PDA

View Full Version : S - Sự tinh tế của Đấng Phục Sinh



Dan Lee
04-14-2009, 07:03 PM
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH năm B

SỰ TINH TẾ CỦA ĐẤNG PHỤC SINH

Chính sự kiện Đức Giêsu Nadarét sống lại sau khi đã chết được ba ngày là biến cố thay đổi lịch sử nhân loại và là nguồn gốc của Kitô giáo. Đối với các môn đệ của Người thì cũng vẫn là Đức Giêsu ngày trước, nhưng lại khác trước vô cùng: là Đức Giêsu ngày trước vì vẫn dáng vẻ ung dung tự tại ấy cộng thêm với những dấu vết của cuộc Khổ nạn Thập giá trên thân thể Người: dấu đinh trên cổ tay (hay giữa lòng bàn tay) và dấu đòng trên cạnh sườn. Nhưng lại là một Đức Giêsu hoàn toàn khác vì: Người vào nhà mà không cần đi qua cửa và thoắt hiện thoắt biến. Cũng còn vì ơn bình an và Thánh Thần mà Người thổi vào lòng các môn đệ cùng với việc giao phó sứ mạng và việc trao ban quyền năng mới là quyền tha tội.

I. Lắng nghe Lời Chúa

1. Bài đọc 1: Cv 4, 32-35.

2. Bài đọc 2: 1 Ga 5,1-6.

3. Bài Tin Mừng: Ga 20,19-31.

II. Tìm hiểu Lời Chúa

1. Bài đọc 1: Cv 4,32-35: Là đời sống cộng đoàn tín hữu đầu tiên với những đặc điểm kỳ diệu: mọi người một lòng một ý + không ai coi của mình có là của riêng mà là của chung, nên mọi người được no đủ + các Tông đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại + Thiên Chúa hiện diện cách tỏ tường trong cộng đoàn.

Cộng đoàn này được gọi là cộng đoàn Phục sinh hay cộng đoàn của Chúa Phục sinh và là mô hình mẫu cho mọi cộng đoàn Giáo hội: nhóm tông đồ, hội đoàn, dòng tu, giáo xứ, giáo phận.

2. Bài đọc 2: 1 Ga 5,1-6: Là khẳng định của Gioan: Phàm ai tin Đức Giê-su là Đấng Kitô, người ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra….Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người… Mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng thế gian, nhờ tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.

3. Bài Tin Mừng: Ga 20,19-31: Là tường trình của Gioan về hai cuộc hiện ra của Đức Giêsu phục sinh với các môn đệ. Cuộc hiện ra lần thứ nhất là vào chiều ngày thứ nhất trong tuần. Đức Giêsu xuất hiện bất thình lình giữa các môn đệ trong căn nhà �cửa đóng then cài�. Người chúc bình an (2 lần) cho các ông, đưa tay và cạnh sườn cho các ông xem, sai các ông đi và ban Thánh Thần và quyền tha tội cho các ông. Cuộc hiện ra lần thứ hai là vào tám ngày sau. Trong cuộc hiện ta lần thứ nhất thiếu mất ông Tôma. Có lẽ vì thế mà ông trở thành �nhân vật nổi bật� của cuộc hiện ra lần thứ hai. Đức Giêsu cũng xuất hiện bất thình lình giữa các môn đệ trong căn nhà �cửa đóng then cài� và chúc bình an cho các ông. Sau đó là những lời trao đổi thân tình đầy xúc động giữa hai Thầy trò. Đức Giêsu nói: �Đặt ngón tay vào đây (lỗ đinh) và hãy nhìn xem tay Thày. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin�. Tôma thốt lên: �Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!� Và Đức Giêsu kết thúc với lời bất hủ: �Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin�

4. Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay: Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu Phục Sinh để học cách hành động hết sức tinh tế của Người!

4.1 Sự tinh tế của Đấng Phục Sinh đối với các môn đệ: Hai lần hiện ra liên tiếp trong hai tuần lễ để củng cố niềm tin của các môn đệ thân yêu, Đức Giêsu cho chúng ta thấy Người yêu thương các môn đệ như thế nào. Cả trong hai lần hiện ra ấy Người không hề nhắc một tiếng đến sự phản bội �đáng xấu hổ� của các ông trong cuộc Khổ nạn của Người. Trái lại Người ban bình an cho các ông, bình an hết sức cần thiết cho những tâm hồn còn đang lúng túng, ngờ vực và do dự. Hơn nữa, để giúp các ông nhận ra Người chính là Kẻ đã bị đóng đinh vào thập giá mấy ngày trước, Đức Giêsu đã chìa tay, vạch ngực ra cho các ông thấy dấu tích của cuộc hành hình độc ác của người Do Thái. Đức Giêsu thực hiện việc ấy một cách nhẹ nhàng, tự nhiên một cách tuyệt vời khiến các môn đệ chỉ cảm thấy niềm vui mà không cảm thấy xấu hổ chút nào. Hơn thế nữa, Đức Giêsu còn thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối đối với các môn đệ khi giao sứ mạng mà Người đã nhận từ Chúa Cha cho các ông: sứ mạng được sai đến với muôn dân. Cùng với sự ủy nhiệm đầy tin tưởng ấy Đức Giêsu trao cho các môn đệ Thánh Thần của Thiên Chúa -là món quà quí giá nhất mà Người có thể trao ban- và quyền tha tội là quyền năng của chính Thiên Chúa. Thánh Thần sẽ ở bên, ở trong các ông để các ông làm chứng cho Người, đến tận cùng thời gian. Quyền năng tha tội sẽ nằm trong tay các ông để các ông cứu vớt chúng sinh thay Thiên Chúa. Thật là quá tinh tế và tuyệt vời và chỉ có một mình Đấng Phục Sinh mới có cách xử sự như thế!

4.2 Sự tinh tế của Đấng Phục Sinh đối với môn đệ Tôma: Trong cách đối xử tinh tế của Chúa Giêsu Phục sinh dành cho các môn đệ thì Tôma được ưu ái hơn cả. Thay vì bị Chúa quở trách vì đã vắng mặt trong lần Người hiện ra thứ nhất và vì lời thách thức bộc trực: �Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin�, đàng này Tôma lại còn được ưu ái hơn ai hết: �Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin� Trước những lời nói yêu thương ngọt ngào ấy, Tôma có thể làm gì hơn là khiêm nhượng xưng tụng Thầy mình là Đức Chúa, là Chúa Trời?

4.3 Sự tinh tế của Đấng Phục Sinh đối với các Kitô hữu mọi thời mọi nơi: Lời nói của Đức Giêsu Phục Sinh �Phúc thay những người không thấy mà tin� là dành cho tất cả mọi Kitô hữu ở mọi thời và mọi nơi. Vì những người này đều là những người không thấy mà tin, vì họ không có diễm phúc được sống cùng xứ sở và cùng thời với Đức Giêsu. Đúng vậy, chúng ta tin Chúa Giêsu đã phục sinh vì chúng ta đón nhận niềm tin ấy từ truyền thống lâu đời của Giáo hội, xuất phát từ chứng từ của các tông đồ và của các cộng đoàn tín hữu đầu tiên. Truyền thống ấy đã được các vị thừa sai từ Phương Tây đến đây chia sẻ với cha ông chúng ta hơn ba trăm năm về trước. Nhưng suy nghĩ cho thấu đáo, chúng ta chẳng có gì phải phàn nàn vì giả như chúng ta được là người đồng thời với Chúa, chắc gì chúng ta đã tin Người? Con số những người thấy Chúa mà tin cũng chỉ là con số rất nhỏ, còn tuyệt đại đa số những người Do Thái dù thấy Chúa vẫn không tin. Vậy thì dường như không có mối liên hệ �đương nhiên� giữa thấy và tin. Nói cách khác thấy mà tin thì càng tốt chứ không nhất thiết phải thấy mới tin. Vả lại, thấy -bằng con mắt thịt- chưa hẳn là lợi thế cho lòng tin mà có khi lại tạo khó khăn trở ngại cho lòng tin. Vì Chúa Giêsu và Thiên Chúa là thần linh siêu việt, vượt ra ngoài sự cảm nhận của giác quan con người. Con người chỉ có thể cảm nhận được Thiên Chúa, giao thiệp được với Người bằng một phương thế khác mà Thiên Chúa sẵn sàng ban cho con người: đó là lòng tin!

Nói theo nguyên tắc là như thế! Còn trong thực tế, dù chúng ta không thấy mà tin thì - vì là con người sống bằng ngũ quan- chúng ta cũng rất cần những dấu hiệu khả giác nâng đỡ hỗ trợ để chúng ta dễ tin hơn. Đó chính là vai trò của đời sống chứng tá của những người và cộng đoàn Kitô hữu ở mọi thời và mọi nơi. Nhìn vào cách sống, xem xét lời ăn tiếng nói và việc làm của những kẻ mạnh tin thì những người yếu tin sẽ được củng cố và những người không tin sẽ thắc mắc tìm hiểu.

III. Sống Lời Chúa

�Phúc thay những người không thấy mà tin�: tôi quyết tâm tận dụng mọi phương thế mà Thiên Chúa ban cho tôi (cầu nguyện, phụng vụ bí tích, suy niệm Lời Chúa, học hỏi giáo lý và sống Tin Mừng) để củng cố và đào sâu lòng tin mà Người đã ban cho tôi ngày tôi đón nhận Bí tích Thánh Tẩy.

IV. Cầu nguyện với Lời Chúa

Lạy Thiên Chúa toàn năng, khôn ngoan và yêu thương vô cùng, chúng con tin Thiên Chúa là Cha, tin Chúa Giêsu Kitô là Con Cha và là Đấng Cứu độ chúng con, tin Chúa Thánh Thần là Tình Yêu và Sức Mạnh của Thiên Chúa. Chúng con cảm tạ Cha về Ơn đức tin mà Cha đã ban cho chúng con. Xin Cha cho chúng con cảm nhận được niềm hạnh phúc của những kẻ không thấy mà tin. Xin Cha củng cố lòng tin của chúng con cho mỗi ngày mỗi vững chắc và sâu sắc hơn.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, khôn ngoan và yêu thương vô cùng, chúng con tin rằng bằng sức mạnh của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô đã Phục Sinh vinh quang, đã chiến thắng tội lỗi và thần chết và đã được Cha trao lại triều thiên Vua vũ tru để Người cai quản muôn dân muôn nước bằng một tình yêu vô cùng tinh tế. Xin Cha ban cho chúng con Ơn vững tin vào Người và Ơn biết hiến thân phục vụ công cuộc mở rộng Vương quốc của Cha trên thế gian này.

Chúng con xin Cha những Ơn ấy vì công nghiệp Chúa Giêsu Kitô Khổ Nạn và Phục Sinh là Con Cha và là Chúa chúng con, trong tình hiệp thông với Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Amen.

Giêrônimô Nguyn Văn Nội.