng tôi chịu đựng tất cả để khỏi gây trở ngại cho Chúa Kitô » (I Cor 9,12). Ngài cũng nói : « Nếu ăn thịt mà nên dịp sa ngã cho anh em tôi thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt để khỏi nên dịp cho họ sa ngã » (I Cr 8,13).

Cha Chevrier cũng có một mối bận tâm như thế. Sống giữa đám thợ, cha rất quen những vấn nạn của giới bình dân. Họ không tin Linh Mục giữ được đức trinh khiết. Vì thế cha muốn phòng khách phải ghé kính ; cha cũng không muốn cho nữ giới giúp việc ở xứ đường (VD trang 146). Họ không tin các linh mục sẵn lòng hy sinh.Vì thế cha muốn ăn uống đạm bạc (VD. Trang 138-147). Cha cấm hút thuốc (VD. Trang 146). Họ không tin Linh mục làm việc cách vô vị lợi. Vì thế cha muốn được bề trên cho phép từ chối ngoại bổng (VD 248-290). Cha biết rõ cha có quyền nhận, nhưng cha muốn được phép từ chối. Cha biết rằng linh mục mà hay yêu sách thì hại lớn cho công việc tông đồ.

« Những yêu sách của Linh mục trong thánh đường, trong chức vụ làm cho dân chúng chán ghét và đưa họ xa Chúa và Giáo hội. Nếu ngày nay người ta cũng đạo đức tốt lành như giáo hữu thời xưa thì không có gì khó khăn, vì giáo hữu lấy làm vui sướng được làm tròn nhiệm vụ giúp đỡ linh mục và họ vui lòng làm nhiệm vụ ấy khi Linh mục đã chu toàn thánh vụ.

« Nhưng yêu sách nỗi gì với những người khô khan, với những người đã khinh dể Linh mục , coi Linh mục như một người hà tiện, một người ăn bám… ? Yêu sách nỗi gì, với những người chỉ đến nhà thờ ba bốn lần vào dịp lễ cưới, rửa tội, an táng, và với những người, có khi vào đến nhà thờ thì lại phải nghe chính Linh mục thở ra những giọng kể ân kể nghĩa ? …

« Làm thế chẳng qua là đẩy họ xa nhà thờ và thay vì vui vẻ từ biệt Linh mục mang theo thiện cảm thì họ lại vừa đi khỏi vừa nguyền rủa và gọi ngài là « Linh mục tiền » (VD. Trang 290).

Nói cho đúng , lập luận của cha không đưa đến chỗ phải triệt tiêu ngoại bổng, nhưng chỉ đưa đến chỗ cần phải triệt tiêu yêu sách. Triệt tiêu những yêu sách đó là quy tắc chung của Giáo hội. Nhưng gia thôi hẳn đi thì thật là giản tiện.

Nói tóm lại, những Linh mục muốn cho công cuộc tông đồ mình rập khôn với đời sống tông đồ của Chúa Kitô thì phải luôn luôn lưu ý tránh hết sức những hành vi khiến người ta xa Chúa.

Giảng Lời Chúa :

Bây giờ là lúc Linh mục có thể gieo rắc lời Chúa. « Chúng tôi coi việc giảng dạy như là nhiệm vụ trọng đại nhất, nhiệm vụ căn bản của thiên chức chúng tôi » (VD. Trang 433). Cha còn nói : « Giảng là sứ mạng quan trọng nhất và vượt hết mọi sứ mạng, phải giảng rồi mới rửa tội, phải giảng rồi mới giải tội để hoán cải, soi sáng và giáo hóa. SỨ MẠNG CĂN BẢN, KHÔNG CÓ NÓ, TRÊN ĐỜI KHÔNG CÓ GÌ HẾT » (EV. Trang 426).

Làm gì thì làm, nhưng cái cốt yếu của việc tông đồ không thể đổi khác được. Cái cốt yếu đó, thánh Phêrô đã vạch rõ : « Chúng tôi sẽ hoàn toàn chú trọng đến việc cầu nguyện và nhiệm vụ giảng thuyết » (Act 6,4).

Có những Linh mục suốt đời chỉ làm công việc cày bừa ruộng Chúa. Cái đó rất tốt. Nhưng nếu các ngài không gieo lấy thì lấy gì mà gặt ?

Có những vị khác lại đặc biệt chú trọng đến việc thực hành là lo cho con chiên chịu Bí tích, dự thánh lễ. Nhưng nếu họ có đức tin thì tự nhiên họ cũng thực hành những việc đó. Nếu không vì đức tin mà làm thì chỉ là gánh nặng, làm vì ép tình. Mà đức tin sống vì lời giảng.

Lại có những vị khác chỉ biết có tác động, coi tác động là tất cả công việc tông đồ. Đấy còn là một cái lầm, vì tác động sở dĩ có là để chuẩn bị cho việc giảng dạy hoặc là để gieo tinh thần đức tin. Cái cốt yếu không ở tại tác động.

