Log in

View Full Version : T - Tin Là Gì ?



Dan Lee
03-01-2009, 12:53 AM
TIN LÀ GÌ ?


Tin là theo Lời

Tin không chỉ là lý thuyết, là danh từ, là bề ngoài. Vì tin là trái tim, là máu huyết, là nhịp đập, là hơi thở cho sự sống con người. Tin yêu và hy vọng là hành vi cụ thể và mạnh mẽ nhất để nói lên phấn đấu, hướng đi, mục đích, lý tưởng của đời người.

Abraham dù đã già, nhưng vẫn tin vào lời của Thiên Chúa. Rằng sẽ có đông con cháu, lãnh thổ, đất đai cùng miêu duệ trường tồn.

Tin là nhận thật

Trong gia đình chẳng hạn, khi đi vắng, con cái dựa vào các dấu chỉ như nhà cửa đã đuợc, hay nấu cơm, phơi quần áo hoặc nghe ai nói… thì tin là cha mẹ đã đi xa mới về. Còn khi nhìn thấy tận mắt thì cần gì phải tin nữa. Con người với Thiên Chúa cũng vậy, dù không nhìn thấy, nhưng ta vẫn tin Thiên Chúa đang hiện diện trong thế giới, đang đồng hành với nâhn loại. Nào là công trình sáng tạo của Cha, nào là công trình Cứu Chuộc của Con, nào là canh tân trái đất của Thánh Thần… Nếu mọi sự ta đều nhìn thấy tỏ tường tì còn cần gì là tin hay đức tin nữa. Không thấy mà tin mới hay.

Tin là đi theo

Đời người là một hành trình đi theo Đấng Vô cùng nhưng lại bước đi bằng đôi chân và thời gian hữu hạn của con người. Tin là đi những theo ý định, sở thích và ước muốn của Ngài nữa. Nhờ tin trọn vẹn vào thầy Giêsu, “ta được nên công chính. Rồi xưng ra ngoài miệng thì được cứu độ” (Rm 10,10). Ta dần trở nên giống và nên nên một với Thầy. Để rồi “ta sống nhưng con còn là ta sống, mà là Chúa Kitô sống trong ta” (Gl 2,20). Cuối cùng ta tìm được bản thân mình trong Thầy Chí thánh. Ta biết mình là ai, là gì và hiện trạng ra sao.

Tin là lưu lại

"Thầy ở đâu ?” Người bảo họ: "Đến mà xem" Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Rồi Simon nói: "Chúng tôi đã gặp Đấng Kitô", và còn dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu” (Ga 1,38-42).

Tin và yêu Chúa thì muốn trở nên giống, nên một và muốn gần gũi với Ngài. Chính khi cùng sống với Ngài con người mới thực sự cảm nghiệm Ngài thế nào. Ngài dành tất cả cho con người, và ta cũng sẽ muốn trở nên người phục vụ đồng loại và tha nhân.

Tin là chiến đấu

Như xưa ông Nôê ở trong tàu 40 ngày chiến đấu với phong ba bão táp của cơn hồng thuỷ; Chúa Giêsu sống trong sa mạc 40 ngày chiến đấu với những cơn cám dỗ của Satan. Ta cũng noi gương các Ngài can đảm chiến đấu với những khuynh hướng xấu, những thói quen tội lỗi và những cám dỗ trong Mùa Chay này.

Tin là chấp nhận

Không thể tin Chúa mà lại làm theo ý mình. Nhưng tin là sẵn sàng chấp nhận làm theo mọi đòi hỏi của Đấng ta tin. Bất cứ việc gì, ở đâu, lúc nào, dù hợp ý hay trái ý, ta đều phải sẵng lòng và vui lòng chấp nhận. Thiên Chúa không phải như người phàm. Ngài không lợi dụng, cũng chẳng lừa gạt ta để phục vụ cho Ngài. Người khôn ngoan là luôn chú tâm đi theo hướng dẫn của Thiên Chúa, điều đó chẳng có lợi gì cho Ngài, mà chỉ có lợi cho ta mọi bề, lợi đời này và cả đời sau. Khi theo Ngài, ta mới có thể tìm được căn nguyên tại sao ta bất ổn, lo lắng, sợ hãi, đau khổ, thất bại.

Tin là chấp nhận thập giá của Ngài. Dù thập giá luôn là một thử thách lớn lao cho người tín hữu. Nếu ai can đảm nhìn lên thập giá, họ sẽ thấy được đàng sau thập giá ấy chính là hình bóng của vinh quang. Quả thật, nhờ thập giá ấy mà nhiều trăm triệu con người người đã được cứu vớt.

Tin là phó thác

Cha mẹ thương con thì Thiên Chúa còn yêu con người gấp bội. Ngài luôn dành phần tốt nhất cho ta. Tin là một thái độ, một cung cách sống đặt trọn đời mình vào Đấng ta tôn thờ trong mọi hoàn cảnh. Chúa gởi đến cho ta nhiều niềm vui để sống trong bình an, vui tươi và hy vọng, thì Ngài cũng có thể gởi đến cho ta những vất vả lo toan, những gian nan thử thách để thanh luyện. Nhờ vậy, ta ngày càng can trường trong đức tin hơn, xứng đáng là những người con thực sự tin tưởng của Ngài.

Tin là chờ đợi

Bài đọc Cựu ước cho thấy điều cần phải làm là chờ đợi. Con người không chịu nổi sự dữ hoành hành, bạo tàn khống chế, và muốn cho những thứ ấy phải mau mau chấm dứt. Còn Thiên Chúa thì cho biết: “nó đang đến chỗ hoàn thành, đừng thất vọng. Hãy đợi chờ. Ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì được sống nhờ lòng thành tín của mình” (Kb 2,3-4). Thiên Chúa nhẫn nại chờ đợi con người trở về. Còn con người nhiều khi lại không nhẫn nại đợi chờ chương trình và quyền năng Ngài tỏ lộ nơi ta.

Tin là can đảm

Bài đọc Tân ước động viên ta không những cần kiên trì mà còn phải can đảm làm chứng về Chúa nữa. Hãy tin và dựa vào sức mạnh của Thánh Thần mà hành động. Vì “Thánh Thần làm cho chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ” (2Tm 1,7)

Quả thực, nếu ai nhút nhát, không dám bày tỏ niềm tin vào Chúa Giêsu của mình trước mặt người đời thì không xứng đáng để đi theo Ngài. Không những chỉ đi theo, làm theo, mà còn phải từ bỏ những gì mình có nữa. Nào là tiền bạc, nào là các mối dây liên hệ gia đình, vợ con, bạn bè…

Tin là sức mạnh

Nếu can đảm theo Chúa, thì niềm tin chính là nguồn sức mạnh lạ thường đến nỗi ta có thể bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời” (Lc 17,6).

Từ cầu nguyện, Chúa sẽ ban thêm lòng tin cho ta, như xưa các tông đồ đã xin: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5). “Xin ban thêm lòng tin nơi Chúa, để lòng con vui bước trong tình Cha. Xin ban thêm lòng tin vững vàng, để đời con vui sống giữa bàng hoàng. Trong gian nan lòng tin sắt đá, đời bình an trong Chúa bao hạnh phúc…” (Mi Trầm).

Các tông đồ đã nhận, đã chứng minh niềm tin trọn vẹn, đã cùng sống và cùng chết với Thầy của mình. Chỉ tin ta mới có thể hiểu được thế nào là ân sủng. Và trong ân sủng, ta mới có thể biểu lộ lòng tin.

Tin là tìm kiếm

Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta hãy xin, hãy tìm và hãy gõ cửa. Đức tin là hành động tích cực chứ không phải là một thái độ thụ động chỉ biết đợi chờ, đời chờ những quả sung từ trời rụng xuống. Tuy nhiên lắm khi vì tự phụ mà chúng ta không xin nên chẳng được; lắm khi vì lười biếng không tìm, nên không thấy; nhiều khi vì nhút nhát không gõ nên cửa không mở cho.

Tin là lắng nghe

Nghe tiếng nói của thân xác. Vì “thân xác của anh em chẳng phải là đền thờ của Chúa Thánh Thần sao, còn xác thịt đưa tới chỗ diệt vong” (1Cr 6,19; (Rm 8,6). “Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6,20). Hãy chăm sóc để thân xác khoẻ mạnh, cường tráng trong một tinh thần minh mẫn sáng suốt.

Nghe tiếng nói của trái tim. Trái tim có tiếng nói và ngôn ngữ riêng. Trái tim rất nhạy bén, rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên và tạo vật. Con người bị công việc, bổn phận và trách nhiệm chi phối đến độ không còn, hay thật khó nghe được sự rung cảm của trái tim trước cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ nữa. Lắng nghe bằng trái tim còn là đem lời Chúa ấp ủ trong tâm hồn với tất cả lòng yêu mến. Hai môn đệ Emmau là một ví dụ: “Lòng họ bừng cháy lên” (Lc 24,32). Thánh vịnh 119 diễn tả: "Luật pháp Ngài, con yêu chuộng dường bao, suốt ngày cứ suy đi gẫm lại! Thánh ý Ngài, trọn bề tuân giữ, hồn mến yêu hâm mộ chẳng rời" (Tv 119:97,167).

Nghe tiếng nói của lương tâm. Lương tâm ngay chính là khả năng phán đoán của lý trí về sự thật thiện ác. Đây cũng chính là tiếng nói của Thiên Chúa trong sâu thẳm lòng ta. Ngày nay, con người không phải không phân biệt lành dữ, nhưng cảm thức về tội giảm đi hay không còn nữa. Trong gia đình nhiều khi sao cũng được, tốt thì tốt mà xấu thì xấu. Cha mẹ thấy con ăn cắp ăn trộm chẳng bảo gì. Chúng đánh nhau, hành hung, chửi bới người khác thì mặc kệ, làm ngơ. Hoặc chỉ nghe một chiều con mình, không phân biệt đúng sai rồi tấn công người khác…. Lương tâm vẫn còn, và vẫn lên tiếng nhưng mấy ai nghe theo. Thánh Phaolô dặn: “anh em đừng vui mừng khi thấy sự gian ác”(1Cr 13,6).

Nghe tiếng nói của Thánh Thần. Tiếng Ngài nhè nhẹ như làn gió sưởi mát tâm hồn, sưởi ấm cõi lòng băng giá, và cũng để nhắc nhở ta sống theo sự thật. Nhờ Ngài, ta mới có thể sống “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1Cr 13,4-7).

Nghe tiếng nói của trí khôn. Một trong những con đường để nhận biết Thiên Chúa chính là trí khôn. Vũ trụ này là vết tích để lại của công trình sáng tạo. Qua công trình này, ta tin có Thiên Chúa. Rồi còn phải nghe và đặt tên cho các biến cố Kinh Thánh, nhận lấy chúng và biến chúng thành những biến cố của chính chúng ta. Như hai môn đệ trên đường Emmau, ta còn phải làm công việc cao hơn là chính mình phải trở thành môn đệ của Ngài. Nhờ vậy mà mới cảm nghiệm thực sự Thiên Chúa tốt lành và khôn ngoan dường nào.

Nghe tiếng nói của linh hồn. Nghĩa là lắng nghe với lòng tin, tin rằng lời Chúa có khả năng ảnh hưởng và và biến đổi mình. Nhiệm vụ của mình là mở lòng đón nhận, để Lời Ngài thấm nhập vào tâm hồn và sẽ tái tạo chúng ta.

Tin là hy vọng

Sống trong niềm tin thì không cho phép ta thất vọng, chán nản bỏ cuộc. Nhưng luôn tin rằng ngày mai sẽ tốt, sẽ còn dịp, sẽ vượt qua, sẽ chiến thắng, dù cơ hội rất mong manh. Tin rằng ngày mới sẽ tốt đẹp với nhiều giấc mơ trở thành hiện thực. Và mọi sự xảy đến trong ngày đều là cơ hội để học hỏi, để dấn thân, để thành công và để tha thứ và thương yêu. Rồi còn phải tin là tình yêu và sự sống vẫn còn chung quanh, dù hôm qua ta chẳng nhìn thấy gì.

Ta hãy tin rằng cuộc sống là một sự ngạc nhiên tuyệt diệu và đang chờ để xảy ra, và tất cả những hy vọng - giấc mơ của chúng ta đều nằm trong tầm tay, nếu chúng ta có niềm tin.

Thiên Chúa cũng luôn tin tưởng và hy vọng ta trở về đó thôi.

Chẳng lẽ ta không tin Ngài hay sao

Thanh Thanh