Log in

View Full Version : M - Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (76)



Dan Lee
03-28-2009, 03:50 PM
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (76)


751. Hy sinh khác với tự tử

Hy sinh và tự tử đều nói đến sự từ bỏ, đều có liên quan đến cái chết, nhưng hy sinh khác với tự tử.

Hy sinh nói về cái chết bằng cách từ bỏ cái mà mình quý trọng nhất, là mạng sống. Tự tử là làm cho mình chết bằng cách hủy diệt mạng sống mà mình cho là buồn chán, không muốn sống nữa.

Vì thế, hy sinh thường có nghĩa cao đẹp. Và khi nói đến nhơn đức hy sinh, chúng ta biết rằng đây là nhơn đức làm cho chúng ta vui lòng chịu mọi sự đau khổ hồn xác vì lòng yêu mến Chúa.

752. Ba cách thế của nhơn đức Hy sinh

Một là, để tỏ lòng yêu mến Chúa, chúng ta vui lòng chịu những nỗi khổ mình phải chịu như khi bị la, bị phạt vì lỗi của mình; như khi bị ốm đau vì lỗi của mình thiếu khôn ngoan, thiếu tiết độ.

Hai là, để tỏ lòng yêu mến Chúa, chúng ta vui lòng chịu những nỗi khổ không đáng chịu như khi chúng ta vô tội mà bị người khác hiểu lầm, lên án; như khi người ta vì thù ghét mà bỏ vạ chúng ta, cáo gian chúng ta, phá hoại của cải, nhà cửa của chúng ta.

Ba là, để tỏ lòng yêu mến Chúa, chúng ta tự động đi tìm nhiều sự hy sinh để làm bó hoa thiêng liêng, dâng lên cho Chúa.

753. Năm phương thế dạy con cái sống tinh thần hy sinh

Một là, đừng làm cho con cái sống đời ủy mị: cần phải nghiêm khắc đúng lúc, đúng khi; đừng quan trọng hoá những cái khó, những cái đau của chúng;. ..

Hai là, tập con cái sống can trường: không kêu la khi thấy đau, tự động bớt ăn bớt uống khi không cần thiết, tự động tha thứ khi bị sĩ nhục đôi chút, chấp nhận lãnh một hình phạt khi có lỗi, thành thật thú lỗi mình đã phạm,. ..

Ba là, giúp con cái lợi dụng dịp để hy sinh: đem cất đồ lại chổ cũ dẫu không phải là đồ mình đã lấy ra,...

Bốn là, dạy con cái hy sinh một cách siêu nhiên, hy sinh vì Chúa: tập con cái dâng những sự đau khổ hồn xác của mình cho Chúa; đề nghị con cái làm những việc hy sinh để xin Chúa cho một người có tội được ơn trở lại, cho một người ngoại đạo được biết Chúa,. ..

Năm là, khi đêm về, tâm sự với con cái về những hy sinh con cái đã làm trong ngày (để hướng dẫn con cái và để tạ ơn Chúa với con cái).

754. Giúp kẻ khác vác thánh giá

Điều quan trọng không phải là những người khác giúp bạn vác thánh giá, mà chính bạn giúp họ vác thánh giá của họ (J.Breton).

755. Hãy sống tuổi trẻ của bạn một cách thanh cao, trong sạch

Đừng tin vào những ai nói với các bạn rằng tuổi trẻ cốt để vui chơi.

Tuổi trẻ không dành cho lạc thú, mà cho anh hùng.

Đừng cho rằng như thế, các bạn sẽ bị thu hẹp bớt. Trái lại, các bạn sẽ được triển nở cách kỳ diệu.

Đức trong sạch sẽ khiến bạn cường tráng, nhanh nhẹn, linh lợi, sâu sắc, trong sáng như nét nhạc, huy hoàng như tia nắng sớm.

Các bạn sẽ cảm thấy cuộc sống đầy hương vị và nghiêm túc, sẽ thấy thế giới đầy ý nghĩa và đẹp rực rỡ. (Claudel)

756. Muốn sống đẹp, phải hy sinh

Sống, không phải là chấp nhận tất cả, mà là chọn lựa, cắt xén, hy sinh.

Nhựa cây chỉ dâng lên cao khi đã chặt lìa bớt các cành, và cây chỉ sống nếu các dây leo ký sinh không làm tức nghẹt nó. (Ludovic Giraud)

757. Ai ca hát vác thánh giá thì được Chúa chúc lành.

Thiên Chúa chúc lành cho những ai ca hát vác thánh giá mình, linh hồn trong sáng, đôi mắt hướng lên trời, và con tim tràn trề hy vọng. (Đức Hồng Y Mercier)

758. Muốn thành công một việc lớn, trước tiên hãy làm tốt một việc nhỏ

Bạn hiểu rằng để đạt được một thành công, bạn có rất nhiều việc cần phải làm.

Đôi lúc bạn bối rối, không biết phải bắt đầu từ đâu.

Bạn hãy mạnh dạn thực hiện một việc cần làm trước, dù đó có thể là một việc rất nhỏ.

Bạn đừng ngại. Hãy bắt tay thực hiện và hoàn thành nó.

Điều bạn nhận được, sẽ là gì? Bạn sẽ có được kết quả nhỏ mà bạn vừa thực hiện xong ư? – Không! Không chỉ là vậy?

Điều bạn nhận được, còn lớn hơn rất nhiều: đó là một cảm hứng mới, một tinh thần mới để nhìn thấy được điều gì cần thực hiện tiếp theo. Và như vậy, bạn đã thắng được sức ì của mình rồi đấy.

Bạn sẽ tiếp tục tiến lên mà không cần ai động viên.

Không phải vô cớ mà trong tiếng Anh có một câu ngạn ngữ rất nổi tiếng: “Nothing succeeds like success” có nghĩa là “Thành công nầy thường dẫn đến những thành công khác”. (Johnson, Beebe, Mortimer và Snyder – Bí Quyết Của Thành Công – David Niven, Ph.D.)

759. Hãy sống thân thiện với người khác

Một người tỏ ra thân thiện với người khác khi anh ta biết làm cho người khác mỉm cười.

Nhưng còn hơn thế nữa, thân thiện là biết chia sẻ gánh nặng của người khác khi thấy người khác phải xách một hành lý nặng, hoặc cùng nhau chia sẻ những giai điệu đẹp của một bài hát mới.

Thân thiện cũng là biết cho đi, biết đem lại cho người khác những quà tặng giàu ý nghĩa, biết đưa ra những lời khuyên đúng lúc và hợp lý, biết dành sự quan tâm cho người khác.

Khi chúng ta biết chia sẻ, khi chúng ta biết quên một phần nhu cầu bản thân của mình đi để nghĩ đến người khác, điều đó có nghĩa là chúng ta cũng đồng thời biểu lộ tính độ lượng và thân thiện với người khác. (Những Quy Tắc Vàng Của Cuộc Sống - Lại Thế Luyện)

760. Đừng bao giờ đến trễ! Hãy để dư ra mười phút!

Khi bạn hỏi một người hay một gia đình bình thường nào đó, trong xã hội, điều gì gây căng thẳng nhất, hiếm có một ai đó không cho rằng là việc chạy vắt giò lên cổ vì “đã hơi trễ”.

Dù đi xem đá bóng, đi làm, ra sân bay, tham gia một buổi cắm trại gần nhà, đến trường, đi xem lễ ngoài trời ở vùng lân cận, một ngày tới trường bình thường, hay đi lễ nhà thờ, thì hình như đa số chúng ta cứ sàng qua sàng lại cho đến giờ chót, và thế nào cũng trễ nãi đôi ba phút.

Khuynh hướng nầy dẫn đến sự căng thẳng không cần thiết khi chúng ta luôn phập phồng nghĩ đến những người đang phải chờ đợi, chúng ta đi trễ có lâu không, với giờ giấc dây thun nầy.

Trăm lần như một, chúng ta sẽ nháo nhào dắt xe ra, thắt vội cà-vạt và sốt ruột vì đã đi trễ.

Sự trễ nãi làm chúng ta lo lắng, chia trí về những điều nhỏ nhặt!

Dễ dàng vô hiệu hoá căn bệnh trầm kha nầy bằng cách đơn giản để dư ra mười phút cho bản thân và gia đình trước giờ hẹn.

Bất kể là đi đến đâu, hãy tự nhắc mình là dẫu sao, bạn sẽ đến sớm mười phút, thay vì chờ đến sát nút, mới nháo nhào chạy ra khỏi cửa!...

Khi làm xong một công việc, hãy chuẩn bị một ít thời giờ trước khi bắt tay vào việc tiếp theo.

Nếu có thể, hãy cố lên lịch sớm hơn một chút, những công tác, việc làm, giờ giải trí và bất cứ điều gì khác.

Cuối cùng, đừng làm việc quá sức.

Hãy dành riêng cho mình một ít thời gian để nghỉ ngơi tuyệt đối.

Nếu thi hành phương pháp nầy, bạn sẽ ngạc nhiên trước sự biến đổi thuận tiện của cuộc sống. Sự căng thẳng, tất bật, lo âu thường trực, sẽ được thay thế bằng khoảng lặng yên bình. (100 Phương Pháp Bồi Dưỡng Tinh Thần – Richard Carlson, Ph.D.)

Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang