PDA

View Full Version : T - Thư gửi tín hữu Roma



Dan Lee
02-09-2009, 10:37 PM
Thư gửi tín hữu Roma


1. Thư Rô-ma trong lịch sử Hội thánh

Trong các thư của thánh Phao-lô, thư gửi tín Rô-ma quan trọng hơn cả. Thư này dài nhất, phong phú hơn cả và được bố cục rất chặt chẽ. Nhiều giáo phụ như O-ri-giên, Gio-an Kim Khẩu, Âu-tinh và thần học gia A-bê-la (Abélard), Tô-ma A-qui-nô đã chú giải toàn bộ hay từng phần thư này. Nhưng có hai giai đoạn lịch sử cho thấy việc chú giải thư này đã đóng một vai trò quyết định: đó là thế kỷ V, khi có cuộc khủng hoảng do bè rối Pê-la-gi-ô (Pelagio) gây ra về ơn cứu chuộc nhưng không, và thế kỷ XVI, khi bùng nổ phong trào cải giáo của Luy-te (Luther).

Theo ý kiến của nhiều sử gia thì.phong trào cải giáo bắt đầu từ khi Luy-te chú giải thư Rô-ma. Các nhà cải giáo đặc biệt quí trọng thư này. Luy-te nói: “Đây thật là cốt tủy của mọi quyển sách thánh.” Can-vanh (Calvin) cũng quả quyết rằng: “Ai hiểu đúng được bức thư này thì như đã mở được cửa dẫn vào kho tàng sâu thẳm nhất của Kinh thánh.” Còn Mê-lăng-tông (Mélanchton) thì cho thư này “tóm tắt tất cả giáo lý Ki-tô giáo”. Vì vậy, thần học của các thế hệ cải cách đầu tiên cũng là thần học về thư Rô-ma.

Từ đó trở đi, các nhà chú giải theo phong trào cải giáo không ngớt giải thích thư này, đặc biệt bản giải thích của Kan Bác (Karl Barth) năm 1919.

Vì thư Rô-ma đã đóng một vai trò như thế trong lịch sử Hội thánh từ 4 thế kỷ nay, nên Ủy Ban Hiệp Nhất Phiên Dịch Kinh Thánh đã bắt đầu từ thư này. Việc dịch chung thư này sẽ là một trắc nghiệm, vì nếu các Hội thánh cùng đồng ý về thư này thì cũng có thể đồng ý với nhau về các sách khác trong Kinh thánh. Mục sư Béc-ne (Boegner) đã diễn tả một cách khéo léo như sau: “Bản văn đã từng chia rẽ chúng ta, sẽ là bản văn khiến chúng ta gặp lại nhau.”

2. Mục đích và hoàn cảnh

Hoàn cảnh viết thư này kể là rõ, nhưng thực chất của thư thì lại ít rõ hơn. Đây là một bài biên khảo dưới hình thức một lá thư dài, hay chính là một bức thư do một hoàn cảnh nào đó tạo nên ? Khi viết bức thư này, thánh Phao-lô muốn trình bày cho giáo đoàn Rô-ma một đề tài về chân lý Tin Mừng, hay chỉ muốn đạt được mục tiêu thực tế nào đó, nghĩa là đáp lại một số những nhu cầu mà ngài biết giáo đoàn kia đang cần đến ?

2,1 Một bài giáo lý

Cho đến cuối thế kỷ XIX, hầu hết các nhà chú giải đều coi thư gửi tín hữu Rô-ma như một bức thư khảo luận, tức là một bài giáo lý dưới hình thức một bức thư. Câu đưa tin sắp đến Rô-ma chỉ là một cớ. Đàng khác, thánh Phao-lô đâu có biết giáo đoàn Rô-ma. Ngài chẳng có một chút uy quyền nào trực tiếp trên giáo đoàn ấy và cũng chẳng bao giờ muốn xây cất trên nền nhà mà người khác đã đặt móng (15,20). Ngài chỉ lợi dụng một cơ hội thuận tiện để gửi cho giáo đoàn Rô-ma một bản văn trình bày cho họ và qua họ, cho mọi giáo đoàn khác, những vấn đề chính đang làm cho ngài băn khoăn. Ngài bình tĩnh lấy lại nội dung thư gửi cho tín hữu Ga-lát để trình bày một cách có hệ thống hơn.

Quả vậy, hai bức thư khá giống nhau. Cả hai đều chứa đựng nội dung thần học về sự công chính hóa và ơn cứu độ, về luật Mô-sê và đức tin Ki-tô giáo, về giá trị ngôn sứ của con người tổ phụ Áp-ra-ham v.v... Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai thư cũng hiện rõ; thư Ga-lát có vẻ xúc động bao nhiêu thì thư Rô-ma lại bình thản bấy nhiêu. Trong thư, tác giả như đang hùng hồn nói chuyện với một người mà chẳng bao giờ nêu tên rõ rệt, lại hay dùng những câu hỏi như “vậy ta biết nói gì, anh em không biết điều đó sao ?” Nhưng chính vì có nhiều kiểu nói hùng biện như thế, khiến ta biết chắc người mà tác giả muốn nói chuyện không là ai cả, nhưng chỉ là một kiểu hành văn đó thôi !

Tính phi thời gian và giọng điệu giáo huấn của bức thư khiến người ta muốn coi đây như một thứ tổng luận thần học. Nhưng còn thiếu nhiều yếu tố để được coi như vậy. Quà thế, giữa thư gửi tín hữu Rô-ma và thư gửi tín hữu Co-rin-tô có sự khác biệt lớn lao không những về văn từ mà còn về cả ý tưởng nữa, tuy các bức thư này đã được viết vào cùng một thời kỳ. Trong thư Co-rin-tô có hai vấn đề chính.: Phao-lô vừa biện minh cho uy quyền tông đồ của mình, vừa bênh vực sự hợp nhất để xây dựng giáo đoàn Co-rin-tô. Thư Rô-ma thì hầu như chẳng bao giờ nói rõ đến giáo đoàn, trừ một vài lời nhắn như ở mấy chương cuối và không có gì tương đương với bài nói về bữa tiệc Thánh Thể ở 1Cr 11,17-34. Thư Co-rin-tô coi Thánh Thần là nguồn gốc của mọi đặc sủng và thừa tác vụ, còn thư Rô-ma thì coi Thánh Thần là nguồn gốc của tự do và sự cầu nguyện riêng Nhưng cả hai đều nói đến Giáo Hội như là thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô (1 Cr 12,12-27; Rm 12,4-6) và Đức Ki-tô là A-đam mới (1 Cr 15; Rm 5)

2,2 Một bản văn thích ứng với hoàn cảnh

Thánh Phao-lô biết rõ lúc bấy giờ Hội thánh đang gặp một nguy cơ lớn là có thể chia thành hai phe: một bên là những người Do thái tiếp nối hội đường Do thái ngày trước, một bên là những người đến từ bên ngoài. Cộng đoàn những người từ dân ngoại tách biệt hẳn với những người thuộc cộng đoàn gốc Do thái. Các cuộc khủng hoảng ở Ga-lát và Co-rin-tô càng làm cho thánh Phao-lô ý thức về nguy cơ trầm trọng này. Khi viết thư, tác giả tự hỏi không biết người ta sẽ đón nhận thế nào ở Giê-ru-sa-lem. Vì thế, ngài đã muốn nhấn mạnh đến tính duy nhất của Mặc khải trong Cựu Ước và trong Tin Mừng, cũng như vai trò của Ít-ra-en trong lịch sử cứu độ cùng với các lời hứa dành cho dân tộc này. Như vậy, thư Rô-ma muốn nói lên nỗ lực của Phao-lô đang tổ chức lạc quyên cứu trợ cộng đoàn Ki-tô hữu gốc Do thái, để đánh dấu sự liên đới giữa các tín hữu gốc dân ngoại với các tín hữu tại Pa-lét-tin. Vì thế, phải coi thư này là một thư đáp ứng tình hình của giáo đoàn Rô-ma vào khoảng năm 57-58.

3. Dàn bài của thư

Thư Rô-ma có dàn bài rõ ràng và được sắp xếp chặt chẽ nhất. Thư này có hai phần rõ rệt: một phần giáo lý (1-11) và một phấn khuyến dụ (12-16). Nhưng các nhà chú giải không đồng ý với nhau, khi phải xác định chi tiết dàn bài của thư. Vì thế, một số nhà chú giải nghĩ rằng thư chỉ có cơ cấu của một cuộc đối thoại. Tuy vậy, thư vẫn có một dàn bài vững chắc và được suy nghĩ chín chắn. Trong thư này, thánh Phao-lô muốn bàn vê vấn đề tôi lỗi (1-3,20) rồi vấn đề công chính hóa (3,21-4,25) và sau cùng vấn đề thánh hóa (5-8). Nếu theo giả thuyết này thì phần cuối của bức thư chỉ còn là một mớ những phụ lục không ăn khớp với phần giáo lý ở trên là bao nhiêu.

Bởi vậy, nhiều nhà chú giải gần đây đã đề ra những bố cục khác xem ra gần với chủ đề của tác giả hơn, và cũng giống hơn với lối hành văn của các ngôn sứ trong Cưu Ước. Các tác giả này không khai triển tư tưởng theo luận lý học mà chỉ lặp đi lặp lại, theo kiểu xoáy vòng trôn ốc. Dưới đây là một trong các kiểu bố cục đã được đề ra. Trong bốn lần liên tiếp, bức thư đã diễn tả cảnh khốn khổ của nhân loại và cuối cùng ơn của Thiên Chúa đã thắng hết.

3,1 Cả dân ngoại và dân Do thái đều phải khổ vì bị Thiên Chúa kết án (1,18-3,20).

3,2 Toàn thể nhân loại đều phải khổ vì liên đới với A-đam (5,1-14), nay toàn thể nhân loại được cứu rỗi nhờ liên đới với Đức Ki-tô (5,15-6,23); trong chương V, hai đề tài khốn khổ và cứu rỗi được nói đến nhiều lần.

3,3 Nhân loại phải khổ vì nô lệ luật, nay được giải thoát nhờ Thần Khí (8,1-39)

3,4 Ít-ra-en phải khổ vì chối bỏ Đức Ki-tô (9,1-10,21); nay Ít-ra-en mới gồm cả Do thái lẫn lương dân được lãnh ơn cứu độ.

Dàn bài này vẫn chỉ có tính giả định, nhưng được cái hay là trình bày ý tưởng khốn khổ và cứu độ dưới bốn khía cạnh khác nhau, theo lề luật, bí tích, đạo đức và lịch sử

4.Quan điểm thần học trong bức thư này

Thư Rô-ma không đề cập đến mọi đề tài trong thần học của thánh Phao-lô, nhưng nói đến vấn đề nào thì cũng đề cập một cách sâu xa, sáng sủa và mạnh mẽ. Tác giả đã tỏ ra rất có uy tín khi bàn về sức mạnh của ân sủng, về sự khốn nạn của tội lỗi, về giá trị công chính hóa của đức tin, về tác động của Thần Khí v.v...

Kết luận

Đây chỉ là một lối tiếp cận khái quát về tầm quan trọng của thư gửi tín hữu Rô-ma cũng như ảnh hưởng của thư đối với những người theo phe cải giáo. Thư nói đến ưu vị của đức tin và tình thương tha thứ của Thiên Chúa đối với tội lỗi của loài người. Người công chính sống bởi và nhờ đức tin. Người ta nên công chính không phải vì công kia việc nọ mình làm cho bằng nhờ lòng tin vào Thiên Chúa. Tuy vậy, không phải chỉ có đức tin mà còn có việc làm nữa. Việc làm cụ thể hóa đức tin và đức tin là nền tảng cho mọi sinh hoạt đạo đức để được ơn cứu rỗi.

(viết dựa theo TOB ấn bản 1994, Cerf - Paris trg 2691-2697)
Lm. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.