PDA

View Full Version : A - An nhưng chẳng an



Dan Lee
03-12-2009, 10:30 PM
AN NHƯNG CHẲNG AN


Mỗi một địa danh, đều gắn trong mình một di tích lịch sử hay một niềm ao ước nào đó. Và với cái tên của mình, chẳng ai bảo ai, những người dân của vùng đất ấy sẽ chung tay góp sức sống làm sao để đạt được cái mơ ước hay bảo vệ những thành quả, những di tích của cha ông ngày xưa để lại.

Hoà chung với niềm mong ước đấy, An Thới Đông, một xã ven biển của huyện Cần Giờ cũng mong cho mình có một cuộc sống đầy “An” gắn với cái tên của mình. Chắc có lẽ không vô ý khi những cái ấp trong xã An Thới Đông cũng mang trong mình những cái tên thật dễ thương : An Hoà, An Bình, An Đông, An Nghĩa … Với cái tên đó, người dân ai ai cũng mong cho cuộc sống của mình được “An” nhưng trong thực tế chẳng “An” chút nào cả.

Nếu chỉ nhìn cái vẻ bề ngoài của những căn nhà tường gạch còn thơm mùi sơn nước hay chỉ nhìn những bản báo cáo trên giấy thì ai ai cũng hồ hởi, cũng mừng cho xã nghèo thoát nghèo nhưng nếu đi dạo một vòng và hỏi thăm thực tế thì sự thật sẽ hỡi ôi !

Những căn nhà mới xây ấy có chăng là do những đồng tiền bán đất bán ruộng mà có. Vốn dĩ mang trong mình cái lối sống của người miền Nam nên hễ có là họ tiêu xài cho bằng hết chứ không hề chắt chiu như những người miền Trung, miền Bắc. Đó là quan niệm đơn sơ, chất phác, dễ thương nó không còn phù hợp với lối sống của ngày hôm nay nữa. Ngày hôm nay, thiên nhiên không còn ưu đãi như ngày xưa để mà ra bờ ao có con cá có mớ rau nữa để mà vô tư vô lo.

Chạy theo cơn sốt đất, những người dân quê chân lấm tay bùn cũng vội vàng bán đổ bán tháo mảnh đất của mình để kịp xây căn nhà mới cho khỏi “thua chị kém em”. Thế nhưng, họ đâu ngờ rằng dù trước đây ở trong căn nhà nhỏ hơi ọp ẹp đấy nhưng bình an hơn. Có những gia đình xây căn nhà chưa kịp lót nền lại lâm vào cảnh túng quẫn vì giá vật liệu tăng nhanh. Và căn nhà có xây xong đi chăng nữa thì những người ở trong căn nhà đó lại trở về với bàn tay trắng vì chẳng biết làm gì nữa.

Một buổi chiều nọ, vừa ngồi trên ghế để anh thợ cạo cạo cho cái đầu vừa dò hỏi tình hình cuộc sống ở đây. Anh thợ cạo cũng chẳng ngần ngại để nói thật về cuộc sống của bà con ở xã An Thới Đông này. Nhận xét của anh rất chân thành, rất thật vì ngày mỗi ngày anh chứng kiến từng mảng đời từng mảng đời của cái xã nghèo này. Anh cho tôi biết là vài năm trở lại đây khi mà con tôm không còn “tình cảm” với bà con nông dân nữa thì đời sống của bà con cũng xuống theo. Những ngày con tôm còn “sống” ở đây thì bà con đi làm thuê làm mướn cho các chủ vuông tôm nhưng con tôm đã “chết” nên bà con cũng “chết” theo.

Cùng hoà nhịp với những vùng có ao có ruộng, An Thới Đông đã vội vã quay lưng lại với cây lúa để chạy theo con tôm. Nhưng nào ngờ giờ đây bà con phải dở khóc dở cười khi những ruộng lúa của mình đã đào đất lên để làm ao tôm. Giờ đây muốn trồng lúa lại ổn định như xưa quả thật là một điều khó.

Nói hơi quá đáng chăng ? Ai nào đó xuống xã An Thới Đông tìm mỏi con mắt cũng chẳng hề tìm ra được một cọng cáp ADSL. Tìm ra cáp ADSL coi như còn khó, thử tìm được một cọng dây điện thoại cố định của VNPT mới là lạ ! Và thử đi tìm được một sạp sách báo thì còn lạ hơn !

Chỉ sơ qua những phương tiện tối thiểu của cuộc sống thường ngày, những phương tiện thông tin đại chúng căn bản còn không có thì làm sao mà phát triển được.

Trở lại vấn đề của công ăn việc làm. Đa phần ở đây suốt ngày chỉ quanh quẩn để làm thuê làm mướn lặt vặt thôi chứ cũng chẳng có việc gì làm cố định cả. Cái nghèo hình như nó yêu An Thới Đông đến độ nó cứ muốn ôm chầm, ôm vồ lấy An Thới Đông thì phải.

Một người dân nói “nhỏ” với tôi về tâm sự của vài cán bộ ngân hàng. Khi tổng kết cuối năm thì số nợ của bà con ở xã này gấp 5 lần cách đây 5 năm ! Chỉ có những ai làm trong lãnh vực kinh tế, ngân hàng thì sẽ biết rõ thực hư sự phát triển của vùng này là chừng nào ? Và muốn biết thực tế, ta cứ thử dạo một vòng và hơn thế nữa, ta cứ bỏ chút thời gian tìm hiểu ta sẽ nhìn thấy cuộc sống của vùng nghèo này như thế nào ? Đừng nhìn những gì trên giấy, đừng nghe những lời báo cáo hoa mỹ. Hãy xuống và nhìn, nghe, thấy tại hiện trường sẽ rõ thực hư.

Không phải lo việc bao đồng, không phải là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng nhìn vào đời sống của bà con ở đây tôi cảm thấy lo lo làm sao đấy ! Không biết có phải bi quan lắm hay không nhưng hình như tôi vẫn không an tâm lắm khi nhìn vào viễn cảnh của An Thới Đông. Thực tế thì vẫn không thể nào phủ nhận được có vài ngôi trường, vài tụ điểm vui chơi, vài cơ sở hạ tầng được mọc lên nhưng bên dưới đời sống của bà con nông dân ở đây nó cứ làm sao đó !

Quả thật, những người dân ở vùng An này ai ai cũng muốn mình có đời sống “an” thật nhưng “an” thật nó còn nằm xa bàn tay với của bà con vì suốt ngày chỉ quanh quẩn với làm thuê làm mướn để đắp đổi qua ngày. Muốn xã hội phát triển, muốn đời sống gười dân ngày càng ổn định và phát triển thì không có cách nào hơn là phải đầu tư vào giáo dục. Những người có học vị đại học hình như hơi bị khiếm tốn ở cái xã nghèo này !

Anmai, CSsR