Log in

View Full Version : H - Hãy Nhìn lại khuôn mặt chính mình



Dan Lee
04-03-2009, 05:42 PM
CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B

HÃY NHÌN LẠI KHUÔN MẶT CHÍNH MÌNH


Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đưa cộng đoàn chúng ta tới một khung cảnh hoàn toàn ngược lại với nghi thức Đầu lễ. Thật vậy, với cử hành KIỆU LÁ, tưởng niệm cuộc VÀO THÀNH của Chúa Giêsu, chúng ta cùng hô vang lời cung chúc Giêsu, vạn tuế Đấng Nhân Danh Chúa mà đến, chúng ta sống lại những giờ phút khải hoàn vinh quang của một Vị Vua chiến thắng tiến vào thủ đô của vương quốc Ngài giữa hàng hàng lớp lớp thần dân với rừng hoa sắc lá và nhứng tiếng hoan hô dậy đất vang trời… Trong khi đó giờ đây, ngay từ Bài đọc 1, trích sách Sứ ngôn I-sa-i-a, hình ảnh Người Tôi Tớ Gia-vê “đưa lưng cho người ta đánh đòn, đưa má cho ngươì ta giật râu”… đã từ từ khắc hoạ chân dung của một Đấng Cứu Thế đang tiến vào cuộc khổ nạn. Tiếp đến là bài thánh ca trong thư Phaolô gởi giáo đoàn Philíp, ca tụng một “Đức Kitô vâng lời cho đến chết và chết trên cây Thập tự”, như một lời tuyên xưng miên viễn về mầu nhiệm Tử Nạn-Phục Sinh của Con Một Thiên Chúa. Ấn THÀNH của Chúa Giêsu, chúng ta cùng hô vang lời cung chúc Giêsu, vạn tuế Đấng Nhân tượng nhất lại chính là trình thuật Thương khó của Tin Mừng Mác-cô, mở ra trước mắt chúng ta bi hùng kịch Tử Nạn, như một cuộc hồi ức, một tưởng niệm về hình ảnh và các biến cố sau cùng của Thầy Chí Thánh, những hình ảnh đã khắc sâu trong tâm khảm của muôn thế hệ ki-tô hữu.

Tại sao Phụng Vụ hôm nay lại trình bày hai khung cảnh trái ngược nhau như thế trong cùng một cử hành ?

1. Mầu nhiệm VƯỢT QUA của Đức Kitô luôn là một “tác động kép” : Tử Nạn – Phục Sinh; Tự Huỷ – Vinh Quang; Sống – Chết; Đau thương – Chiến thắng…

Trước hết ĐK đã đi vào cuộc Vượt Qua, đi vào biến cố trọng đại cuối cùng của đời Ngài, biến cố tự hiến vì tình yêu Cha và vì tình yêu con người một cách đĩnh đạc, mạnh mẽ, chấp nhận anh hùng. : “Mạng sống của Ta, Ta có thể trao ban và lấy lại…Hạt lúa mì rơi xuống….Nầy con đến để thực thi ý Cha..”

Dĩ nhiên Ngài không tìm kiếm cuộc khổ nạn, sự chết như một một người thất vọng tìm tới cái chết tự tử. Cái chết, cuộc khổ nạn của Ngài hoàn toàn do con người : Con người đã hầm rập, âm mưu khử Người cho rãnh; vì chân lý Ngài, Tin Mưng Ngài, cuộc sống Ngài…làm họ mất ăn mất ngủ, làm họ sợ phải đổi thay, phải hy sinh…Phần Ngài, Ngài không chịu thoả hiệp, không mị dân, luồn lách để tồn tại, hay kiếm chác một vinh dự, một chỗ đứng an thân, một hạnh phúc rẻ tiền…Ngài làm chứng chân lý Chúa Cha giao cho Ngài đến tận cùng dù phải trả một giá đắt là chính mạng sống mình (Bđ 2 : Ngài đã vâng lời…)

2. Nhưng khởi đi từ cuộc khổ nạn, một giòng suối sự sống đã phát sinh.

Thập giá, cái chết của ĐK trong chương trình kỳ diệu của Chúa Cha lại trở thành dấu hiệu, thành phương thế, thành cơ hội để Thiên Chúa được tôn vinh và con người được cứu rỗi. Thiên Chúa thường hay làm những chuyện cắc cớ như thế : cái mà ma quỉ, con người cho là bỏ đi, là thấp hèn, khiêm tốn… thì Thiên Chúa có thể biến thành cái vĩ đại khôn lường : Thập giá, sự chết, sự thất bại tan nát của Con Một Thiên Chúa : trước mặt địch thù, ma quỉ, thế gian, quả thật “rồi đời rồi, xong rồi, xoá sổ rồi…” Nhưng Thiên Chúa qua đó “Thu họp tất cả muôn dân…Ta có bị treo lên….Ngài đã chết để chiến thắng sự chết và sống lại ban nguồn sống mới…”. Chúa Nhật Lễ Lá là sự cắt nghĩa của Phụng vụ ý nghĩa Tử Nạn-Phục Sinh cách rõ nét. Phụng vụ hôm nay cũng là dịp để nhắc nhở cho chúng ta thấy sự tráo trở, thay lòng đổi dạ của loài người chúng ta trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa : Mới hoan hô vạn tuế ngày hôm trước đã vội kết án “đóng đinh” ngày hôm sau. Mới hôm trước “vạn tuế Đấng Nhân Danh Chúa mà đến”, hôm sau đã “tha Baraba, đóng đinh Giêsu vào thập giá”. Trong khi đó, Đức Kitô vẫn trung thành trong tình yêu dành cho con người cho dù bị phản bội, bán đứng, chối từ. : “Xin Cha tha cho chúng…Ngài đã nhìn Phêrô…” và suốt 2000 năm nay Ngài luôn tha thứ, yêu thương đợi chờ mỗi người trong đó có chúng ta…

Chúng ta đang cùng toàn Dân Chúa tiến vào bắt đầu tuần lễ sống lại những biến cố sau cùng mang ơn cứu độ của Chúa Giêsu, từng bước khám phá tư cách làm Con Thiên Chúa của Đức Kitô, tư cách “Người anh của muôn vạn đứa em”, một lần nữa, tái khẳng định niềm tin vào sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Tuần lễ nầy cũng là dịp để điều chĩnh lại cuộc sống vốn đã bao lần chối từ, phản bội, lệch lạc…Nhiều khuôn mặt trong Thảm kịch thương khó sẽ xuất hiện trong tuần thánh nầy để chúng ta nhận ra khuôn mặt của chính mình. Vâng, hãy nhìn lại khuôn mặt của chính mình để xét xem thử có chút gì đó giống cái “bản mặt” trâng tráo phản bội của Giuđa khi đã lắm lần dùng những cử chỉ và lời nói đãi bôi để phản bội lẫn nhau; giống cái mặt trơ trẻn của Phêrô khi hèn nhát chối bỏ đức tin trước những thử thách hay những đe dọa đến miếng cơm manh áo; giống cái mặt hung dữ, nham hiểm của mấy ngài tư tế, thượng tế khi ác độc, hận thù tìm cách loại trừ kết án cho được những người dám nói sự thật hay những kẻ bất đồng quan điểm với mình; giống cái mặt giả nhân giả nghĩa mị dân của Hêrôđê, Philatô khi sẵn sàng vứt bỏ công lý, tình người để duy trì những quyền lợi cá nhân, gia đình hay phe nhóm; giống những gương mặt hồ đồ của đám dân Do Thái tiền hậu bất nhất, chỉ chực hùa theo đám đông và sẵn sàng vô tâm kết án những thân phận hiền lành thấp cổ bé miệng...

Cũng ước mong sao trong những ngày Tuần Thánh nầy, trên khuôn mặt và trong trái tim của mỗi người chúng ta vẫn còn phảng phất một chút gì đó nổi xót thương ngậm ngùi của Đức Mẹ, nổi xót xa thống hối của Phêrô, nổi thương đau giúp đỡ của Simêon, nổi đồng cảm hiệp thông của những người phụ nữ Salem, của môn đệ Gioan, niềm xác tín và tràn trào hy vọng của tên trộm lành…Mà không phải chỉ để sống lại một thái độ và tâm tình sướt mướt ủy mị, nhưng là một thái độ đức tin sâu xa và can đảm sẵn sàng chết đi cho những tăm tối tội lỗi, yếu hèn để thật sự sống lại với Đức Kitô Phục sinh trong nổi vui ngút ngàn của “Ngày Chúa Nhật của riêng mình”.

LM. Giuse Trương Đình Hiền