PDA

View Full Version : C - Các Kitô hữu trợ giúp nhau nên thánh



Dan Lee
04-12-2009, 12:12 AM
Các Kitô hữu trợ giúp nhau nên thánh

Con đường Đamát – Đường đời Kitô hữu (3)

“Ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì” (Cv 9,7). Câu nói này của Đức Giêsu Phục Sinh đã dạy cho Saul-Phaolô nhiều điều.

Cuộc gặp gỡ Đamát đã đánh ngay tâm điểm của lòng tự phụ tự mãn của Saun, khi cho ông thấy là: ông không tự đủ cho ông. Khi còn trai trẻ, còn khỏe mạnh, người ta tưởng không cần ai; thật ra không cần chờ đến tuổi già, hay khi mắc bệnh, cuộc sống của chúng ta là một chuỗi những trợ giúp cống hiến và đón nhận, về vật chất và nhất là về tinh thần. Rõ ràng chúng ta không làm ra bản thân chúng ta. Rõ ràng chúng ta không tự cung cấp cho mình mọi nhu yếu phẩm. Và càng rõ ràng hơn nữa, chúng ta cần được giúp đỡ để sống một đời sống trí tuệ, tinh thần, tâm linh quân bình, phong phú. Thân phận làm người là thân phận lệ thuộc. Điều đó thật đúng với Mẹ Maria: khi nhận mình chỉ là một nữ tỳ hèn mọn, Đức Maria nhìn nhận mình lệ thuộc tuyệt đối vào Thiên Chúa và người khác. Thế nhưng có mấy ai tự do và sống mạnh mẽ được như Mẹ?

1.- Cuộc đời chúng ta là kết quả của muôn vàn ân huệ

Chúng ta trở lại với thánh Phalô, tại Đamát vẫn còn là Saun. Khi ông đã bị mù mắt và té ngã trên đường vào Đamát, người ta đã cầm tay dắt ông vào trong thành. Một thầy rabbi còn trai trẻ, mới đây còn tỏ ra dồi dào sinh lực và sáng kiến, sẵn sàng đương đầu với những thách đố lớn nhất như tiêu diệt giáo phái mới vừa xuất hiện, đã hung hãn đi khắp nơi không mệt mỏi để tróc nã các Kitô hữu, thế mà bây giờ lại cần có người “cầm tay dắt đi vào Đamát”. Rõ ràng sự hùng mạnh của con người là một điều quá mong manh. Sức khỏe thể lý, của cải, nhan sắc là những yếu tố nay còn mai mất. Như vậy, không ai có lương tri mà lại đi tự hào về những yếu tố đó như thể chúng là bản chất của mình, chúng là chính mình. Ngạn ngữ Ả-rập có nói: “Khi ta cưỡi một con ngựa đẹp, thì hãy nhớ rằng con ngựa đẹp!” Bởi vì khi một người cưỡi con ngựa đẹp, nếu có nhiều cặp mắt nhìn vào để trầm trồ khen ngợi, thì tự nhiên anh ta lại thấy giá trị của mình tăng theo con ngựa, và dễ dàng đồng hóa sự khen ngợi đó vào chính bản thân mình. Trong khi có một điều đơn giản nhất mà người cưỡi ngựa chưa bao giờ hiểu: chính con ngựa mới là con ngựa đẹp! Đáng tiếc là suốt cuộc đời, ta vẫn cứ ngây ngô đồng hóa mình với bao nhiêu con ngựa như vậy? Tài sản, địa vị, quyền lực, kiến thức, đều là những con ngựa đẹp mà cuộc đời cho ta mượn để giúp nhau nên tốt hơn, và đôi khi cho ta mượn chỉ là để trang sức cho đời ta thêm đẹp, chỉ là để lót đỡ cho ta bớt ê chề, đau đớn, khi gặp những đau khổ trên đường đời. Lâu này, ta quên bẵng đi, cho rằng đó là cái thực của mình! Tấm gương Phaolô cho hiểu là chúng ta đều giới hạn, và đã là giới hạn, thì chúng ta luôn cần đến sự trợ giúp của nhau.

Khi đã vào thành Đamát, Saun lại phải tiếp tục chờ đợi, vì Đức Giêsu Phục Sinh đã nói: “Người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì” (Cv 9,7). Hẳn là Saun không thoải mái gì khi nghe câu nói đó: một con người quen tiên liệu, hoạch định chương trình, mà bây giờ phải chấp nhận những ẩn số, ngồi chờ một chương trình không biết thế nào, và ai là người thông tri cho mình. Rất khó chịu! Về phương diện thể lý, cần phải có Khanania, một người được Đức Chúa Phục Sinh phái đến, đến đặt tay trên Saun, để làm cho những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông, và mắt ông được lành lại. Về phương diện thiêng liêng, Saun càng cần hơn nữa một sứ giả của Chúa, vẫn là Khanania, ban bí tích rửa tội cho. Saun thấy quá rõ: ông không tự đủ cho chính ông. Chúng ta không tự đủ cho chúng ta, vì sẽ có lúc chúng ta cần người này người nọ giúp đỡ để chúng ta được chữa lành chứng này tật nọ, để đưa chúng ta đi sâu vào đời sống trong Hội Thánh.

Sau này, Phaolô sẽ làm chứng về điều đó: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1 Cr 4,7). Khi đã gặp Đức Kitô Phục Sinh, Phaolô ý thức rất rõ rằng trọn vẹn cuộc đời và con người của ông là những ân huệ Thiên Chúa ban không, để rồi như ông nói trong Thư 2 Cr, “ông chỉ tự hào về những yếu đuối của ông” (2 Cr 12,5). Và ông đã ghi nhận là Chúa muốn ông khỏi tự cao tự đại, chính Chúa đã muốn ông phải chấp nhận thân phận yếu đuối giới hạn, bằng cách để cho “thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào” (2 Cr 12,7). Ông đã kho chịu lắm, nên “đã ba lần xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này” (2 Cr 12,8). Nhưng Chúa nhất định: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9). Và Phaolô đã hiểu, con người của ông yếu đuối và giới hạn, nên nếu ông làm được gì là Chúa trực tiếp làm qua ông. Thế là ông reo lên: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10).

Ngày trước, một người có thế giá thích nhấn mạnh trên gia đình từ đó ông đã xuất thân. Còn hôm nay, lại là chuyện ngược lại: người có thế giá thích nhấn mạnh trên tình trạng thấp hèn của những bước khởi đầu của họ. Họ muốn cho thấy rằng họ đạt thành công nhờ sức riêng. Họ là những con người tự tạo ra mình.

Cho dù điều này có đúng trong thế giới giao dịch thương mại, hoặc trong thế giới chính trị, hoặc thể thao, chắc chắn nó vẫn không đúng trong đời sống thiêng liêng. Không có vị thánh nào tự tạo ra mình. Chính Thiên Chúa lấy sáng kiến. Do đó ngay vị ần sĩ trong hoang địa cũng chỉ làm một việc là đáp trả lại ân ban của Thiên Chúa. Đây vừa là một chân lý tu đức nên tảng, vừa là một chân lý thần học chắc chắn: Bất cứ người nào cũng nhận đức tin từ một người khác. Chúng ta không cứu độ được chính chúng ta.

Các chân lý này có những hệ luận quan trọng. Chúng ta phải vừa sống tâm tình biết ơn vừa sống khiêm nhường. Biết ơn, bởi vì chúng ta chẳng là gì nếu không có các quà tặng của những người khác; không có sự quảng đại của mọi người, hẳn là chúng ta không thể nào có thể vào đời và bảo toàn cũng như phát huy sự sống. Và khiêm nhường, bởi vì chúng ta chẳng có lý do gì mà hãnh diện như thánh Phaolô đã viết. Khiêm nhường là thấy các sự vật như Thiên Chúa thấy chúng. Nếu chúng ta có thể làm như thế, hẳn là chúng ta sẽ thấy một chuỗi các nguyên nhân đàng sau các thành công của chúng ta, mà còn thấy cả một mạng lưới các tương quan, trong đó mọi điều chúng ta đã thực hiện được đều lệ thuộc một dàn các yếu tố, đó là chưa nói có nhiều yếu tố chúng ta chưa biết hoặc sẽ không bao giờ biết.

