PDA

View Full Version : C - Toàn văn thư của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI gởi các Giám Mục Công Giáo



Dan Lee
03-13-2009, 07:32 PM
Toàn văn thư của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI gởi các Giám Mục Công Giáo

http://www.vietcatholic.org/Pics/pope140309.jpg

Chư huynh đệ trong hàng Giám Mục thân mến!

Việc tha vạ tuyệt thông cho bốn Giám Mục được tấn phong không có phép của Tòa Thánh bởi Tổng Giám Mục Lefebvre hồi năm 1988, vì nhiều lý do, đã gây nên một cuộc tranh luận, cả trong và ngoài Giáo Hội, gay gắt như chưa từng thấy trong một thời gian dài. Nhiều Giám Mục cảm thấy hoang mang trước biến cố bất ngờ và khó có thể nhìn vấn đề cách tích cực dưới ánh sáng của những vấn nạn và nghĩa vụ mà Giáo Hội phải đương đầu hôm nay. Dù cho nhiều vị Giám Mục và các tín hữu theo nguyên tắc vẫn giữ một cái nhìn tích cực trước quan tâm của Đức Giáo Hoàng đối với vấn đề hòa giải, thì vẫn tồn tại câu hỏi là liệu một cử chỉ như thế có phù hợp trước những đòi hỏi thật cấp bách trong đời sống đức tin của chúng ta hôm nay. Trong khi đó, một số nhóm, lại công khai tố cáo Đức Giáo Hoàng muốn quay lại thời kỳ trước Công Đồng: hệ quả là, một trận cuồng phong chống đối được phát động bởi những người mà sự cay đắng của họ làm cho vết thương chưa lành càng trở nên sâu hơn. Vì thế, tôi thấy cần phải gởi đến các chư huynh đệ khả kính một lời giải thích nhằm giúp anh em hiểu những quan ngại đã dẫn tôi và các cơ quan trung ương của Tòa Thánh đến quyết định này. Qua đó, tôi hy vọng đem lại an bình cho Giáo Hội.

Điều chẳng may không lường trước được cho tôi là trường hợp của Giám Mục Williamson đã được đặt lên trên việc tha vạ tuyệt thông. Cử chỉ thương cảm thận trọng dành cho bốn Giám Mục được tấn phong thành sự nhưng không hợp luật bất ngờ trở thành một điều gì đó hoàn toàn khác biệt: như một sự phủ nhận tiến trình hòa giải giữa các Kitô hữu và anh chị em Do Thái Giáo, và như thế nó thành ra như một sự đảo ngược điều đã được Công Đồng xác lập để hướng dẫn con đường của Giáo Hội về vấn đề này. Một cử chỉ hòa giải với một nhóm tín hữu đang trong tiến trình ly giáo, vì thế, đã biến thành một điều hoàn toàn ngược lại: một bước lùi rõ rệt trong những bước tiến hòa giải giữa các tín hữu Kitô với các tín hữu Do Thái từ sau Công Đồng - những bước tiến mà trong công việc của chính tôi như một thần học gia, tôi đã không ngừng tìm kiếm ngay từ ban đầu để dự phần và nâng đỡ. Sự kiện hai tiến trình chồng chéo và trái ngược đã xảy ra và tức thời quấy rối bình an giữa các Kitô hữu và anh chị em Do Thái Giáo, cũng như bình an trong nội bộ Giáo Hội, là điều tôi không biết nói gì hơn là hối tiếc sâu xa. Tôi được báo cho biết rằng việc tham khảo các thông tin trên Internet có lẽ đã làm cho vấn đề được thấu hiểu sớm hơn. Tôi học được bài học này là trong tương lai Tòa Thánh chúng tôi sẽ chú ý nhiều hơn đến nguồn tin này. Tôi thấy buồn là cả những người Công Giáo, những người trên hết có lẽ rành rẽ hơn về thực trạng của vấn đề, lại đi nghĩ rằng họ phải tấn công tôi với một thái độ hằn học công khai. Chính vì thế tôi lại càng phải cám ơn những bạn bè Do Thái, những người đã mau chóng giúp đánh tan sự hiểu lầm và tái lập bầu khí hữu nghị và tin cậy lẫn nhau vẫn hằng tồn tại trong thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và, tạ ơn Chúa, là vẫn tiếp tục trong triều Giáo Hoàng của tôi.

Một sai lầm nữa mà tôi chân thành hối tiếc đó là phạm vi và những giới hạn đưa ra trong quyết định tha vạ ngày 21/1/2009 đã không được giải thích minh bạch và thỏa đáng vào thời điểm đặc cách này được công bố. Vạ tuyệt thông chi phối trên các cá nhân chứ không phải các tổ chức. Việc tấn phong Giám Mục không có phép của Đức Giáo Hoàng mang đến hiểm họa ly giáo vì nó đe dọa sự hiệp nhất của Giám Mục Đoàn với Đức Giáo Hoàng. Thành ra, Giáo Hội phải phản ứng lại bằng cách áp dụng hình phạt nặng nề nhất là vạ tuyệt thông với ý hướng kêu gọi những ai chịu vạ này hối hận và quay trở lại trong tình hiệp nhất. Hai mươi năm sau những vụ tấn phong này, đáng buồn là mục tiêu này vẫn không đạt được. Việc tha vạ tuyệt thông có cùng ý hướng như hình phạt: nghĩa là, tái mời gọi bốn vị Giám Mục quay lại. Cử chỉ này có thể diễn ra sau khi các đương sự đã bày tỏ sự nhìn nhận trên nguyên tắc Đức Giáo Hoàng và quyền bính của ngài như một Mục Tử, dù cho vẫn còn những khúc mắc trong việc vâng phục quyền giáo huấn của ngài và thẩm quyền của Công Đồng. Ở đây tôi muốn quay trở lại sự phân biệt giữa các cá nhân và các tập thể. Việc tha vạ tuyệt thông là một biện pháp trên bình diện kỷ cương Giáo Hội: các cá nhân được tha gánh nặng lương tâm cấu thành bởi các vạ nghiêm trọng nhất. Bình diện kỷ cương này cần phải phân biệt với phương diện tín lý. Sự kiện Huynh Đoàn Thánh Piô X không được hưởng một quy chế giáo luật nào trong Giáo Hội, suy cho cùng, không phải vì những lý do kỷ luật nhưng thật ra vì những lý do tín lý. Chừng nào Huynh Đoàn Thánh Piô X chưa được hưởng một quy chế giáo luật trong Giáo Hội, các thừa tác viên của huynh đoàn này vẫn chưa thể thi hành một cách hợp luật các thừa tác vụ trong Giáo Hội. Cần phải phân biệt giữa lãnh vực kỷ luật liên quan đến các cá nhân và lãnh vực tín lý liên quan đến thừa tác vụ và tổ chức. Để minh bạch hóa một lần nữa: chừng nào các vấn nạn tín lý chưa được rõ ràng, Huynh Đoàn không được hưởng quy chế giáo luật nào trong Giáo Hội và các thừa tác viên của nó – dù cho đã được tha vạ - vẫn không được thi hành cách hợp luật bất cứ thừa tác vụ nào trong Giáo Hội.

Trước hiện trạng này tôi có ý định sẽ sáp nhập vào Bộ Giáo Lý Đức Tin Ủy Ban Tòa Thánh “Giáo Hội Chúa” – là cơ quan từ năm 1988 đã đặc trách vấn đề về những cộng đoàn và cá nhân thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X muốn trở lại trong sự hiệp thông hoàn toàn với Đức Thánh Cha. Điều này sẽ làm rõ là những vấn đề giờ đây được đề cập đến chủ yếu thuộc về tín lý trong tự bản chất của chúng và liên hệ mật thiết với việc chấp nhận Công Đồng Vatican II và huấn quyền sau Công Đồng của các Đức Giáo Hoàng. Các cơ chế hữu quan mà Bộ [Giáo Lý Đức Tin] liên hệ để nghiên cứu những vấn đề nảy sinh (đặc biệt là cuộc gặp gỡ ngày thứ Tư hàng tuần của các Đức Hồng Y hay Phiên Họp Khoáng Đại thường niên hay hai năm một lần) bảo đảm sự dự phần của các vị Bộ Trưởng thuộc các Bộ khác nhau của Giáo Triều Rôma và đại diện của các Giám Mục trên thế giới trong tiến trình hình thành quyết định. Thẩm quyền giáo huấn của Hội Thánh không thể bị đình chỉ vào năm 1962 – điều này phải hoàn toàn làm rõ với Huynh Đoàn. Nhưng một số người xem mình như những nhà bảo vệ hăng hái của Công Đồng cũng cần phải được nhắc nhở rằng Công Đồng Vatican II chấp nhận toàn bộ lịch sử tín lý của Giáo Hội. Ai muốn vâng lời Công Đồng phải chấp nhận đức tin đã được tuyên xưng qua hàng bao thế kỷ, và không thể chặt bỏ những căn cội của một cây từ đó cây này kín múc sức sống của nó.

Tôi hy vọng rằng, các chư huynh đệ thân mến, điều này giúp minh bạch hóa ý nghĩa tích cực của quyết định tha vạ hôm 21/1/2009 cũng như những giới hạn của quyết định này. Nhưng câu hỏi vẫn còn đó: Liệu rằng biện pháp này có cần thiết không? Có thực là một ưu tiên không? Những chuyện khác không quan trọng hơn sao? Dĩ nhiên là có nhiều việc quan trọng và cấp bách hơn. Tôi tin là tôi đã đưa ra một cách rõ rệt những ưu tiên trong triều Giáo Hoàng của tôi trong những diễn văn được đưa ra từ buổi đầu. Mọi điều tôi đã tuyên bố vẫn được giữ nguyên không có gì thay đổi. Ưu tiên hàng đầu của đấng Kế Vị Thánh Phêrô đã được Chúa đặt ra [trong Bữa Tiệc Ly] ở Phòng Trên Gác với những từ rõ nghĩa nhất: “Anh … hãy củng cố anh em mình” (Lk 22:32). Chính thánh Phêrô đã tổng kết ưu tiên này một cách mới mẻ trong Thư Thứ Nhất của ngài: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3:15). Trong thời đại chúng ta hiện nay, khi mà ở nhiều miền rộng lớn trên thế giới đức tin đang gặp hiểm nguy hay đang lụi tàn như ngọn lửa hết dầu, ưu tiên tối thượng là làm sao cho Thiên Chúa hiện diện trong thế giới này và chỉ ra cho những người nam nữ thấy con đường của Thiên Chúa. Không phải là bất cứ chúa nào, nhưng là Thiên Chúa Đấng đã phán hứa trên núi Sinai, Đấng mà thiên nhan Ngài chúng ta nhận ra được trong một tình yêu cho đến “tận cùng” (x Ga 13:1) – nơi Chúa Giêsu Kitô, chịu đóng đinh và sống lại. Cái vấn nạn thực sự vào thời điểm này của lịch sử là Thiên Chúa đang biến mất dần khỏi chân trời nhân loại, và với sự mờ dần ánh sáng từ Thiên Chúa, nhân loại đang đánh mất định hướng, với những hậu quả tàn hại càng ngày càng rõ rệt.

Dẫn đưa những người nam nữ đến với Thiên Chúa, Đấng đã phán hứa với chúng ta trong Thánh Kinh: đây là ưu tiên tối thượng và căn bản của Giáo Hội và của đấng Kế Vị Thánh Phêrô trong thời đại hôm nay. Một hệ quả đương nhiên của điều này là chúng ta phải có trong tim sự hiệp nhất của của mọi tín hữu. Sự mất hiệp nhất, sự bất hòa giữa chính họ, đặt thành vấn nạn cho nhiều người về tính khả tín của những gì họ nói về Thiên Chúa. Do đó, nỗ lực đề cao một chứng tá chung của các tín hữu Kitô cho niềm tin của họ - đại kết – là một ưu tiên tối thượng. Thêm vào đó là nhu cầu cho những ai tin vào Thiên Chúa phải liên kết với nhau trong việc tìm kiếm hòa bình, cố gắng xích lại gần nhau, đồng hành với nhau hướng về nguồn mạch của Ánh Sáng, ngay cả với những hình ảnh khác nhau về Thiên Chúa – đó là đối thoại liên tôn. Ai tuyên xưng rằng Thiên Chúa là Tình Yêu “đến cùng” phải làm chứng cho tình yêu: qua việc tận tụy yêu thương người đau khổ, qua lời khước từ oán ghét và thù hận – đó là chiều kích xã hội của đức tin Kitô, là điều tôi đã nêu trong Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu (Deus Caritas Est).

Thành ra nếu nghĩa vụ cam go hoạt động cho đức tin, cho hy vọng và tình yêu trong thế giới này đang là (và trong nhiều cách thế khác nhau luôn là) ưu tiên thực sự của Giáo Hội thì một phần của nghĩa vụ ấy phải bao gồm những hành động hòa giải ở mọi mức độ. Chúng ta cần phải ghi nhận sự kiện là cử chỉ lặng lẽ đưa cánh tay ra cho người anh em mình đã tạo ra một cuộc tranh cãi quá ồn ào và vì thế trở thành đối ngược với cử chỉ hòa giải. Nhưng tôi tự hỏi trong trường hợp này có gì là sai khi bước tới với người có “điều bất hòa với anh em” (x. Mt 5:23) để mưu tìm sự hòa giải? Chẳng phải là xã hội dân sự cũng cố đạp đổ những hình thức cực đoan và cố hết sức để lôi kéo mọi người vào những con đường hình thành nên đời sống xã hội và qua đó tránh cho họ trở nên những kẻ ly khai với tất cả những hậu quả của nó? Không lẽ lại là sai lầm khi đạp đổ sự cố chấp và hạn hẹp để tạo chỗ cho một điều là tích cực và phục hồi lại toàn thể? Chính tôi đã thấy vào những năm sau năm 1988 sự quay trở lại của những cộng đoàn ly khai khỏi Rôma có tác dụng thay đổi thái độ nội tâm của họ như thế nào; tôi đã thấy việc trở lại một Giáo Hội rộng lớn hơn cho phép họ vượt lên những quan điểm một chiều và phá bỏ đi sự cố chấp để các năng lượng tích cực có thể phát sinh như thế nào. Liệu chúng ta có thể bỏ mặc hoàn toàn một cộng đoàn bao gồm tới 491 linh mục, 215 chủng sinh, 6 chủng viện, 88 trường học, 2 cơ sở giáo dục cấp đại học, 117 nam tu sĩ, 164 nữ tu và hàng ngàn tín hữu? Chúng ta có thể mặc kệ họ trôi dạt ngày càng xa Giáo Hội? Tôi nghĩ đến, chẳng hạn, 491 linh mục. Chúng ta không biết những động cơ của họ có thể bị lẫn lộn như thế nào. Nhưng đồng thời tôi không nghĩ rằng họ đã chọn ơn gọi linh mục nếu, bên cạnh những yếu tố bị bóp méo và không lành mạnh, họ không có một tình yêu dành cho Chúa Kitô và một ước muốn công bố Ngài, và với Ngài, là Thiên Chúa hằng sống. Liệu chúng ta có thể đơn giản là loại bỏ họ, như những đại diện cho một thành phần cực đoan, trên con đường theo đuổi hòa giải và hiệp nhất hay không? Nếu thế thì rồi họ sẽ ra sao?

Chắc chắn là trong nhiều dịp khác nhau và một lần nữa trong dịp cụ thể này, chúng ta lại phải nghe từ đại diện của cộng đoàn này những lời không được êm tai – đầy kiêu ngạo và huênh hoang, một thái độ cố chấp với những quan điểm một chiều …. Nhưng thật sự tôi cũng phải nói thêm là tôi đã nhận được một số chứng từ cảm động với lòng biết ơn cho thấy rõ một sự cởi mở tấm lòng. Chẳng lẽ đại Giáo Hội lại không thể quảng đại khi biết rõ chiều kích lớn lao của mình, và lời hứa đã dành cho mình? Chẳng lẽ chúng ta, như những nhà giáo dục tốt, lại không thể nhìn xa hơn những thiếu sót đa dạng và thực hiện mọi cố gắng để mở rộng tầm nhìn? Chẳng lẽ chúng ta lại không dám nhìn nhận những điều không dễ chịu gì cũng xuất hiện bên trong Giáo Hội? Đôi khi người ta có ấn tượng là xã hội chúng ta cần đến ít nhất là một nhóm để người ta có thể điềm nhiên tấn công và thù ghét không thương tiếc. Và người nào dám đến gần họ - trong trường hợp này là Đức Giáo Hoàng - cũng mất đi quyền được bao dung; cả ngài cũng bị đối xử một cách thù hận không ngần ngại hay dè dặt.

Các chư huynh đệ thân mến, trong những ngày tôi bắt đầu nghĩ đến việc viết thư này, thì tình cờ trong dịp viếng thăm chủng viện Rôma, tôi đã diễn giải và bình luận về thư gởi cho các tín hữu Galát đoạn 5 từ câu 13 đến câu 15. Tôi kinh ngạc trước sự trực tiếp mà đoạn văn này nói với chúng ta về thời điểm hiện nay: “Anh em đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả lề luật được nên trọn trong điều duy nhất này: ‘Anh em hãy yêu người lân cận như chính mình’. Nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em đang tiêu diệt nhau đấy.” Tôi vẫn luôn bị cám dỗ để xem những lời này như một lối diễn tả có phần quá đáng mà chúng ta thỉnh thoảng vẫn tìm thấy nơi Thánh Phaolô. Ở mức độ nào đó có thể là như thế. Nhưng đáng buồn là cái “cấu xé” này cũng tồn tại cả trong Giáo Hội hôm nay, như thể hiện của một nhận thức nghèo nàn về tự do. Chúng ta có nên ngạc nhiên là cả chúng ta cũng chẳng hơn gì dân thành Galát? là tối thiểu thì chúng ta cũng bị đe dọa với cùng những cám dỗ tương tự? là chúng ta cũng phải luôn canh tân học biết làm sao dùng tự do cho đúng? là chúng ta cũng phải luôn nhận ra ưu tiên tối thượng là tình yêu? Đúng ngày tôi đề cập đến điều này tại Đại Chủng Viện Rôma thì lễ Đức Mẹ Là Nguồn Cậy Trông được cử hành tại Rôma. Và vì thế tôi muốn nói điều này: Đức Mẹ dạy chúng ta đức cậy. Mẹ dẫn đưa chúng ta đến với Con Mẹ, nơi Ngài tất cả chúng ta có thể tín thác mọi niềm cậy trông. Ngài sẽ là người dẫn đàng cho chúng ta ngay cả trong những lúc nhiễu nhương. Và vì thế tôi muốn gởi lời cám ơn chân thành đến tất cả đông đảo các Giám Mục những người đã dành cho tôi những dấu chỉ cảm động về lòng tin và lòng mến, và trên hết tất cả các vị đã bảo đảm với tôi lời cầu nguyện của các ngài. Những lời tri ân của tôi cũng xin được gởi đến anh chị em tín hữu, những người trong những ngày này đã dành cho tôi chứng tá về lòng trung thành liên tục với đấng Kế Vị Thánh Phêrô. Xin Thiên Chúa che chở tất cả chúng ta và hướng dẫn mọi bước đi của chúng ta trên con đường bình an. Đây là lời cầu nguyện thốt lên tự nhiên từ tâm khảm của tôi vào buổi đầu Mùa Chay này, một mùa phụng vụ đặc biệt thích hợp cho việc thanh tẩy nội tâm, một mùa phụng vụ mời gọi mọi người chúng ta hướng nhìn với một niềm hy vọng được canh tân về ánh sáng đang chờ đợi chúng ta trong lễ Phục Sinh.

Xin gởi đến anh em Phép Lành Tòa Thánh

Trong Chúa Kitô

+ BENEDICTUS PP. XVI

Từ Vatican, 10 Tháng Ba 2009
J.B. Đặng Minh An dịch