PDA

View Full Version : N - Năm Trâu tìm hiểu chuyện trâu



Dan Lee
01-23-2009, 04:37 PM
Năm Trâu tìm hiểu chuyện trâu

Chưa ai xác định con trâu có từ bao giờ, và nó được con người thuần hoá để giúp nông dân cày ruộng vào thời gian nào. Nhưng người Việt Nam khi nói đến trâu thì ai cũng biết. Vì “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Nó đã theo giúp đồng bào ta từ thời Nhâm Diên làm quan thái thú quân Cửu Chân, đem phương thức cày bừa, cấy lúa nước hướng dẫn cho dân ta. Từ đó con trâu đã là con vật thân thiết của nhà nông “chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”.

Nhân ngày đầu năm Sửu, năm con trâu lên chức Hành Khiển theo quan niệm của người xưa, chúng tôi cũng có “ba điều bốn chuyện” về con trâu, để như một món quà chúc Tết đến đồng bào, đến quý độc giả.

Con trâu đầu tiên

Các nhà khoa học chưa nói rõ con trâu xuất hiện trên trái đất vào thời điểm nào. Nhưng theo chuyện cổ tích Việt Nam thì trâu có nguồn gốc từ nhà trời. Trâu xưa là một vị tiên trên trời, mang danh hiệu Ngưu Thần, tính tình điềm đạm, không rượu chè say xỉn, không thích đồ ăn cao lương mỹ vị, mà thú tiêu khiển duy nhất của ông chỉ là mê nghe đàn bầu. Ngưu Thần được Ngọc Hoàng cho giữ một chức vụ quan trọng trong đời sống nhân gian, phụ trách việc sản xuất ra lương thực nuôi sống con người và thú vật trên dương trần. Được giữ một chức vụ sang cả như vậy, Ngưu Thần rất chăm chỉ, lầm lũi làm việc, không quản ngại cực nhọc.

Khi Ngọc Hoàng thấy loài người dưới đất sinh sản ngày càng đông càng nhiều. Nếu chỉ sống bằng săn bắt, hái quả thì không đủ lương thực. Ngài gọi Ngưu Thần đến, trao cho hai thúng hạt giống: thúng màu vàng là lúa, đem gieo vãi trên đồng bằng lưu vực các sông lớn, làm lương thực cho con người. Còn thúng màu xám là hạt giống cỏ, đem gieo trên các bình nguyên ven đồi núi để các thú rừng có thức ăn. Trước khi Ngưu Thần thi hành mệnh Trời, ông tổ chức một đêm chào biệt các bạn đồng liêu. Tất cả các nghệ tiên đàn bầu được mời đến giúp vui. Dĩ nhiên là đôi tai của Ngưu Thần đêm đó vềnh lên để nghe đàn bầu suốt đêm. Đến khi tiếng gọi mặt trời của con gà trống nhà ai đó “ó ò o” cất lên, Ngưu Thần mới giật mình, vôi cắp hai thúng hạt giống bay xuống trần.

Tiếng gió vù vù bên tai lẫn với âm thanh của đàn bầu còn văng vẳng làm Ngưu Thần quay cuồng đầu óc. Ông đáp xuống một ngọn núi, đặt hai thúng hạt giống xuống trước mặt, nhưng lại quên không nhớ thúng nào là lúa giống. Ông bèn nghĩ ngay đến cách làm cầu may, đưa hai tay ra “oản tù tì” bên nào thắng đem gieo xuống đồng bằng. Thế là ông cắp một thúng bay xuống đồng bằng gieo vãi, thúng còn lại, ông gieo quanh vùng đồi núi.

Kết quả, cỏ mọc đầy đồng, còn lúa vì gieo nơi đất cao, thiếu nước nên èo uột không trổ được bông. Cả người và vật đều đói khổ, tiếng kêu thấu trời. Trời ngó xuống, thấy Ngưu Thần làm việc tắc trách, bèn giáng xuống trần, cho làm một con vật bắt phải gặm hết cỏ mới được phục chức, nên có cái bụng to như trống cái đình làng, có cái mõm dài hàm rộng để mà nhai cỏ. Người trần thấy con vật mới cứ lầm lũi kiên nhẫn gặm cỏ, nên muốn giúp nó một tay để trừ cỏ. Sẵn trâu to lớn có sức khoẻ, nên đề nghị trâu kéo cày vỡ đất cấy lúa. Trâu được người giúp, nhăn răng cười ngất đến rớt cả hàm mà không biết, vì tai trâu còn vương vấn tiếng đàn bầu hoá ra nghễng ngãng, bất cần đời. Cũng tại thế nên bị người ta chế diễu mãi là: “đàn bầu đem gẩy tai trâu”. Con trâu có từ ngày đó.

Trâu lên chức Hành Khiển

Cũng theo chuyện cổ tích nước ta thì ngày ấy, con trâu đã theo người ta về nhà để kéo cày, kéo bừa dọn đất cấy lúa. Công việc dương gian ngày càng bề bộn, một mình Ngọc Hoàng làm không xuể, Ngài mới ra chiếu tuyển dụng các chức vụ Hành Khiển để giúp việc điều hành công việc dưới đất cho có quy củ. Chuột là loài thính tai nên nghe biết chiếu sớm nhất. Con trâu thì ngoài công việc cày bừa, rảnh lúc nào là nằm dưới gốc tre lai rai nhai lại mớ cỏ vội vàng vơ vào bụng, chẳng bao giờ để ý đến câu “ăn có nhai nói có nghĩ”, đâu có để ý gì đến chiếu chỉ của Ngọc Hoàng. Cũng may là có chú chuột cùng nhà đi qua, mới rủ rê cho có bạn đồng hành.

Đất có thập nhị địa chi, nên số quan chức Hành Khiển được tuyển là 12 vị. Trước khi đến cửa nhà trời để bái kiến Ngọc Hoàng lãnh nhiệm sở, các viên chức Hành Khiển phải qua sông Ngân Hà. Nếu đợi đến tháng bảy có chim quạ đến bắc cầu Ô Thước đề qua sông thì quá muộn. Thế là các tân chức tỏa ra tìm lối đi vòng. Riêng trâu nhà ta vì quen dầm nước cả ngày, nên anh ta ùm ngay xuống sông, bơi một mạch. Qua được ngân hà, trâu vừa đói vừa mệt, thủng thỉnh gặm vội một mớ cỏ vệ đường trời, vì nghĩ chẳng có ai mà bái kiến Ngọc Hoàng trước mình được. Không ngờ khi vào đến bệ rồng thì con chuột đã đứng hầu ở đó. Thì ra con chuột khôn lỏi, đã leo lên lưng trâu để qua sông mà trâu không để ý. Vốn tính hiền hậu, củ mỉ cù mì, trâu tự yên ủi: cũng nhờ chú Tí rủ, mình mới biết cuộc tuyển chọn này, nên chú ấy đứng nhất cũng phải.

Thế là trâu được giữ chức Hành Khiển năm thứ hai trong thập nhị địa chi. Con trâu gắn liền với tuổi Sửu từ ngày đó.

Trâu Châu Á

Trâu là tên thông dụng của một loại súc vật to lớn, ăn cỏ và nhai lại, đầu có hai sừng, bốn chân có móng guốc xẻ hai, bụng có dạ dầy bốn túi, da và lông thường màu đen, sống ở nơi hoang dã. Trâu được người ta gọi đầu tiên là một loại trong những loài trên, sống tại Ấn-độ, thích đằm nước cả ngày, nên được gọi là trâu nước. Loại trâu nước này sống ở những vùng có khí hậu nóng và ẩm. Khi sống nơi hoang dã, chúng sống từng bầy khoảng 50 con, rất hung dữ, nguy hiểm. Nhưng sau bị con người khuất phục, đem về nuôi, thuần hoá để dùng làm sức kéo cho nông nghiệp. Trâu sống trên các châu lục cũng không giống nhau, mà tùy theo môi trường sống, chúng cũng có những khác biệt.

Ở châu Á, mới đầu trâu nước sống hoang dã, hung dữ có thể đánh nhau với cả sư tử và cọp lớn, nhưng vẫn sợ người, vì người ta săn bắt và phá rừng để canh tác làm mất nơi trâu sinh sống. Trâu Ấn-độ là trâu tiêu biểu của trâu châu Á. Khắp các nước Á châu đều dùng trâu nước để làm ruộng, trâu có thể kéo cày ngay trên cả những ruộng xình lội đến đầu gối. Tại Phi-luật-tân trâu nhỏ con hơn, được gọi là carabao. Tuy nhỏ nhưng cũng hữu dụng cho nhà nông cày bừa. Trâu rừng ở đảo Manh-đa-nao được gọi là tamarau lớn con hơn một chút. Ở một số đảo còn có giống trâu anoa cũng bé con, chưa được thuần hoá. Tại Việt Nam trâu là đại gia súc đứng đầu trong công tác sản xuất lương thực. Từ rất xa xưa trâu đã gắn bó với nông dân “ta đây trâu đấy”. Trâu Việt Nam cũng thuộc dòng trâu nước Ân-độ, miền nhiệt đới khí hậu nóng và ẩm, trâu thích dầm nước cả ngày, lông thưa ngắn có thể nhìn rõ da đen, sừng giãng rộng, có bốn mặt ở gốc, rồi, biến thành hình nón uốn cong vuốt nhọn ở đầu sừng. Trâu đực Ấn-độ rất lớn, có con người ta đo theo độ cong từ đầu sừng nọ đến đầu sừng kia được đến hơn 3 mét.

Người ta cho rằng trâu nước dễ dạy, chúng hiểu được mệnh lệnh của người. Ngoài việc người ta nuôi trâu đề giúp việc làm ruộng. Tại Ấn độ, trâu còn được nuôi để lấy sữa, đem chế thành bơ lỏng. Sữa trâu rừng bổ và có nhiểu chất béo hơn sữa trâu nuôi. Có nơi còn dùng trău để đi hái trái chà là về chế tạo ra dầu

Trâu châu Phi

Trâu châu Phi thật ra có điểm khác với trâu châu Á, tuy cũng sống trong miền khí hậu nóng và ẩm, nhưng người ta xếp chúng vào loại khác. Sừng trâu châu Phi có gốc lớn khoẻ chắc hơn để chúng dùng làm vũ khí tấn công, nên chúng thường hung hăng, luôn thích chọi nhau, nhầt là những chú trâu đực.

Châu Phi là nơi cư trú của hai loại trâu khác nhau. Tùy theo miền chúng sinh sống mà người ta đặt tên cho chúng để dễ phân biệt. Loại trâu rừng sống hoang dã ở miền nam châu Phi to con hơn, màu đen, gọi là trâu Cape, vì chúng sinh sống nhiều ở miền Cape. Sừng trâu Cape không cong vòng lên, mà dẹp như hai bàn tay ôm lên đầu, rũ xuống hai bên trước khi vươn hai mũi nhọn cong lên. Loại sừng này khi húc vào đối thủ rồi xêu lên gây thương tích cho đối thủ. Trâu Cape có nhiều điểm giống trâu nước ở Ân độ về tính hung dữ, dễ nổi khùng chém càn húc bậy. Vì thế, loại trâu này không thể thuần hoá được, chúng rất hung hăng, dữ dằn và nguy hiểm, có thể tấn công giết hại cả sư tử bằng chân dạp, bằng sừng đâm húc xêu lên. Trâu Cape cũng đã giết hại cả nhiều người săn bắt chúng nữa. Ở miền tây và miển trung Phi có loại trâu hoang dã khác, có liên hệ đến giống trâu Cape trên, chúng sống thành từng đàn nơi miền rừng rú. Một trong những loại này được gọi là trâu Congo, vì chúng sống ở miền Congo. Trâu Congo nhỏ con giống trâu tamarau ở Phi-luật-tân, chỉ cao chừng hơn 1 mét.

Trâu châu Mỹ

Trên vùng châu Mỹ có loại động vật to lớn, ăn cỏ được gọi là trâu Mỹ. Nhưng các nhà động vật học cho rằng nó không đích thật là con trâu nên gọi nó là trâu bison. Nó không giống các loại trâu châu Á, châu Phi. Về hình thức nó có cái đầu to. cổ lớn. vai u cao, thon dần xuống mông, chứ không có bụng to kềnh. Lông trâu bison có màu hung đen, dài và rậm ở đầu và cổ, ở cằm và hầu có lông dài và rậm hơn giống như chòm râu. Trên đầu có cặp sừng ngắn, không có độ cong nhiều giống như sừng bò…Về giải phẫu học, trâu bison có 14 đôi xương sườn, trong khi các loại trâu thật chỉ có 13 đôi. Trâu bison to lớn, con đực dài từ 3 tới gần 4 mét, chiều cao đến u vai cũng phải từ 1m7 tới 1m8. sức nặng một con cân từ hơn 7 tạ đến hơn 9 ta. Có những con to lớn đặc biệt nặng đến 1,3 đến 1,4 tấn. Trâu bison cái thì nhỏ hơn.

Trước kia trâu bison sống trên những đồng cỏ bát ngát ở miền Bắc Hoa Kỳ, từ núi Appalachian phía đông cho đến rặng Rockies phía tây. Người thổ dân da đỏ sống nhờ rất nhiều vào trâu bison. Họ săn bắt trâu bison lấy thịt làm thực phẩm, da trâu thì may quần áo che thân. Trước năm 1850, hai mươi triệu trâu bison làm mưa làm gió trên vùng đồng bằng phía tây. Đường xe lửa qua vùng này thường bị đình trệ hàng giờ, vì phải ngừng khi đoàn trâu bison đi ngang qua đường rầy. Những năm nửa cuối thế kỷ 19, vì muốn tiêu diệt nguồn thực phẩm và đồ che ấm của thổ dân da đỏ, người Mỹ trắng đã săn và diệt hàng triệu con trâu bison, đã có người săn trâu nổi tiếng một ngày giết đến 69 con trâu bison, chỉ trong tám tháng trời anh ta đã hạ sát hơn 8 ngàn con trâu, cứ như thế trâu bison hầu như tuyệt chủng.

Đến năm 1889, cả nước Mỹ chỉ còn không đến 1000 con trâu bison. Nên người ta phải bảo vệ chúng. Đã có luật cấm ngặt không được săn trâu bison, đồng thời phải phát triển đàn trâu bison, nên đến nay đã có được hơn 10 ngàn trâu bison ở Hoa kỳ và 3000 trâu bison trên đất Canada.

Trâu Việt Nam

Tại Việt Nam, trâu đã là sức kéo giúp nhà nông canh tác từ xa xưa. Trâu miền Bắc làm việc cực nhọc hơn trâu miền Nam, vì dù kéo cày, hay kéo bừa cũng chì có một con, nên cái ách trên vai trâu có hình chữ V úp, gọi là cái khuẳm trâu. Trâu miền Bắc phải làm việc suốt ngày. Còn ở miền Nam trâu kéo cày, kéo trục đều dùng hai con, cái ách trên vai thẳng, bắc từ vai trâu này sang vai trâu khác, cây mắc vào cày nằm chính giữa cái ách. Trâu miền Nam thường chỉ làm từ tờ mờ sáng cho đến trưa là được nghỉ. Công việc đồng áng của nhà nông miền Bắc thật là vất vả, như đã được mô tả:

Lao xao gà gáy rạng ngày,

Vai vác cái cày tay dắt con trâu,

Bước chân xuống cánh đồng sâu,

Mất nhắm mắt mở đuổi trâu ra cày.

(Ca dao)

Tuy là vất vả, nhưng nhà nào có con trâu được kể là nhà khá giả, công việc làm cũng không quản ngại, vì đã có con trâu giúp đỡ “trên đồng cạn đưới đồng sâu, chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”:

Trâu ơi ta bảo trâu này,

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.

Cấy cày vốn nghiệp nông gia,

Ta đây trâu đấy ai mà quản công.

Bao giờ cây lúa còn bông,

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

(Ca dao)

Trâu làm việc cực nhọc mà không hưởng hoa lợi, người chỉ mất công chăn dắt, không tốn thực phẩm, trái lại hoa trái do sức trâu chỉ làm giầu cho con người:

Có trâu, sẵn tằm tơ lúa má,

Không trâu, không hoa quả đậu mè.

Lúa gặt cất lên đã có trâu xe,

Lúa chất trữ lại để dành trâu đạp.


Trâu dựng nên nông nọ nỗi kia,

Trâu làm đặng căn trên bồ dưới.

(Lục súc tranh công)

Con trâu thân thiết với con người như vậy, nên người ta đã dùng hình ảnh con trâu làm thành những câu châm ngôn để đời suy gẫm:

-Trâu buộc ghét trâu ăn.

-Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết.

-Trâu chậm uớng nước dơ, trâu ngơ ăn cỏ héo.

-Trâu kén cỏ trâu gầy, trò kén thầy trò dốt.

(tục ngữ)

Nói về con trâu Việt Nam thì còn nhiều chuyện phải bàn lắm. Con trâu đã đi vào chuyện vui, chuyện về xã hội, chuyện về triết lý, chuyện về văn học, v.v… Chúng tôi chỉ xin trưng ra mấy câu ca dao tục ngữ điển hình trên, để quý vị nghĩ đến con trâu nhân năm tuổi của nó.

Trâu lành trâu dữ

Nguyễn Ánh trước khi chiếm ngự ngai vàng, đã phải long đong vất vả, chạy hết nơi này đến nơi kia, ông đã được Đức cha Bá-da-lộc giúp chiếm ngôi vua. Nhưng thời còn bị Tây Sơn săn đuổi vào tận Sài Gòn, Nguyễn Ánh thua phải chạy trốn, đến Rạch Chanh, ông may mắn gặp được con trâu đang đằm dưới rạch, liền nhẩy lên lưng trâu qua rạch, chẳng may trâu hụt cẳng…Trong “Vãn Đức Thầy Vêrô phò tá đức vua Gia Long phục quốc”, Trịnh Khánh Tân đã thuật lại chuyện này:

Tây Sơn nay quyết hằm hằm,

Tàu thuyền chạy riết thẳng nhằm đồn vua.

Súng bắn hung, binh chạy đùa,

Vạn binh, thiên tướng, điều thua bỏ thành.

Vua chạy bộ, tới Rạch Chanh,

Gặp trâu nằm nước, nằm khoanh dưới bùn.

Lên lưng nó lội nửa chừng,

Sông sâu, trâu hụt cẳng chưn nó rày.

Việc này thật rất nên may,

Sấu trừng vua mới bước ngay qua liền.

Sau đó Nguyễn Ánh phải trốn ra đảo Phú Quốc…

Đó là chuyện trâu thời vua Gia Long, thời Việt cộng cũng lưu truyền nhiều chuyện về con trâu. Chúng tôi xin thuật lại một chuyện.

Giáo phận Vinh tuy ở sát vĩ tuyến 17, nhưng năm 1954, lại di cư vào Nam ít hơn các địa phận khác. Giáo dân còn lại tới 73% với 62% linh mục không di cư vào Nam. Chính vì thế mà năm 1956 chịu cảnh đấu tố cải cách ruộng đất dữ dằn. Cộng sản Việt Nam theo lệnh quan thầy Trung cộng lập ra những toà án nhân dân, để đấu tố những người mà chúng gọi là cường hào ác bá, địa chủ bóc lột. Dĩ nhiên các nhà xứ cũng bị cướp hết ruộng nương. Toà Giám mục lại càng là mục tiêu phải đấu tố.

Một giáo dân theo cộng sản, trước anh ta là người canh điền cho một nhà giầu. Anh ta được cộng sản cho chăn giữ con trâu của ông chủ đã bị đấu tố chết. Cộng sản muốn lấy đến ruộng của Toà Giám mục, nên chuẩn bị đấu tố Đức cha.Gioan Baotixita Trần Hữu Đức, đang cai quản giáo phận Vinh. Anh canh điền trên được chọn là vai chính để vu khống tội lỗi cho Đức cha. Bài bản đấu tố anh đã học thuộc, anh còn được tập diễn tấn tuổng rất thành thạo.

Hôm chúng tổ chức đấu tố Đức cha, chúng huy động nhân dân đông đảo đến tham dự, anh giáo gian được cho uống rượu ngà ngà đề có can đảm vạch tội vu khống Đức cha, anh ta làm rất bài bản, tỏ ra được thái độ rất căm thù, rất hỗn xược… Cuộc đấu tố được trên đánh giá là thành công. Anh được thưởng hẳn con trâu đang chăn giữ. Anh canh điền hí hửng về đến ngõ, thấy con trâu đang nằm dim dim thong thả nhai lại cỏ. Anh quát mắng mắng thằng con sao không dắt trâu đi ăn. Rồi anh mở thừng cột trâu, dắt nó đứng dậy, định vuốt ve con trâu đã từng làm lụng với anh trong bao nhiêu năm, bằng những lời hãnh diện vui mừng vì từ nay đã có “con trâu là đầu cơ nghiệp” rồi. Không ngờ, con trâu dùng đầu báng ngang một cái, sừng của nó xâu thâu ngang bụng anh. Con trâu vươn cao cổ bêu anh toòng teng trên đầu nó, hung hãn chạy thằng ra bờ sông, hất anh xuống dòng nước đang chảy xiết. Thế là mất tăm tích một con chiên ghẻ đã xúc phạm đến Đấng đã được xức dầu tấn phong.

Hai chuyện trâu trong hai giai đoạn lịch sử, con nào là trâu lành, con nào là trâu dữ còn tùy theo cách phán đoán của bên thiện hay bên ác. Nhưng người ta thường cho trâu có những đức tính tốt như trung hậu, cần cù chịu khó, làm lụng không biết mệt. Bao đời nay, trâu đã “cày ruộng sâu ruộng cạn cho no”, Mãi cho đến nay nông dân ta vẫn còn phải theo đuôi trâu để làm ruộng, nông dân vẫn là tầng lớp nghèo khổ nhất, mặc dầu cộng sản đã “cải cách ruộng đất” từ năm 1956!!!

Tuổi trâu vất vả

Người bình dân thấy trâu chăm chỉ làm việc khổ cực, mà không kêu ca một lời, nên cho rằng người tuổi trâu là người vất vả. Nhưng sống trên đất Mỹ, nhiều người không có tuổi trâu mà cũng phải cày một ngày hai, ba “gióp“, như thế đâu phải chỉ tuổi trâu mới cực.

Trong Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, chương 15, Cha Đắc-lộ đã viết “Về súc vật thường thấy ở nước Annam”. Khi kể đến con trâu, cha đã viết:

“Trâu thường thì rất cao lớn, vai dô lên, vạm vỡ và rất chăm làm. Chỉ một con cũng đủ để kéo cày, cho dầu cày cắm sâu trong đất. Thịt trâu không đến nỗi xoàng, nhưng thịt bò thì thông dụng hơn và ngon hơn”.

Nhận xét của một linh mục sử gia ngoại quốc, từ những năm đầu thế kỷ thứ 17, về con trâu Việt Nam trên, đã chứng tỏ từ xa xưa trâu đã vẫn chăm chỉ cần cù giúp đỡ nhà nông, cho nên nông dân ta luôn mơ ước có được “ruộng sâu trâu nái” cho cuộc đời sung túc. Nhưng mấy ngàn năm rồi mơ ước ấy vẫn còn là mơ ước.

Kính chúc quý vị một năm mới an khang, thịnh vượng, vạn sự như ý.

Tri Chi