PDA

View Full Version : DĐ - Để thế gian được ơn cứu độ



Dan Lee
03-19-2009, 10:48 PM
CHÚA NHẬT IV MC năm B

ĐỂ THẾ GIAN ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ




Các bài Thánh Kinh của Phụng vụ Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm B hôm nay đề cập đến Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Tình yêu Cứu độ ấy đã khiến Thiên Chúa đành phải dùng hình phạt để trừng trị các thủ lãnh Do Thái bất trung bất nghĩa cuối thời quân chủ. Cũng Tình yêu Cứu độ ấy đã khiến Thiên Chúa Cha sai Con Một đến thế gian để thế gian- nhờ Con của Người- mà được cứu độ. Chúng ta hãy mở rộng cõi lòng đón nhận sứ điệp Lời Chúa và làm cho sứ điệp ấy thành hiện thực trong các môi trường trong đó chúng ta đang sống.

I. Lắng nghe Lời Chúa

1. Bài đọc 1: 2 Sb 36,14-16.19-23.
2. Bài đọc 2: Ep 2,4-10.
3. Bài Tin Mừng: Ga 3,14-21.

II. Tìm hiểu Lời Chúa

1. Bài đọc 1: 2 Sb 36,14-16.19-23: Đoạn sách Sử biên niên quyển thứ 2 kể lại chuyện các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng Ítraen học theo mọi thói hư đốn của các dân ngoại mà làm hoen ố Nhà của Đức Chúa ở Giêrusalem và sát hại các sứ giả do Thiên Chúa sai đến để nhắc nhở họ. Thiên Chúa đành phải dùng hình phạt để trừng trị và cảnh tỉnh họ, vì Thiên Chúa luôn yêu thương dân của Người.

2. Bài đọc 2: Ep 2,4-10: Thánh Phaolô khẳng định: Thiên Chúa giầu lòng xót thương và rất mực yêu thương chúng ta nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Sở dĩ chúng ta được cứu là do ân sủng của Thiên Chúa và do lòng tin của chúng ta chứ không phải do sức hay việc làm của chúng ta.

3. Bài Tin Mừng: Ga 3,14-21: Là một phần của cuộc trao đổi giữa Đức Giêsu và Ong Nicôđêmô. Ong Nicôđêmô là một người thông thái trong dân Ítraen và có nhiều cảm tình với Đức Giêsu. Nhưng ông còn nhút nhát và sợ dư luận nên chỉ dám tìm đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Trong cuộc trao đổi với ông, Đức Giêsu đã 'bật mí' nhiều điều rất thú vị và quan trọng, như việc người ta phải được 'tái sinh' trong Thần Khí để vào Nước Trời và việc "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian mà để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ."

4. Sứ điệp của Lời Chúa: "Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ."

4.1 Đón nhận Sứ điệp Tình Yêu:

Công việc đầu tiên của các Kitô hữu chúng ta là đón nhận sứ điệp cũng là mạc khải vô cùng quan trọng về lý do và động lực (nếu chúng ta có thể nói như vậy) của việc Thiên Chúa Cha sai Con Một của Người là Đức Giêsu đến thế gian. Đức Giêsu đến trần gian để con người được sống chứ không phải để con người phải chết. Vì chưng Thiên Chúa chỉ có thể là Tình Yêu. Mà Tình Yêu thì chỉ có thể cứu vớt chứ không thể kết án. Những ai không đón nhận Tình Yêu là tự loại mình ra khỏi dòng thác của Tình Yêu Tha Thứ và Cứu Vớt. Cũng như những ai không chịu để Anh Sáng Thiên Chúa soi dẫn là tự mình chọn sống trong tối tăm. Tâm tình xứng hợp chúng ta phải có là cảm tạ, ngợi khen và biết ơn Thiên Chúa Tình Yêu. Cảm tạ ngợi khen và biết ơn vì Thiên Chúa đã yêu thương loài người bằng chính Tình Yêu Vô Hạn của Thiên Chúa. Để diễn tả Tình Yêu ấy, Thiên Chúa làm người đã lao động vất vả, vượt qua mọi thử thách cám dỗ, kiên định trọng lập trường chọn Thánh Ý Chúa Cha, chọn con đường tự hủy và chấp nhận hiến mình làm lễ tế toàn thiêu trên thập giá để cho mọi người được làm hòa với Thiên Chúa và được ơn cứu độ. Cách cảm tạ ngợi khen và biết ơn cân xứng nhất là chúng ta lấy tình yêu nhỏ bé và bất toàn của chúng ta đáp lại Tình Yêu Vô Cùng Vô Biên của Thiên Chúa. Trong cụ thể có nghĩa là chúng ta phải nỗ lực hết sức mình để xa lánh tội lỗi, để vất bỏ những cách suy nghĩ, hành động trái ngược với sự Thánh Thiện và lòng Yêu Thương của Thiên Chúa. Đó chính là việc hoán cải (metanoia) mà Mùa Chay mời gọi chúng ta thực hiện. Trước hết là hoán cải trong tư duy tức đổi mới tư duy. Kế đến là hoán cải trong thái độ và hành động. Suy nghĩ, thái độ và hành động của người hoán cải là suy nghĩ, thái độ, hành động của chính Đức Giêsu Kitô.

4.2 Làm chứng cho Sứ điệp Tình Yêu:

Còn có một cách khác để chúng ta cảm tạ ngợi khen và biết ơn Thiên Chúa Tình Yêu. Đó là chúng ta tận dụng mọi hoàn cảnh, mọi cơ hội để làm chứng cho Thiên Chúa Tình Yêu. Trách nhiệm làm chứng cho Thiên Chúa Tình Yêu của Kitô hữu các nước nói chung và của Kitô hữu Việt Nam nói riêng là một trách nhiệm vinh quang mà vô cùng nặng nề. Chúng ta thử hỏi - trong thế giới lúc một số chính quyền Phương Tây, bất chấp sự can ngăn của nhiều chính quyền khác và của chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và sự phản đối của các tầng lớp nhân dân các nước, dùng vũ lực tấn công Irắc- thì có bao nhiêu tín đồ Hồi giáo, Phật giáo hay An giáo, có bao nhiêu người không biết Chúa Giêsu Kitô cho rằng người Tin Lành, người Công giáo là những chứng nhân của Thiên Chúa Tình Yêu? Chúng ta cũng có quyền tự hỏi: trong nước Việt Nam hiện nay có bao nhiêu người trong số 72 triệu người không Công giáo gặp được những chứng nhân sống động của Thiên Chúa Tình Yêu? Nói cách khác chúng ta thử hỏi có bao nhiêu trong số 8 triệu người Công giáo Việt Nam thực sự là chứng nhân của Thiên Chúa Tình Yêu? Như thế có nghĩa là người đi Đạo không chỉ giữ Đạo mà còn phải trưng bày Đạo ra trước mặt mọi người. Cũng có nghĩa là người đi Đạo không được quyền hiểu lơ mơ về Đạo, cũng như không có quyền tin một đàng sống một nẻo. Như thế có nghĩa là làm chứng không chỉ bằng lời nói (quá dễ và không đủ sức thuyết phục người thời nay) mà bằng việc làm, bằng cách sống như Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần, giám mục Long Xuyên đã viết trong bài "Yêu Mến Thánh Giá" :
"Thời nay, tại Việt Nam này, người ta tin vào các chứng nhân sống đạo hơn bất cứ sách báo, tổ chức, lý thuyết nào. Chứng nhận sống đạo là những người có tâm đạo giầu cảm thương đối với những người đau khổ tội lỗi, phản ánh tình thương trên thánh giá của Chúa Giêsu"

Để có được tâm đạo giầu cảm thương, các Kitô hữu Việt Nam hay thuộc bất cứ quốc tịch nào phải biết học cùng Thầy Giêsu và phải nên giống Thầy Giêsu. Nếu tất cả đồng bào của chúng ta có dịp gặp gỡ, trao đổi với những người Công giáo thực sự là những chứng nhân sống đạo thì sớm muộn gì, bằng cách này hay bằng cách khác, họ sẽ đón nhận Thiên Chúa Tình Yêu như chúng ta đã đón nhận Người trong tâm hồn và trong cuộc sống của mình. Cách làm chứng cho Thiên Chúa Tình Yêu vừa trình bày ở trên rất ăn khớp với lời nói của Đức Giêsu với Ông Nicôđêmô: "Để ai tin vào Con của Người..." Lòng tin là điều kiện để con người khỏi phải chết mà được sống đời đời. Nhưng làm sao người ta có thể tin Con của Người là Đức Giêsu Kitô nếu như không bao giờ nghe nói đến Người? hay chẳng bao giờ nhìn thấy cách sống của những người đã sống lòng tin vào Người? Vẫn một kết luận: Kitô hữu là những người được Thiên Chúa sai đến để làm cho anh em đồng bào tin vào Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ được Cha sai đến trần gian để mọi người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).

III. Sống Lời Chúa

Mỗi ngày tôi tìm mọi cách để rao giảng Tin Mừng, làm chứng về Thiên Chúa Tình Yêu và giúp người khác tin vào Thiên Chúa là Cha và vào Đức Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa và đã được Người sai đến để cứu độ mọi người.

IV. Cầu nguyện với Lời Chúa

Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con cảm tạ, ngợi khen và biết ơn Cha vì Cha đã sai Con Một Yêu Dấu của Cha là Đức Giêsu Kitô đến thế gian để cứu độ chúng con và mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, để cứu độ chúng con và mọi người, Chúa đã rao giảng Tin Mừng Nước Trời, đã gọi và chọn các Tông đồ, đã lập Hội Thánh và các Bí Tích, đã chết trên thập giá, đã ban Thánh Thần cho mọi tín hữu, đã sai các Tông đồ và các môn đệ đi khắp thế gian để làm cho người ta tin nhận Chúa. Chúng con cũng đã được ơn gọi làm môn đệ của Chúa. Nhưng chúng con chưa hoàn thành công việc Chúa giao, vì chúng con chưa sống chứng tá, chưa giúp được người khác tin nhận Chúa. Xin Chúa thứ tha cho chúng con và ban Ơn hoán cải cho chúng con.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Chúa ban cho chúng con 7 Ơn của Chúa để chúng con có đủ sức mạnh và phương cách làm chứng về Thiên Chúa là Tình Yêu, về Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ, về Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Thiên Chúa Tình Yêu.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội