PDA

View Full Version : C - Chúa Giêsu chạnh lòng



Dan Lee
02-10-2009, 09:11 PM
CHÚA NHẬT VI TN B

ĐỨC GIÊSU CHẠNH LÒNG ...

1. Lắng nghe Lời Chúa trong ba bài Thánh Kinh

(1) Bài đọc 1: Lv 13,1-2.44-46: Người mắc bệnh phong phải ở riêng ra ngoài trại

ĐỨC CHÚA phán với ông Môsê và ông Aharon như sau: “Khi trên da thịt người nào phát ra nhọt, lác hoặc đốm, là những triệu chứng bệnh phong, thì phải đưa người ấy đến với tư tế Aharon hoặc với một trong các tư tế, con của Aharon. Nếu mắc bệnh phong, thì người ấy trở thành ô uế. Tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế; vì người ấy bị vết thương ở đầu.

Người mắc bệnh phong phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: "Ô uế! Ô uế!’ Bao lâu còn mắc bệnh, người ấy sẽ còn là ô uế. Người ấy phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại.

(2) Bài đọc 2: 1 Cr 10,31 - 11,1: Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô.

Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa. Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do Thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa; cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.

Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô.

(3) Bài Tin Mừng: Mc 1,40-45: Đức Giêsu chữa người bị phong (Mt 8, 1-4; Lc 5, 12 -16).

(40) Khi ấy có người bị phong đến gặp Đức Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." (41) Đức Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : "Tôi muốn, anh hãy được sạch!" (42) Lập tức bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch. (43) Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, (44) và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế; và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, đễ làm chứng cho người ta biết." (45) Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giêsu không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

2. Trong ba bài Thánh Kinh trên, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng nào?

(1) Trong đoạn sách Lv 13,1-2.44-46 là những quy định mà Thiên Chúa truyền cho ông Môsê để ông phổ biến cho dân chúng tuân giữ: Người mắc bệnh phong bị coi là ô uế nên phải ở riêng một nơi, tách xa khỏi cộng đồng. Đi đâu người ấy cũng phải hô hoán lớn tiếng (là mình ô uế) để mọi người chạy trốn. Thật không gì đau đớn và tủi nhục cho bằng! Nếu người mắc bệnh phong được khỏi bệnh, thì người ấy phải tìm đến trình diện với tư tế để được vị này nhìn nhận là sạch bệnh và cho phép tái nhập vào cộng đồng. Hiển nhiên là trước mặt Thiên Chúa thì người bệnh phong chẳng ô uế hơn người khác và chẳng ô uế chỉ vì mắc bệnh phong là thứ bệnh vế thể lý. Điều làm cho con người thành ô uế trước mặt Thiên Chúa là tội lỗi chứ không phải là bệnh này bệnh nọ. Chúng ta có thể hiểu mệnh lệnh của Thiên Chúa ở đây có ý nghĩa “ngừa bệnh” cho cộng đồng và ám chỉ những người ô uế thực sự (là tội nhân) cần phải tách ra khỏi cộng đồng.

(2) Trong đoạn thư 1 Cr 10,31 - 11,1 Thánh Phaolô không đề cập trực tiếp đến Thiên Chúa, nhưng qua các lời khuyên của ngài, chúng ta hình dung ra được Thiên Chúa là Đấng nào, có vị trí ra sao trong cuộc sống của Phaolô và các tín hữu.

Trước hết Thiên Chúa của Phaolô là Đấng đáng được tôn vinh bằng / qua mọi việc làm của người tín hữu. Kế đến Thiên Chúa của Phaolô là Đấng làm cho mọi người có giá trị và đáng được người khác trân trọng và phục vụ. Sau cùng Thiên Chúa của Phaolô là mẫu mực mà Phaolô và mọi tín hữu (phải) noi gương bắt chước.

Nếu nối kết bài Thánh Thư này với bài Phúc Âm thì chúng ta có thể nói một cách cụ thể là Phaolô đã noi gương bắt chước Thiên Chúa là Đấng yêu thương hết mọi người. Phaolô đã bắt chước Chúa Giêsu Con-Một-Thiên-Chúa-xuống-thế-làm-người là Đấng chạnh lòng thương người mắc bệnh phong khốn khổ. Mà không cchỉ chạnh lòng thương mà Người còn ra tay cứu vớt, còn đụng tay tới người phong mà không sợ bị lây cái ô uế. Phaolô đã bắt chước Chúa Giêsu là Đấng không tìm lợi ích hay vinh danh riêng cho mình mà chỉ tìm lợi ích hay vinh danh cho con người, nhất là cho những người bị khinh chê hay bị quên lãng trong xã hội. Vậy thì các tín hữu - trong đó có chúng ta - cũng hãy noi gương bắt chước Phaolô mà trở nên giống Thiên Chúa, giống Chúa Giêsu Kitô!

(3) Thiên Chúa mà Thánh Máccô muốn giới thiệu với chúng ta trong đoạn Mc 1,40-45 là Đức Giêsu Nadarét với quyền năng đặc biệt là chữa lành bệnh tật của con người, kể cả những bệnh nan y (theo trình độ y tế thời bấy giờ) như bệnh phong. Đức Giêsu chỉ cần “muốn” chữa lành là người bệnh được khỏi. Nhưng Đức Giêsu đã có một cử chỉ hết sức dễ thương là đụng tay đến người bệnh phong. Cử chỉ này chẳng ai dám làm vì ai nấy đều sợ hãi, kinh tởm và tránh xa người bệnh.

Nhưng không chỉ có thế. Thánh Máccô muốn cho chúng ta nhìn sâu vào tâm hồn của Đức Giêsu để thấy tấm lòng của Người nhạy bén và rung cảm trước nỗi khổ của người bệnh như thế nào. Người bệnh phong vừa khổ vừa nhục cầu cứu Chúa đã khiến Chúa chạnh lòng thương và chạm tay vào anh để chữa lành anh.

Hơn nữa chúng ta còn thấy Chúa Giêsu là người tuân giữ những quy định của lể luật Môsê khi bảo người bệnh phong trình diện tư tế.... để được nhìn nhận là đã được khỏi bệnh (sạch) và được tái nhập vào cộng đồng con cái nhà Ítraen.

3. Qua ba bài Thánh Kinh trên, Thiên Chúa muốn gửi sứ điệp gì cho chúng ta?

Sứ điệp của Lời Chúa dành cho chúng ta hôm nay là: hãy học - như Thánh Phaolô - cùng Thiên Chúa và cùng Chúa Giêsu Kitô mà dành cả tấm lòng yêu thương và thực hiện những việc dấn thân thực sự (đụng tay vào) mà chăm sóc, chữa lành những người đang đau khổ về tinh thần cũng như về thể xác ở chung quanh, trong cộng đồng chúng ta.

SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

Để sống sứ điệp Lời Chúa Chúa nhật VI Thường Niên Năm B này, chúng ta cần tự hỏi:

(1o) “Chung quanh tôi, bên cạnh tôi hiện nay, ai là người đáng được tôi yêu thương, chăm sóc chữa lành?” Phải chăng đó là những bệnh nhân HIV-AIDS? Là những phụ nữ lỡ đường lạc lối? Là các cô gái mang thai mà không muốn giữ con? Là các cháu sơ sinh bị cha mẹ từ chối? Là các ông bà già không ai chăm sóc yêu thương? Là những anh chị em từ các tỉnh và nông thôn chạy về thành phố để lao động kiếm sống? Là chính người nào đó trong gia đình tôi?

(2o) “Trong giáo phận, giáo xứ, cộng đồng, hội đoàn tông đồ của tôi hiện nay có những công việc nào mà tôi coi thường và trốn tránh không muốn đụng tay vào, trong khi đáng lẽ ra tôi phải vén tay áo và nhúng tay đảm nhận những công việc ấy cho giáo phận, giáo xứ, cộng đồng, hội đoàn tông đồ lành bệnh và tiến triển?

Sau khi đã xác định được đối tượng chăm sóc và công việc cần làm rồi, chúng ta hãy hành động như Chúa Giêsu Kitô của chúng ta!

CẦU NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa là Cha, Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho nhân loại, để Người biểu tỏ một cách cụ thể và hữu hình, Tấm Lòng Yêu Thương của Cha cho mọi người. Chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha.

Chúng con xin Cha ban, một lần nữa, Chúa Giêsu Con Cha cho chúng con! cho xã hội và thế giới hôm nay!

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã được Cha sai đến trần gian để chạnh lòng thương những con người khốn khổ, để chạm tay vào nỗi bất hạnh của con người và để chữa lành và tái nhập họ vào cộng đồng. Chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Chúa!

Chúng con xin Chúa hãy ghé mắt nhìn xem những người nghèo đói, khốn khổ của ngày hôm nay: những nạn nhân của HIV-AIDS, những bệnh nhân trên các giường bệnh, những phụ nữ bị lợi dụng tình dục và thân xác, những trẻ em bị bỏ rơi, những ông bà già cô đơn. Chúng con xin Chúa hãy giơ tay đụng đến tất cả những người ấy … để họ được ủi an và chữa lành.

Lạy Chúa Thánh Thần, là Cha ủi an những người sầu khổ, là Đấng băng bó những tấm lòng tan nát. Chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Chúa!

Chúng con xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con biết chạnh lòng thương và chạm tay vào những anh chị em đau khổ, bệnh tật, cô đơn, để chúng con trao cho họ ánh mắt và cử chỉ yêu thương, chăm sóc để họ được ủi an và chữa lành. Chúng con xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con dám dúng tay vào những việc ích nước, lợi dân và canh tân Giáo hội. Amen!

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội