PDA

View Full Version : G - Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời



Dan Lee
03-20-2009, 06:36 PM
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY (Năm B)

GIANG SƠN DỄ ĐỔI, BẢN TÍNH KHÓ DỜI

Ga 3, 14 - 21

Có nhiều người rất nghiêm túc đã đặt câu hỏi: Với tất cả những gì đã xảy ra và được thuật lại trong Phúc Âm, tại sao có Thánh Mac-ta, Thánh Maria Mađalêna, mà không có “Thánh” NICÔĐÊMÔ?

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhất là từ khi gia nhập WTO (Tổ chức Thương Mại Thế Giới), Việt-Nam đã lột xác một cách ngoạn mục, không thể khác được nếu muốn tồn tại và đi lên: Người “ra đi” sau 1975 không còn bị liệt vào hàng “phản động” nữa, mà luôn là “thành phần không thể thiếu của dân tộc Việt”; người Việt định cư ở nước ngoài được mua một căn hộ, một ngôi nhà, rồi nhiều ngôi nhà, được giữ hai quốc tịch; thương nhân và văn nghệ sĩ qua lại như bướm; đặc biệt nay đã có nhiều người Việt sang Mỹ…mua nhà ở! Có gì mà không thể đổi thay, kể cả tuyên bố mạnh miệng “hoà nhập, không hoà tan” nay đã ngược lại? Ví như một ngày nào đó, Hoàng Sa và Trường Sa, một phần hoặc tất cả, bị Trung Quốc, Phi Luật Tân hoặc Malaysia tuyên bố chính thức trở thành lãnh thổ của họ. Nay mai vào một ngày đẹp trời, đảo Lữ Thuận được Nga trao trả cho Nhật, hoặc Alaska được trả về cho Nga, lập tức chúng mang quốc kỳ nguyên quán. Trên trần gian nầy, giang sơn dễ đổi. Cái gì trên thế gian nầy rũng thay đổi, dễ đổi, ngoại trừ bản tính con người không dễ dàng đổi thay, vì vậy mà kẻ nầy khẳng định “nhân chi sơ tính bản thiện”, trong khi người nọ lại một hai cả quyết “nhân chi sơ tính bản ác”.

Trong bộ tiểu thuyết bảy tập, Đi Tìm Thời Gian Đã Mất (À la recherche du temps perdu) của nhà văn người Pháp Marcel Proust (1871 – 1922), nhân vật chính xưng "tôi" kể chuyện mình từ ngày còn nhỏ, với những ước mơ, dằn vặt, những mối tình của ông. Còn có những thiên đường tuổi ấu thơ; một xã hội thượng lưu giả dối, nhạt nhẽo. Cuối cùng "thời gian lại tìm thấy", có nghĩa là người kể chuyện tìm ra lẽ sống của mình là cống hiến cuộc đời cho nghệ thuật. Tất cả những họat động xã hội chỉ là "thời gian đã mất". Đi tìm thời gian đã mất là công cuộc đi tìm cái tôi, với muôn ngàn bóng dáng, luôn luôn thay hình đổi dạng. Có nhiều nhân cách trong một nhân cách, nhiều hữu thể trong một hữu thể. Đó là ý nghĩa sâu xa của tác phẩm. Cái tôi ấy được khơi dậy từ quá khứ. Một kỷ niệm bỗng nhiên sống lại từ bóng tối của thời gian, ký ức là một sức mạnh sáng tạo: "Những thiên đường thật là những thiên đường đã mất".

Những ngày nầy các rạp ở trên khắp Việt-Nam đều giành nhau chiếu những bộ phim “bom tấn” vừa đoạt các giải Oscar 2008, trong đó có phim The Curious Case Of Benjamin Button (Thấy lòng như giấy mới): Bản thân câu chuyện dị thường của Benjamin Button - một đứa trẻ sinh ra dưới hình dạng của một ông lão, cứ trẻ dần đi cho đến khi trở lại thành em bé sơ sinh . Benjamin sẽ ra sao, việc anh ta cứ trẻ lại trong lúc mọi người xung quanh già đi ảnh hưởng đến anh ta như thế nào, còn tình yêu của anh?…The curious case of Benjamin Button còn có vô số điều để xem, để chiêm nghiệm về hành trình cuộc sống, về tình yêu, tình đời, tình người, về những lựa chọn mà ai cũng phải trải qua trong cuộc đời mình: bước tới hay lùi lại, yêu hay không yêu, vị tha hay ích kỷ, cho và nhận… Và cả sự lựa chọn thái độ trước định mệnh và cái chết nữa. Quy trình thay đổi mà Chúa Giêsu đòi Nicôđêmô thực hiện cũng có chút gì đó giống như nhân vật trong phim, chỉ khác ở chỗ nhân vật “bị” sinh ra như thế, trong khi Nicôđêmô có tự do chọn lựa và “tự” sinh lại để vào được Nước Trời. Phép rửa tội trước hết và trên hết là trả lại cho ta những gì đã mất do tội nguyện tổ: đời sống ân sủng, hình ảnh Thiên Chúa, sự sống vĩnh cửu trong thiên đàng. Con người sinh ra trong ân sủng, tinh tuyền thánh thiện, lại muốn “đốt giai đoạn, bỏ qua lật, trườn, chững, bước, đi, rồi mới đến chạy. Con người nghe theo lời đường mật của Lucifer, muốn thách thức với Thiên Chúa, muốn tự mình định đoạt mọi thứ, kể cả biết sự lành sự dữ. Nay muốn trở về, tìm lại những gì đã do chính con người đánh mất, phá hủy, không còn cách nào khác ngoài sinh ra lại.

