PDA

View Full Version : H - Huyền nhiệm đau khổ



Dan Lee
02-05-2009, 08:10 AM
Huyền nhiệm đau khổ


Mỗi người mỗi cảnh, đi tìm kế sinh nhai cách khác nhau, nhiều khi họ phải bán rẻ cả nhân phẩm của mình. Nhưng dù sao tất cả họ, vẫn là những người biết kiếm tiền dựa trên chính sức lao động của mình, không như một nhóm người bán nước cầu vinh, chỉ biết lợi dụng lòng nhân ái của người khác để kiếm tiền thông qua tham nhũng, ăn hối lộ, bớt xén của công hay buôn lậu....và làm nhục quốc thể như vụ một nhân viên ngoại giao buôn lậu sừng tê giác bị bắt quả tang, hay vụ công ty tư vấn Thái Bình Dương (PCI) hối lộ quan chức cộng sản, dẫn tới Nhật quyết định ngừng cung cấp viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam. Cũng theo BBC, cho hay các cựu quan chức PCI nhận đã chuyển 820.000 đôla cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên phó giám đốc Sở Giao thông Công chính thành phố Hồ Chí Minh, để giành thầu trong các dự án hạ tầng có sử dụng vốn vay ODA tại đây. Phe công tố thì nói số tiền lên tới hai triệu đôla. (nguồn BBC)

Đường phố Sài gòn có vẻ tấp nập hơn vào những ngày cuối năm. Người qua kẻ lại, hối hả đi về mong cho kịp giờ đón giao thừa trong mái ấm gia đình, bên những người thân yêu. Nhưng khi bước qua những ngày đầu của năm mới, thì đường phố trở nên vắng vẻ lạ thường. Chỉ còn đây đó xuất hiện những con người lam lũ sống bằng nghề bán hàng rong hay bán vé số dạo, đa phần họ là những người nhập cư. Hỏi ra mới biết vì không có đủ tiền mua vé tàu xe về quê ăn tết, nên đành phải đón tết xa quê. Cũng trong số họ, có người vốn là dân thành phố, giàu có một thời, nhưng chỉ sau lần "đánh tư sản mại bản" của chế độ cộng sản vào những năm đầu mới giải phóng, đã trở thành một người vô gia cư. Đó là trường hợp của bà Ba bán vé số. Họ nhìn ngắm những gian hàng bánh mứt được trang trí cho đẹp mắt, mà chẳng dám mơ tưởng. Bởi cuộc sống của họ vốn đã eo hẹp, thì nay càng khó khăn hơn vào những ngày giáp tết Kỷ Sửu.

Cũng có ông lão nọ, tuổi đã ngoài bảy mươi, chẳng mấy bận tâm đến cái vẻ nhộn nhịp, hào nhoáng bên ngoài khi ngày tết đang đến gần. Ông dửng dưng trước cái tết, không phải là ông không biết ăn ngon mặc đẹp, nhưng vì "cái khó nó bó cái khôn", cái nghèo đã không cho phép ông nghĩ đến những chuyện xa xôi hơn cái việc kiếm cho mình một bữa cơm sống qua ngày. Ông chẳng hề quan tâm đến bộ quần áo cũ đang mặc, mà có lẽ đã lâu không được giặt. Thấy tội nghiệp, ngưòi ta cho tiền, nhưng ông từ chối, bởi vì ông sống bằng nghề bán vé số dạo. Mỗi khi bán cho ai được tờ vé số nào, ông đều dặn người ta: nếu có trúng giải đặc biệt, thì hãy giúp cho ông một chiếc xe đạp để ông làm phương tiện đi lại, vì tuổi cao, phải đi bộ nhiều nay ông đã mỏi chân. Trong khi đó, ngày càng có nhiều người tìm đến cái nghề mất ít vốn nhưng lại dễ kiếm tiền, nên ông muốn có chiếc xe đạp để đi bán ở những nơi khác xa hơn, lắm lúc bị người ta xua đi như đuổi tà, vì họ nghĩ người bán vé số dạo thường là những người nghèo kiết xác, nên họ khinh rẻ, dù đó là một người lớn tuổi.

