PDA

View Full Version : T - Từ Chuyện Ở Một Siêu Thị Điện Máy



Dan Lee
03-13-2009, 08:10 PM
Từ Chuyện Ở Một Siêu Thị Điện Máy



Chỉ vì cái ghế của người hàng xóm sống bằng nghề dán keo xe, vì tốt bụng, cho anh em nhân viên siêu thị mượn ngồi nghỉ giữa ca để ăn cơm và đặt ở bên phần vỉa hè của siêu thị, mà mỗi nhân viên, từ người phụ trách nhân sự đến ca trưởng, ca phó và anh em bảo vệ phải viết bản kiểm điểm, trong đó tự đề xuất mức hình phạt bằng cách trừ tiền lương công ty gọi là tiền "trách nhiệm". Tùy theo chức vụ mình đảm nhận, mỗi người bị trừ % mức lương được hưởng. Nhiều nhất là 50% và ít nhất cũng phải 20%. Hỏi thăm những nhân viên đã làm lâu năm, hoặc những người đã nghỉ trước đó, mới biết đây là cách ông bà chủ siêu thị muốn cắt bớt tiền công của nhân viên. Nên cứ mỗi lần sắp đến ngày lãnh lương, ai nấy đều rất sợ, nhưng vẫn không sao tránh khỏi vì ông bà chủ đã có ý muốn như vậy.

Siêu thị nằm ở một vị trí khá lý tưởng, ngay mũi tàu, nơi đặt trụ sở là đồn cảnh sát Hàng Xanh của VNCH trước đây. Logo của siêu thị là một hình tròn có chữ "Tự Do" trên nền màu xanh đậm, chung quanh là viền màu đỏ, phía trên có hàng chữ "Siêu thị điện máy" và phía dưới có hàng chữ "Điều bạn mong muốn". Nhưng với cách quản lý nhân viên quá khắc khe của ông bà chủ siêu thị , nhằm tìm mọi cách bớt xén tiền công của anh em, xem ra không phải là "điều mọi người mong muốn". Sau những ngày dài vất vả vì phải đứng từ 7g sáng đến hơn 22g đêm, tùy theo lượng khách nhiều hay ít, và chờ đến người khách cuối cùng rời khỏi siêu thị mới được kéo rào, đóng cửa. Tất cả nhân viên đều mong muốn được trả lương đầy đủ và sòng phẳng theo như thỏa thuận ban đầu. Vì những khoản trừ tiền lương như vụ "cái ghế" hoàn toàn không có trong bản cam kết mà mỗi nhân viên phải ký trước khi được nhận vào làm việc.

Những vụ việc như trên đã xảy ra từ lâu và thường xuyên mỗi tháng ở siêu thị điện máy này. Nhưng vẫn không thấy chính quyền, mà cụ thể là công đoàn quận Bình Thạnh đến can thiệp. Lẽ ra với vai trò giám sát và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, họ phải chủ động tìm hiểu khi nghe phản ánh. Nhưng vì đã quen lối làm việc quan liêu, thiếu trách nhiệm và chờ có đơn thưa cụ thể, họ mới giải quyết theo kiểu hành chánh chiếu lệ. Đây cũng là cung cách làm việc chung trong guồng máy chính quyền cộng sản ở Việt Nam hiện nay.. Nên mọi việc vẫn đâu vào đấy và sẽ còn kéo dài. Họ chỉ ra tay, không cần đơn thưa hay tố cáo, khi ai đó đụng chạm đến quyền lợi chính trị và kinh tế của họ.

Trong một xã hội mà theo báo cáo mới đây của Bộ Ngoại giao Mỹ nói tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn còn ở mức "chưa thỏa đáng", khi tình trạng cấm đoán bất đồng chính kiến và người dân bị bắt bớ vì có quan điểm chính trị đối lập nhưng không được đưa ra xét xử nhanh chóng và công bằng vẫn còn tồn tại.Và tệ nạn tham nhũng trong lực lượng công an, cũng như sự thiếu minh bạch trong việc "thu đất và di dân khỏi các dự án cơ sở hạ tầng" đã đẩy người dân đến chỗ khốn cùng, khiến họ phải đi khiếu kiện và biểu tình khắp nơi, nhưng tất cả đều bị dập tắt ngay từ trong trứng nước. Nên "Nói đến Việt Nam thì chuyện biểu tình là hiếm" như nhận định của anh Lê Hải trong bài viết "Cảm nghĩ từ hai cuộc biểu tình" đăng trên BBC hôm thứ năm ngày 5/3/2009 cũng đúng. (Nguồn BBC)

Xem ra lực lượng "công nông" vốn là nòng cốt của XHCN, từng là chỗ dựa cho những người cộng sản hô hào đấu tranh "vì tự do dân chủ" (?) ngày nào, thì nay trong lòng xã hội Việt Nam hiện tại đã không còn chỗ đứng, thay vào đó là lực lượng "tư bản đỏ" ngày càng bành trướng, lớn mạnh. Họ tìm đủ mọi cách để làm giàu, bất chấp cả sĩ diện quốc gia, dân tộc. Đang khi đó, trong bối cảnh nhiều người trong vùng phải sống ở mức nghèo đói theo tiêu chuẩn quốc tế, tại cả trong nước và ở nước ngoài, thì tình trạng thất nghiệp gia tăng trong vùng sẽ làm cho mức nghèo đói còn tồi tệ hơn và làm cho khoảng cách giàu nghèo càng rộng hơn. (Nguồn BBC)

Trăm năm bia đá thì mòn,
Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ.

Nhà độc tài nào sau khi ra đi cũng trở thành bia cho không biết bao nhiêu những lời đàm tiếu của thiên hạ.Và những người cộng sản Việt Nam chắc chắn cũng không ngoại lệ. Không có một nhà độc tài nào mà không tham lam tiền của. Và giá những tài sản bất chính ấy thường giống nhau : một cuộc sống trong lo sợ từng ngày và làm mục tiêu cho những oán ghét.

Phanxicô Xaviê