PDA

View Full Version : M - Mùa chay mùa tươi sáng



Dan Lee
02-26-2009, 05:18 PM
CHÚA NHẬT I MC năm B

MÙA CHAY MÙA TƯƠI SÁNG


Thưa quý vị,

Đêm đầu tiên tuần cấm phòng mùa chay năm ngoái, tôi lưu ý đến một nhóm người trẻ đi dự tĩnh tâm. Trong đó có đôi vợ chồng ẵm đứa con thơ trên tay. Một số người nòng cốt của giáo xứ và một nhóm hổ lốn khác nữa. Họ rất năng động và nhiệt thành, cầu nguyện sốt sắng trong các buổi phụng vụ chung. Họ gắn bó với nhau không hẳn vì đã quen biết cho bằng tinh thần cộng đoàn. Điều đó làm tôi rất cảm kích và thán phục. Sau một buổi phụng vụ, tôi đến gặp họ và tự giới thiệu. Tôi hỏi họ có phải là láng giềng với nhau không hay cùng ở trong một nhóm lao động? Một người đàn bà trẻ trả lời: “Thưa cha chúng con là những dự tòng đến học giáo lý.” Câu trả lời làm tôi bất ngờ và ngạc nhiên. Nó giải thích đầy đủ lòng nhiệt thành, tính cộng đoàn và những đêm cầu nguyện hàng tuần chung của một số người trong giáo xứ. Tôi ước ao toàn thể giáo xứ, những tín hữu đạo gốc, noi gương họ, rũ bỏ được tính ươn lười cố hữu mà nhiệt thành tham dự các buổi tĩnh tâm hàng năm theo luật định.

Mùa chay năm nay tôi lại nhớ đến nhóm người “tân tòng” đó. Họ khích lệ và kêu gọi chúng ta tiến vào hành trình chay tịnh một cách đầy đủ và sốt sắng. Dĩ nhiên một trong các công việc mùa chay là sửa soạn cho các tân tòng lãnh nhận bí tích Rửa tội. Nhưng nó cũng bao gồm hết thảy mọi tín hữu, suốt năm đã sao lãng bổn phận đạo đức, đã đi lạc đường Phúc âm hoặc lại rơi vào tính mê tật xấu cũ, những vết xe đổ mà mình đã hơn một lần hạ quyết tâm từ bỏ. Mùa chay là cơ hội tốt để mọi tín hữu bồi dưỡng lòng tin của mình, thêm cho nó sức sống mới, khoẻ khoắn và vui tươi. Đây là dịp quý báu để chúng ta canh tân sự dấn thân Phúc âm của bí tích Thánh tẩy mà chúng ta sẽ khấn hứa lại trong đêm Phục sinh sắp tới. Từ lúc này chúng ta phải hướng toàn thể tâm hồn, thân xác vào công việc đó mới hy vọng thành công. Muốn khẳng định đời sống thiêng liêng trong Chúa Giêsu chúng ta phải nỗ lực hết sức xa tránh tội lỗi, thói xa hoa của thế gian và lòng tham ích kỷ. Đừng coi thường sức mạnh của tội lỗi, nó có khả năng nhận chìm tất cả nhân loại xuống địa ngục như nước đại hồng thuỷ thời ông Nôe đã nhận chìm con cháu loài người. Người ta kể rằng có một lực sĩ rất khoẻ thuộc phái thể công, tức dùng khí nội lực mà làm nên sức mạnh diệu kỳ. Anh đã từng lên gồng để cho một chiếc xe vận tải chạy ngang qua bụng. Lần kia, anh gặp một cụ già tóc bạc, râu trắng và khoe với cụ về võ thuật của mình. Cụ già cười nói: “Ông không chịu nổi nửa lít nước đâu”. Người lực sĩ khinh bỉ cụ ra mặt: “thử xem”. Lập tức người ta đem đến nửa lít nước, cụ bảo người lực sĩ úp bàn tay, rồi cho nước chảy từng giọt, từng giọt với độ cao vừa phải, từ mái tranh xuống đất. Nếu tính chính xác thì nửa lít nước có 11.520 giọt. Độp! Độp! những giọt nước rơi đều đều trên mu bàn tay anh lực sĩ. Tới giọt thứ 4200 các gân cốt bàn tay anh lực sĩ xưng lên đau đớn. Tới giọt 7320 người lực sĩ ngất xỉu, người ta phải khiêng anh đến bệnh viện cấp cứu. Đó là hình ảnh nỗi linh hồn phải gánh chịu sức ép của tội lỗi. Tuy mắt trần không thấy, nhưng thực tế, trong đời sống thiêng liêng từng tọi, từng tội sẽ nghiền nát bất cứ linh hồn nào sống trong sự kìm kẹp của nó.

Vì lẽ đó chúng ta có câu truyện Thiên Chúa cứu vớt gia đình ông Noe và lập giao ước với loài người trong bài đọc 1 hôm nay. Giao ước xảy ra ngay sau khi nước rút, tuy tác giả Do Thái chỉ có ý nói đến liên hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel, nhưng mọi sinh vật đều được bao gồm: “Đây Ta lập giao ước với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi…”. Vậy thì rõ ràng ngầm ý: Chúa là Thiên Chúa mọi tạo vật đã thề hứa với mình là không phá huỷ trái đất nữa, mặc dù về tương lai loài người còn phạm tội, chúng ta còn sai lỗi. Cái dấu chỉ của giao ước một chiều này là cầu vồng ngũ sắc. Mỗi lần mưa xong thì nó mọc ở chân trời, đối diện với ánh sáng mặt trời. Nó không phục vụ chúng ta như dấu chỉ nhắc nhớ giao ước mình đã ký, nhưng là hiệu lệnh Thiên Chúa hằng thương yêu nhân loại. Cho nên mặc dù chúng ta trôi dạt đến đâu về luân lý, mặc dù chúng ta lãng quên Thượng đế đến thế nào đi nữa, Ngài vẫn không hề sao lãng bổn phận của mình với chúng ta, (xin nhớ lại giao ước Ngài lập với Abraham mà tôi giải thích những năm trước). Đúng là một lòng thương xót vô bờ bến, chúng ta không bao giờ ca ngợi cho cân xứng. Vậy nên mùa chay này xin mọi linh hồn hồi tâm suy nghĩ về những thái độ của mình đáp trả tình thương đó ra sao? Vô ơn bội bạc hay thiết tha mến yêu? Phần lớn thì chúng ta bội bạc, vô ơn, quá tệ xét như một thụ tạo trước tôn nhan Đấng Tạo Hoá tràn trề yêu thương. Do đó, từ đầu mùa chay năm nay, chúng ta hãy miệt mài suy gẫm về nội dung giao ước Thiên Chúa ký kết với loài người qua đại diện Noe để nhận ra lòng Ngài rộng rãi, ngõ hầu được lôi cuốn đến cùng tình yêu thương vĩ đại đó. Khi quay lưng từ chối các thần thánh giả tạo của thế gian như tiền tài, sắc dục, quyền bính… chúng ta chẳng có chi phải khiếp sợ, lo âu bởi đã nắm vững ý định của Thượng đế là ký kết giao ước với mọi sinh vật. “Từ đây, mọi xác phàm sẽ không bị nước hồng thuỷ tiêu diệt nữa.” Ngài luôn trợ giúp và hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống.

Như thường lệ mùa chay, Chúa nhật thứ nhất đọc về các cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang địa Palestine. Mỗi tác giả nhất lãm đều có bản văn riêng của mình. Năm nay là bản văn của thánh sử Marcô. Ông viết rất ngắn, rất gọn gàng, chỉ trong hai câu 12 và 13 của chương một, gồm 32 chữ, bỏ đi hầu hết các chi tiết trong trình thuật Luca và Matthêo. Chúng ta có khuynh hướng lấp “đầy” chỗ trống bằng cách gợi lại nội dung của các bản văn khác. Theo ý tôi thì không nên, hãy cứ tôn trọng bản văn của Marcô và khám phá ra những gì ông muốn nói với chúng ta trong mùa chay này. “Thần khí Chúa liền đẩy Người vào hoang địa. Ngài ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Ngài”. Toàn bộ bản văn chỉ có thế. Nhưng nội dung thì mênh mông, phong phú. Mấy dòng trước đó, thánh Gioan tiền hô đã hứa : “Người đến sau tôi, quyền năng hơn tôi”. Như vậy theo Marcô, Chúa Giêsu là Đấng quyền năng. Ngài rất mạnh mẽ trong các cơn cám dỗ. Chúng ta nhớ kỹ điều đó trong tinh thần mùa chay này, mùa chay mang đặc tính Marcô. Đây là điểm tựa để chúng ta quyết định thay đổi thái độ lừng khừng. Nhiều người cho rằng : Chẳng qua trong cuộc đời, mùa chay cũng chỉ là một giai đoạn của những chuỗi ngày dài dằng dặc “thường hằng bất biến”. Nói cách khác, nó là một câu truyện thường nhật mang tính chu kỳ hàng năm. Rõ ràng chúng ta thiếu lòng nhiệt thành của các tân tòng tôi nói ở trên. Quen quá hoá nhàm, đã trải qua vài lần mùa chay, chúng ta không thấy nó là quan trọng, là ích lợi to lớn nữa. Thật tai hại! Làm sao chúng ta có thể lợi dụng ân huệ mùa chay để canh tân, đổi mới tâm hồn? Làm sao chúng ta có thể tập trung ý chí, nghị lực để thay đổi nếp sống? Làm sao chúng ta biết được lãnh vực nào trong tâm linh cần sửa đổi, bồi dưỡng? Thánh Gioan nói tiếp : “Ngài sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần”. Như vậy nguồn mạch đổi mới của chúng ta là Thánh Thần. Ngài sẽ đổ vào lòng chúng ta ước vọng canh tân và thúc đẩy ước vọng đó sinh hoa kết quả. Chúa Giêsu sẽ làm phép rửa cho chúng ta bằng Thần khí của Ngài trong mùa chay này để tâm hồn chúng ta lại được mới mẻ, bỏ đi tính ươn lười, trì độn. Như vậy mùa chay đúng là cơ hội của hy vọng, trong đó chúng ta khám phá ra điều không thể thực hiện được đối với mình, thì Thiên Chúa làm được dễ dàng.