Phải nhấn mạnh thêm điều này nữa. Chúng ta không thể loại bỏ được các món nợ về lòng biết ơn chúng ta đã chồng chất lại. Vì thế chúng ta có thể trau dồi một linh đạo về lòng biết ơn. Có bao giờ chúng ta cầu nguyện cho các ông bà tổ tiên mà chúng ta không bao giờ biết mặt, ở vào một thời đại nhiều giới hạn hơn chúng ta hôm nay, mà đã sống và gìn giữ cho đức tin vừa tinh trong vừa sống động trong dòng họ chúng ta? Chúng ta có bao giờ cầu nguyện cho vị linh mục đã ban phép rửa tội cho chúng ta chăng? Chúng ta có bao giờ cầu nguyện cho vị thầy đã dạy chúng ta về các chân lý nền tảng cùa đức tin chúng ta?

Nhân ngày Lễ Truyền Tin hôm nay, chúng ta thấy Đức Maria đúng là không có gì cả, vì “nữ tỳ hèn mọn” có nghĩa là “tuyệt đối chỉ là nữ tỳ”. Nhưng do sống khiêm nhường và luôn luôn với lòng biết ơn, Mẹ đã có được tất cả những ân huệ cao quý, mà ân huệ tuyệt đối cao quý là Người Con yêu dấu, mà Mẹ ban cho chúng ta làm Đấng Cứu Độ.

2.- Những cộng sự viên cần thiết

Chúng ta là kết quả của biết bao đóng góp của biết bao người. Vô số người, chúng ta không biết tên biết mặt, nhưng luôn luôn có những người chúng ta biết rõ. Phaolô biết rõ là để cho hoạt động truyền giáo của ông đạt kết quả, ông cần phải đi Giêrusalem, dù là mãi ba năm sau biến cố Đamát, để trình diện với các vị lãnh đạo Hội Thánh: “diện kiến ông Kêpha,… gặp ông Giacôbê…” (Gl 1,14-15). Rồi mười bốn năm sau, ông lại lên Giêrusalem, để “trình bày cho người ta Tin Mừng tôi rao giảng cho dân ngoại, - cách riêng cho các vị có thế giá -, vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích” (Gl 2,2).

Trong những người đã cộng tác với Phaolô, phải kể đến những môn đệ thân tín là Titô và Timôthê, đôi vợ chồng Priska và Aquila, “hai anh chị đã liều mất đầuđể cứu mạng tôi” (Rm 16,4). Có những người tốt lành, nhưng lại muốn tranh hơn thua trong việc phục vụ, nên Phaolô mới viết như sau trong Thư Philípphê: “Tôi khuyên hai chị Êvôđia và khuyên cả chị Xintikhe nữa: xin hai chị sống hòa thuận với nhau trong Chúa. Tôi xin anh Xi-di-gót, người bạn chân thành đã đồng lao cộng khổ với tôi, xin anh giúp đỡ các chị ấy”. Lý do: “các chị đã giúp tôi chiến đấu trong Tin Mừng, cũng như anh Clêmentê và các cộng sự viên khác…” (Pl 4,2-3). Còn có thể kể thêm ra một số tên, mỗi tên đều có kèm theo một đánh giá của Phaolô: anh Êpênét, “bạn yêu quý của tôi, là của đầu mùa miền Tiểu Á dâng lên Đức Kitô”, chị Maria, “người đã vất vả nhiều vì anh em”, các anh Anrôních và Giunia, “bà con với tôi, và đã từng ngồi tù với tôi; các anh là những người xuất sắc trong các tông đồ, lại còn theo Đức Kitô trước tôi”, anh Apelê, “người đã từng được tôi luyện trong Đức Kitô”, hai chị Tryphen và Trôphyxa, chị Pexiđê, “những người đang vất vả vì Chúa” (Rm 16,5tt). Phaolô đã tỏ ra biết vị trí của mình trong mạng lưới các tương quan; ông cũng đã tạo ra được những người cộng sự tốt, để hỗ trợ nhau mà chu toàn việc Chúa.

