PDA

View Full Version : T - Trong thử thách



Dan Lee
03-11-2009, 12:26 AM
Trong thử thách

Bạn trẻ học sinh, sinh viên còn ngồi ở ghế trường học trau dồi kiến thức hôm nay cho tương lai ngày mai, không chỉ có những ngày giờ năm tháng vui tươi phấn khởi hồn nhiên, nhưng còn có những ngày giờ thử thách thi cử học bài khó khăn mệt nhọc. Có vượt qua được thử thách này, mới có thể học tiếp điều mới, hay lên lớp cao hơn hoặc đỗ đạt thành công ra trường.

Đôi bạn trẻ tìm gặp được nhau. Họ cảm thấy tâm đầu ý hợp và muốn cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình riêng. Nhưng khi về sống chung với nhau dần dần trong cuộc sống, không chỉ có những thời gian niềm vui hạnh phúc giữa họ, mà còn xuất hiện những thử thách ngày càng nhiều, làm họ suy nghĩ lo lắng có khi mất ăn mất ngủ!

Trong đời sống làm bất cứ ngành nghề nghiệp gì, ở bất cứ nơi đâu, ai cũng đều đã đang và sẽ phải trải qua thử thách. Có vượt qua ải thử thách này, đời sống mới có thể tiến tới triển nở được. Phải, đó là những thách đố đòi hỏi trong đời sống, không thể tránh hoặc chối bỏ đẩy chúng sang một bên được!

Những tình huống như thế trong đời sống được diễn tả trong câu ngạn ngữ bình dân: „ Lửa thử vàng, gian nan thử đức!“

Còn trong đời sống đức tin thì sao? Chúng ta tin vào Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng nên cùng yêu thương nuôi sống con người, có đặt ra ải thử thách cho chúng ta không?

Tôi không biết phải trả lời làm sao cho đúng thắc mắc này. Nhưng rõ ràng là có thử thách trong đời sống đức tin của con người.

Thử thách đầu tiên cho con người vào đức tin nơi Thiên Chúa xảy ra trong vườn địa đàng ngay từ thuở ban đầu, khi vũ trụ trời đất cùng Ông Bà nguyên tổ Adong Evà mới được Thiên Chúa tạo dựng nên ( St 2,15-17 ).

Thiên Chúa cho Ông Bà hưởng mọi thứ hoa qủa cùng sinh động vật trong khu vườn địa đàng thiên nhiên. Nhưng chỉ duy hoa trái của cây biết lành biết dữ trong vườn không được hái ăn thôi. Và Ông Bà Adong Evà đã không vượt qua được thử thách này. Nên hậu qủa tội nguyên tổ đã đến ăn rễ sâu tận trong tâm hồn trí khôn cùng thân xác máu mủ loài người chúng ta. (St3,1-24)

Thử thách thứ hai thuật lại trong Kinh Thánh ( St 22,1-18) là cuộc thử thàch đức tin lòng trung thành của Tổ Phụ Abraham: Ông phải đem con trai mình là Isaak giết tế lễ Thiên Chúa!

Đây là thử thách đòi hỏi, theo tầm nhìn hiểu biết của con người chúng ta ngày hôm nay vào thế kỷ thứ 21., thật là kinh khủng vô nhân đạo, cùng không sao tưởng tượng ra nổi!

Tại sao và đâu là ý nghĩa của thử thách như tàn bạo kinh khủng này?

Chúng ta thắc mắc, nhưng không sao có câu trả lời thỏa đáng được, nhất vào thời đại ngày hôm nay hầu như mọi sự đều phải được chứng minh cắt nghĩa rõ ràng được.

Mặt khác mong muốn cùng nỗ lực cố gắng tìm hiểu cắt nghĩa, nhưng tâm trí giới hạn của con người chúng ta không sao vượt qua được sang vùng lãnh vực thần linh thiêng liêng. Chúng ta không thể nào bằng suy nghĩ hóa giải mầu nhiệm bí ẩn về việc Thiên Chúa làm được.

Lễ tế hy sinh đem con trai mình Isaak đi giết là đòi hỏi thử thách của Thiên Chúa đặt ra cho Abraham. Nhưng Thiên Chúa không dừng ở lại nơi lễ tế đó. Ngài muốn thử thách lòng tin, lòng trung thành của Abraham. Và vì Abraham đã vượt qua thử thách vào đức tin nơi Thiên Chúa, con trai ông là Isaak đã được Thiên Thần Chúa sai đến cứu sống. Từ đó chúc phúc lành của Thiên ban xuống dư tràn cho đời Ông cùng thế hệ con cháu của Ông.

Thiên Chúa qua thử thách đã không làm cho Ông thất vọng hay đánh lừa Ông. Nhưng qua đó đã cho Abraham đã trở nên chúc lành cho mọi thế hệ con người.

Nơi sự hy sinh của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta nhận ra Thiên Chúa đã hy sinh chính con một mình cho sự cứu độ trần gian.Tình yêu của Thiên Chúa trải dài từ lúc tạo dựng sự sống cho con người đến sự che chở chúc lành đời sống và cứu rỗi phần linh hồn thiêng liêng cho khỏi hình phạt vì sa ngã vào vòng tội lỗi.

Điều này thật khó cắt nghĩa, khó hiểu cho tâm trí giới hạn con người. Nhưng đời sống con người còn có trái tim tình yêu. Lãnh vực này là nền tảng cho đức tin vào Thiên Chúa thiêng liêng vô hình.

Thử thách gắn liền trong đời sống con người. Luôn luôn có những thời gian chúng ta bị thách thức đòi hỏi. Những khi đó chúng ta phải chứng tỏ cung cách sống xử sự thế nào với những biến cố xảy đến trong đời sống trong mọi lãnh vực. Và rất nhiều khi những giai đọan thử thách đó là bước khúc ngoặt khiến đời sống biến đổi trở nên khác không như ta mong muốn hay dự định tính toán.

Cũng vậy, như cuộc thử thách của Tổ Phụ Abraham trong Kinh Thánh dẫn đưa tâm trí ta đến giới hạn sự hiểu biết suy luận, chúng ta có thể, như Tổ phụ Abraham, đặt niềm tin tưởng trung thành nhiều vào Thiên Chúa nơi trung tâm đời sống.

Thánh Toma Aquinô đã viết lên lời suy niệm trước Thánh Thể Chúa Giêsu: “ Praestet fides supplementum sensuum defectui - Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì”

LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long