PDA

View Full Version : M - Môn đệ, cánh tay nối dài của Chúa



Dan Lee
01-23-2009, 05:15 PM
SUY NIỆM LỜI CHÚA - CHÚA NHẬT 3 TN NĂM B


Môn đệ- cánh tay nối dài của ChúaMc 1, 14 – 20

Galilê là địa danh vốn được xem là “miền đất của dân ngoại” hay “ngã tư đường của lương dân”. Địa danh được nhắc tới 12 lần trong Tin mừng Máccô là một tỉnh biên giới- khu vực nhậy cảm giữa người Dothái và dân ngoại. Chính tại nơi vốn bị dân chúng ở Giêrusalem miệt thị lại là nơi Chúa Giêsu chọn làm “trung tâm truyền giáo” và là địa bàn hoạt động cho công cuộc rao giảng Tin mừng của Người. Tin mừng hôm nay ghi lại việc Chúa Giêsu ra đi rao giảng Tin mừng, đồng thời Người cũng kêu gọi các môn đệ, mời gọi các ông cộng tác vào sứ vụ mà Người đang bắt đầu.

Việc Chúa Giêsu rao giảng Tin mừng diễn ra ngay sau khi ông Gioan Tẩy Giả bị nộp, cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa sứ vụ của Chúa với sứ vụ của Gioan. Đó là số phận mà thiên hạ dành cho Chúa Giêsu cũng chẳng khác gì số phận của vị Tiền hô. Trong sứ vụ đó, chúng ta có thể thấy, nội dung rao giảng của Chúa Giêsu có thể tóm gọn trong ba nội dung.

Trước hết Chúa Giêsu nhấn mạnh đến tính cấp thiết của thời gian khi “thời kỳ đã mãn”. Đó là thời gian hiện tại đang bước dần đến hồi kết thúc để nhường cho một thời mới đang bắt đầu. Đây chính là thời đại của Thiên Chúa, là giờ phút Thiên Chúa thi ân giáng phúc cho nhân loại và là thời Thiên Chúa sẽ hoàn tất công trình cứu rỗi mà Người đã hứa từ ngàn xưa.

Tiếp đến, thời kỳ đã mãn chính là dấu chỉ loan báo cho một “triều đại nước Thiên Chúa đã đến gần”. Dân tộc Israel vốn là dân tộc ưu tuyển, là dân riêng của Giavê Thiên Chúa. Chính vì thế, dân tộc này luôn tự hào rằng mình là dân tộc thuộc hàng vương giả vì vương quyền của Giavê Thiên Chúa luôn ở cùng. Thế nhưng, lịch sử đã ghi lại cuộc lưu đày tàn khốc mà dân tộc này phải gánh chịu tưởng chừng như dập tắt niềm hy vọng và lòng tự hào của họ, thì nay, sau cuộc lưu đày, niềm hy vọng và lòng tự hào đó lại được khơi dậy. Họ mong chờ vương quyền của Giavê Thiên Chúa sẽ được rộng mở trên khắp mặt địa cầu. Niềm hy vọng đó nay đã được toại nguyện. Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng, là vương quyền mà Thiên Chúa ban tặng cho dân Người. Chúa Giêsu chính là “Triều đại Thiên Chúa bằng xương bằng thịt” như linh mục Origien đã nói.

Sau hết, điều kiện để có thể gia nhập vào triều đại nước Thiên Chúa không gì khác hơn là “hãy sám hối và tin vào Tin mừng”. Đây chính là điều kiện để được đón nhận niềm hạnh phúc đích thực nhờ đức tin. Sám hối, nghĩa là thay đổi hướng đi, triệt để quay về với Thiên Chúa và dấn bước vào một đời sống mới. Còn cuộc đời Chúa Giêsu và nhất là thông qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Người chính là Tin mừng sống động, là đối tượng cho mỗi người chúng ta không ngừng dấn thân và loan truyền hồng ân cứu độ cho muôn dân tộc.

Khởi đi từ tính cấp bách cho công trình cứu rỗi, thế nên Chúa Giêsu muốn có những cánh tay nối dài với Người trong công cuộc rao giảng Tin mừng. Vì thế, Người đã không ngừng mời gọi con người cộng tác với Người để mở mang Nước Thiên Chúa. Các môn đệ là những người đầu tiên đón nhận lời mời gọi này. Chúng ta có thể thấy sự tuyển chọn nhân sự cho sứ vụ quan trọng của Chúa Giêsu không theo bất cứ tiêu chuẩn nào của con người. Bởi nếu dựa theo tiêu chuẩn do con người đề ra như có bằng cấp, có năng lực, có địa vị xã hội, giàu sang, v.v… chắc các môn đệ sẽ bị gạch tên ngay từ đầu. Tiêu chuẩn của Chúa Giêsu chính là không tiêu chuẩn và điều Người cần nơi người môn đệ là “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày theo Người”.

Chính vì thế, chúng ta thấy vai trò chủ động từ phía Chúa Giêsu: Người đi dọc biển hồ Galilê và để mắt chú ý đến các ngư phủ là Simon và Anrê cũng như hai ông Giacôbê và Gioan con ông Dêbêđê. Chúa Giêsu lên tiếng mời gọi các ông bước theo Người để các ông trở nên những “kẻ lưới người” cho sứ vụ mở mang nước Thiên Chúa. Về phía các môn đệ, chúng ta nhận ra tính chất triệt để nơi lời đáp trả khi các ông đối diện với Đấng kêu mời. Lời đáp trả của các ông là lời đáp trả vô điều kiện, chẳng suy nghĩ thiệt hơn. Lập tức, các ông bỏ chài lưới đi theo Người. Một hành động thật quyết liệt và dứt khoát.

Mỗi người chúng ta, qua bí tích rửa tội, chúng ta đều được Chúa mời gọi trở nên môn đệ, ra đi rao giảng Tin mừng cứu rỗi, làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Môn đệ Chúa Giêsu không thể không biết hoặc không thao thức đến sự sống còn của việc rao giảng Tin mừng. Chúa muốn mỗi người chúng ta trở nên những cánh tay nối dài của Chúa trong công cuộc loan báo Tin mừng. Vấn đề ở chỗ chúng ta có nhận ra tiếng Chúa mời gọi và hăng hái đi theo hay không? Điều đó hoàn toàn tùy thuộc nơi mỗi người chúng ta.

Lm Joseph Phạm Ngọc Ngôn,Csjb