Câu nói đầy chất “kiếm hiệp” hay gặp trong lời thoại các bộ phim “Tàu” rẻ tiền trên đây, hoá ra lại nói lên được con người, suy nghĩ và hành động dũng cảm của ông Nicôđêmô hôm nay: cái gì chưa biết thì phải học; cái gì chưa hiểu thì phải hỏi;cái gì hay thì phải làm theo. Dù phải “đi đêm” để tránh đàm tiếu, nhưng không có nhiều chức sắc Do Thái dám làm và làm được như ông: thay đổi cả não trạng, thay đổi cả bản tính, để từ “giang sơn” thế gian (theo nghĩa của Thánh Gioan) trở nên “giang sơn” Nước Trời. Hãy cho ông thời gian để chứng minh niềm tin, lòng tin tưởng và yêu mến ở đồi Calvê: Trong khi mọi người bỏ trốn, sợ hãi lẫn tránh, thì Nicôđêmô có mặt, ra mặt, hạ xác, tắm xác và táng xác Chúa Giêsu (những động tác được tôn vinh trong hai chặng đường Thánh Giá 13 và 14) tận tụy hơn cả với ngừơi thân, tận tụy hơn cả các môn đệ, đúng ra phải nói tận tụy và trung thành như một môn đệ đích thực. Người Anh có câu châm ngôn: ”a friend in need is a friend indeed” (bạn khi cần mới là bạn thật). Nhưng đó là chuyện về sau. Nicôđêmô của tối hôm nay hiện thân là một người không chỉ cao tuổi, mà còn cao danh vọng và hiểu biết sâu rộng, nhưng không thôi thao thức và khát khao đi tìm chân lý. Chân Lý không có tuổi. Người đi tìm chân lý không thể kể đến tuổi tác, không dự liệu thời gian. Trước chân lý, con người luôn như đứa bé, thậm chí chưa sinh ra hay đúng hơn, là “phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (Ga 3,7). Bình minh ló rạng thì cũng là lúc mắt ông đã mở, tâm hồn ông đã vượt qua được đêm tối và được ánh sáng bình minh huy hoàng chiếu toả. Khi nhìn Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, Nicôđêmô nhớ lại hình ảnh “con rắn đồng” hôm nay. Bản tính con người không dễ gì thay đổi, chuyển dời. Nhưng khi khao khát và gặp được chân lý, thì mọi sự sẽ bị đảo lộn và thay đổi, không phải như kiểu lột da của rắn già, mà là sự canh tân toàn diện, trời mới đất mới. Và cũng bắt chước cách nói thường gặp trong các phim cổ trang: với Chúa Giêsu, ông Nicôđêmô có cả duyên lẫn phận.

Từ đây, lạy Chúa, qua cuộc đàm đạo thâu đêm nầy với ông Nicôđêmô, Chúa đã cho chúng con thấy tiêu chí để đánh giá đức tin trong đời sống Kitô hữu: phải vượt qua đêm dài những thử thách, hy sinh để theo Người. Nếu thấy đường con đi bình an quá, phẳng lặng quá, thành công nối tiếp thành công, chỉ thấy hạnh phúc và may mắn, thì con đang lầm đường lạc lối. Nếu trong đời sống làm môn đệ Người, mà con không thấy những ngày, nhiều ngày mây đen u ám, nhiều lúc niềm tin lung lay, không ít khi giống như Chân Phước Mẹ Têrêxa Calcutta hồ nghi cả sự hiện diện của Chúa, thì phải đặt vấn đề cái mà con tưởng là “đức tin”. Dù ai muốn lạc quan hoặc muốn thay đổi định nghĩa, ý nghĩa cuộc hiện-sinh nầy, thì thế gian vẫn là “nơi đầy châu luỵ” (in hac lacrimarum valle), nói theo nhà thơ Xuân Diệu: “trái đất nầy ba phần tư là nước mắt”. John Milton, thi sĩ vĩ đại người Anh thế kỷ 17 gọi đó là “Thiên Đàng Đánh Mất” (Lost Pradise). Cái gía để tìm lại, có lại, chuộc lại những gì đã mất bao giờ cũng phải tương đương, tương xứng. Cái giá “Tìm lại Thiên Đàng Đánh Mất” (một bản nhạc pop do Celine Dion trình bày rất thành công) tất nhiên không thể dễ dàng, rẻ rúng: con người đã muốn như “trưởng giả học làm sang” (hài kịch “Bourgeois Gentilhomme” của văn hào Pháp Molìere), muốn “chơi sang”, thì nay phải có cử chỉ và tâm hồn quy phục, kính bái trước một biểu tượng của ô nhục, đau đớn: Cây Thập Gía. Còn lại là chúng con có chịu nhìn lên “Con Rắn Đồng” và quyết tâm tái sinh trong Ơn Nghĩa Chúa, để tìm lại những gì đã mất do tự kiêu mà bất tuân lệnh Chúa, nghe theo cám dỗ con rắn hỏa ngục. Cái giá vẫn còn hời lắm!

Không ít người đã thắc mắc:
tại sao trong Hạnh Các Thánh, không thấy tên “Thánh” Nicôđêmô?

CVK Nguyễn-Thế-Bài