PDA

View Full Version : PHÂN BIỆT CẢNH MA HAY CẢNH THẬT



Sông Xanh
04-20-2009, 07:23 PM
http://farm2.static.flickr.com/1198/529952772_98db103237.jpg

Water Lily @ Golden Gate Bridge, San Francisco, photo by Whisperbee

NIỆM PHẬT THẬP YẾU
HÒA THƯỢNG THÍCH THIỀN TÂM

Đọc @: http://www.thuvienhoasen.org/u-niemphattapyeu-00.htm

Nghe @: http://www.adidaphat.net/phapam/phapam_details.asp?cd_id=8

Trích ra một phần:

PHÂN BIỆT CẢNH MA hay CẢNH THẬT

Biện Ma Cảnh như trên đã nói, người niệm Phật có khi thấy các tướng song lại là ma cảnh; điều này chỉ cho trường hợp nhân quả không tương ứng. Chẳng hạn như người đang quán tướng Phật, hốt nhiên thấy tướng mỹ nữ. Kẻ tinh tấn niệm Phật mong thấy thắng cảnh ở Tây Phương, song chợt thấy một vùng nhà cửa ô tạp, nam nữ cùng loài súc vật đi qua chạy lại lăng xăng. Người mong thấy hoa sen báu, nhưng bỗng thấy một cỗ xe nhỏ. Do nhân quả không hợp nhau như thế, nên biết là cảnh ma. Có năm trường hợp để phân biệt là cảnh ma hay cảnh thật như sau:

1. Các cảnh nhân quả không phù hợp, quán tướng này song thấy tướng khác, cầu cảnh nọ mà lại hiện cảnh kia, như trên đã vừa nói. Và lại, cảnh hiện ra không giống như trong kinh diễn tả, đều là cảnh ma.

2. Chư Phật, Bồ Tát tâm từ bi trong sạch, cho nên dù hiện tướng quỷ thần đến thử thách, ta vẫn cảm thấy an nhiên thanh tịnh. Trái lại, bản nghiệp các loài ma là phiền não hiểm ác, nên dù hiện tướng Phật đến khuyên dạy, ta tự cảm thấy xao động nóng nảy không yên.

3. Ánh sáng của Phật làm cho ta cảm thấy êm dịu mát mẻ, lại không có bóng, không chói mắt. Ánh sáng của ma làm cho ta chói xót đôi mắt, bứt rứt không yên, và có bóng. Cho nên Kinh Lăng Già nói:

Phật địa là tối thắng
Trong sạch mầu trang nghiêm
Chiếu hiệu như lửa hừng
Ánh sáng đến khắp nơi
Rực rỡ không tổn mắt
Xoay vần độ ba cõi.

4. Lời thuyết pháp của Phật, Bồ Tát hợp với kinh điển, thuận theo chân lý. Lời của ma trái lẽ phải, không đúng với kinh Phật đã chỉ dạy.

5. Khi thắng tướng hiện ra, muốn khảo nghiệm, hành giả chỉ chánh ý tụng Bát Nhã Tâm Kinh, hoặc nhiếp tâm trì chú, niệm Phật. Nếu là thánh cảnh, càng niệm lại càng rõ ràng, vì vàng thật không sợ lửa. Nếu là ma cảnh, trì niệm một hồi nó liền ẩn mất, bởi tà không thể lấn chánh.

* Phải lấy cả năm điều như trên để xét nghiệm, chớ không thể chỉ một hai điều. Vì có những thiên ma hoặc thần tiên theo ngoại phái, muốn dắt dẫn ta hướng về đường lối của họ, nên giả hiện tướng Phật, Bồ Tát để thuyết pháp. Tuy môn tu của họ không phải là con đường cứu cánh giải thoát, song họ có nghiệp lành, hoặc sức Thiền Ðịnh khá cao, nên hào quang phát ra cũng làm cho ta được mát mẻ êm dịu. Lại lối thuyết pháp của họ đôi khi cũng khuyên làm lành giữ giới, ăn chay niệm Phật, song có một vài điểm sai khác không hợp với kinh Phật, phải nhận định kỹ và phải hiểu giáo lý mới biết được. Chẳng hạn như họ cũng khuyên ăn chay niệm Phật, nhưng lại dạy phải vận hành câu niệm Phật khắp châu thân gọi là "chuyển pháp luân" để khai thông mạch Nhâm, Đốc, và mở Nê Hoàn Cung. Đây là lối thuyết pháp của hàng ma ngoại đạo. Hoặc có loài ma hiện ra tướng cao tăng bảo: "Phật đồng, Phật xi măng không độ được nước, vì xuống nước phải chìm; Phật tượng, Phật gỗ không độ được lửa, vì gặp lửa phải bị cháy; chỉ có Phật tâm mới không bị vật chi làm hoại. Tu được Phật tâm thanh tịnh thì không cần tu thân và khẩu; cho nên dù ăn thịt uống rượu, có vợ con cũng vô hại. Lối tu thân và khẩu như giữ giới, ăn chay, tụng kinh, trì chú, niệm Phật, là những cách khổ hạnh bó buộc vô ích." Đây là lời thuyết pháp của hạng tinh mị lâu năm, hoặc loài ma ái dục. Có những hạng ma ngoại đạo công năng tu khá cao, có thể dùng sức Thiền Ðịnh gia bị, khiến cho hành giả thân tâm được an định trong vòng bảy ngày, hoặc hai mươi mốt ngày. Nhưng lối thuyết pháp của họ không siêu thoát, kết cuộc chỉ trong vòng ngã chấp.

* Cổ đức đã bảo: "Thấy ma không ma, ma liền tự hoại; thấy quái không quái, quái liền tự bại." Câu này có nghĩa: nếu thấy ma quái mà lòng không xao động sợ hãi, giữ chánh niệm được vững vàng, hoặc chí tâm niệm Phật, loài ma quái ấy không làm chi được, sẽ tự bỏ đi. Chẳng những khi thấy ma quái phải như thế, mà dù cho lúc tu hành được một phần kết quả, hay thấy thắng tướng, cũng đừng nên quá bi cảm, kinh ngạc hoặc vui mừng. Ví như ta có hạt châu làm rớt dưới đáy hồ, vì nước đục nên dò kiếm mãi vẫn mất tích. Nay nước lắng trong lại tìm thấy được, hạt châu ấy nguyên là của đã có, việc chi đến đỗi phải kinh ngạc, vui mừng? Người tu nếu tâm không bình tĩnh, quá bi thương, tất bị loài bi ma ám nhập làm cho thương khóc mãi chẳng thôi. Như quá vui mừng, cũng bị loài ma hoan hỷ ám nhập, làm cho cười mãi như điên cuồng. Lại, hành giả niệm Phật tuy cũng mong được thấy thánh cảnh, nhưng đừng quá mơ tưởng ước ao, bởi niệm tức là đã cầu rồi. Nên giữ tâm trạng điềm tĩnh, "cầu mà không cầu, không cầu mà cầu", mới không bị sự cầu mong làm xao động. Cứ chí tâm niệm Phật, lâu ngày niệm lực thanh tịnh đạo cảm ứng giao thông, tất thấy được thánh cảnh. Nếu mãi để lòng mong ước, đó tức là vọng tưởng, ma sẽ thừa cơ len lỏi vào để phá hoại.

* Vào khoảng Thanh mạt bước sang thời Dân Quốc, ở Trung Hoa có ông Ngụy Tịch Phủ vốn là thiền hữu của cư sĩ Dương Nhân Sơn, Ngụy Tịch Phủ tu tập Thiền Ðịnh gần ba mươi năm, một hôm bỗng được Thiên Nhãn Thông. Ban sơ, ông thấy những vật ngoài tường vách, kế lại thấy rõ những việc xung quanh vài ngoài mươi dặm như ở trước mắt. Biết mình đã đắc Thiên Nhãn, ông rất kinh ngạc vui mừng! Ban đầu chỉ thấy thôi, sau lại nghe rõ cả tiếng người và cầm thú ở ngoài xa. Đó là Thiên Nhĩ Thông tùy theo phát hiện. Lần hồi những sự vật ngoài mấy ngàn dặm, cũng đều thấy nghe được. Sau đó những việc chưa phát hiện, ông vẫn thấy nghe và hiểu biết rõ ràng. Đây là cảnh chứng của Túc Mạng Thông. Bấy giờ phe đảng của Hồng Tú Toàn thuộc nhóm Thái Bình Thiên Quốc chưa khởi sự đánh Thanh triều, nhưng Ngụy Tịch Phủ đã thấy trước chiến cuộc xảy ra ở Quảng Tây lần hồi đến Tô Châu, nhơn dân chết vô số. Bởi mục kích nhiều trạng thái chết chóc rất thê thảm, ông quá xúc động, gặp ai cũng thương khóc bảo: "Đại loạn sắp đến nơi rồi, dân chúng sẽ bị tàn lục khổ sở đáng thương xót, biết làm sao?" Lúc đó mọi người nghe ông nói thế, ai cũng cho là điên. Cư sĩ Dương Nhân Sơn bấy giờ ở kinh sư thường gần gũi ông, nên biết rõ việc ấy. Kế đó giặc xảy ra thật. Đến khi loạn bình rồi, Dương Nhân Sơn cư sĩ gặp Ngụy Tịch Phủ ở Dương Châu mấy lần, thấy ông vẫn còn khóc lóc. Sau Nhân Sơn gặp cư sĩ Đinh Phước Bảo, trần thuật lại sự việc và nói: "Đó là cảnh bi ma ám nhập. Phàm người tu đến lúc đắc lực, Thiên Nhãn Thông ngẫu nhiên phát hiện, nên soi về tự tánh, đừng để cho sắc trần làm lay chuyển. Nên biết các thần thông ta vẫn sẵn có, không nên quá mừng rỡ kinh ngạc cho là sự lạ kỳ."

* Trong Trúc Song Tùy Bút Lục, Liên Trì đại sư có thuật lại câu chuyện:

- Một thiền sư cất am tu gần khe suối. Đêm nọ đang lúc tĩnh tọa, sư nghe thấy hai con quỷ ngồi bên bờ suối nói với nhau rằng: "Ngày mai vào lúc xế chiều, có người đội mão sắt đi qua cầu suối này, tôi sẽ dìm cho chết đắm để thay thế." Con quỷ kia bảo: "Mừng giùm anh sẽ được thoát ly, tôi còn phải chịu lạnh lẽo chờ đến hai năm sau mới có người thế mạng." Thiền sư nghe xong lưu ý. Trưa hôm sau, một trận mưa to đổ xuống, nước dâng ngập cả suối cầu. Xế lại mưa còn lâm râm, quả nhiên có người đầu đội cái chảo gang, lần dò muốn vượt qua cầu suối về nhà. Sư liền đón lại thuật rõ sự việc nghe thấy. Người này cả kinh quay trở lại. Tối hôm đó, thiền giả nghe con quỷ nói: "Sắp được thoát ly mà bị ông thầy tu này phá hoại, đêm nay tôi phải báo thù mới được!" Sư nghe xong, liền nhiếp tâm nhập chánh định, thấy quỷ ra vào và đi xung quanh am mấy lượt như có ý tìm kiếm. Do sức chánh định, quỷ tìm mãi không thấy được thiền sư, sau cùng chán nản bỏ đi.

Trên đây là hai câu chuyện "bi ma" và "khước ma". Xin ghi lại cho chư liên hữu thêm phần ý thức trên đường tu niệm.

gioidinhhue
04-26-2009, 12:42 AM
Hỏi:
Theo người đó thì tất cả các Phật đều có thể bị giả? Kể cả Phật A Di Đà cũng có thể bị giả? Và nếu 1 ví dụ có 1 nhà sư đã nhìn thấy Phật A Di Đà hiện ra, nhưng sau đó thì phát hiện là giả. Theo anh nói thì Phật A Di Đà không thể nào bị giả? Thế nào là đúng?

Trả lời:

Phật nào ma cũng có thể giả được cả, đúng đó. Nhưng nếu tâm thanh tịnh, chân thành, chí thành niệm A-di-đà Phật cầu sanh tịnh độ thì không ai còn có thể giả Adiđà Phật gạt hành giả được!

Một nhà sư nhìn thấy Adiđà Phật hiện ra nhưng sau đó phát hiện là giả thì chắc chắn vị đó không phải là người chân chính tu tịnh độ, chắc chắn không phải người chuyên nhất tu theo pháp môn niệm Phật.
Giả như người đó có niệm Phật thì chắc chắn không phải niệm Phật Adiđà, nếu có niệm Adiđà Phật thì chắc chắn niệm không thành tâm, không chí thành chí thiết. Mà giả như có thành tâm niệm Adiđà Phật thì sự thành tâm này nhằm vào việc cầu phước, cầu chứng đắc, cầu thần kỳ diệu lý nào đó chứ không phải niệm Adiđà Phật để cầu vãng sanh Tây phương cực lạc.

Nếu không thuộc vào các dạng trên, thì người niệm Phật này chỉ là người niệm thử, muốn trắc nghiệm thử coi pháp niệm Phật có hay ho gì không? Lấy tâm nghi ngờ lời Phật dạy mà niệm Phật chứ không phải thực tâm niệm. Nói chung, đã thiếu Tín, thiếu Nguyện, thiếu Hành trong việc niệm Phật. Tín Nguyện Hạnh đều thiếu thì niệm Phật này là hình thức niệm, là miệng niệm chứ không phải là tâm niệm! Giả niệm thì phải chịu giả cảnh, hay nói rõ hơn là Ma cảnh vậy!

Phật vô hình tướng. Nghĩa là, Phật không còn hình này hình nọ nữa. Hoàn toàn không phải là những sản phẩm của các nhà họa sĩ vẽ ra đâu! Nhưng vì phương tiện thiện xảo để cho chúng sanh có chỗ nương dựa, nên chư Tổ Sư mới vẽ lên cho chúng sanh thờ cúng, tôn kính. Sau này rất nhiều hoạ sĩ khác cũng theo đó phát tâm vẽ Phật, tạo tượng Phật, tạo ra nét trang nghiêm nhất để đáp ứng nhu cầu cho chúng sanh, cho các tự viện, chùa chiền. Chứ thật ra Phật đâu phải có hình dáng như vậy! Phật Bồ tát đâu còn tướng người, tướng người nam, tướng người nữ, đàn ông, đàn bà gì nữa...
Phật tại tâm! Khi tâm chân thành, thanh tịnh, không loạn động thì chơn tâm hiển lộ, Phật tự chơn tâm hiển hiện, đó gọi là Giác.

Khi chơn Phật hiển hiện đâu phải là hình Phật hoặc tượng Phật hiện ra!

Một người bảo rằng thấy Phật, nhưng thật ra họ thấy tượng Phật, hình Phật vẽ, toàn là sản phẩm của các nhà hoạ sĩ, chứ có Phật nào lại trắng xanh vàng đỏ... do người hoạ sĩ chỉ định đâu? Nếu lúc người thấy đó, mà tâm hồn vọng tưởng, hồ nghi, hiếu kỳ, cống cao, tự đắc, cho mình là đúng ... thì những hình ảnh đó sẽ toàn là hư huyễn! Nếu tâm không lấy lại sự thanh tịnh, thì những hình ảnh hư huyễn đó sẽ tiếp tục hiện ra để thỏa mãn cái tâm vọng động, phân biệt, chấp trước!
Tất cả đều do tâm hiện. Nếu tâm đang hồ nghi, cao ngạo, thiếu thành kính, không tin lời Phật dạy... thì làm gì có chơn Phật hiển hiện. Thì những hình ảnh vừa thấy đó chỉ là cái hình vẽ, những cái bóng trong tâm, bất chợt vừa bắt gặp hoặc lưu trữ trong tiềm thức, nó hiện ra đáp ứng ngay cái tâm đang vọng tưởng đó thôi chứ làm sao có Phật trong đó.
Ví dụ cụ thể, một người mong cầu thấy Phật, ngày ngày đều cầu mong thấy được Phật, thì một thời gian sau họ sẽ thấy Phật hiện ra, nghĩ tới hình Phật nào thì hình đó hiện lên, hiện hoài thành thói quen, thành tập khí, thành một thứ phản xạ... Hễ họ nhắm mắt lại là Phật hiện ra liền. Cộng thêm vào đó, có một chút lòng thành, mê chút thần thông, thèm một chút chứng đắc, thì chẳng bao lâu họ thấy chứng đắc ngon lành liền, thấy mình cao hơn thiên hạ, thấy mình đã chứng đắc thực sự, đã thành đạo rồi!!!
Dạng người này thế gian đâu phải thiếu! chính vì thế, chúng ta vẫn thường nghe thấy có người tự khoe rằng mình đã chứng đắc này, chứng đắc nọ, nói ra những điều thật là thần kỳ vi diệu. Nhưng quí vị cứ để ý thử coi, sau đó họ sẽ như thế nào?

Có một số người tu hành sau một thời gian bị trở ngại, bị rối loạn tâm thần, khi đưa đến gặp HT Tịnh Không, Ngài hỏi, "có phải trước đây bạn thích thần thông, thích chứng đăc lắm phải không?"...

Nhiều người sơ học, không phân biệt được đâu là chơn đâu là giả, đâu là chánh đâu là tà, cứ thấy lạ lạ, hay hay thi nhào vô, thì hãy mau mau tự hỏi "có phải mình thích thần thông, thích chứng đăc lắm phải không?"... Rồi hãy tự phản tỉnh và tự giải quyết lấy!!!

Trong kinh A-di-đà, Kinh Vô lượng thọ, kinh Quán vô lượng thọ, Phật dạy người thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh, thì khi lâm chung Adiđà Phật cùng chư Thánh chúng sẽ hiện ra trước mặt người đó tiếp dẫn họ về Tây Phương Cực lạc. Nếu lời thề của Phật đã như vậy rồi, nếu người chí thành chí kính niệm Adiđà Phật cầu sanh Cực lạc mà sau cùng Adidà Phật còn phải bị giả thì chúng sanh còn chỗ nào nữa để dựa? Thì kinh Phật phải bỏ đi sao? Thì lời Phật không còn giá trị nữa sao? Thì Adiđà Phật không đủ khả năng giữ trọn lời thề nữa sao? Thì 48 lời nguyện của Phật Adiđà chẳng lẽ Phật thề cho vui chốc lác sao? Thì hệ thống Phật giáo đến thế kỷ thứ 21 này sẽ bị tiêu diệt rồi sao?