Người ta có kinh nghiệm về những tập thể nào đó, ví được như một rổ cua, không cần đậy nắp, mà không con nào bò ra ngoài được, vì con nào leo lên, thì bị những con khác kéo xuống ngay. Cũng xin kể chuyện hai chú diều và hai con chim ưng. Hai chú diều bay trên bầu trời, chúng quyết định mở cuộc tỷ thí để xem ai sẽ bay cao hơn. Cạnh chúng có hai con chim ưng cũng đang mở cuộc thi tài. Chỉ trong chớp mắt, chúng bay vút lên trời. Nhưng hai chú diều thì cứ đảo bên này đảo bên kia, và không sao bay lên cao được.

Sau này, diều hỏi chim ưng: “Chúng ta mở cuộc tỷ thí dưới cùng một bầu trời, nhưng vì sao các anh có thể bay lên cao, còn chúng tôi thì không?”

“Đó là vì nguyên tắc tỷ thí của chúng ta khác nhau!”, một chim ưng nói: “Nguyên tắc của chúng tôi là phải vượt thắng đối thủ; trong khi nguyên tắc của các anh lại là ngăn không cho đối thủ thắng mình”.

“Thế thì có gì khác nhau giữa hai điều trên nào?”, diều hỏi.

“Chúng hoàn toàn khác nhau chứ!”, chim ưng đáp.

“Theo nguyên tắc của chúng tôi, nếu đối thủ bay vượt hơn mình, thì mình phải cố gắng hết sức để có thể đuổi kịp và thắng; còn nếu mình vượt hơn, đối thủ cũng phải nỗ lực nhiều hơn để có thể bằng mình. Do đó, cả hai chúng tôi đều có thể bay vút lên giữa trời xanh. Còn theo nguyên tắc của các anh, thì nếu đối thủ bay cao hơn mình, mình phải tìm cách kéo đối thủ xuống. Nếu ta không thể bay lên được, thì mi cũng đừng hòng! Hai sợi dây của các anh cứ xoắn vào nhau như thế, làm sao bay lên cao?… Đó là cách nghĩ của các anh, và lẽ đương nhiên là cả hai đều thất bại”.

Hai con diều cứ tìm cách níu kéo nhau đó, đã được giải thích cặn kẽ về lý do khiến chúng không thể bay lên được. Trong đời, nào ai biết được có bao nhiêu “chú diều” đang lâm vào tình trạng như thế?

3.- Kết luận

Nhiệm vụ của chúng ta là xây dựng cộng đồng Kitô hữu, và đối với thánh Phaolô, điều này thường có nghĩa là sẵn sàng làm công việc góp ý sửa sai cho anh chị em, và dĩ nhiên, cũng sẵn sàng đón nhận sự góp ý của cộng đoàn. Chắc chắn công việc này không phải là làm một cảnh sát luân lý, nhưng là đáp lại sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần mà sống bác ái trong những chi tiết cụ thể, nhỏ nhặt. Bởi vì, như thánh Phaolô nói, “bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình” (Rm 15,1-2). Chúng ta sống không phải để làm theo sở thích của mình, mà là làm theo ý muốn của Thiên Chúa, do chỗ kiên nhẫn với người yếu và sẵn sàng sống đức ái thiết thực.

Lạy Chúa, Chúa biết những sức mạnh và những yếu kém của chúng con. Xin ban cho chúng con lương tri để chúng con tôn trọng những yếu đuối của người khác, và trợ giúp họ bằng sức mạnh Chúa đã ban cho chúng con. Và xin làm cho chúng con luôn luôn sẵn sàng dùng sức mạnh này mà chân thành thực thi bác ái nhằm phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em. Amen

LM Phan Long, ofm