PDA

View Full Version : H - Hãy đổi mới cuộc đời và tin nhận Tin Mừng



Dan Lee
01-23-2009, 05:03 PM
Chúa Nhật III Mùa Thường Niên/B


Hãy đổi mới cuộc đời và tin nhận Tin Mừng


(Mc 1,14-20) ]

Ðức Giêsu bắt đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng với hai bàn tay trắng đúng nghĩa, Người rất nghèo, nghèo đến nỗi cả đến hòn đá làm gối dựa đầu cũng không có nữa (x. Lc 9,58). Thế mà nay khi Người mời gọi bốn người ngư phủ làm môn đệ đầu tiên, làm người cộng tác với Người thì họ đã đồng ý ngay và đã bỏ lại tất cả để theo Người, chứ không chút do dự hay suy nghĩ. Từ nay tất cả họ sẽ là những người làm nghề chài lưới người.

Phải chăng Ðức Giêsu đã dùng tinh kế, xảo kế để gạt gẫm mấy anh làng chài chất phác này? Liệu những người được mời gọi đó có ý thức được họ đang đặt tin tưởng vào ai và để làm chuyện gì không? Nếu chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng ngày Chúa Nhật hôm nay trong bối cảnh của những kinh nghiệm sống ngày nay, chắc hẳn chúng ta sẽ không tránh được những thắc mắc hợp lý đó.

Thật ra, trước khi Ðức Giêsu kêu mời bốn chàng ngư phủ: «Hãy theo Ta», thì bài Tin Mừng đã xác định mục đích của lời kêu mời đó qua câu: «Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đang đến gần». Vâng, mục đích của việc Ðức Giêsu kêu mời bốn ngư phủ làm người cộng tác với mình là rao giảng về Nước Thiên Chúa cho mọi dân tộc trên khắp cùng cõi trái đất, chứ không phải là dự định làm ăn lớn theo nghĩa trần thế, cũng không phải là mở đầu cho một thể chế thần quyền nhằm chiếm đoạt thế giới hay thu vén của cải vật chất theo nghĩa chính trị như chúng ta thường thấy trong một vài trường hợp lẻ tẻ nào đó, vào thời trung cổ cũng như cả đến ngày nay.

Vào thời Ðức Giêsu, người Do-thái khát khao mòn mỏi mong đợi Nước Thiên Chúa xuất hiện. Hằng ngày họ hy vọng rằng vào bất cứ lúc nào Thiên Chúa cũng có thể sai Ðấng Messia của Người đến với đủ mọi quyền lực trong tay để thiết lập lại một Israel mới hùng cường.

Dĩ nhiên Nước Thiên Chúa mà người Do-thái xưa mong đợi hoàn toàn mang tính cách trần thế, nghĩa là họ mong đợi Thiên Chúa sẽ thiết lập một thể chế chính trị vạn năng do Ðấng Messia làm thủ lãnh để giải phóng đất nước họ khỏi ách đô hộ của quân Roma ngoại đạo và dành lại quyền độc lập tự do cho dân Israel. Bấy giờ vương quyền Thiên Chúa trên dân riêng của Người là Israel sẽ vạn đại trường tồn và mọi dân nước khác trên khắp trái đất sẽ về qui phục Người, con cái Israel sẽ được hưởng một đời sống an cư lạc nghiệp trong một đất nước hùng cường thịnh vượng.

Vốn luôn mang nặng những hoài bão và ngày đêm khát khao mòn mỏi bởi những mong đợi như thế, nên những người thanh niên đầy yêu nước kia đã không chút ngần ngại tự nguyện đáp lời mời của Ðức Giêsu, Ðấng mà họ tin tưởng chắc chắn là Ðấng Messia. Ðàng khác, với Người tất cả họ đều ngầm hy vọng cho mình một tương lai vinh hoa giàu có, như chính họ đã nhiều lần thổ lộ (x. Lc 9,46; 22,24; Mt 19,27; 20,20-23).

Ðúng vậy, việc tự nguyện theo phò Ðức Giêsu như thế đã không làm cho An-rê, Simon, Gia-cô-bê và Gioan phải thất vọng và tháo lui. Vì Ðức Giêsu là chính Ðấng Messia của Thiên Chúa sai đến với Israel. Dĩ nhiên, Người cũng phải tu chỉnh lại lối tư duy và lòng mong đợi quá vụ trần tục của họ về sứ mệnh Messia của Người.

Thật vậy, cùng với Ðức Giêsu, Nước Thiên Chúa đã đến trong thế gian, nhưng không để làm thoả mãn những chờ đợi chính trị và mong muốn trần tục của con người. Chính thánh Phaolô cũng đã từng đinh ninh rằng sự tái quang lâm của Ðức Giêsu như là sự hoàn tất Nước Thiên Chúa sắp xảy đến nay mai. Bởi thế, thánh nhân đã viết thư khuyên bảo Giáo Ðoàn Kitô hữu buổi sơ khai ở Cô-rin-tô là không nên vô ích đặt kế hoạch lâu dài cho tương lai nữa, vì Chúa sắp tới để kết thúc thế giới rồi (x.1Cr 7,29-31). Nhưng rồi từ từ về sau người ta đã hiểu được rằng lời giảng thuyết của Ðức Giêsu về biến cố «Nước Thiên Chúa» hay «Nước Trời sắp đến gần» không có ý ám chỉ về sự tận cùng của thế giới theo nghĩa thời gian, nhưng là một sự mở đầu cho một giai đoạn và một thực tại hoàn toàn được đổi mới của cuộc sống qua kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa do Ðức Giêsu mang tới.

Bằng nhiều cách so sánh cũng như bằng nhiều thí dụ, Ðức Giêsu đã giải thích cho chúng ta hiểu được Nước Thiên Chúa có nghĩa là gì. Ðó là:

1. Mọi sự sẽ được hoàn toàn đổi mới, vì trong Nước Thiên Chúa chỉ có công bằng, hòa bình và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần (x. Mt 5,8-9; Rm 14,17).
2. Trong Nước Thiên Chúa mọi quyền lực của sự chết và của tội lỗi sẽ bị tiêu diệt (x. Lc 10,19-20).
3. Nước Thiên Chúa là nơi thánh ý Thiên Chúa được thể hiện và tình yêu của Người được đón nhận cũng như được mọi người tiếp tục chuyền tay cho nhau (x. Mt 5,43tt; 6,10; 18,32).
4. Nước Thiên Chúa hoàn toàn khác hẳn, chứ không phải hạn hẹp trong những gì thuộc về con người hay nằm trong tầm tay của con người (x. Lc 17,20-21; Ga 18,36).
5. Nước Thiên Chúa trước hết được đặc biệt dành cho những người nghèo đói và những người đơn sơ và khiêm tốn (x. Mt 5,3; 19,14).
6. Nước Thiên Chúa bao giờ cũng bắt đầu rất khiêm tốn và nhỏ bé, nhưng rồi tự phát triển và hoàn tất ngoài sự tưởng tượng của con người (x. Mc 4,31-32; Lc 13,18-19)).

Nước Thiên Chúa không bao giờ là công trình của những nhà chính trị hay là sản phẩm của khám phá khoa học. Cả chính Giáo Hội cũng không thể được đồng hóa với Nước Thiên Chúa như người ta vẫn thường nghĩ. Nhờ Giáo Hội và qua Giáo Hội, Nước Thiên Chúa đã đến trong thế gian và đã bành trướng trong các tâm hồn, nhưng người ta không được phép lẫn lộn Giáo Hội với Nước Thiên Chúa. Chính Giáo Hội hằng ngày vẫn cầu xin cho «Nước Cha trị đến!»

Tất cả chúng ta đều được mời gọi tham dự vào Nước Thiên Chúa. Nhưng thành thực mà nói, chúng ta không có được sự khao khát mong đợi Nước Thiên Chúa một cách mãnh liệt như người Do-thái xưa kia. Nhất là càng rất ít có ai trong chúng ta dám can đảm bỏ lại hết mọi sự sau lưng để bước theo tiếng gọi của Chúa và để chinh phục các tâm hồn về cho Chúa. Chúng ta rất ít nỗ lực mở mang Nước Thiên Chúa và rất ít thực thi tình yêu của Người một cách cụ thể với đồng loại. Ðiều chúng ta thường đề cập tới là sự yếu đuối của mình và những thất vọng mà chúng ta phải chịu đựng hay những thất vọng do chúng ta gây ra. Tâm trạng của các Tông Ðồ xưa kia cũng tương tự như thế. Nhưng điểm khác biệt là các ngài đã không để cho các vấp phạm và thất vọng ngăn cản các ngài trở thành những «ngư phủ chài lưới người» cho Nước Thiên Chúa.

Chúng ta cần phải ra sức nỗ lực hơn nữa để Nước Thiên Chúa có thể phát triển và bành trướng ngay cả trong thời đại chúng ta và trong thế giới hôm nay. Ðể cộng tác vào công cuộc mở mang Nước Thiên Chúa như thế, có rất nhiều cách thế, nhiều nơi, nhiều dịp để thực thi, thí dụ: Ngay trong giáo xứ chúng ta đã có bao nhiêu hội đoàn đạo đức đang chờ đợi chúng ta dấn thân tham gia: Hội Dòng Ba, hội con cái Ðức Mẹ, Ðạo Binh Ðức Mẹ, nghĩa binh Thánh Thể, ca đoàn, đoàn phụng vụ, v.v…

Nếu chúng ta sẵn sàng nghe tiếng Chúa kêu mời và bước theo Người, chúng ta hãy bắt đầu một cách nghiêm chỉnh ngay nơi bản thân và gia đình chúng ta trong chính giáo xứ của chúng ta những hành động và những bước đi nho nhỏ trước đã.

LM. Nguyễn Hữu Thy