Khi ánh đèn đường đã sáng rõ, cũng là lúc bắt đầu buổi làm việc của một nhóm nghề khác: buôn phấn bán hương. Họ là những cô gái trẻ, chỉ khoảng mười tám đôi mươi, ăn mặc sang trọng, mang dáng vẻ như những tiểu thư đài các. Từng nhóm hai ba người, có khi lên đến bốn hay năm người, chạy trên những chiếc xe tay ga đời mới, nghe nói họ thuê lại của một "má mì ", chạy từ hướng cầu Thị Nghè về phía mũi tàu, đến trước cổng Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm II của hiệp hội người khuyết tật thành phố, thì quay đầu lại. Cứ như vậy, họ chạy đi chạy lại từ lúc 20h - 21h mỗi buổi tối, mong tìm được khách làng chơi. Có hôm họ còn chủ động chạy xe kè theo những người đi xe trên đường, trong số đó có không ít người đáng tuổi cha chú của họ. Và đương nhiên họ chỉ nhận được những cái lắc đầu bỏ đi.

Đau khổ vốn là một trong những vấn nạn nhân sinh, một huyền nhiệm không dễ gì giải thích thấu đáo. Tại sao con người phải chịu nhiều đau khổ ? Sinh ra đã là khổ, khi mới sinh đứa bé nào mà chẳng phải khóc thét lên vì cái tát của bà mụ. Lớn lên càng khổ hơn vì phải đổ mồ hôi và nước mắt mới có được miếng ăn mong sống qua những ngày tháng dài tưởng chừng như vô vọng. Rồi còn phải chịu đựng ốm đau, bệnh tật, già yếu và cuối cùng phải chết. Thế nên, theo quan niệm của nhà Phật, thì đời là bể khổ. Và muốn thoát khỏi đau khổ, con người phải tự diệt duc, tức diệt lòng ham muốn nơi mình. Kinh Thánh chỉ rõ hơn: con người đau khổ là do hậu quả của tội lỗi, của sự ác và của ác thần. (x. St 3, 1-7; 3, 17-19)

Dưới ánh sáng của Tin Mừng, vấn đề càng được khai tỏ. Vì trước mọi đau khổ của cuộc đời, người Kitô hữu luôn được mời gọi hãy ứng xử theo gương Chúa Giêsu, là Đấng Thiên Sai mà tiên tri Isaia đã loan báo, Người đến để giải thoát con người khỏi đau khổ (Is 29, 18-19). Theo gương Chúa: không thất vọng, nhưng đón nhận và hoàn toàn phó thác trong bàn tay nhân từ của Chúa Cha.

Tin Mừng Mc 1, 29-39 ghi lại một ngày sống vất vả của Chúa Giêsu ở Caphacnaum. Người giảng dạy, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ cho mọi người từ sáng đến tối, nhưng vẫn dành thời gian sống với Chúa Cha bằng cầu nguyện. Một ngày làm việc của Chúa Giêsu với biết bao nhọc vhằn vì lòng thương người, muốn giải thoát con người khỏi đau khổ của bệnh tật, của ma quỷ. Chính vì vậy, chỉ có niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng giải thoát đau khổ mới có thể giúp con người nhận ra ý nghĩa đích thực của đau khổ và có sức mạnh để đón nhận nó. Chúa Giêsu đến không phải để tiêu diệt hết mọi đau khổ, nhưng Người đến để giúp con người chịu đụng đau khổ cách có ích.

Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng của Chúa nhật V mùa thường niên này được mô tả là một người hết lòng vì người khác, tận tâm phục vụ hết thảy mọi người. Một ngày sống của Người trôi qua cách hữu ích cho tha nhân. Từ sáng đến tối lúc nào cũng tấp nập người bệnh, người bị quỷ ám đến xin cứu chữa. Người đã sử dụng thời gian thật hợp lý để gắn bó với Chúa Cha và để phục vụ tha nhân. Chính nhờ cầu nguyện với Chúa Cha mà Người đã luôn thực hiện đúng thánh ý Chúa Cha.

Hạnh phúc thật chỉ có nơi Thiên Chúa, bí quyết của hạnh phúc là khám phá và thực thi thánh ý Ngài. Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con luôn biết noi theo gương Chúa, mà sử dụng thời gian sống của mình cách hữu ích cho bản thân qua việc gắn bó với Chúa bằng cầu nguyện, và sử dụng thời gian cách hữu ích cho tha nhân qua việc sống yêu thương, phục vụ và chu toàn bổn phận trần thế của mình.

Phanxicô Xaviê