PDA

View Full Version : C - Chúa Nhật II Mùa Chay, năm B ( Suy Niệm Lời Chúa)



Dan Lee
03-06-2009, 12:40 AM
Chúa Nhật II Mùa Chay, năm B


Từ lễ hiến tế ở ngọn núi vùng Mô-ri-gia đến sự vinh quang sáng láng ở ngọn núi cao Chúa biến hình. Kính thưa quí ông bà anh chị em, Áp-ra-ham được mệnh danh là ông tổ của lòng tin bởi hành động, vì khi nghe tiếng Chúa gọi, ông bỏ quê hương xứ sở đi đến một nơi mà ông không hề biết. Lại nữa khi ông đã già, vợ ông cũng đã cao niên, thế mà ông vẫn tin vào lời hứa. Quả thật I-sa-ác, đứa con của lời hứa, người con trai duy nhất, yêu quí của ông bà. Thế mà, lại một lần nữa Chúa thử lòng ông; một thử thách đúng là, chết người. “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.” Áp-ra-ham vâng nghe mà không một lời thắc mắc, không một lời than phiền, mặc dù lòng quặn đau vì mất đứa con của bao niềm hy vọng đặt để nơi cậu. À! Thì ra, cái gì qúi báu nhất, gắn liền nhất, yêu thương nhất của mình, mà mình vẫn sẵn sàng, vui vẻ dâng hiến, thì đó là của lễ quí giá, những của lễ như thế dâng lên Thiên Chúa, là của lễ đẹp biết bao. Nói rằng của lễ của chúng ta dâng cho Chúa, thật ra, nói cho cùng đó là của Chúa trao ban cho ta quản lý và sử dụng. Hiểu như thế thì của Chúa trao ban, Chúa có quyền lấy lại bất cứ lúc nào. Áp-ra-ham hiểu điều đó, nên khi Chúa nói dâng I-xa-ác, đứa con yêu quí duy nhất, ông nhanh nhẹn dâng lại cho Chúa không một lời than trách. Và lạ lùng thay, phép lạ xẩy ra: đằng sau ông có con cừu đực mắc sừng trong bụi cây. Việc này đâu phải là tình cờ, hay ngẫu nhiên, để rồi cừu đực sẵn đó thay thế cho lễ hiến tế đứa con trai của mình.

Trong cuộc sống lòng tin của chúng ta, thử hỏi đã bao lần ta đọc, ta tuyên xưng: Mọi sự của con đều là của Chúa. Nhưng thử hỏi nếu một lần nào đó trong đời, Chúa lấy đi một điều gì đó quí giá, thân thiết như xương thịt của mình, giống như trường hợp của Áp-ra-ham, hay của ông Gióp chẳng hạn. Thực ra đối với chúng ta, Chúa Chưa đòi hỏi đến mức độ đó đâu, như sách Giu-đít- ta viết: “Quí vị hãy nhớ lại những điều Người đã làm cho ông Áp-ra-ham, những gì người đã thử thách ông I-xa-ác , những gì đã xẩy ra cho ông Gia-cóp. Đức Chúa không bắt chúng ta đi qua lửa như đã bắt các ông để thử lòng các ông” (Gđt 8,25-26). Còn chúng ta nhiều khi chỉ một công việc nho nhỏ cũng đã là cả một vấn đề khủng khiếp đối với chúng ta rồi; chẳng hạn, một việc làm đang ngon, một địa vị đang bề thế, một giáo xứ lớn, một hội đoàn mình thành lập ra và đang điều khiển, một người thân qua đời… chỉ những thứ đó thôi, có khi ta không chấp nhận để mất nó một cách dễ dàng đâu, tại sao vậy! Cũng chỉ vì ta cứ lầm tưởng những thứ đó chính là của ta, nên ta có quyền giữ nó hay trao ban lại nó cho người khác tùy ý mình, thật là một sai lầm lớn. Và nếu những điều trên khi bị thử thách ta chấp nhận vui vẻ dâng lại cho Chúa thì cũng đủ gọi là bậc thánh hiền rồi! Nhưng thử hỏi đã bao lần chúng ta chấp nhận dễ dàng như trường hợp của ông Áp-ra-ham (St 22,1-2). Hay như ông Gióp: “Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa” (G 1, 20).

Nếu trong đời, ta sẵn sàng hiến dâng những gì là quí giá nhất, và mỗi lần hiến dâng như thế thì con người ta lớn lên trong đường nhân đức biết là chừng nào. Và chẳng ai hiến dâng hoàn toàn, trọn hảo như Đức Ki-tô, dâng cả mạng sống của Ngài vì chúng ta cho đến hơi thở và giọt máu cuối cùng. Bởi vậy mà qua cái chết, Ngài được phục sinh vinh hiển, sáng láng huy hoàng. Hình ảnh Chúa Giê-su biến đổi hình dáng trước mặt ba môn đệ trên một ngọn núi cao mà Tin Mừng của thánh Mác-cô mô tả: “Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy”( Mc 9,3-4). Với cảnh tượng vinh quang rạng ngời như thế nên Thánh Phê-rô quá ngỡ ngàng, hạnh phúc vui sướng, bởi vậy thánh nhân đã muốn ở lại trong cảnh tượng đó mãi, nên thốt lên làm lều cho Thầy mình và hai nhân vật quan trọng trong Cựu Ước, còn ông và hai môn đệ kia không cần lều nào cả.

Tâm trạng của Phê-rô lúc đó cũng là tâm trạng chung của mỗi người chúng ta, ai lại không thích sung sướng, hạnh phúc, nhưng cũng đừng quyên rằng: cái gì cũng phải đánh đổi bằng đau khổ, hy sinh. Chúa Giê-su cũng đã trải qua con đường đó, và Ngài chỉ dạy cho các môn đệ con đường đó; đường hy sinh, đường đau khổ, đường thập giá. Đường mà Chúa Giê-su sắp bước vào và qua con đường đó, Chúa Giê-su kéo cả nhân loại về cùng Thiên Chúa Cha. Còn Mô-sê và Ê-li-a mặc dù là hai tiên tri lớn trong Cựu Ước nhưng họ chỉ đóng vai trò là những vị lãnh đạo dân chúng hướng về nhân vật chính yếu của chương trình cứu độ là Đức Giê-su mà thôi, cho nên Mô-sê và Ê-li-a đã hiện ra đàm đạo với Chúa Giê-su là như vậy đó. Đàm đạo điều gì đây, nếu không phải là nói với Chúa Giê-su: Tất cả nhân loại, từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế phải trông nhờ vào Ngài. Nghĩa là qua cuộc khổ nạn, cái chết và sống lại vinh hiển của Đức Ki-tô.

Qua vịêc biến hình của Chúa Giê-su, không những cũng cố đức tin cho các Tông đồ khỏi vấp ngã vì thập giá của Chúa Giê-su, mà cả chúng ta nữa khi chịu đau khổ ta được vững mạnh lòng tin và niềm hy vọng của chúng ta, thôi thúc chúng ta hướng về cuộc sống hạnh phúc vinh quang muôn thuở với Chúa, mà ta có được sau này, trong khi con thuyền của chúng ta đang vượt biển trần gian này, cho dù gặp gian nguy, khốn khó, đau khổ thử thách, cho dù nó có đau đớn thế nào đi chăng nữa, ta cũng chấp nhận vui vẽ, để đánh đổi cuộc sống hạnh phúc vinh quang sau này; cuộc sống mà như lời Thánh Phaolo viết: “Thật vật, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta” (Rm 8, 18).

Xin Chúa ban thêm sức mạnh cho chúng con để mùa chay này là dịp thuận tiện giúp chúng con sống niềm tin, kiên vững chịu đựng những gian lao, đau khổ thử thách trong đời sống thường ngày của chúng con. Amen.


Lm Phaolô cao Thế Bình, SDD