PDA

View Full Version : C - Chúa Nhật Lễ Lá ( Những Khuôn Mặt Môn Đệ )



Dan Lee
03-31-2009, 07:21 PM
Chúa Nhật Lễ Lá

NHỮNG KHUÔN MẶT MÔN ÐỆ


dẫn chúng ta vào Tuần Thánh với những ngày cực Thánh là Thứ Năm, Sáu, Bảy và Chúa Nhật Phục Sinh. Ðức Giê-su Ki-tô Thiên Chúa nhập thể làm người, Con Yêu Dấu của Chúa Cha đã bị kẻ thù - vì ghen ghét và hiểu lầm - đã bắt giữ, tra vấn, kết án và đóng đinh vào thập giá như một tên trọng tội. Người đã chết như một người thất bại. Nhưng Người đã sống lại vì chẳng những Người là Ðấng vô tội và bị giết oan mà còn vì là Người đã chết thay cho những người có tội, để mọi người được sống với Người và nhờ Người.

I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA:

1. Bài đọc 1: Is 50, 4 - 7:

Ngôn sứ I-sai-a nói về sứ vụ mà Thiên Chúa giao cho ông và mô tả cách Thiên Chúa đối xứ rất thân thương, khiến ông hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa và chịu đựng mọi tệ bạc của người ta. I-sai-a là hình bóng của Ðức Giê-su vì những gì I-sai-a nói về mình thì cũng là những điều đã xẩy ra cho Ðức Giê-su trong cuộc Khổ Nạn Thập Giá: "Tôi không cưỡng lại cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ... Tôi đã không hổ thẹn, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng"

2. Bài đọc 2: Pl 2, 6 - 11:

Dưới tác động của Thánh Thần Thánh Phao-lô đã viết nên một bài ca tuyệt diệu về sự tự hạ tột cùng của Ðức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người: "Vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết treo trên cây thập tự". Ðể thưởng công cho sự tự hạ ấy của Ðức Giê-su, Thiên Chúa Cha đã siêu tôn Người và đặt Người làm Chúa của muôn loài muôn vật trên trời dưới đất.

3. Bài Tin Mừng: Mc 14, 1 - 15, 47:

Ðây là bài Thương Khó trong Tin Mừng theo Thánh Mác-cô. Trước hết, Mác-cô dẫn chúng ta từ bữa ăn tại nhà ông Si-mon Cùi ở Bê-ta-ni-a đến bữa ăn cuối cùng của Ðức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem. Bữa ăn tại nhà ông Si-mon Cùi có xảy ra chuyện một phụ nữ lấy dầu thơm xức trên đầu Người, loan báo thân xác Người sẽ được ướp và chôn cất trong ba bốn ngày tới. Bữa ăn cuối cùng của Ðức Giê-su với các môn đệ trong một phòng rộng rãi trên lầu với việc Ðức Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể để Người ở lại mãi mãi với chúng ta và để chúng ta luôn có một chứng từ cụ thể, khả giác về Tình Yêu của Người. Cũng trong bữa ăn đó, Ðức Giê-su đã loan báo việc một trong số các môn đệ sẽ phản bội Người.

Trước đó Mác-cô đã cho chúng ta biết về âm mưu giết hại Người của giới lãnh đạo Do-thái và về sự phản bội của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. Giu-đa quyết tâm bán Thầy cho các thượng tế. Rồi Mác-cô đưa chúng ta đến núi O�liu ở đó Ðức Giê-su đã phải trải qua những giây phút thật khủng khiếp trước viễn tượng cái chết cô đơn trên thập giá: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được". Người đã xin với Cha của Người: "Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha". Sau đó là những diễn tiến dồn dập của Cuộc Thương Khó: quân lính xuất hiện với Giu-đa và bắt Ðức Giê-su, đem Người đến vị thượng tế: ở đây các vị thượng tế và Thượng Hội Ðồng Do-thái buộc tội Người để lên án tử hình. Vì không tìm ra chứng thật, họ đã phải "bịa ra" chứng giả nhưng không thuyết phục được ai, kể cả chính bản thân họ và Ðức Giê-su. Trước sự im lặng của Ðức Giê-su, vị thượng tế tìm mọi cách để Ðức Giê-su phải nói và Ðức Giê-su đã nói một cách dõng dạc chưa từng có: "Phải, tôi là Ðấng Ki-tô, Con của Ðấng Ðáng Chúc Tụng. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Ðấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến"

Ðức Giê-su đã chết vì lời công bố mặc khải Sự Thật ấy. Ðiều trớ trêu là trước cảnh hùng vĩ của lời công bố ấy thì các giới lãnh đạo đền thờ và dân chúng lại khạc nhổ, bịt mặt, phỉ báng, chế nhạo Người. Còn môn đệ số một là Phê-rô thì chối Thầy "như đỉa phải vôi". Các thượng tế, kỳ mục và kinh sư đã tìm ra một nguyên cớ để giết hại Ðức Giê-su. Cớ đó là Người đã có lời lộng ngôn, đã phạm thượng tức xúc phạm đến Thiên Chúa. Nhưng họ không có quyền quyết định trên sự sống của Người, nên phải "vuốt mặt làm lành" chạy đến cầu cạnh với Phi-la-tô để tìm một đồng lõa, đề nghị một thỏa hiệp "hai bên cùng có lợi" để khử trừ Ðức Giê-su. Và Phi-la-tô - vì sợ mất chức mất quyền, đã hèn nhát biến mình thành đồng lõa, tòng phạm với giới lãnh đạo Do-thái. Phi-la-tô còn biến mình thành công cụ của giới lãnh đạo đền thờ Do-thái trong cái chết của Ðức Giê-su. Khi mọi chuyện đã được đạo diễn một cách ăn khớp với nhau, thì chỉ còn việc là đem Người Vô Tội ra hành hình, càng sớm càng tốt, để bảo đảm an ninh và tránh mọi rắc rối. Ðức Giê-su đã được giao cho lý hình và lính tráng đã điệu Người đến nơi hành quyết...

Trên đường cũng như chung quanh Núi Sọ, thay vì những lời cảm thông, tán tụng, biết ơn, ngưỡng mộ, giờ đây chỉ còn tiếng nhục mạ, chế diễu, nói xỏ nói xiên... Ðức Giê-su đã tắt thở trên thập giá sau khi không còn sức chịu đựng cực hình, trong nỗi cô đơn tột cùng: "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?"

Một chi tiết đáng suy nghĩ: Mác-cô chỉ nhắc đến mấy người phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, chứ không nói gì đến sự có mặt của các môn đệ khi Ðức Giê-su bị đóng đinh và treo trên cây thập giá. Chẳng những thế sau khi Ðức Giê-su đã tắt thở, người đứng ra xin xác Ðức Giê-su lại cũng không phải là một trong Mười Một Tông Ðồ mà là ông Giô-xép, người thành A-ri-ma-thê, thành viên có thế giá của Hội Ðồng Do-thái. Các môn đệ của Ðức Giê-su ở đâu lúc ấy ? Họ còn nhát gan hơn các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả trước đó 3 năm, vì sau khi nghe tin Thầy bị chém đầu, các môn đệ của Gio-an đã dám đứng ra xin xác Thầy đem về chôn cất.

4. Một gợi ý suy niệm:

Từ Bài Thương Khó của Mác-cô, chúng ta có thể rút ra cho mình nhiều đề tài suy niệm. Riêng tôi, tôi chọn cho mình và đề nghị quí độc giả hãy chọn với tôi đề tài suy niệm này: Những khuôn mặt môn đệ chung quanh Ðức Giê-su trong cuộc Thương Khó của Người.

Khuôn mặt thứ nhất là vài thực khách cùng dùng bữa với Ðức Giê-su tại nhà ông Si-mon Cùi ở Bê-ta-ni-a: Họ tỏ ra khó chịu, bực tức và gắt gỏng với người phụ nữ đã đập vỡ bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền và đổ dầu trên đầu Ðức Giê-su, vì họ cho rằng chị ta làm như thế là phung phí: "Phí dầu thơm như thế để làm gì ? Dầu đó có thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo". Thật ra họ chẳng quan tâm đến người nghèo, chẳng quan tâm đến người phụ nữ làm chướng mắt họ, chẳng quan tâm đến Ðức Giê-su. Cái họ quan tâm là chính bản thân họ. Họ che dấu tâm địa bủn xỉn và ích kỷ của họ bằng những lời lẽ giả nhân giả nghĩa.

Trong khuôn mặt của mấy người này tôi có nhận ra khuôn mặt của tôi không ? Tôi có sống giả hình, ích kỷ, keo kiệt, khắt khe với tha nhân không ?

Khuôn mặt thứ hai là khuôn mặt của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là một trong Mười Hai môn đệ đã được Ðức Giê-su chọn làm Tông Ðồ và là người đã bán Thầy với số tiền còm. Có phải vì Giu-đa tham tiền không ? Có thể lắm chứ vì ai mà không tham tiền ! Nhưng cũng có thể là Giu-đa không tham tiền đến độ bán Thầy để chỉ lấy mấy chục đồng. Giải thích dễ chấp nhận và phù hợp với bối cảnh lịch sử và văn mạch Thánh Kinh nhất là Giu-đa tìm cách cưỡng bức Thầy dùng vũ lực và quyền năng để làm cho thiên hạ phải bái phục. Giu-đa muốn ép Ðức Giê-su chọn con đường Mê-si-a chính trị trong khi Nguời chọn con đường Mê-si-a đau khổ. Nghĩa là Giu-đa muốn dồn Ðức Giê-su vào chân tường để Người phải dùng tới quyền năng thần linh của Thiên Chúa cho thấy Người là ai, trong khi Ðức Giê-su lại chọn con đường tự hủy, tự hiến để mặc khải Sức Mạnh và Tình Yêu Cứu Ðộ của Thiên Chúa. Giu-đa bị cám dỗ y như chính Ðức Giê-su đã từng bị Xa-tan cám dỗ trong hoang địa: "Hãy biến hòn đá này thành bánh" và "Hãy gieo mình xuống" ( từ nóc Ðền Thờ ). Nhưng Ðức Giê-su đã gạt phắt cám dỗ ấy đi, còn Giu-đa thì đã sa chước nó.

Trong khuôn mặt của Giu-đa tôi có nhận ra khuôn mặt của mình không ? Có bao giờ tôi cũng muốn Ðức Giê-su làm theo ý tôi không ? Có bao giờ tôi đã cam tâm bán rẻ Ðức Giê-su và Ðạo của Người để lấy một chút vinh hoa, phú quí, quyền chức, tiền bạc hay thú vui không ?

Khuôn mặt thứ ba là khuôn mặt của Phê-rô. Phê-rô là một trong bốn môn đệ đầu tiên, là một trong Mười Hai Môn Ðệ đã được Ðức Giê-su chọn làm Tông Ðồ và làm Tông Ðồ Trưởng. Nhưng Phê-rô đã chối Thầy ba lần. Mới trước đó Phê-rô còn khăng khăng quả quyết với Ðức Giê-su: "Dầu tất cả có vấp ngã đi chăng nữa, thì con cũng nhất định là không ?" Nhưng chỉ mấy giờ sau thì Phê-rô đã chối phăng mối liên hệ của mình với Thầy Giê-su khi bị một đứa tớ gái trong dinh thượng tế hạch hỏi: "Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì ! Tôi thề là không có biết người mà các ông nói đó !"

Trong khuôn mặt của Phê-rô tôi có nhận ra khuôn mặt của mình ? Tôi có ỷ sức mình, có hợm mình, có tự cao, tự đại, kiêu căng mà coi thường sự giòn mỏng của bản thân mình không ? Tôi có sợ bị liên lụy với Ðức Giê-su không ? Sau mỗi lần sa ngã, chối Chúa, tôi có bắt chước Phê-rô mà ăn năn sám hối và hoán cải trở về xin Chúa thứ tha và tin tưởng phó thác vào lòng Thương Yêu tha thứ của Chúa không ? Tôi có bắt chước Phê-rô mà bù đắp lỗi lầm của mình bằng một lòng yêu thương lớn gấp ba gấp bốn không ?

Khuôn mặt thứ bốn là khuôn mặt của các Tông Ðồ khác: Trừ ông Phê-rô ( đã chối Chúa ) và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt ( đã bán Chúa ), còn 10 Tông Ðồ khác nữa. Ðó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, ông Gio-an em ông Gia-cô-bê, ông An-rê, ông Phi-líp-phê, ông Ba-tô-lô-mê-ô, ông Mát-thêu, ông Tô-ma, ông Gia-cô-bê con ông An-phê, ông Ta-đê-ô và ông Si-mon thuộc Nhóm Quá Khích. Nếu ông Gio-an có mặt bên Ðức Mẹ dưới chân thập giá thì chín ông kia đâu ? Thánh Mác-cô chép lại là họ sợ hãi chạy trốn hết !

Trong khuôn mặt của chín Tông Ðồ kể trên tôi có nhận ra khuôn mặt của mình không ? Tôi có nhát đảm, có sợ bị thiệt thòi, sợ bị sa thải mất việc làm, sợ bị trù dập, sợ bị mang tiếng là người duy tâm lạc hậu... khi người ta biết tôi là người Công Giáo, là Ki-tô hữu không ?

Khuôn mặt thứ sáu là khuôn mặt của ông Giô-xép, người thành A-ri-ma-thê, thành viên có thế giá của Hội Ðồng Do-thái và cũng là người mong đợi Triều Ðại của Thiên Chúa. Giô-xép đã dũng cảm công khai hóa mối liên hệ của ông với kẻ vừa bị giết chết trên thập giá là tên Giê-su Na-da-rét mà đứng ra xin xác Người và mai táng chu đáo.

Trong khuôn mặt của Giô-xép, tôi có nhận ra khuôn mặt của tôi không ? Tôi có dũng cảm xác định mối quan hệ của tôi với Chúa Giê-su trong cuộc sống gia đình và xã hội không ? Tôi có đón nhận, chăm sóc, yêu thương và phục vụ "những kẻ bé mọn nhất" của Chúa Giê-su như chính Chúa Giê-su không ?

Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI