PDA

View Full Version : N - Người Kitô giáo đòi hỏi một chỗ đứng trong xã hội Ấn độ



Dan Lee
03-04-2009, 07:24 AM
Người Kitô giáo đòi hỏi một chỗ đứng trong xã hội Ấn độ



NEW DELHI (AsiaNews) - Đúng vào hôm chính quyền loan báo ngày tổ chức những cuộc bầu cử toàn quốc (từ 16 tháng 4 đến 13 tháng 5 sắp tới), các tín hữu Kitô giáo Ấn đã đồng tâm cất lên tiếng nói đòi hỏi các đảng phái chính trị phải bảo đảm an ninh cho những người thiểu số trong cả nước, bảo đảm cho họ được tham gia các cuộc bầu cử, bảo vệ tự do tôn giáo và không để cho bạo hành hoặc kỳ thị xảy ra mà không bị trừng phạt.

Đại diện tất cả các chi phái Kitô giáo đã ký vào một văn thư chung gửi đến các đảng phái chính trị. Bản văn này được phổ biến hôm nay trong một cuộc họp báo do giám mục Vincent Concessao thuộc tổng giáo phận New Delhi chủ tọa. Đại diện các Giáo hội Evangelical, Pentecostal và Tin Lành khác cũng hiện diện. Ngoài ra người ta còn thấy có đại diện của các tổ chức như Liên đoàn Công giáo Toàn quốc Ấn độ, Hội đồng Toàn quốc các Giáo hội tại Ấn, Hội đồng toàn Kitô hữu Ấn độ.

Bản văn nói: Chúng tôi ít về số người, nhưng chúng tôi ảnh hưởng trên toàn quốc qua những công tác phục vụ trong lãnh vực giáo dục, xã hội và y tế; và chúng tôi là tiếng nói của những người bị áp bức, những kẻ bị đặt ra bên lề xã hội.”

Trong bản văn này, các nhà lãnh đạo Kitô giáo nhắc nhở lại “niềm hy vọng vào tiến trình dân chủ” cũng như vào xã hội đa nguyên và thế tục của Ấn độ như được minh định trong hiến pháp năm 1950.

Họ thúc giục “mọi người và nhất là những tín hữu Kitô giáo, tham gia đầy đủ vào tiến trình chính trị dân chủ, gồm cả việc thực thi quyền bầu cử trong những cuộc tổng tuyển cử sắp tới.”

“Các nhà hoạt động Kitô giáo và các tổ chức phi chính phủ phải bảo đảm rằng tên của chúng tôi được ghi trong bản danh sách cử tri.” Đồng thời các đảng phái chính trị “trong khi chọn lựa ứng cử viên, cũng nên cho cộng đồng chúng tôi có số người đại diện thích hợp.”

http://vietcatholic.net/pics/2009034457.jpg

Bản văn nhấn mạnh rằng nạn nghèo đói và thất nghiệp ảnh hưởng lên “mọi công dân, không phân biệt tôn giáo, đẳng cấp hay phái tính”. Hơn nữa, “cuộc khủng hoảng trong các vùng nông thôn Ấn độ thật là lớn lao và đòi hỏi phải hành động gấp.”

Cuộc suy thoái toàn cầu hiện nay đưa đến một cuộc “khủng hoảng xã hội” cũng “không kém phần trầm trọng”. Và sự “bất bao dung về tôn giáo, đẳng cấp và phái tính là những biểu hiện của cuộc khủng hoảng này.”

Do đó, đối các nhà lãnh đạo Kitô giáo, những cuộc bầu cử sắp tới là “một cơ hội để làm ngưng lại chiều hướng và đảo ngược lại những điều tiêu cực.”

Các cộng đồng Kitô giáo ước mong các đảng phái sẽ áp đặt việc thi hành “luật lệ” và chấm dứt lối bao che không trừng phạt những kẻ thủ phạm những vụ bạo hành chống lại nhóm người thiểu số.

Các tác giả của văn bản nói trên phàn nàn rằng chính quyền các bang, giới chức cảnh sát và những tên tội phạm, qua các hành động làm nguy hại cho tự do tôn giáo, lại được bảo đảm không bị trừng phạt.

Để làm bằng chứng, bản tuyên bố nêu lên nhiều vụ bạo hành gây ra cho người theo Kitô giáo tại Orissa và các bang khác như Karnataka, Tamil Nadu và Madya Pradesh.

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo muốn chính quyền trung ương và Orissa đáp ứng lại tình hình “bất an nghiêm trọng.” Họ đòi hỏi phải “chấm dứt chiến dịch thông tin sai lạc” của các đảng phái và giới truyền thông. Họ muốn Văn phòng Điều tra Trung ương điều tra “vụ ám sát người đứng đầu tổ chức Vishwa Hindu Parishad là ông Lakhmanananda Saraswati, đã từ đó gây ra những vụ bạo hành chống lại người theo Kitô giáo.”

Đối với những người còn đang phải di cư, sống trong các trại tại Kandhamal, các tác giả văn kiện này muốn họ “có được một mức sống thích hợp” cũng như “con cái được đi học.”

Ngoài ra, họ còn đòi hỏi rằng “những trại cứu trợ này tiếp tục được duy trì cho đến khi tạo được các điều kiện thích hợp […] cho những người tị nạn được tình nguyện hồi cư trong an toàn và nhân phẩm, hoặc tình nguyện tái định cư ở nơi khác.”

Họ cũng muốn có được “sự bồi thường cho những người bị thương tổn do bạo hành gây ra, gồm cả việc được bồi hoàn vì mất mùa, mất gia súc và mất việc.”

Đề cập đến sự kỳ thị đối với người Kitô giáo, những người ký tên trong văn bản nói trên kêu gọi việc thiết lập một ủy ban điều tra quốc gia, tương tự như Ủy ban Rajinder Sachar được thành lập năm 2006 để xem xét tình trạng của cộng đồng Hồi giáo.

Cơ chế này sẽ định giá “các vấn đề về kinh tế và phát triển của nhóm thiểu số theo Kitô giáo, đặc biệt là nơi những người Dalits, người các Bộ tộc, công nhân không có đất đai và nông dân nghèo, công nhân sống ven biển và ngư dân, cũng như thanh thiếu niên ở thành thị.”

Đối với những tác giả bản văn thư này, các đảng phái chính trị nên nhớ rằng bản hiến pháp năm 1950 bảo đảm cho mỗi người Dalit được các quyền lợi và ưu tiên, nhưng cho đến nay chỉ những người Sikh hoặc Phật tử mới được hưởng, còn người Kitô giáo thì không.

Họ nói thêm rằng điều khẩn thiết là phải chấm dứt kỳ thị phụ nữ, nhấn mạnh là tất cả các Giáo hội đã đề cao “điều thánh thiêng của sự sống” chống lại “bất cư âm mưu nào muốn phá hủy sự sống ở bất cứ giai đoạn nào.”

Phụng Nghi