PDA

View Full Version : B - Bản lĩnh Giêsu, bản lĩnh Kitô



Dan Lee
03-26-2009, 10:29 PM
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY (Năm B)

Ga 12, 20 - 33

BẢN LĨNH GIÊSU - BẢN LĨNH KITÔ

QUÝT LÀM, CAM CHỊU

Theo tờ Guardian, quả là khó tưởng tượng khi giới kịch nghệ Trung Quốc cho biết sẽ chuyển thể tác phẩm Tư Bản Luận (Capital) của Karl Marx thành nhạc kịch, nhưng Trung Tâm Kịch Nghệ Thượng Hải cho biết điều nầy nay đã có thể, nhờ vào sự thăng hoa của các loại hình nghệ thuật khác nhau.

Ngày 15.03, quốc gia Trung Mỹ El Salvador công bố kết quả cuộc bầu cử: Mauricio Funes thuộc Mặt Trận Farabundo Marti chiến thắng, đồng nghĩa với cánh tả lên cầm quyền, nâng con số các quốc gia do cánh tả nắm quyền lên 13, với 70% trong số 500 triệu dân và 80% diện tích Vùng Trung Nam Mỹ và Caribê. Điểm chung nhất của các chính phủ và những ngừơi cầm đầu các quốc gia nầy, là họ được lòng dân và đa số trong họ công khai hoặc ngấm ngầm, nhưng mãnh liệt, chống lại Giáo Hội Công giáo. Không ít trong họ là tín hữu Công giáo!

Vài ba hình ảnh, vài ba sự kiện trong rất nhiều hình ảnh và sự kiện xảy ra hằng ngày trên thế giới, không hề là ngẫu nhiên. Tỉnh táo một chút, sẽ không khó nhận ra không ít “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”: ảnh hưởng tương tác cuộc đấu tranh vì người nghèo của các phong trào cánh tả và cộng sản ở Trung và Nam Mỹ và thần học giải phóng từ thập niên 1960; đồng nghĩa với thất bại do sự buông lõng của Giáo Hội trong một thời gian dài ở nhiều phạm trù, bỏ mặc sân chơi cho những chủ thuyết sai lầm chiếm lĩnh và tung hoành. Đàng sau tất cả, là hình ảnh rất xấu - được tô đậm, nhào nặn với ý đồ chính trị - của chế độ thực dân Tây ban Nha và Bồ Đào Nha và những chính phủ được Giáo Hội hậu thuẫn, nhưng lại chỉ lợi dụng uy tín và ảnh hưởng của Giáo Hội để phục vụ lợi ích đảng phái, phe nhóm, gia đình và cá nhân, khiến cho hình ảnh Giáo Hội Công gíao dính liền với tham nhũng, độc tài, bóc lột. Những nỗ lực hàn gắn, thay đổi của hàng giáo phẩm không bì được với tuyên truyền của cánh tả vốn nắm quyền và nắm cả sức mạnh các phương tiện truyền thông. Không nói thì tín hữu Công Giáo nhận thấy dễ dàng bàn tay điều khiển của Satan ở vùng đất Nam Mỹ vốn chiếm hơn một nửa số người rửa tội trên thế giới. Nhưng đã không có khói, nếu đã không có lửa. Đùn đẩy, chối bỏ trách nhiệm của Giáo Hội Công Giáo ở Nam Mỹ và của mỗi Kitô hữu về tình trạng nầy, là thiếu trung thực.

BỤNG LÀM DẠ CHỊU

Ở Việt-Nam, các kênh truyền hình từ trung ương tới địa phương đầy kín những “game show” (trò chơi truyền hình), được lùng sục và mua về từ khắp nơi trên thế giới, na ná nhau, chỉ với mục đích có thêm nhiều tiền từ các hợp đồng quảng cáo, nhưng có nhiều cái chết yểu vì không “ăn khách”. Các Game Show nầy đều có bố cục như nhau: gỡ từng thắt nút qua các câu hỏi hoặc tình huống và phần thưởng có đựơc hoặc tăng lên tùy theo số “nút” mà ngừơi tham gia trò chơi tháo gỡ và vượt qua - trả lời đúng hoặc xử lý tốt . Nếu ví được cuộc sống trần gian là một sơi dây dài, thì mỗi biến cố lớn nhỏ trong đời là những nút thắt, buộc phải tháo gỡ xong thì mới có thể đi tiếp. Không thể có chuyện tránh né, bỏ qua. Bản lĩnh con người chính là nỗ lực tháo gỡ mọi khúc mắc trong đường đời: kinh nghiệm cả khi thành công lẫn thất bại, luôn kèm hy sinh đau khổ, sẽ giúp con người tiến lên, quyết tâm hơn, khôn khéo hơn, nhẫn nại hơn. Ngừơi ta gọi đó là “vốn sống”. Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI trong cuộc hành hương Lộ-Đức vừa qua đã khẳng định: “no suffering, no love” (không có đau khổ, không có tình yêu”. Không có “vốn sống” nầy, đức tin chỉ là cái nhãn mác bề ngoài của Kitô hữu. Nó chết, đơn giản vì không có việc làm (x. Gc 2,26)! Thiếu gì những hạng người có đức tin kiểu tiến sĩ giấy, như ông phổng đá, như ông Tểu: Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai. A dua,vô chính kiến! trong khi Giáo Hội sinh ra và lớn lên, lớn mạnh, nhờ máu và nước mắt: con đường thập giá Chúa Giêsu, Đầu Hội Thánh, đã trải qua và ngày ngày có biết bao môn đệ Chúa ở Iraq, ở Ấn Độ, ở Pakistan, ở Trung Quốc và ở ngay trên quê hương nầy đang đổ máu làm chứng cho đức tin vào Chúa Kitô. Họ hành động theo bãn lĩnh môn đệ Giêsu.

