PDA

View Full Version : Q - Quảng Cáo, Loan Báo và Giới Thiệu



Dan Lee
03-28-2009, 06:09 PM
QUẢNG CÁO, LOAN BÁO và GIỚI THIỆU

Mùa Thu 2005, cơn bão Katrina đe doạ thành phố New Orleans, người Việt địa phương di tản chạy trốn cơn phẫn nộ của cuồng phong. Muôn người như một, không ai bảo ai, mỗi gia đình cố gắng liên hệ thân nhân xa gần, tìm chỗ định cư tạm thời, sống tản mác khắp các tiểu bang. Lắm người ra đi vẫn mong có ngày trở lại: khi thành phố được giải toả sau cơn bão, họ ùn ùn kéo về xây dựng lại cơ nghiệp đổ nát. Tuy nhiên, vẫn không thiếu nhiều cư dân, một khi đã quen tạm dung nơi miền đất mới, họ quyết định ở luôn trên vùng đất ấy. New Orleans với họ, bây giờ chỉ còn trong nỗi nhớ: dấu ấn kỷ niệm của một thời đã sống. Thành phố lưa thưa vắng bóng người, nét hoang tàn đọng lại quá đau thương.

Bất ngờ Mùa Xuân Bính Tuất 2006 sau đó, New Orleans như sống lại phút nhộn nhịp khác thường. Đêm thứ Bảy 04/02/2006, lần đầu tiên sau cơn bão Katrina, hàng ngàn người Việt Nam tự dưng tập trung đông đảo bên sân nhà thờ GX. Maria Nữ Vương VN, vui đón cái Tết tha hương. Họ đến từ các vùng lân cận, sau một thời gian bỏ xứ làm ăn nơi môi trường mới, nay rủ nhau về lại Giáo Xứ nhà, tái ngộ trong Hội Chợ Mừng Xuân. Làng quê Versailles thường ngày vốn buồn bã vắng vẻ, nay xe cộ rợp đường: lực lương cảnh sát phải huy động thêm nhân sự mới bảo đảm trật tự an ninh.

Nguyên nhân khiến vùng East New Orleans đêm ấy có đông người tứ xứ đến hiện diện, chính là Chương Trình Văn Nghệ mừng Xuân miễn phí của Trung Tâm Ca Nhạc Asia. Nhằm khích lệ cộng đồng người Việt địa phương, các Ca Sĩ của Trung Tâm không ngại hy sinh bay từ Cali sang, giúp đồng hương vui Xuân thoải mái. Bao bích chương quảng cáo được phân phối khắp nơi, bao chương trình phát thanh giới thiệu về Đêm Văn Nghệ mừng Xuân được loan báo xuyên bang: người người tìm lại nhau trao lời chúc Xuân muộn màng,mừng mừng tủi tủi vì ám ảnh Katrina tưởng chừng như mãi mãi cách xa.
Nghệ thuật quảng cáo tinh vi, thu hút người xưa muốn tìm về chốn cũ. Phương cách giới thiệu khéo léo, giúp bà con xa xứ thích sống lại bầu khí đón Tết truyền thống nơi chôn nhau cắt rốn xưa. Thế mới hiểu Giới Thiệu, Quảng Cáo là một hoạt động gây tầm ảnh hưởng mạnh mẽ biết chừng nào!
Tìm vào trang Tin Mừng hôm nay, ta cũng thấy: nhiều người Hy Lạp ngoại giáo, vốn có lòng mộ mến,khao khát gặp gỡ Đức Giêsu Kitô. Họ tỏ bày ước muốn ấy với Philipphê,một môn đệ của Chúa. Philipphê đi bàn định với Anrê, người bạn hợp gu thân thiết. Sau đó, cả hai cùng mang họ đến giới thiệu với Thầy Chí Thánh. Từ lúc ấy, những người Hy Lạp hiểu về Chúa nhiều hơn, nhận thức về nước Trời rộng mở hơn. Thật “đã đến lúc Con Người được tôn vinh”, Ơn Cứu Độ chan chứa đến chư dân.

A. Nhận biết sự kiện qua thông tin, qua trung gian giới thiệu, loan báo.


Biến cố Katrina 2005 vốn làm đau đầu Tổng Thống George Bush Jr., mãi mãi là nỗi kinh hoàng cho cư dân New Orleans.


1. Người ở Mỹ nhận thức sự kiện do nhiều phương tiện thông tin trung gian:

+ Đài Weather Channel không ngừng loan báo tin tức, cập nhật đường đi của cơn bão từng giờ, từng phút giúp người dân chuẩn bị tránh bão.

+ Bạn bè gọi Phone, liên lạc rủ nhau tìm hướng di tản ra khỏi thành phố.

+ Người neo đơn tìm khách sạn, đăng ký phòng ốc trước, nơi mình sẽ chạy đến.

+ Họ hàng thân quyến từ các tiểu bang khác, nhận được tin tức trên CNN: vôị phone người thân ở New Orleans, sẵn sàng welcome giới thiệu, mở rộng nhà cửa mình đón tiếp họ.

2. Người ở quê nhà Việt Nam hiểu biết sự kiện do tin tức thu qua vệ tinh:

+ Nhìn trên màn hình: toàn thành phố New Orleans chìm trong nước lụt, muôn người sốt ruột lo lắng, chia sẻ nỗi đau với đồng hương người Việt hải ngoại.

+ Nhiều người gọi Phone sang Mỹ, tìm biết tin tức chính xác số phận người thân yêu.

+ Toàn bộ hệ thống liên lạc nội địa New Orleans bị bế tắc, bà con quê nhà bó buộc nối kết tin tức qua trung gian những thân nhân ở các thành phố khác, nhắm tìm kiếm thông tin rõ ràng hơn.
Nhìn chung, mọi nhận biết trực tiếp đều cần đến một trung gian hỗ trợ giúp hiểu được vấn đề.


B. Nhận biết về Đức Giêsu Kitô: Con Thiên Chúa, qua các lời chứng.


Hài Nhi Giêsu giáng trần làm người ở Bêlem, lớn lên âm thầm ở Nazareth, miền Galilêa.

Làm thế nào để muôn dân nhận biết “con trẻ mới sinh nằm trong máng cỏ” là Con Thiên Chúa?

Ta thấy trong Tân Ước, có rất nhiều lời loan báo trung gian giới thiệu về thiên tính của Ngài.


1. Lời sứ thần loan báo cho các mục đồng trong đêm Chúa giáng trần.

“Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít” (Lc 2:11)

2. Tiếng Chúa Cha từ trời phán về Chúa Giêsu khi Ngài chịu phép rửa ở sông Gioa-đan.

“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1:11)

3. Lời chứng Gioan Tẩy Giả giới thiệu về Đức Giêsu Kitô,khi Ngài nhận phép rửa của Gioan.

“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1:29)

4. Các môn đệ của Đức Giêsu Kitô cũng mạnh dạn tuyên xưng, rao giảng về Ngài.

“Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16)

5. Thậm chí, qủy dữ cũng phải khiếp sợ, lên tiếng về vai trò Con Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.

“Hỡi ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?

Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1:24)


Thực tế, khi giới thiệu hay loan báo, khi rao giảng hay tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa: người môn đệ Chúa đã phải làm chứng bằng cả cuộc sống của họ, bằng những giọt mồ hôi và cả những giọt máu để bảo đảm lời chứng chứng xác thực của mình.

C. Giới thiệu về Đức Kitô cho thế giới hôm nay.


1. Nữ tu Têrêsa Calcutta đã giới thiệu khuôn mặt Đức Giêsu Kitô bằng công việc từ thiện, bác ái.


Khi phục vụ những người nghèo khó, neo đơn; khi giúp đỡ những thành phần bất hạnh, bị bỏ rơi bên lề xã hội: Mẹ Têrêsa luôn nhận biết trong họ một Đức Giêsu bị khổ đau liên tục trên thập giá. Có
bệnh nhân đau nặng bị mọi người thờ ơ, không ai chăm sóc lâu ngày, sống tự ti mặc cảm. Khi Mẹ đến thăm nom cứu tế, người bệnh ấy vẫn không ngừng thắc mắc: “Làm sao Bà lại giúp săn sóc tôi, đang khi người khác luôn tìm cách xa lánh?” Mẹ Têrêsa trả lời: “Vì tôi nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong con người ông.” Chính Mẹ và các nữ tu Thừa Sai Bác Ái đã dùng đời sống phục vụ người cùng khốn để âm thầm nói về một Thiên Chúa luôn yêu thương họ, bởi họ cũng là con Thiên Chúa.

2. Mùa Chay: Giáo Hội giới thiệu Chúa Kitô như một người Cha nhân ái, luôn mong chờ người
con sa ngã, nhận thức tình yêu thương của Cha: mà sám hối, quay gót trở về với Cha hiền.



+ Các Giáo xứ thường tổ chức Tuần Đại Phúc trong mùa Chay giúp kitô hữu hồi tâm, tìm gặp Chúa qua những bài suy niệm, qua những gợi ý của vị giảng phòng.
+ Các Linh Mục thay nhau luân phiên lưu động đến các xứ, giúp giáo dân lãnh nhận Bí
Tích Hoà Giải: tìm lại khuôn mặt yêu thương, nhân từ và hay tha thứ của Đức Giêsu Kitô.
+ Nhiều hội đoàn tổ chức Viếng Đàng Thánh Giá chung trong nhà thờ: đi lại con đường đau
khổ mà Đức Giêsu Kitô đã đi xưa, giúp các hội viên đồng cảm, hiệp thông, gặp gỡ Chúa
thâm sâu hơn.



D. Lời Nguyện kết thúc:





Lạy Chúa! Hai thánh Tông đồ Philipphê và Anrê
đã không ngại giới thiệu những người Hy Lạp thiện chí đến tìm gặp Chúa,
giúp họ nhận thức và học biết nhiều điều mới lạ.
Xin giúp chúng con biết dành riêng một chút giây phút trong ngày để gặp gỡ Chúa,
hầu được Chúa an ủi, vỗ về, nâng đỡ trong đời sống đức tin.
Ước chi đời sống đạo của chúng con luôn là một lời minh chứng tốt đẹp nhất,
minh hoạ rõ nét về Chúa giữa muôn người. AMEN.


Rev. Dominic Dieu Tran, SDD.