PDA

View Full Version : M - Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (82)



Dan Lee
04-16-2009, 09:00 PM
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (82)

821. Tôma có lý khi cứng lòng tin.

Tôma vừa chứng kiến cái chết của Thầy mình: Thầy đã tắt thở, đã chết thật, đã được mai táng trong mộ bịt lấp bằng một tảng đá to. Thế mà các bạn lại nói với Tôma: Thầy đã sống lại rồi...Thầy đã gặp gỡ các anh em nơi nầy nơi kia...
Các bạn nầy, các anh em nầy là ai? Đó là những kẻ mà chẳng bao lâu trước đây, khi Thầy lâm nạn, không một ai trong họ dám lên tiếng bênh vực. Ai cũng sợ vạ lây nên đi lánh mặt hoặc bỏ chạy trốn. Phêrô, cầm đầu những người nầy, đã không ngượng ngùng ba lần chối Thầy một cách dứt khoát. Và khi thấy Thầy chết một cách công khai và vô cùng nhục nhã trên thập giá, những người nầy đã tỏ ra ê chề tuyệt vọng!
Như vậy thì làm sao bây giờ Tôma có thể tin được những lời của những người yếu hèn và nhát đảm như thế?

822. Chúa Giêsu không trách sự cứng lòng tin của Tôma.

Đối với Tôma, Chúa Giêsu không phiền trách gì về sự cứng lòng tin của ông. Chúa cho ông thoả mãn lòng tin thực nghiệm của ông: cho ông được xỏ tay vào lỗ đinh ở tay của Ngài và lỗ đòng đâm ở cạnh sườn Ngài. Và Chúa Giêsu chỉ nói một câu rất nhẹ nhàng để bổ túc cho sự cứng tin hợp lý của Tôma:
- “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay cho những ai không thấy mà tin.”
Có lẽ chính nhờ sự cứng tin như thế mà Tôma sau nầy sẽ tin chắc vào sự sống lại của Chúa Giêsu hơn ai hết.
Chúng ta thấy có những gương trước mắt: người nào cứng tin, nhưng một khi đã tin, thì sẽ tin rất vững. Còn kẻ nào quá dễ tin thì cũng sẽ dễ dàng mất niềm tin, hoặc cũng sẽ dễ dàng sa vào những điều mê tín hời hợt.

823. Gương đức tin của Đức Mẹ

Đức tin là nhân đức nổi bật nhất trong đời sống của Đức Mẹ.
Bà thánh Isave đã lớn tiếng ngợi khen Đức Mẹ: Phước cho Bà vì bà đã tin.
Giáo Hội tuyên xưng Đức Mẹ là Mẹ của các tín hữu, Mẹ của các kẻ tin.
Thánh phụ Augustinô quả quyết: chính đức tin đã làm cho Đức Mẹ sinh ra Đấng Cứu Thế.
Đức Mẹ luôn sống trong một đức tin thẳm sâu. Ngài luôn nhìn thấy mọi sự xảy ra trong đời mình dưới ánh sáng đức tin.
Thiên Chúa tin vào Đức Mẹ nên đã sai thiên thần Gabirie mang tin đến cho Ngài. Về phần mình, Đức Mẹ cũng tin vào Thiên Chúa nên đã cúi đầu vâng phục Lời Chúa, mặc dầu Lời Chúa phán ra quá lạ lùng và không thể nào thực hiện được theo sức loài người. Dầu vậy, Đức Mẹ vẫn nhắm mắt tin vào Thiên Chúa với tất cả mọi sự mạo hiểm, mọi điều nguy biến, mọi nỗi đớn đau trong cuộc đời.
Đức tin của Đức Mẹ không hề lay chuyển khi sinh con quá túng thiếu và khổ cực trong hang đá, cũng như khi nhìn thấy con chết tất tưởi trên thập giá.

824. Gương đức tin của các tổ phụ Dân Chúa

Sách Thánh để lại cho chúng ta nhiều gương đức tin mạnh mẽ của các tổ phụ Dân Chúa. Chúng ta hãy nhìn xem gương đức tin của ông Noê, Abraham và Môsê.
Nhờ đức tin, ông Noê đã được Chúa cho biết các điều chưa xảy ra, và vì có lòng kính sợ Chúa, ông đã được Chúa cho đóng tàu để cứu gia đình mình. Bởi đó, ông đã lên án thế gian và xứng đáng được thưởng sự công chính do đức tin ban cho.
Nhờ đức tin, ông Abraham theo lời Chúa gọi, đi đến một nơi ông sẽ nhận được làm cơ nghiệp. Ông vâng lệnh ra đi, mặc dầu ông không biết mình đi đâu. Ông cứ vững tin, mặc dầu trong trường hợp của mình, ông không còn hy vọng gì nữa. Lòng tin của ông không chút nao núng mặc dầu ông cảm thấy thân xác mình gần tàn phế vì khi ấy, ông đã ngót 100 tuổi, và vợ ông là bà Sara, cũng đã hết thời sinh con.
Nhờ đức tin, ông Môsê, khi khôn lớn, đã không chịu nhìn nhận mình là con của công chúa Pharaon. Ông thà chịu khổ với dân Israen của mình còn hơn hưởng sự vui sướng trong triều đình Ai cập. Ông lấy sự sĩ nhục vì Chúa làm quý hơn mọi châu báu của dân Ai Cập vì ông hằng nhìn xem phần thưởng dành cho mình. Ông đã từ bỏ Ai cập mà không sợ vua giận. Ông đứng vững như xem được Đấng Vô Hình.

825. Gương đức tin của thánh Phaolô

Sau khi trở lại với Chúa, Phaolô đã sống trọn vẹn đức tin của mình trong nhiều thập niên hăng say đi rao giảng Lời Chúa khắp nơi. Trước khi chết, ngài đã nói cho đồ đệ Timôtêô biết đức tin mạnh mẽ của mình: “Thầy đã chiến đấu anh dũng. Thầy đã chạy hết cùng đường và Thầy đã giữ vững được đức tin.” (2Tm 4,7) )

826. Một người cha truyền lại cho con một gia tài lớn lao nhất

Một nhà văn kia kể lại rằng:
- Mỗi ngày, ba tôi đem một tấm ván dài ra, bắt tôi dùng con dao nhỏ, rạch lên đó một cái. Chỉ có thế thôi.
Tôi thật vô cùng ngạc nhiên, nhưng ba tôi không hề hé môi giải thích.
Tôi cứ tiếp tục rạch mỗi bữa vào chỗ cũ như vậy, và cuối cùng, sau mấy trăm ngày, tấm ván đứt ra làm hai.
Bấy giờ, ba tôi vịn vai tôi mà bảo rằng: “Con thấy không. Với sự bền chí cầm con dao bé nhỏ nầy, cưa mỗi ngày một cái, con có thể làm cho tấm ván dày, đứt ra làm hai. Bao nhiêu việc đời, cũng chỉ như thế thôi. Người ta, nếu biết quyết chí mỗi ngày, làm mãi công việc mà mình đeo đuổi, thì ắt phải có ngày thành công. Đó là bài học luyện chí mà ba nghĩ là một gia tài lớn lao nhất mà ba truyền lại cho con vậy.

827. Tuy tuổi già nhưng lòng vẫn còn trẻ

Lúc về già, Voltaire vẫn giam mình cả năm trong phòng riêng để nghiên cứu thêm về vật lý và hoá học vì ông nói rằng mình tuy giỏi văn chương nhưng chưa giỏi các khoa học, thì vẫn là người còn thiếu sót. Và lúc đã bảy mươi tuổi rồi, ông vẫn mở mang đồn điền Fermey, vẫn viết sách và soạn kịch.
Clémenceau, vị anh hùng cứu quốc của Pháp, lúc về già, vẫn không để cho ngòi bút của mình khô mực, rỉ sét.
Những người như Voltaire, Clémenceau, tuy tuổi đã già, nhưng lòng vẫn còn trẻ. Trái lại, có thể có nhiều người tuy còn trẻ mà ý chí đã khô cằn. Họ an nhiên ngồi nhìn năm tháng trôi qua. Họ thở than vì mình sinh ra không gặp thời. Họ đổ thừa cho số kiếp mình không may mắn. Họ không chịu đinh ninh rằng việc gì người khác làm được, ta cũng có thể làm được vì người ta chỉ hơn thua nhau ở chỗ có ý chí, có chí khí mà thôi.

828. Phải nhẩn cường, chứ không nên thị cường.

Khi xây dựng sự nghiệp, cần phải đoàn kết rộng rãi, lắng nghe ý kiến của người khác, như vậy mới sáng mắt, sáng lòng, biết làm như thế nào và cũng biết mình còn có những khó khăn thiếu sót gì.
Trong cuộc chiến Hán Sở tranh hùng, Lưu Bang hầu như đánh trận nào thua trận nấy, nhưng chỉ một trận Cai Hạ đã làm cho Hạng Vũ phải thất điên bát đảo, lập nên Nhà Hán.
Nếu sau mấy lần thất bại mà đã nhụt chí, không dám phấn đấu, thì sao có thắng lợi?
Người thắng, lại cần phải nhẫn nại, không nên vì tạm thời thắng lợi mà kiêu ngạo, cần phải duy trì thế thắng, cố gắng hơn nữa, nếu không thì sớm muộn cũng sẽ bị thất bại.
Người thắng cũng có thể trở thành người thua, người thua cũng có thể trở thành người thắng, đó là điều thường thấy trong quá trình phát triển của lịch sử.
Lập được sự nghiệp lớn, không phải là điều dễ dàng, mà phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết để trả giá, vì thế, làm việc gì cũng cần phải thận trọng, không được qua loa đại khái, và cũng không được cậy mình mạnh, ăn hiếp người yếu, nếu không, sớm muộn cũng có một ngày mình cũng bị người khác chèn ép ức hiếp. Bởi lẽ, vì trên đời nầy, không có ai là tuyệt đối mạnh, và cũng không có người nào tuyệt đối yếu. Mạnh và yếu cũng chỉ là tương đối. Khi mạnh, cần phải tự giữ, cũng phải nghĩ tới khi mình cũng có thể bị thay thế, vì thế, cần phải nhẫn cường, chứ không nên thị cường (cậy mạnh). (3 Điều Nên Biết – Giang Văn Toàn)

829. Ôn cũ biết mới.

Khổng Tử, nhà giáo dục vĩ đại của Trung Quốc, sớm nhận ra tầm quan trọng của việc ôn tập đối với việc ghi nhớ. Ông đã chỉ ra rằng: “Ôn cũ, biết mới” và “lúc học, cũng chính là lúc ôn.”
Từ đó, có thể thấy rằng ôn tập là phương pháp cơ bản nhất để có được kiến thức vững chắc và phòng chứng hay quên.
Rất nhiều người có trí nhớ siêu việt cũng thường dựa vào việc ôn tập để gặt hái những thành công. Ví dụ như Các Mác, người có kiến thức uyên bác và nắm vững rất nhiều ngoại ngữ. F. Ănghen đã viết rắng: Mác có thói quen, cứ một khoảng thời gian sau, lại đọc lại những chỗ đánh ký hiệu trong những ghi chép và trong những quyển sách do chính ông viết để cũng cố những ghi nhớ vốn đã rất chính xác của mình.
Lý Chính Đạo, người đã đạt giải thưởng Nobel, cũng kể rằng: Khi đọc xong một đoạn văn thì tôi gặp sách lại, tự mình nhẩm lại theo mạch tư duy. Nếu nghĩ không ra thì xem lại sách, xem xem tại sao mình lại không nghĩ ra, mà người khác lại nghĩ ra.
Căn cứ theo đường quên của Ebbinghaus, thì sau khi ghi nhớ được hai mươi phút, ta lại quên mất một nữa; nếu cứ như thế trong thời gian dài thì sẽ phải học lại từ đầu.
Do đó, ôn tập kịp thời, mới có thể có được hiệu quả cao.
Học sinh trung học phải nắm lấy hai mươi phút sau khi tan học, kịp thời ôn lại kiến thức đã học một lần. Bài học ngày hôm nào thì phải ôn tập ngay ngày hôm đó. Hằng tuần, phải ôn tập lại toàn bộ. Mỗi bài học, mỗi một phần kiến thức, đều phải tiến hành ôn tập tổng kết; nửa học kỳ, phải tổng ôn tập một lần. (Để Có Trí Nhớ Vượt Trội – Phương Nga và Lam Trình)

830. Hãy giảm nhẹ gánh nặng cho trái tim.

Nếu bạn đang mong được một ai đó tha thứ, hãy cố gắng hết mình. Cuộc sống nầy quá ngắn ngủi, vậy tại sao lại phải luôn mang gánh nặng trong tim?
Thần thoại Ai Cập kể rằng khi một người chết đi, linh hồn của họ sẽ bay sang một chiều không gian khác, và ở đó, họ có thể nhìn lại cuộc đời mình.
Bản chất thật của người đó sẽ được đưa tới gặp thần Anubis, người giám sát một chiếc cân. Một bên bàn cân là chiếc lông vũ sự thật.
Thần Anubis sẽ lấy trái tim của người đó, đặt lên bàn cân bên kia. Nếu trái tim nhẹ hơn chiếc lông vũ, linh hồn người đó sẽ được tự do. Nếu trái tim nặng hơn do chất đầy những oán hận, nuối tiếc, thù hằn và ăn năn, linh hồn sẽ được gởi đi tái tạo lại.
Câu chuyện thần thoại nầy mang đến chúng ta một thông điệp sâu sắc: hãy giảm nhẹ gánh nặng cho trái tim.
Tự thương mình, chỉ là cái cớ che đậy sự ích kỷ.
Việc níu kéo quá khứ sẽ chỉ dựng nên một bức tường ngăn bản thân tiếp tục sống và tận dụng những món quà mà cuộc sống mang lại.
Hãy giải thoát bản thân mỗi người bằng sự tha thứ và yêu thương.

LM Nguyễn Vinh Gioang