BẢN LĨNH GIÊSU

Bấy giờ, tâm hồn Chúa Giêsu xao xuyến (x. Ga 12, 27). Quá nhiều biến cố dồn dập xảy ra trong những ngày nầy: cuộc vào thành khải hoàn đang râm ran khắp nơi và tiếng đồn lan mau như ngòi thuốc súng, khiến các kẻ nghịch cùng Chúa Giêsu nói với nhau: “Các anh hãy xem các anh chẳng làm được trò trống gì hết: hãy xem mọi người đi theo ông ta”. (Ga 12,19). Và nay lại đến người Hy-Lạp muồn được gặp Người. Ngừơi Do Thái ngoài miệng vẫn coi họ là “dân ngoại”, nhưng trong lòng thì đố kỵ, ghen tị và cả nể sợ nữa, vì người Hy Lạp tượng trưng cho văn minh văn hoá được mọi dân tộc thèm muốn nể vì, trong khi dân Do Thái dưới mắt các dân tộc khác vẫn là dân du mục, thô lỗ, kém văn minh. Trước mắt Chúa Giêsu là viễn cảnh huy hoàng của vinh quang và quyền lực trần thế đầy quyến rũ, mời mọc đang bày ra. Cũng gần như cùng lúc, phơi bày cảnh tượng khinh hoàng, ê chề và đắng cay tột cùng: cuộc khổ nạn! Chẳng khác gì người bước vào bàn tiệc ê hề sơn hào hải vị, bỗng thấy bày ra một mâm cơm thiu canh cặn nhếch nhác và bắt lựa chọn. Chúa Giêsu thật sự bị choáng váng. Đau khổ, thập giá, cái chết là số phận đeo bám Người không rời và khắc nghiệt làm sao khi nó mang tên là “thánh ý Chúa Cha”. Lúc nầy đây, cơn cám dỗ dùng thiên tính - bản lĩnh Kitô - để thoát khỏi thân phận con người đang muốn trỗi dậy. Chúa Giêsu thấy lòng xao xuyến, cơn xao xuyến không khác gì sẽ xảy đến một thời gian ngắn nữa trong Vườn Giêtsêmani (x. Lc 22,44). Thánh sử Mác-cô còn nói rõ hơn: ”Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến” (Mc 14,33). Chính lúc nầy bản lĩnh Giêsu tỏ lộ. Chúng ta đang ở trung tâm Mạc Khải: Ngôi Lời hoá thành Nhục Thể, đã tự hạ và vâng phục cho đến chết và chết trên thập tự giá: cái gía phải trả để bản lĩnh Giêsu được tôn lên bản lĩnh Kitô, danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu (Pl 2, 5 – 11).

BẢN LĨNH KITÔ HỮU.

Một quốc gia không có hai chính sách, chẳng phải như kiểu phỉnh nịnh để trấn an rằng một nước nhưng theo hai chế độ. Trong những lúc suy thoái kinh tế nầy, chuyện thắt lưng buộc bụng là cho mọi người. Những chuyện xảy ra như ở hãng bảo hiểm AIG trong lúc nầy, không chỉ là không thể chấp nhận, mà còn như chà đạp lên nỗi đau toàn xã hội. Đường vào Nước trời không có hai luật, không có hai nẻo, không có lối phụ, cổng sau: chỉ có con đường hẹp, con đường gian khổ, hy sinh, thánh giá. Kitô hữu cũng được quyền hưởng thụ như mọi người, bằng chính của cải có được một cách lương thiện. Kitô hữu cũng có tự do lựa chọn tránh né những khó khăn trong cuộc sống, trong việc làm chứng cho Tin Mừng, khi phải công khai lên tiếng bảo vệ chân lý, vì những thứ ấy có thể chẳng những không đem lại lợi ích gì, mà có khi còn rước hoạ vào thân, nên đối tượng cho những chỉ trích đàm tiếu. Kitô hữu có thể lựa chọn sống hiền hoà, lương thiện và kể cả có lòng vị tha, từ thiện, không có gì đáng chê trách về xử thế và về đạo đức luân lý. Nhưng.đó là bản lĩnh một con người, có thể trùng hợp khi người đó là Kitô hữu, một người đã được rửa tội. Không phải bản lĩnh Kitô hữu. Bản lĩnh Kitô hữu là bản lĩnh con người trải nghiệm Bát Phúc, đã kinh qua thử thách đau thương, đã dám vượt qua mọi mặc cảm để bênh vực chân lý, chấp nhận thua thiệt vì Nước Trời, luôn xác định và trung thành trên con đường thập giá với Chúa Giêsu, theo gương Chúa Giêsu, theo bản lĩnh Giêsu.

Bài học bản lĩnh Giêsu đã khó: phải chăm chú lắng nghe, suy gẫm và cầu nguyện. Thực hành còn khó hơn: rèn luyện trong suốt cuộc đời, không thiếu nước mắt, mồ hôi và máu, không loại trừ hy sinh cả tính mạng. Bản lĩnh Kitô hữu chính là dám từ bỏ mọi sự, để theo Chúa Giêsu, có được bản lĩnh Giêsu.

CVK Nguyễn-Thế-Bài