PDA

View Full Version : T - Tranh Đấu Cho Sự Sống



Dan Lee
03-01-2009, 12:17 AM
Tranh đấu cho sự sống

Trong tuần này, nhiều tin tức vui xẩy đến cho mặt trận tranh đấu phò sự sống.

Nhà cầm quyền Nga ủng hộ kế hoạch mở trung tâm phò sự sống

Tin Zenit ngày 25 tháng Hai cho hay: đang có kế hoạch mở ba trung tâm phò sự sống cho các phụ nữ có ý định phá thai tại Nga. Cơ quan “Trợ Giúp Các Giáo Hội Túng Thiếu” (Aid to the Church in Need) tường trình rằng nhà cầm quyền Nga, theo truyền thống vốn phò phá thai từ những ngày còn chế độ Xô Viết, nay đã thay đổi quan điểm. Các bác sĩ nhà nước ủng hộ các trung tâm cố vấn này do họ rất quan tâm tới sinh xuất khá thấp của đất nước, cũng như tình hình dân số đang biến đổi.

Cha Michael Shields dự tính sẽ mở trung tâm đầu tiên vào tháng Sáu tới tại Magadan, một thành phố tại phía đông Tây Bá Lợi Á, mà theo lịch sử vốn được biết đến nhờ các “quần đảo gulac” của Xô Viết. Nó sẽ đem lại cho cha và các thiện nguyện viên của cha cơ hội làm việc với các phụ nữ vào thời điểm họ biết chắc mình mang thai và bắt đầu tính toán các giải pháp. Cha Shields cho cơ quan “Trợ Giúp Các Giáo Hội Túng Thiếu” hay: “điều hết sức lạ lùng là vị bác sĩ hiện đang làm việc tại Trung Tâm Tham Vấn Phụ Nữ ở Madagan đã tiếp xúc với chúng tôi để xem xem liệu chúng tôi có sẵn lòng khai triển một dự án ở đó hay không”

Vị linh mục vốn thuộc Dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu này nói: “Điều ấy trước nay vẫn được coi là kỳ diệu vì thực sự Nga đang chuyển mình và muốn thấy nhiều vụ sinh nở hơn trước. Chính phủ Nga biết rằng tình hình dân số của xứ sở không khả quan bao nhiêu và chính vì thế các bác sĩ sản khoa đã yêu cầu chúng tôi làm việc với và khích lệ các phụ nữ đang mang thai”.

Cha Shields bắt đầu công việc của ngài tại Ola, một làng kế cận, nơi ngài mở Quán Trọ Giáng Sinh (Nativity Inn) để cung cấp nơi ăn chốn ở ngắn hạn cho các trẻ sơ sinh và cha mẹ chúng. Các thiếu nữ dọn đến khu vực này để học hành thường bị đuổi khỏi ký túc xá của trường khi bị khám phá thấy có thai. Cha cho mở cái quán trên chính là để nối vòng tay lớn đối với các phụ nữ ấy.

Thành công tại Quán Trọ Giáng Sinh được nhiều người ủng hộ và mở cửa dẫn tới các trung tâm phò sự sống. Ngài nhấn mạnh tới ý nghĩa đại kết của công trình này, vì Giáo Hội Chính Thống Nga đã cam kết hỗ trợ các hoạt động phò sinh. Cha Shields tường trình rằng: “điều làm chúng tôi ngạc nhiên là cách dự án Quán Trọ Sáng Sinh và trung tâm tại nhà thờ Madagan của chúng tôi đã phát triển ra sao chỉ nhờ vào lời truyền miệng. Nhiều lần chúng tôi nhận ra các phụ nữ tới đây là vì được nghe các phụ nữ khác cùng hoàn cảnh nói về chúng tôi”. Ngài cho rằng: “chúng tôi tổ chức các buổi gặp gỡ thường xuyên cho các phụ nữ tham gia chương trình của chúng tôi và quả rất tốt đẹp khi thấy họ an toàn với các đứa con của họ... ”

Giải Thưởng Điện Ảnh Về Văn Hóa Sự Sống Năm 2009

Cũng tin của Zenit ngày 25 tháng Hai từ Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, cho hay: tuần lễ này là tuần lễ của giải thưởng điện ảnh và kết quả đã được công bố cho các giải có hình ảnh, có diễn viên và có truyện phim hay nhất, theo nhãn giới văn hóa sự sống.

Tờ tuần báo Alpha và Omega của tổng giáo phận Công Giáo Madrid, do nhật báo ABC phân phối, đã trao tặng các giải đặc biệt cho việc sản xuất các phim chính để bênh vực sự sống. Tờ tuần báo này bình chọn năm cuốn phim phò sự sống phát hành trong năm 2008, bốn cuốn nói về phá thai và một cuốn nói về an tử (euthanasia): “Juno” (Phim hay nhất, truyện phim hay nhất, đạo diễn: Jason Reitman; viết truyện phim: Diablo Cody); “Bella” (Nữ tài tử chính hay nhất: Tammy Blanchard); “Bốn tháng, ba tuần và hai ngày”; “Chiếc Chuông Nhào Lộn và Con Bướm” (Phim hay nhất, đạo diễn hay nhất: Julian Schnabel); “Công Chúa Nebraska”.

Giám đốc tờ tuần san trên, là Miguel Angel Velasco, cho hay: “(chống lại) khuynh hướng trao giải thưởng cho các phim đại diện cho ‘văn hóa sự chết’, (chúng tôi) muốn tưởng thưởng các phim khác biết bênh vực ‘văn hóa sự sống’cách này hay cách khác”.

Lời công bố giải thưởng có đoạn viết: “Vào một thời điểm trong đó phẩm giá những con người yếu đuối nhất bị các chính trị gia và các nhà lập pháp của nhiều quốc gia văn minh trắng trợn chà đạp, các cuốn phim này dường như đang đi ngược dòng, vì đã ca tụng giá trị tích cực của sự sống, dù trong các hoàn cảnh cực kỳ đau đớn”.

Lời công bố ấy nói tiếp: “Và các cuốn phim này không phải là các cuốn phim đấu tranh, thiếu mạch lạc hay phản động, mà chúng cũng không do các nhà đạo diễn phò sự sống dàn dựng. Chúng là những câu truyện nhân bản đầy xúc động và cảm kích làm chứng cho niềm vui đơn giản được sống”

Các vấn đề quốc tế

Lời công bố trên cũng đã nhận định về các cuốn phim như “Ôi Giêrusalem” (Bi kịch lịch sử hay nhất, do Chris Kraus đạo diễn) và “Người Thả Diều” (Âm nhạc hay nhất: Alberto Iglesias) là những cuốn phim đưa ra “một cái nhìn đầy hy vọng đối với các tranh chấp quốc tế hết sức đáng lo ngại” và đã đề cập tới các vấn đề ấy “một cách thông minh” với mục đích hợp nhất chứ không chia rẽ con người.

Tương tự như thế, các giám khảo cũng cho rằng các cuốn phim như “Trong Thung Lũng Elah” (Diễn viên chính hay nhất: Tommy Lee Jones) đã đưa ra lời phê phán đối với các hình thức chiến tranh và can thiệp quân sự mới, tách biệt khỏi qui luật đạo đức. Các phim khác như “Làn Sóng” (Phim giáo dục hay nhất, đạo diễn Dennis Gansel) cảnh cáo chúng ta phải cảnh giác trước những cám dỗ mị dân và độc tài hiện đang trăm hoa đua nở tại các nước đang kinh qua khủng hoảng về luân lý, kinh tế và văn hóa.

Juan Orellana, một nhà phê bình điện ảnh và là một trong các giám khảo của giải thưởng cho hay: các cuốn phim này “xác nhận tình trạng lành mạnh của nền điện ảnh độc lập của Mỹ, nền điện ảnh của Đức và các phim hoạt họa”. Ông cho rằng hiện đang có sự pha trộn đầy thích thú trong các phim gia đình. Trong năm 2008, có một số phim bênh vực các hình thức mới lạ và nguyên thủy của sự sống và cũng có những cuốn phim như “Chiếc Chuông Nhào Lộn và Con Bướm” biết cố gắng nắm bắt “tính trầm trọng của giây phút lịch sử” trong đó, ta tự tìm ra mình và đưa ra một đáp ứng đầy hy vọng và trong sáng.

Cuốn phim “Guadalupe” (Phim có chủ đề Kitô Giáo hay nhất, đạo diễn: Santiago Parra) được trao giải thưởng hình ảnh đẹp nhất. Đây là một bi kịch gia đình nhằm làm nổi bật hình ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Việc khảo sát bức ảnh về phương diện khoa học đã trở thành một cuộc hành trình khám phá bản thân đối với một gia đình phải đương đầu với quá khứ của mình.

Công trình lớn

Đức Cha César Franco, Giám Mục Phụ Tá của Madrid, người chủ tọa ủy ban giám khảo, lên tiếng ca ngợi các phim hay là “công trình của tinh thần con người đề cập tới các vấn đề của con người”. Theo ngài, có hai cách làm phim, cũng như vốn có hai cách sống vậy. Một cách mở ra các giá trị của cá nhân, cách kia đóng chúng lại. Con người sẽ luôn thực hiện các công trình vĩ đại trong mọi lãnh vực, và nhân loại sẽ mang nhiều hoa trái trong các công trình nghệ thuật, vì họ “được kêu gọi tiến tới cái đẹp”. Đức cha cho rằng xem phim là một “phấn chấn”, vì nó mang con người “tới ngọn nguồn cái đẹp”

Tây Ban Nha vi phạm quyền lương tâm

Tây Ban Nha vốn đã có một đạo luật cho phép phá thai dễ dãi nhất xưa nay, nhưng nay lại đang có ý định nới rộng thêm đạo luật ấy, làm cho tỷ lệ phá thai ở nước đó đã cao nhất sẽ còn cao hơn nữa trong tương lai.

Thực vậy, luật lệ hiện nay đòi người mẹ phải có giấy bác sĩ xác nhận đứa trẻ chưa sinh là mối nguy hại cho sức khỏe thể lý và tâm lý của mình thì mới được phá thai. Dự luật mới đang được xem sét sẽ loại bỏ đòi hỏi đó đối với giai đoạn đầu của thai kỳ. Theo một công bố mới đây của “Asociación Nacional para la Defensa del Derecho a la Objeción de Conciencia” (Hiệp Hội Toàn Quốc Nhằm Bảo Vệ Quyền Phản Kháng Của Lương Tâm), dự luật này “chỉ đáp ứng các động lực có tính ý thức hệ”. Bản công bố này quả quyết rằng dự luật sẽ mang tới cho các nhân viên chăm sóc y tế một thế lưỡng nan giữa việc phải chiều theo một ý thức hệ hay nhận lấy các hậu quả nghề nghiệp. Trên thực tế, họ có rất ít lựa chọn vì đại đa số các nhân viên này làm việc trong khu vực công.

Theo hiệp hội này, đạo luật mới sẽ biến đổi việc phá thai từ “một vi phạm trước pháp luật” thành “một quyền lợi có thể thực thi trong một thời điểm nhất định”. Điều ấy sẽ tạo thêm nhiều áp lực cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe. Vì trước đây họ có thể từ chối không thi hành việc phá thai mà khỏi cần nại đến việc phản kháng bằng lương tâm. Với đạo luật mới, phá thai sẽ được coi là một dịch vụ y khoa mà người ta có quyền đòi hỏi.

Nhận định về tài liệu "Dignitas Personae" (phẩm giá con người)

Đức Cha Giampaolo Crepaldi, thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, và là chủ tịch Vọng Quan Sát Quốc Tế Hồng Y Nguyễn Văn Thuận Về Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội (the Cardinal Van Thuân International Observatory for the Social Doctrine of the Church) mới đây có viết một bài báo nhận định về tài liệu “Dignitas Personae” mà Tòa Thánh Vatican mới cho công bố hồi tháng Mười Hai năm ngoái.

Huấn giáo gần đây của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin tựa là “Phẩm Giá Con Người” không phải là một tài liệu chỉ liên quan đến đạo đức sinh học mà thôi, nó còn chứa đựng khá nhiều cân nhắc có bản chất chính trị và xã hội nữa. Sau thông điệp “Phúc Âm Sự Sống”

(Evangelium Vitae, 1995) của Đức Gioan Phaolô II, chủ đề sự sống không những thường xuyên được bàn tới như là một phân chương của luân lý bản thân, một chiều kích tất nhiên nó có, mà còn được coi như chiều kích nền tảng của nền đạo đức học công cộng.

Thế là một lần nữa, sự sống và nơi tự nhiên tiếp nhận nó, hay, nói cách khác, dục tính con người, hôn nhân và gia đình đều cùng là nguồn gốc của chính xã hội. Huấn giáo “Phẩm Giá Con Người” cũng đi theo dòng suy tự này. Không những nó lượng định các khả thể kỹ thuật mới trong lãnh vực sinh sản và công trình di truyền (genetic engineering), mà còn đặt mọi yếu tố đó vào một bối cảnh rộng lớn hơn, đầu hết và trước hết là thần học và nhân học,nhưng còn bao gồm cả khía cạnh xã hội và chính trị nữa. Do đó, độc giả sẽ tìm thấy trong huấn giáo này nhiều lời lẽ (và ý niệm) như bình đẳng, công lý, sống chung hòa bình., ích chung, ách nô lệ, v.v…. Tất cả các ý niệm này đều có chỗ danh dự trong khoa nghĩa ngữ học (semantics) xã hội và chính trị.

Phẩm giá mà người ta phải nhìn nhận cho từng hữu thể nhân bản chính là cốt lõi của huấn giáo. Bác bỏ phẩm giá ấy trong các thủ tục sinh sản qua việc thụ thai trong ống nghiệm hay qua việc tự ý loại bỏ các phôi thai nhân bản “đều sẽ dẫn tới việc làm giảm lòng tôn trọng phải có đối với mọi con người. Mặt khác, việc nhìn nhận lòng tôn trọng ấy sẽ được cổ vũ bằng tình âu yếm của vợ chồng, những người luôn được nuôi dưỡng bằng tình yêu phu thê” (Số 16). Nếu lòng tôn trọng ấy phai nhạt đi trong chính cái phân bộ quan yếu này, thì ý thức về phẩm giá con người chắc chắn sẽ có khuynh hướng mỗi ngày một lợt lạt đi hơn nữa trong các phân bộ khác của nỗ lực con người (kinh tế, thế giới cần lao, lãnh vực thiếu sót xã hội). Khi con người chiều theo lý lẽ duy nhất của các thèm muốn chủ quan, kết cục họ sẽ tùy thuộc hoàn toàn vào áp lực kinh tế. Đặt sự sống và phẩm giá của phôi thai vào tay các kỹ thuật viên là tạo ra ách thống trị của kỹ thuật, một cái ách cũng sẽ đi hàng đầu trong các phạm vi khác của đời sống xã hội (xem Số 17). Huấn giáo này dựa vào thứ luận lý chắc chắn của mạch lạc và thiếu mạch lạc (coherence and incoherence): điều ta làm hay không làm ở chính lúc khởi đầu sự sống không thể nào không đưa lại các hậu quả sau này.

Nhiều kỹ thuật trong việc lựa lọc phôi thai cũng như công trình di truyền học chỉ là các biểu thức của “não trạng ưu sinh học”, mà đến lượt mình chúng sẽ hỗ trợ lại não trạng ấy. Ta đọc thấy trong huấn giáo có đoạn này: “Điều ấy đi ngược lại chân lý nền tảng về sự bình đẳng giữa mọi con người, một chân lý đã được phát biểu bằng nguyên lý công bình, mà việc vi phạm về lâu về dài sẽ gây hại cho sự chung sống hòa bình giữa các cá nhân” (Số 27). Bình đẳng, công bình và hòa bình chính là ba yếu tố nền tảng của ích chung. Não trạng ưu sinh học ngầm phá hoại ích chung của xã hội nói chung vì nó áp đặt một nguyên lý trong đó ý chí một số người thắng vượt tự do của nhiều người khác.

Tuy nhiên, chính trong phần kết luận (các Số 36-37), huấn giáo mới đặt định các đường nét chính về xã hội và chính trị cho luận điểm của mình. Tài liệu đã hợp thời nhắc lại đoạn văn thời danh của “Phúc Âm Sự Sống” là đoạn nhắc ta nhớ tới (thông điệp) “Tân Sự” (Rerum Novarum) và vẽ cho ta một loại suy giữa thợ thuyền, là người nghèo lúc ấy, và phôi thai nhân bản bị từ chối quyền sống, là người nghèo bây giờ. Ngày nay cũng như ngày trước, Giáo Hội lớn tiếng bênh vực những người ít được bênh vực hơn cả, vì ý thức rõ rằng các tài nguyên nhân bản chẳng may đã bị sử dụng hết thẩy cho cái xấu hơn là cho cái tốt. Trong số những cuộc tấn công vào sự sống con người, huấn giáo nhắc tới nạn nghèo, nạn thiếu phát triển, nạn hủy hoại hệ sinh thái, nạn vũ khí và chiến tranh (Số 36). Trong số các ngăn cản được nhiều người ngày nay chấp nhận và là các ngăn cản nhằm bảo vệ phẩm giá con người, huấn giáo nhắc đến những hạn chế chống lại chủ nghĩa kỳ thị sắc tộc, chống lại chế độ nô lệ, và chống lại nạn kỳ thị phụ nữ, trẻ em, người đau yếu và khuyết tật (Số 37). Giáo huấn này có địa vị xứng đáng trong lãnh vực các cổ vũ và hạn chế nói trên. Nó cho ta thấy rằng ta không thể tách biệt được giá trị của sự sống và phẩm giá con người, do đó, đạo đức sinh học phải là một phần trong vấn đề xã hội.

Vũ Văn An