PDA

View Full Version : L - Lòng nhân từ của Chúa



Dan Lee
03-19-2009, 09:58 PM
CHÚA NHẬT IV MC năm B

LÒNG NHÂN TỪ CỦA CHÚA


Đọc Thánh Kinh Cựu Ước, người ta có cảm tưởng Thiên Chúa có vẻ dữ tợn, hay báo thù và trách phạt. Chẳng hạn khi dân chúng trở mặt chống lại Người, Chúa cho nước lụt tràn ngập đất đai, ruộng vườn của họ. Khi họ không tuân giữ giới răn Chúa, Người cho hạn hán thiêu hủy mùa gặt, và những sản phẩm ruộng vườn của họ. Khi dân Chúa bất trung phản nghịch cùng Người, Chúa gửi dịch tả đến miền đất của họ. Khi họ toan bỏ Chúa đi thờ các thần ngoại lai, Chúa ra tay sát phạt họ, và dùng dân ngoại thi hành hình phạt của Chúa.

Tuy nhiên vừa khi họ bị sát phạt, thì các tiên tri của Chúa liền xuống giọng. Các tiên tri bảo họ: đó là hình phạt của Thiên Chúa yêu thương và nhân hậu. Vừa khi dân chúng thay đổi cách sống và ăn năn hối tội, thì họ lại được tha thứ và đưa về đất hứa. Bài trích sách Biên Niên quyển hai hôm nay là một ví dụ điển hình về lòng xót thương của Chúa. Bài Sách này được viết vào khoảng ba trăm năm trước Chúa giáng sinh, khi tác giả đã có thể nhìn về lịch sử quá vãng, mà dân chúng chồng chất bất trung này lên bất trung khác. Từ lần nọ qua lần kia, họ mần ngơ trước sự hiện diện của các sứ giả của Chúa. Và họ còn bách hại các tiên và các tổ phụ của Người.

Cho tới lúc mà Thiên Chúa không còn dung thứ được nữa, Người liền cho phép quân thù đến tấn công họ. Quân Babylon đến xâm chiếm đất nước của họ, giết chết hàng ngàn, hàng vạn người. Quân thù phá huỷ thành phố, thiêu đốt đền thờ và cưỡng ép dân còn sống sót đi lưu đầy bên Babylon.

Tuy vậy Chúa không lỡ bỏ rơi dân Người. Chúa dùng ông vua của dân ngoại là Cyrô, Vua xứ Ba Tư, để cứu thoát dân Người và đưa họ trở về đất hứa. Như vậy ta thấy những hình phạt của Chúa, không phải nhằm báo thù, trách phạt, mà là cách thế để luyện lọc, thanh tẩy và chữa trị họ, khiến họ trở nên tuỳ thuộc vào Chúa.

Phúc âm hôm nay nhắc nhở cho ta về một tai hoạ xẩy ra cho dân Người trong sa mạc trên đường tìm về đất hứa. Khi dân riêng của Chúa chối bỏ Người, Chúa phạt họ bằng cách gửi rắn độc đến giữa họ. Rồi với lòng thương xót, Chúa truyền cho Môisen làm con rắn đồng, treo trên cây gậy để cứu chữa họ. Bất cứ khi nào ai bị rắn độc cắn mà nhìn lên con rắn đồng, với niềm tin vào Chúa, thì được chữa khỏi.

Chúa coi cái việc treo con rắn đồng lên cây gậy như là dấu chỉ Người sẽ bị treo trên thập giá để tất cả những ai tin ở Người sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời.

Thánh Phaolô, người am hiểu lịch sử ơn cứu độ trong Thánh kinh Cựu ước đã thốt lên trong thư gửi tín hữu Êphêsô hôm nay : Thiên Chúa là Đấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả, mà Người đã yêu thương ta, đến nỗi khi tội lỗi khiến ta phải chết, thì Người đã cho ta được cứu rỗi qua Đức Kitô (Ep 2:4-5).

Trải qua suốt dòng lịch sử Cựu ước, mỗi lần dân Chúa đi lầm đường lạc lối, mỗi lần họ bỏ Chúa để đi thờ các thần ngoại lai, thì Chúa lại sai các tiên tri, các tổ phụ đến cảnh giác họ. Và mổi lần họ ăn năn sám hối tội lỗi, thì Chúa lại mở rộng tay đón nhận họ trở về. Môisen được coi là người trung gian của lòng từ bi hay thương xót của Chúa. Những vị trung gian khác, ngay cả trước Môisen, đã sống đẹp lòng Chúa đến độ mỗi khi nhắc đến tên ho mà thôi, thì Chúa lại nguôi cơn giận và giang tay đón nhận họ trở về. Thiên Chúa cũng đối xử với ta như vậy, nếu ta thành tâm sám hối và từ bỏ đường tội lỗi.

Lm Trần Bình Trọng, USA