Chắc chắn không có chuyện này đâu. Chuyện này, nếu có thì ít ra cũng còn tới 9 ngàn năm nữa mới xảy ra. Ngày nay, có gì đi nữa cũng chẳng qua là mới bắt đầu mớm lần đó thôi!

Ai mớm vậy? Chướng ma tìm mọi cơ duyên đả phá chánh pháp. Tà phái ngoại đạo đang phát triển lấn qua chánh pháp. Chúng sanh thiếu thiện căn phước đức không tin lời Phật dạy.

Vậy thì, nếu là người Phật tử chân chánh mau mau phải trở về đúng kinh Phật mà y giáo phụng hành, có vậy mới mong ngày thoát nạn.

Như vậy, nhưng tâm vọng động, cao ngạo, không chân thành họ thấy gì thấy kệ họ. Người niệm Phật phải nhất tâm tin tưởng vào lời Phật dạy, phải quyết lòng niệm Adiđà Phật cầu sanh Tịnh độ. Khi lâm chung không được theo một ai khác, chỉ quyết cầu Adiđà Phật lai nghinh tiếp dẫn là an toàn vãng sanh. Khi lòng chân thành, chí thành, chí thiết niệm Phật, quán chiếu vào một tượng Phật trước mắt mình mà niệm. Tâm ta thành khẩn coi đó là ảnh tượng của đức Adiđà, đây gọi là quán tượng niệm Phật, thì đức Từ Phụ sẽ tùy theo tâm của ta mà biến hóa ra tiếp dẫn ta về Tây-phương cực lạc. Quyết định trong pháp giới này không ai dám phá cái luật tiếp độ của Adiđà Phật được cả.

Ngài Tịnh Không nói, oan gia trái chủ có thể giả dạng bất cứ Phật nào để dụ hoặc chúng ta, đây là do nhân quả của chính chúng ta gây ra thì phải chịu lấy. Nhưng không ai có thể giả đức Adiđà Phật để tiếp dẫn được. Ai phạm đến quy luật này sẽ bị chư hộ pháp trừng phạt ngay, không bao giờ tha thứ!
Như vậy, người niệm Phật mà không được vãng sanh, không được đức Adiđà tiếp dẫn là tại mình không đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh vậy! Không có tin nguyện hạnh thì có niệm Phật cũng như không!

Như vậy, một người nói, Phật Adiđà cũng bị giả đó là vì chính người thấy Phật không đủ Tín-Nguyện-Hạnh, không phải là người niệm Phật chân chính, sự tu hành của ngườ đó chính về tự lực chứng đắc chứ không phải nhị lực cầu Phật tiếp độ vãng sanh. Chính vì thế, không tương ưng với đại nguyện độ sanh của Adiđà Phật, không được hưởng sự gia trì của 48 lời đại nguyện. Họ thấy Adiđà Phật, chứ thật ra đó không phải là Hóa Thân của Adiđà Phật, mà chính là tâm vọng, tâm hồ nghi, tâm cao ngạo, tâm bất thường... hóa hiện ra giống như tấm hình "Adiđà Phật" mà hàng ngày chính họ không tin tưởng!
Tổ Ấn Quang nói, người niệm Phật thời nay vẫn bị ma gạt như thường, chính là vì Tín Nguyện Hạnh không đủ, bên cạnh tâm hồn thì cống cao, loạn động, hiếu kỳ, thích điều mới lạ... đây là cơ hội rất tốt để kết duyên với cảnh giới ma. (Xin xem thêm trong Ấn Quang văn sao)

Cho nên, người niệm Phật dù được Phật lực gia trì, nhưng xin chư vị luôn luôn phải giữ tâm chí thành, chí kính, luôn luôn phải khiêm hạ. Phải y theo lời khai thị của Ngài Ấn Quang mà tu: "...Nếu đã tu trì, phải tự hiểu công phu của ta hãy còn nông cạn, chẳng nên tự kiêu căng, khoe trương...". Có được vậy mới tránh khỏi những hiểm nạn, mà an toàn vãng sanh Tây phương cực lạc quốc.
Adiđà Phật
Diệu Âm
(15/11/2008)