Dân tộc Israel trải qua 40 năm trong hoang địa khô cằn. Họ đã bị thử thánh và đã ngã gục. Chúa Giêsu lúc này cũng ở sa mạc 40 ngày. Ngài cũng bị cám dỗ nhưng đứng vững. Ngài đã sống với thú dữ suốt thời gian đó. Đối với chúng ta, đó là nơi ghê gớm đầy sợ hãi. Nhưng trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã hoà giải nhân loại với thiên nhiên! Hoang dã đã mất tính thù địch với con người. Vương quốc bình an đã ló rạng. Đúng như tiên tri Isaia loan báo (Is 65, 25). Trên bình diện siêu nhiên, mùa chay cung cấp cho chúng ta cơ hội quí báu để đối diện với các “thú dữ” của bản năng nhân loại trong con người của mình. Đó là tính ích kỷ, bạo hành, tham lam, vô độ, độc ác, hung hăng, gây hấn, những con lợn lòng ma quái, những dục vọng không kiềm chế… Hiện thời chúng đang ngự trị từng cá nhân, quốc gia và thế giới. Mở tivi, radio, báo chí, tức khắc chúng ta nhận ta chúng có mặt. Chúng không hề bị chế ngự, ngược lại còn được cổ võ, khuếch đại. Than ôi! Đáng lý chúng không hề có quyền bính nào trên chúng ta, bởi đã được Chúa Giêsu ban phép rửa trong thần khí dũng mãnh của Ngài. Đấng đã trải qua thử thách trong hoang địa và đã chiến thắng, đã hoà giải những thế lực đối kháng của thiên nhiên.

Nhưng cũng trong hoang địa, nơi đầy rẫy thử thách và thú dữ, chúng ta cũng được thánh Marcô thuật lại là “có các thiên sứ hầu hạ Ngài”. Một tin mừng hết sức phấn khởi và an ủi. Trong cuộc sống không thiếu những lúc chúng ta cảm nhận khó khăn, những vật lộn, những cám dỗ. Có một lực nào đó vô cùng mãnh liệt, vô cùng nguy hiểm lôi kéo chúng ta xuống vực thẳm tội lỗi và chúng ta cảm thấy hết sức cô đơn. Tuy nhiên Phúc âm hôm nay cho chúng ta biết “Có các thiên sứ hầu cận”. Chẳng hiểu bao lâu, cứ như ý của bản văn là 40 đêm ngày. Phấn khởi biết mấy! Vậy thì còn sợ chi những tăm tối của thế gian? Một thói xấu khó bỏ ư? Xì ke ma tuý ư? Bệnh tật hết đường cứu chữa ư? Người thân qua đời ư? Tai nạn bất ngờ ư? Thất nghiệp, không công ăn việc làm, đổ vỡ kinh tế ư? Vợ chồng ly dị, con cái đi hoang, bụi đời ư? Hoặc trăm ngàn khó khăn khác cũng chẳng thể làm chúng ta nao núng. Bởi đã có thiên thần hầu cận. Thiên thần đây có thể là cha mẹ, ông bà, bạn bè, hàng xóm tốt bụng, các nhóm đạo đức, ân nhân vô danh, mẹ Têrêsa thành Calcutta. Thánh Martinô de Porres, linh mục Piô năm dấu v.v… Danh sách là vô tận. Họ đều sẵn sàng tận tình giúp đỡ chúng ta vượt qua gian nan thử thách của cuộc sống, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Miễn là chúng ta noi gương họ, lưu lại trong gương lành của họ, nghe theo tiếng gọi của Chúa Giêsu hôm nay : “Hãy sám hối vào tin vào Tin mùng ”.

Tóm lại, hoang địa của chúng ta là cuộc sống, với những khó khăn nhọc nhằn, với những sai lỗi, đi hoang, với những lo âu thất nghiệp, với những khắc khoải mong chờ mộ tương lai tươi sáng hơn, với những cám dỗ thoả hiệp cùng thế gian ma quỉ. Dân tộc Do thái thời xưa đã thất bại. Họ đã phản bội Thiên Chúa ngay trên cánh tay yêu thương của Ngài. Nhưng Ngài vẫn trung tín, dẫn đưa họ qua sa mạc vào đất hứa tràn trề sữa và mật ong. Mỗi lần cầu vồng xuất hiện là một lần nhắc nhớ chúng ta Ngài vẫn trung thành với giao ước Ngài lập cùng mọi sinh vật trên địa cầu. Vậy thì Ngài chẳng để chúng ta vượt “sa mạc” một mình nhưng luôn thăm viếng bằng nhiều đường lối mầu nhiệm thần linh khác nhau. Và như thế, tương lai mùa chay thật là tươi sáng cho mọi tín hữu. Amen.

- Chay tịnh làm cho sáng mắt, sáng lòng.

Lm. Jude Sicilianô, OP.