PDA

View Full Version : DĐ - Đau và Khổ



Dan Lee
02-05-2009, 08:08 AM
Chúa Nhật 5 Thường niên B

Đau và Khổ


Đau khổ vẫn còn triền miên trong cuộc sống con người, nhưng hình ảnh những ông Gióp – đau khổ nhưng không tuyệt vọng- trong thời đại nầy vẫn không thiếu, vì Chúa luôn yêu thương nâng đỡ người đau khổ biết mình cần đến Chúa.

Nỗi đau của những căn bệnh quái ác gặm nhấm từng phút thời gian, làm cho ông Gióp nhìn thấy thời gian là “thời khổ dịch”, “chuỗi ngày lao lung” “tháng vô vọng” “đêm đau khổ” “buồn sầu mãi đến tối”, “ngày đời thấm thoát thoi đưa”…nhưng lại giúp cho ông nhận ra cái hạnh phúc không phải ở đời nầy. Thiết nghĩ, ông không than thở, nhưng nhờ đau đớn phần xác mà ông đã đưa ra những nhận định đúng đắn về cuộc sống ở trần gian, và ông đã đặt niềm tin vào đúng chỗ: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ” (x.G 7,1-4.6-7)

Nỗi khổ của những căn bệnh tinh thần còn tệ hại hơn. Có người không đau mà vẫn khổ, giàu có cũng khổ, nghèo hèn cũng khổ. Nỗi khổ tâm cũng không loại trừ thành phần nào, giai cấp nào trong cuộc đời. Nỗi khổ vì nghèo, khó tạo được hạnh phúc ở trần gian, nỗi khổ vì giàu chưa phải là hạnh phúc, nỗi khổ vì biết hạnh phúc không dựa trên sự giàu nghèo hay sức khỏe, nhưng là sự bình an thật trong tâm hồn mà vẫn chưa tìm ra.

Biết bao người đang đau khổ, trong đó có cả tôi, cả bạn, cả chúng ta. Nếu dừng lại ở tình trạng than trời trách đất, và không có một niềm tin vào hạnh phúc thật là Thiên Chúa và cuộc sống mới trong Thiên Chúa, thì không ai có thể chấp nhận đau khổ; càng không thể nhận ra hạnh phúc thật, bình an thật qua những đau khổ. Đau khổ dứt khoát không phải là sự trừng phạt của Thiên Chúa ở đời nầy, nhưng là điều tất yếu theo hệ lụy của tội nguyên tổ. Chính nhờ những đau khổ do “sinh, lão, bệnh, tử” mà con người nhận ra cái hữu hạn của mình trước một Thiên Chúa vô cùng. Cũng chính nhờ đau khổ mà tấm lòng Thiên Chúa từ trên cao vời vợi, đã xuống tận sâu thẳm cái cùng cực của con người, để con người được hạnh phúc. Vì thế, không dừng lại tâm thức ở mức bi quan yếm thế những người tin vào Thiên Chúa tình thương đã vươn lên một tầm cao siêu nhiên hơn đẻ xác tín rằng đau khổ là một hồng ân. Ấy chính lúc họ đã gặp được niềm vui của Tin Mừng: Một tin mừng tràn đầy niềm hy vọng. Tin Mừng ấy không chỉ có sức biến đau khổ thành niềm tin, niềm vui, mà còn có sức thôi thúc chia sẻ cho những người đau khổ khác, để họ cũng được niềm vui chấp nhận và niềm tin vào hạnh phúc thật.

Nhờ tin tưởng và hy vọng, con người mang tấm lòng của Chúa, nhận ra quanh mình có những mảnh đời vừa đau lại vừa khổ. Đau vì bệnh, khổ vì bị bỏ rơi. Đau vì thiếu đói, khổ vì nhục với cái nghèo. Đau vì “giận no hơi, buồn thúi ruột”, khổ vì không tìm được lối thoát, tự mình giam hãm trong cái vỏ ốc của mình.

Không lẽ nào không nhìn thấy, chuyện đau yếu bệnh tật đang trở nên quá lộ liễu trong thời đại chúng ta. Không phải vì thời trước không có, nhưng khoa học càng văn minh tiến bộ càng cho con người thấy rõ sự yếu hèn của mình. Có người không dám đi khám bệnh, vì sợ ra bệnh, ra lo, rồi thêm bệnh. Cũng có người chỉ cần mỗi một cái hắt hơi nhẹ cũng hoảng lên vì sợ. Con người không ai thoát khỏi cái cảnh đau, cảnh khổ, nhưng thường thì chỉ biết cái đau, cái khổ của mình, và hầu như muốn nhận cho mình là người đau khổ nhất. Nếu không loại ra khỏi lòng mình tính ích kỷ, thì làm sao hiểu được đau khổ của kẻ khác; nếu không hạ mình xuống chạm đến nỗi đau kinh khủng nhất của người khác, thì làm sao loan tin mừng bình an cho họ.

Về điểm nầy, Thánh Phaolô nêu gương cho chúng ta “rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm”. Ngài đề nghị một cách loan tin mừng cụ thể nhất: là tha thiết với việc trở nên “người yếu đau” giữa những người yếu đau để chinh phục người yếu đau. Chính Ngài cũng đã từng khổ tâm khi chưa được tìm được bình an thật, và khi đã ngộ ra bình an thật chính là Tin Mừng, chính là qua Đức Giêsu Kitô tan hòa với hạnh phúc thật là Thiên Chúa, thì Ngài nhận ra rằng mình được giao phó loan báo tin mừng ấy cho mọi người. Ngài tự thấy “khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Ngài bằng lòng làm nô lệ cho mọi người. Cách nói “nô lệ cho mọi người” cho thấy tinh thần phục vụ của Ngài đã vươn tới đỉnh cao của lòng bác ái, đồng hình đồng dạng với Đức Kitô tự do, đã tự nguyện làm con chiên đền tội cho nhân loại, trở nên tất cả cho mọi người để cứu rỗi mọi người.

Ý hướng loan tin mừng cho người đau khổ trở thành mối bận tâm lớn và thôi thúc thánh nhân biến thành công việc cụ thể để tất cả - trong đó có, tất cả thời gian- cho mọi người, như Chúa Giêsu bắt chước Cha mình, làm việc liên lỉ.

Việc của Chúa Giêsu, của Thiên Chúa Cha, là công việc của yêu thương, bác ái, là công việc đem lại bình an thật cho con người đau khổ, là mời gọi con người tìm đến một hạnh phúc thật không chỉ nơi Nước Trời, mà còn ngay trên trần gian này nhờ niềm tin yêu hy vọng. Đoạn Tin mừng theo Thánh Marco 1,29-39 cho biết Chúa Giêsu đã chữa lành cho nhiều kẻ ốm đau do mắc đủ thứ bệnh tật và cả những người bị quỷ ám. Những phép lạ kèm theo với lời rao giảng cho thấy một Thiên Chúa Quyền Năng trong Đức Giêsu Kitô luôn dùng quyền năng của mình để bắt đầu cho con người một hành trình Đức Tin dẫn đến hạnh phúc.

Các Kitô hữu công giáo thời nay vẫn còn mong những dấu lạ, mà quên rằng hành trình đến Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc của mình đã bắt đầu bằng đức tin. Sống trong đức tin với bao lần tuyên tín mà vẫn mong chờ một dấu lạ được nhìn thấy bằng con mắt phàm trần. Và khi không được nhìn thấy một hạnh phúc mà họ mong muốn theo dục vọng của mình, theo lòng tham lam vô độ, thì họ vẫn còn đau khổ.

Tinh thần loan tin mừng cho người đau khổ trong thời đại chúng ta, thời đại của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô đã thấm nhuần nơi các tín hữu, không còn lệ thuộc vào những dấu lạ mắt thường trông thấy, mà là những biến đổi tận căn trong ý thức con người. Là Kitô hữu công giáo, là phải thể hiện đời sống bình an thật, hạnh phúc thật, trước những đau khổ ở đời, ít nhất là như ý thức của ông Gióp: một hạnh phúc thật không có trên trần gian; và hơn nữa, là ý thức Đức Kitô đang chữa lành mọi nỗi khổ đau cho chúng ta. Phải tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Giêsu, Ngài đang nhìn thấy rõ mọi khổ đau của từng Người, và Ngài luôn động lòng trắc ẩn. Ngài đang chữa cho con người lành bệnh, nếu việc lành bệnh sinh ích lợi thiêng liêng, sinh hạnh phúc thật cho con người. Cũng thế, Ngài đang ban hạnh phúc thiên thu cho con người khi con người chấp nhận được những khổ đau làm bậc thang tiến lên trong ân sủng.

Điều đáng buồn nhất, tệ hại nhất, của con người thời nay, là không thấy mình mắc bệnh, không thấy mình đau, cũng không thấy mình khổ. Không bệnh, không đau, không khổ vì lầm tưởng rằng ta đang mạnh khỏe, ta đang hạnh phúc, ta đủ sức chiến đấu đến cùng. May mắn thay, con số này không nhiều lắm. Vì kể cả những người không cần đến Thiên Chúa, chống lại Thiên Chúa, cũng có một lúc ngộ ra rằng: đời mình là có thật, mà đời sau cũng có thật. Không lẽ đời mình chỉ có thế thôi sao!

Ở chỗ tôi có vài hình ảnh. Ở chỗ bạn có không? Này nhé, có người suốt đời tận tụy tín trung cho một chủ trương không Thiên Chúa, vì đã có tất cả, chức quyền, vợ đẹp, con ngoan, tiền bạc dư thừa mặc dù không cần biết tiền công chính hay bất chính, bảo hiểm sức khỏe lo tới tận nhà…thế mà, trong cơn bỉ cực, khi không còn danh vọng chức quyền, vợ không còn trẻ đẹp, con không còn ngoan như hồi cha nó làm ăn được, nằm một chỗ nghe từng đốt xương ca bài ca thương thân… mới ngộ ra rằng, hạnh phúc trần gian chưa thật. Và hình ảnh Thiên Chúa bị phủ nhận trước đây, bây giờ đang hiển hiện, mỗi lúc một rõ.

Chúa Giêsu không bao giờ bại trận trong cuộc chiến đem tin mừng cho người đau khổ. Thiên Chúa vẫn yêu thương người đau khổ, vì Ngài mặc cho khổ đau trong đời một giá trị tuyệt vời trong chương trình của Ngài.

Chúa đang chữa lành cho chúng ta những bệnh phần hồn phần xác. Điều quan trọng là phải biết mình đang mắc bệnh, nhất là những căn bệnh tâm linh. Và khi đã hiểu ra được lòng thương cứu chữa của Chúa, đem lại cho chúng ta bình an thật, hạnh phúc thật, thì bổn phận, cũng là việc tạ ơn, là phải loan báo cho mọi người biết tình thương của Chúa. Luôn tin tưởng Chúa thương cứu mọi người, để chúng ta nhìn những người con người đau và khổ- trong bất cứ tình huống nào - bằng cái nhìn yêu thương, phát xuất từ trái tim yêu thương của Chúa, qua Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cầm lấy tay con mà đỡ con đứng dậy, để con đi phục vụ Chúa trong mọi người.

Pm. Cao Huy Hoàng