Sau hết, có những vị tưởng rằng làm việc tông đồ là hướng dẫn giáo hữu tự tìm chân lý phải tin căn cứ vào những nhu cầu đời sống và sách Phúc âm. Cái đó hay hơn những phương pháp trước. Nhưng nếu phương pháp này có ưu điểm là kích thích chú ý và chuẩn bị tinh thần thì nó cũng không miễn cho Linh mục khỏi dạy giáo lý cách trực tiếp. Có ai đã từng thấy thánh Phaolo chỉ chủ toạ một lớp học tập mà không thông truyền cho họ sự mầu nhiệm không ? Hẳn là không. Không một phương pháp tông đồ nào đã được thừa nhận trong Giáo Hội nếu phương pháp ấy không giữ lấy việc giảng dạy, dưới hình thức này hay hình thức khác như là nhiệm vụ căn bản.

Nhưng không nên lầm lẫn việc giảng dậy với bài giảng ngày Chúa nhật. Giảng là gieo Lời Chúa vào các linh hồn. Là Linh mục, chúng ta phải giảng hàng ngày (VD. Trang 434), và chúng ta phải giảng trong bất cứ dịp thuận tiện nào, bất cứ nơi nào chúng ta thấy lời giảng có thể gây được chút ảnh hưởng (VD. Trang 435).

Lời Chúa quan trọng như vậy nên phải liệu cho mọi người có thể nghe biết. Cha trối lại cho con cái cha những lời này : « Nếu có thể chúng ta sẽ đi dạy giáo lý trong các thôn xóm để đưa về cho Chúa những người xa chúng ta. Như thế là bắt chước các tông đồ đã giảng « công khai và từng nhà » (VD. Trang 508).

Qua mấy trang trên đây chúng ta đã nắm được cái cốt yếu của việc tông đồ : cầu nguyện và hy sinh để kéo ơn Chúa xuống ; hòa mình vào đại chúng và làm nhẹ bớt nỗi đau thương của họ ; lấy đời sống biểu trưng Chúa Kitô ; cất những trở ngại làm tắc nghẽn Lời Chúa. Sau hết trên mảnh đấy đã dọn sẵn và phì nhiêu vì ân sủng này ta hãy gieo Lời Chúa. Những gì khác chỉ là tùy tòng.

Thấy giáo dân sa sút, nhiều vị Linh mục nhiệt tâm muốn nâng cao tinh thần họ, nên hăm hở áp dụng nhiều phương pháp tông đồ hoặc do sáng kiến của các ngài, hoặc do sáng kiến của những Linh mục khác. Điều đó rất tốt. Nhưng ta cũng nên ngừng lại một đôi khi để nhận định xem còn đứng vững trong điều cốt yếu của việc tông đồ hay đã đi ra ngoài lề.

Nếu ta quá chú trọng đến việc xây cất những thánh đường lộng lẫy nguy nga ta nên lưu ý lời cha Chevrier : « Hãy đặt một linh mục thánh trong một nhà thờ gỗ bốn bề lộng gió, ngài sẽ lôi cuốn và hoán cải nhiều người hơn là Linh mục tầm thường trong một nhà thờ bằng vàng. Ngày nay người ta chú trọng đến việc làm nhà thờ cho đẹp hơn là việc làm cho giáo hữu nên thánh. Chỉ vì làm nhà thờ đẹp thì dễ hơn làm cho giáo hữu trở nên thánh » (VD. Trang 254).

Vả lại chính các vị sáng lập các phong trào đạo đức, các hội đoàn hưng giáo đều nhấn mạnh vào sự cần thiết phải lấy đời sống thấm nhuần tinh thần Phúc âm làm hồn cho mọi kỹ thuật tông đồ. Vậy mà nhiều khi trong thực hành , người ta đã hy sinh rất nhiều cho kỹ thuật mà quên lãng cái cốt yếu, khiến cho giáo hữu nhiều khi phải phàn nàn vì không tìm được nơi các Linh mục sức sống cần thiết cho họ. Cho nên, là Linh mục , chúng ta hãy thật là chuyên viên về phương diện siêu nhiêu.

Để kế tluận, chúng tôi xin dùng chính lời Cha Chevrier : « Vậy ta đừng quá chú trọng vào những việc bên ngoài. Hãy lợi dụng nó nhưng đừng mặc cho nó một tính cách quan trọng. Đừng lấy tùy làm chính, lấy gạch đã làm nhân đức, lấy những đồ trang hoàn (kỹ thuật) làm hơn sự thánh thiện » (VD. Trang 265).

Martha, Martha, sollicita es est turbaris erga plurima !

Thư Viện Đ.C.

Đánh Máy lại, Phục Sinh 2009

Trao tặng các LM Việtnam…